Trông theo và ngoảnh lại

Đang ngủ tôi bỗng thức giấc và tự dưng nghĩ đến câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc.

“Đoái trông nay đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.”

Rồi tôi không ngủ lại được, trời lạnh, nhà vắng tôi nằm suy nghĩ cho đến sáng. Tại sao. Đào bới trong trí óc mãi tôi đành cho rằng tại vì tôi xem phim “Five centimeter per second.” Tôi xem phim này từ hồi tuần trước lận mà. Tại sao bây giờ lại trăn trở. Từ hai câu này tôi đi ngược lại trong trí nhớ.

“Lúc ngoảnh lại trông màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.”

Ngoảnh lại chẳng còn thấy bóng người chỉ thấy màu dương liễu và ngàn dâu xanh ngắt.

“Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.”

Chúng ta, những người đã từng yêu, từng chia xa một (hay đôi ba … chục) cuộc tình chắc cũng có đôi lần trông theo hay ngoảnh lại. Có khi cái ngoảnh lại này không để nhìn thấy người yêu mà nhìn về quá khứ của chính mình.

Five centimeter per second (năm phân mỗi giây) là tựa đề một phim hoạt hình Nhật Bản. Hai đứa bé chừng tám chín tuổi đi xem hoa đào nở. Cô bé nói hoa đào rơi với vận tốc năm phân một giây. Hoa rơi như tuyết rơi. Cô bé đi trước, vượt ngang đường rầy xe lửa. Cậu bé đi sau, thanh chắn đường rầy thả xuống, xe lửa sắp đến. Hai người cách nhau một đường rầy. Cô bé nói ước gì chúng ta có thể cùng đi xem hoa đào sang năm.

Hai đứa bé lớn lên theo năm tháng, tình yêu của hai người cũng chớm nở theo thời gian. Suốt cuộc tình cả hai đều bị ngăn cách bởi không gian. Họ cố gắng tìm đến với nhau khi có dịp. Họ viết thư hay message cho nhau nhiều khi không gửi. Nhiều lần họ chia tay nhau. Cánh cửa xe lửa khép lại, kẻ bên trong người bên ngoài. Hai bàn tay chạm lên cửa kính. Kẻ trông theo người ngoảnh lại.

Một đoạn ở cuối phim, khi cậu bé đã trưởng thành. Cô bé mới vừa lập gia đình, dĩ nhiên, với một người khác ở một thành phố khác. Khi đi lấy chồng cô viết thư báo tin. Cậu bé khi trở về thành phố cũ đi ngang đường rầy xe lửa cũ. Có một cô gái đi ngược hướng với chàng. Dáng dấp hao hao với người tình cũ. Chàng tự nhủ “nếu ta ngoảnh lại nhìn chắc là nàng cũng sẽ quay lại nhìn.” Chàng quay lại. Vừa lúc ấy thanh chắn đường rầy hạ xuống, xe lửa đến. Khi xe lửa chuyển bánh đi rồi, người thiếu nữ cũng mất dạng.

Tôi lại nhớ đến phim La La Land tôi đi xem với con gái út. Thật tình tôi không muốn làm kẻ quấy rối chọc giận các bạn. Tôi thấy phim này cũng hay, nhưng không hay đến nỗi tôi phải trầm trồ ca tụng. Khi nói thế này tôi cũng biết phim này được đề nghị tặng rất nhiều giải Oscar. Dĩ nhiên tôi là bà già chẳng có gu ghiếc gì về phim ảnh, nhưng có lẽ vì tôi đã có nhiều cơ hội xem phim hay cũng như đọc được nhiều sách hay. Cái gì nhiều quá cũng đâm ra lờn. Như người ăn ớt, càng ăn càng thấy bớt cay. Tôi cứ nghĩ lấy hết những thứ trang điểm cho cuốn phim như buổi khiêu vũ trên mui xe trên xa lộ, buổi khiêu vũ lãng mạn bay lên trời đầy sao, những bộ thời trang, tiệc tùng Hollywood, phim này còn lại gì? Có lẽ cái còn lại trong tôi là những lần trông theo hay ngoảnh lại của Seb và Mia. Hai người yêu nhau thường thích nhìn nhau, có khi nhìn mình trong mắt người kia. Những lần hẹn hò, khi chia tay, hai người đi hai hướng, đi được một quảng đường, cả hai đều ngoảnh lại nhìn nhau. Và có lẽ cái ngoảnh lại khuấy động lòng người nhất là lần cuối cùng. Mia theo chồng đi ra khỏi quán nhạc jazz của Seb. Nàng biết chàng trông theo. Chàng biết nàng sẽ ngoảnh lại. Và như thế, cả hai (và cả khán giả nữa) biết rằng họ còn yêu nhau.

Chúng ta, có lần ngoảnh lại, không thấy ngàn dâu hay dương liễu. Có khi chỉ là một lá thư, một tấm ảnh, một cái cổng đóng lại, bàn tay vẫy. Hỏi rằng:

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.

13 thoughts on “Trông theo và ngoảnh lại”

    1. Thật là như vậy đó em. Ông nhà chị thỉnh thoảng lại kiêng ăn ớt vì không còn thấy cay. Bỏ một thời gian ăn lại thì thấy cay trở lại.

  1. Xem La La Land cháu có cảm nhận rằng đôi khi câu chuyện người ta chọn để kể không phải là câu chuyện có cái kết hạnh phúc mà là câu chuyện đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng nhất, có thể là vương chút tiếc nuối.
    Cháu cũng thấy phim xem ổn thôi chứ không phải kiểu khiến cháu thích ơi là thích.

  2. những liên tưởng rất hay, Đoàn Thị Điểm dịch hai câu
    ‘Mạch thượng tang, mạch thượng tang
    Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng’
    thành
    ‘Ngàn dâu xanh biếc một màu
    Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai’
    thật vi diệu!
    Cái lòng chàng ý thiếp này xao xuyến đến tận phía bên kia trái đất, có người trông theo và ngảnh lại!

  3. Tình Đầu & Tình Cuối. Tình đầu thời trẻ khó có ai được toại nguyện đi hết đoạn đường dài, vì thế mới thấm và nhớ nhau hoài. Tình Chị Dep Khi Còn Dang Dỡ.
    Cưới Nhau Về Nh…Nh Lắm Người Ơi! J/k.
    Tôi cũng có tình đầu không được trọn vẹn, rồi thời gian thật lâu có lục tự nhiên nhớ lại một mình, riêng tôi không nói lại Tỉnh Cuối nghe, không biết có đúng không?

    1. Ồ thế thì mừng cho Bác đã có tình cuối. Tám thấy có nhiều người tuổi chúng mình vẫn chưa có tình cuối mà vẫn chưa quên tình đầu.

    1. Chị nghĩ cả hai nhân vật đều happy trong hoàn cảnh mới, chỉ là không được happy với người xưa. Và như thế thì cũng hay, chứ nếu họ lấy nhau biết đâu chừng chỉ sáu tháng là ly dị 🙂

Leave a reply to Lytra Do Cancel reply