Ăn chơi

Có một bạn đi quán cà phê, không vừa ý, bạn quạu tí tí. Làm tôi nhớ một chuyện từ lâu tôi muốn kể nhưng quên. Bận đủ thứ, tôi bị lôi kéo với nhiều thứ, mỗi thứ kéo tôi đi một hướng khác nhau. Rốt cuộc tôi chẳng làm được cái gì cho ra trò. Cái gì cũng dở dang, không để hết tâm trí vào một việc.

Thật ra cái tựa đề phải viết là ăn trong lúc đi chơi. Tôi là người dễ ăn. Hầu như bất cứ loại thức ăn nào tôi có thể cho vào miệng tôi đều thấy ngon. Hôm nọ tôi có kể, tôi với ông Tám đi chơi ở San Francisco, vào trong một tiệm bán rau cải cá thịt, tìm mua mấy gói mì ăn liền. Không giải thích rõ ràng chắc bạn đọc nghĩ rằng ông bà này hà tiện quá, đã đi chơi xa sợ tốn tiền hay sao mà ăn mì gói. Thật ra, nhiều khi ăn mì gói ngon hơn ăn tiệm.

Một lần tôi đi Canada, thành phố Ottawa. Tôi ở nhà trọ bnb cách trung tâm thành phố vài dặm, lái xe (nếu không đi lạc) chỉ độ mười hay mười lăm phút là đến. Ngày đầu tiên trời hơi nóng, khó chịu. Sang hôm sau nhiệt độ xuống thấp, suốt ngày ở ngoài trời lạnh, tôi thèm ăn món gì có nước như phở, mì, soup, v.v… Bữa trước đi nhìn ngó dọc đường, tôi thấy ở gần chỗ trọ có một nhà hàng có tên K Pho, K Fan. Tôi đề nghị thôi mình ghé nhà hàng này ăn đi. Thấy quảng cáo trên bảng hiệu có bán thức ăn Việt, Thái, v. v… . Kinh nghiệm ăn uống dọc đường gió bụi của tôi cho tôi biết hễ tiệm nào bán nhiều loại thức ăn ethnic (của những quốc gia hay chủng tộc khác nhau) thì thường là không ngon. Ông bà mình nói mà, bá nghệ bá tri vị chi bá láp, thức ăn là tinh túy của văn hóa ẩm thực mà, biết nhiều thứ thì khó giỏi thật giỏi một thứ. Những cái quán ăn hay nhà hàng này cần nhiều khách hàng không khó tính hay đòi hỏi quá đáng sự tinh tế của văn hóa ẩm thực. Ông Tám thử Pad Thái hai lần, gặp chỗ dở hai lần nên nhất định cạch món Pad Thai. Còn tôi thì “I don’t care.” (Không quan trọng) Miễn là tôi được ăn cái gì nóng và có nước.

K Pho K Fan, tôi đoán là tiệm của người Hàn tại có chữ K. Tiệm ở trong một cái strip mall (thương xá bỏ túi) buổi tối có vẻ hẻo lánh. Quán có vẻ bình dân. Khá sạch sẽ. Chẳng nhớ ông Tám gọi món gì tôi gọi phở. Trong đời, tôi chưa bao giờ được ăn một tô phở dở như thế. Có lẽ người nấu phở chưa hề biết hay đã từng nếm qua món phở của người Việt Nam. Thậm chí tôi nấu ăn ở nhà cũng không dở như thế.

Cọng phở còn cứng ngắc, như thể chỉ cho nước lèo vào mà không trụn bánh phở. Phải nói thêm kẻo bạn ở Việt Nam chắc không hiểu. Ở ngoài nước người ta ít có bánh phở tươi nên thường dùng phở khô trụn nước sôi. Nước lèo lạnh tanh loại nước lèo chắc là nấu chung có thể dùng cho cả mì hay hủ tiếu. Vài cọng giá trụn nước nóng, không quế, không ngò. Trong quán có vài cô cậu người Á châu, tôi nghe loáng thoáng cô gái nói họ có phải người Việt không. Người kia trả lời. Không người Tàu. Bây giờ nhớ lại tôi chẳng nhớ họ nói với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Anh. Đầu óc của tôi lạ lắm. Tôi dùng tiếng Anh tiếng Việt trộn lẫn vào nhau, nhiều khi trong vô thức tôi ngỡ là tiếng Việt thật ra người ta dùng tiếng Anh, hay ngược lại.

Tôi chẳng phàn nàn, ráng ăn hết tô phở. Thất vọng không thể nào tả nổi. Chập sau tôi thấy có nhiều cặp trẻ tuổi người da trắng, người Ấn, v. v… . Họ gọi thức ăn Việt. Tôi thầm nghĩ chết thật, về sau người ta sẽ có ấn tượng thức ăn Việt dở như thế này, như ông Tám óc ấn tượng về món Pad Thái. Tôi ghé ngang tiệm tạp hóa đối diện mua hai gói mì khô có sẵn cái chén.  Định bụng cùng lắm thì nấu nước sôi cho vào mì ăn chắc ngon hơn tô phở ở tiệm K Pho K Fan.

Tôi mang nỗi thất vọng về món ăn mạnh đến nỗi bao nhiêu tiệm ăn ở Canada tôi không nhớ tên chỉ nhớ mỗi cái tên của tiệm này. Bạn nào đến Ottawa thì tránh cái tiệm này ra.

Thật ra, đi chơi xa không nên tìm ăn những món ăn Việt, bởi vì mình sẽ không tránh khỏi sự so sánh với những món mình ăn quen miệng.

14 thoughts on “Ăn chơi”

  1. Thật ra trong tiềm thức mình lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ là không có gì lạ hết. Chị ở ngoại quốc lâu hơn thời gian sống trong nước mà. Tiếng Việt dĩ nhiên là giỏi hơn tiếng Anh vì khi sang Mỹ chị đã hai mấy nhưng vì gặp gỡ, làm việc nhiều với người Mỹ nên não bộ thích ứng đó thôi. Tôi đoán rằng chị giống như đa số những người trẻ tuổi có khả năng suy nghĩ bằng cả hai ngôn ngữ Anh,Việt…tuỳ theo đối tượng họ đối thoại. Đây là một “phần thưởng”…vì chúng ta gặp không ít người đã ở Mỹ rất lâu mà rất yếu tiếng Anh.
    Còn văn hoá ẩm thực thì rộng rãi, bao la…nên ngộ nhận là chuyện thường. Rất muốn sẽ chia sẻ thêm với Tám những lần sau. Chúc Tám cuối tuần bình an.

  2. Thường loại nhà hàng tạp lục ghi hàng chữ dưới bảng hiệu chi tiết như :” Chinese and Vietnamese foods” thì bảo đảm món Việt không ra hồn. Chỉ khi nào họ “Vietnamese Cuisine” thì may ra món ăn có phần chính thống thuần Việt đủ để đánh giá là ngon. Nhưng! Cũng tùy, có khi cùng món người trong nhà tay nấu còn khác hương vị, huống hồ người khác tộc.
    Đọc đoạn văn chị ghi :” Lần đầu tiên trong đời được ăn..dở..” mà không nhịn được cười. Chúc ông bà Tám luôn hạnh phúc bên nhau nha.

  3. Ngay cả ở VN, nhiều người cũng không ăn nổi cách nấu của vùng miền khác mà cô. Như người HN vào Nam ăn mấy món bắc cũng phải kiếm những quán có chủ bắc. Mà người Việt còn cực đoan tới độ, hàng nào vừa phở vừa bún, hay bán nhiều loại bún cũng coi là không ngon.

  4. À cháu biết có trường hợp ngoại lệ này. Cháu quen một gia đình người Campuchia gốc Hoa lưu lạc ở VN một thời gian ngắn trước khi sang Pháp. Ở Pháp họ mở 1 nhà hàng thập cẩm Hoa-Cam-Việt. Các món Hoa và Cam thì xoàng nhưng món Việt rất ngon, từ bánh tới bún. Là do cả nhà đều mê đồ Việt 🙂

  5. Cô ơi, mình không gọi phục vụ trụng lại phở cho mềm được hả cô ? Ít ra vẫn nuốt được chứ bánh phở khô mà trụng chưa chín thì không nuốt nổi cô à.

    1. Gọi họ làm lại thì cũng được, nhưng tính cô cũng xuề xòa dễ dãi. Đã lỡ rồi ăn luôn cho nó xong. 🙂 Tuy không chín lắm nhưng ăn cũng được, nhất là sau một lúc nước ngấm nó mềm hơn.

  6. Đi lang thang thế nào cũng gặp, hôm nay hên quá theo Hải Hà được ăn…dở, thấy vui nhiều vì không nhịn được chữ “được” nên phải cười to. Hà viết từ December 10/2016 mà nay Thảo mới thấy!

Leave a comment