Lạc vào tranh van Gogh

Thỉnh thoảng mỗi khi có dịp tôi đi xem lại tranh của Vincent Willem van Gogh, người họa sĩ tài hoa tôi ngưỡng mộ đã lâu. Van Gogh có nhiều tranh lắm, dù chẳng mấy ai mua tranh của ông khi ông chưa qua đời. Chỉ riêng hoa hướng dương thôi ông vẽ đến mấy bức. Bình mười lăm hoa hướng dương. Bình mười ba hoa. Bình ba hoa. Thậm chí ngay cả hoa hướng dương khô cũng được mấy tấm. Không thể nào tưởng tượng được gần một trăm năm sau khi ông qua đời, tranh của ông, bức mười lăm hoa hướng dương trị giá mấy chục triệu Mỹ Kim.

Tôi đi ngang qua bức chân dung của ông, xem lại bức Starry Night, nấn ná ở bức Mười Lăm Hoa Hướng Dương, rồi đến bức tranh Đàn Quạ. Ngồi nghỉ một chút phía trước bức tranh Starry Night, tôi cúi xuống xách cái khung vải và giá vẽ chuẩn bị đi tiếp. Tôi đứng trước bức tranh cầu Langlois nơi có đám phụ nữ đang giặt giũ ở chân cầu. Bức tranh này hơi lạ tôi không nhớ là đã gặp lần nào. Tôi nhớ một bức tranh khác, cũng cái cầu Langlois này ở Arles. Đây là một cái cầu “toe-heel” hai nhịp có thể mở ra ở đoạn giữa, (giống như hai cái bàn chân mà những ngón chân ngước lên và gót chân là điểm tựa) cho tàu bè qua lại trên sông. Trên bức tranh ấy có bóng một người phụ nữ cầm dù đen mặc áo đen, hai bên bờ sông là cỏ vàng, bầu trời thì xanh và một phía cầu có hai cây bách mảnh mai và cao vút.

Van Gogh vẽ rất nhiều tranh ở Arles chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chừng mười lăm tháng ông vẽ độ hai trăm bức tranh (paintings) và một trăm bức phác họa (drawings). Đây là một thành phố ở miền Đông Nam của Pháp trong vùng eo biển Provence và Côte d’Azur một nơi nhiều nắng và cuộc sống miền quê rất thanh bình.

Còn đang suy nghĩ về bức tranh cầu Langlois thì bỗng dưng trước mặt tôi là đám phụ nữ đang tắm giặt bên bờ sông cạnh cầu. Họ mặc áo và váy dài, kiểu quần áo của phụ nữ Âu châu vào những năm 1890.

Tôi chào người phụ nữ mặc áo màu cam, trùm khăn trắng, bằng tiếng Pháp.

“Chào Bà. Bà có biết ông van Gogh ở đâu không?”

Người phụ nữ nhanh nhẩu đáp lời.

“Nếu ông muốn gặp van Gogh thì ông ấy mới vừa băng ngang cầu và đi về hướng đồng lúa mì.”

Vừa nói nàng vừa chỉ tay. Tôi leo lên sườn cầu dốc thoai thoải đi về hướng ấy. Nàng nói vói theo.

“Thưa ông. Xin ông nhớ cẩn thận. Ông ấy mới vừa ra khỏi viện tâm thần.”

Nói xong, nàng và nhóm phụ nữ phá lên cười. Tiếng cười vang vọng cả một góc sông và đuổi theo tôi mãi sau khi tôi vượt qua nhịp nối ở giữa cầu.

Đây là một vùng quê rất đẹp. Đúng là nơi gợi cảm hứng cho họa sĩ. Hai bên đường toàn là hoa đủ thứ màu sắc, cây cỏ xanh tươi trong nắng chan hòa. Sau khi vượt qua những ngôi nhà sơn màu tươi tắn, trước mặt tôi là cánh đồng lúa mì vàng rực trong nắng mùa thu.

Ông ấy đang đứng giữa cánh đồng đã được gặt hái và thu dọn ngăn nắp. Tôi chạy vội đến, thở hào hễn. Van Gogh đang say mê vẽ, thật mạnh tay, vì cho dù vẫn còn ở xa tôi đã nghe tiếng bút cào sột soạt trên giấy vẽ.

Tôi hỏi bằng tiếng Pháp. Van Gogh cũng như hầu hết dân Hòa Lan, biết ít nhất là ba thứ ngôn ngữ. Pháp ngữ là tiếng ông thường dùng.

“Thưa, Ông là Vincent van Gogh, phải không?”

Kỳ lạ làm sao ông ta trả lời tôi bằng tiếng Anh, rất thì thầm, đến độ tôi chỉ đoán thôi chứ không nghe rõ.

“Yeah.”

Trông ông có vẻ gì không được yên ổn cho lắm. Ông đội mũ rơm, khuất dưới vành mũ là một miếng băng vải quấn ngang từ lỗ tai bên trái. Thọat trông nó có vẻ như là cái quai để giữ nón cho khỏi bị gió bay.

Ông ta nói như để trả lời với tôi, dù không nhìn tôi. Kỳ lạ làm sao, ông ta dùng Anh ngữ, mà tôi thì không rành lắm cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Và ông không giống như những bức tranh tự họa với nước da nhợt nhạt và màu tóc đỏ hoe của ông. Trái lại trông ông rất giống một nhà đạo diễn xấu trai của Mỹ. Martin Scorsese.

“Anh nghĩ thế nào? Theo tôi, phong cảnh này đẹp đến độ không thể tưởng tượng được đây là cảnh thật.”

Quả đúng như ông nói. Cảnh trí chung quanh tôi thật đẹp. Nắng vàng ươm, đồng lúa mì, rặng bách, mặt trời màu đồng, tất cả tạo thành một bức tranh có màu ấm áp. Van Gogh nói tiếp:

“Hơ! Nhìn ngắm những cảnh trí giống như là một bức tranh thì không thể làm thành bức tranh. Nếu anh chịu khó ngắm nhìn cho thật kỹ, anh sẽ thấy. Tất cả mọi thứ trong thiên nhiên đều có vẻ đẹp riêng của chúng. Khi tôi bắt gặp vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên, tôi chỉ có thể thả hồn của tôi vào trong ấy. Và khi thiên nhiên tràn ngập trong tôi, thì như là một giấc mơ vậy, chúng tự vẽ thành bức tranh. Thật là như thế đó. Tôi đắm chìm trong thiên nhiên. Tôi nhai nuốt toàn thể thiên nhiên một cách ngấu nghiến. Và sau khi tôi nhai nuốt thiên nhiên xong thì bức tranh trước mặt tôi được hoàn tất. Thật khó mà kềm giữ cảm giác ấy trong lòng.

Vangogh nói hăng say, mắt ông đầy vẻ mơ màng. Tôi rụt rè hỏi:

Thế thì ông làm gì?”

“Hả? Thì tôi làm việc, hết sức mình, như là một tên nô lệ. Tôi tự lèo lái tôi như thể tôi là một bộ máy xe lửa.”

Tôi như đang trôi thênh thang trong một cơn mơ. Tôi nghe tiếng còi xe lửa, nhịp máy chạy rập rềnh. Và giữa tiếng máy xe lửa là một bản nhạc dương cầm thật du dương, ngọt ngào. Bản nhạc thật quen thuộc, dường như tôi đã nghe rất nhiều lần, mỗi lần nghe là tôi chìm dần vào giấc ngủ.

Van Gogh thở dài, nhìn lên mặt trời như cố vẽ lại ánh sáng đang chan hòa trên màu vàng của đồng lúa mì. Ông cất bản vẽ, nói lầm bầm.

“Tôi chậm chạp quá, trễ rồi. Tôi tự hoang phí sức mình. Tôi không còn thì giờ để có thể phí phạm. Tôi cần phải vẽ.”

Tôi ái ngại hỏi van Gogh.

“Ông có khỏe không?”

Van Gogh nhìn tôi, có vẻ bực dọc. Tay chỉ vào lỗ tai trái, nơi có mảnh băng.

“Nếu ông muốn biết thì tôi kể cho nghe. Cái này, hôm qua, khi tôi tự vẽ chân dung, cái lỗ tai dường như ở không đúng chỗ, có cái gì đó không hợp với khuôn mặt của tôi nên tôi cắt phăng và ném nó đi.”

Tôi giật mình. Tôi mang máng nhớ báo chí đã có lần đồn thổi về việc van Gogh tự cắt lỗ tai. Hình như ông cãi nhau với một họa sĩ khác, bạn chí thân của ông. Họa sĩ Gaugin. Van Gogh mến ông họa sĩ này lắm, đến độ vẽ cả một bức tranh về cái ghế mà Gaugin đã ngồi. Thảo nào người ta thường nói khi yêu mến người nào người ta tôn thờ cả dấu chân người ấy đi qua. Người khác lại bảo rằng khi ông cắt lỗ tai của mình, ông bọc nó lại và mang đến đưa cho một nàng kỹ nữ. Khi nhìn thấy cái lỗ tai đẫm máu của ông, nàng sợ quá ngã lăn ra bất tỉnh. Sau này người ta còn nói rằng, thật ra không phải ông tự cắt lỗ tai mà là do Gaugin đã dùng gươm đánh đứt lỗ tai của ông. Tiếng đồn rằng van Gogh yêu Gaugin nên đâm ra ghen tuông giận hờn. Nhất là mỗi khi ông say rượu lại càng khó chịu. Gaugin muốn bỏ về Paris nên hai người cãi nhau đến độ thách nhau đấu gươm tay đôi. Gaugin dĩ nhiên không muốn làm tổn thương van Gogh nhưng đao kiếm vốn vô tình, Gaugin lỡ tay làm đứt lỗ tai của Vangogh. Vẫn còn yêu bạn nên van Gogh dấu chuyện này còn Gaugin thì sợ liên lụy đến pháp luật nên hai người thỏa thuận với nhau không bao giờ nhắc đến chuyện này nữa.

Van Gogh có vẻ mơ màng như chìm đắm trong cõi riêng của ông nhưng giọng nói của ông không mấy thân thiện. Người đời thường kể rằng bản tính của ông bất thường. Khi vui ông có thể là bạn tốt, nhưng thường xuyên hay gắt gỏng, quạu cọ, hay cãi cọ với mọi người.

“Mặt trời! Ánh sáng mặt trời thường hối thúc tôi phải vẽ. Tôi không thể đứng đây lãng phí thời gian trò chuyện với anh.”

Tôi ngỡ ngàng nhìn mặt trời. Tôi nghe từ xa xăm tiếng xe lửa hú còi, và tiếng dương cầm rộn rã. Thoắt một cái Vangogh, thần tượng của tôi biến mất. Tôi phải đi tìm ông ta.

Tôi lạc bước trên đường phố hoang vắng và cảnh vật chung quanh tôi không còn là cảnh thật nữa. Tôi đi trong những bức tranh vẽ. Chỉ cần tôi bay lên trên cao nhìn xuống là sẽ nhận ra hoàn toàn là những bức tranh của van Gogh. Tôi đi giữa hàng cây khô dưới ánh mặt trời được phác họa bằng mực đen nâu. Tôi đi giữa đường St. Maries bằng mực nâu đen đáng lẽ phải là bức tranh đầy màu sắc như đã được triển lãm trong viện bảo tàng. Tôi len lỏi giữa hàng cây cổ thụ với màu lá thu ở trên đường Mender, một bức tranh van Gogh vẽ vào cuối thập niên 1880. Tôi lạc vào vườn nho được vẽ bằng mực màu xanh. Trong bức tranh có mấy người phụ nữ làm vườn, nhưng lúc tôi đi tìm van Gogh thì chẳng thấy mấy người phụ nữ của vườn nho. Tôi đi từ cảnh trí này qua cảnh trí khác, đây là bức tranh đường vào làng của Arles đầy màu sắc. Đây là ngôi nhà và vườn hoa. Đây là vườn hoa gần bệnh viện tâm thần. Đây là đường vào làng với cây bách thật to màu xanh dương đậm như trong bức tranh và hai bên đường là cỏ vàng và lúa mì vàng. Tiếng dương cầm như thúc giục tôi chạy nhanh lên để bắt kịp van Gogh. Linh tính tôi cho biết ông sẽ đi đến cánh đồng lúa mì vàng nơi đó có đàn quạ đen. Tôi hầu như bắt kịp ông khi ông đứng trên đỉnh đồi chung quanh là đồng lúa mì vàng. Tiếng quạ kêu quang quác và một đàn quạ đen bay túa lên trời.

Tiếng dương cầm vang vang cùng hòa với tiếng còi xe lửa hú. Tôi tỉnh cơn mộng nhận ra tôi đang đứng trước bức tranh đàn quạ.

Bây giờ thì tôi nhớ ra rồi. Bản dương cầm tôi nghe trong giấc mơ đi tìm và gặp van Gogh là bản Prelude in D-flat Major có tựa đề Raindrop (Giọt Mưa) của Chopin.

Ngày xưa còn trẻ, tôi có thời mơ làm họa sĩ. Tôi rất thích tranh van Gogh, nhưng chính vị họa sĩ có bệnh tâm thần này đã thuyết phục tôi nên bỏ nghề họa sĩ. Tôi nhận ra rằng tôi không có một nét vẽ đặc biệt của riêng tôi. Cái gì làm nên van Gogh? Làm thế nào để người xem nhìn tranh van Gogh mà biết là tranh của van Gogh? Có phải nét vẽ táo bạo, nét màu rực rỡ, một nét vẽ cứng như một nhát dao, đậm và hằn rõ nét như vẽ bằng một nhánh cây, chứ không phải vẽ bằng cọ?

Viết lại một trong những giấc mơ của Akira Kurosawa. “Tôi” là tên nhân vật trong hai đoạn phim ngắn “Crows” và “Vangogh” của Akira Kurosawa. Khi viết lại đoạn phim này tôi nhận ra, có những điều phim có thể nói được nhưng không thể viết ra bằng lời thành văn xuôi. Muốn hiểu tranh Vangogh thì phải xem tranh Vangogh. Tôi copy một vài đoạn trên màn ảnh lúc nhân vật tôi đi tìm Vangogh và so sánh với một vài tấm tranh của Vangogh trong quyển “Vangogh – A Retrospective”do Susan Alyson Stein tuyển chọn và biên tập.

chan-dung-van-gogh-va-bang-vet-thuong-o-tai-trai
Van Gogh chân dung tự họa sau khi cắt đứt lỗ tai bên trái
st-maries-st
Đường St. Maries ở Arles
duong-vao-lang
Đường vào làng Arles ở Pháp
old-vineyard-with-peasant-women-1890
Vườn nho
street-in-saint-maries-1888
Bức phác họa đường St. Maries
road-with-cypress
Cây cypress (cây bách) trên đường làng ở Arles
garden-with-flowers
Vườn hoa
cau-langlois-o-arles
Cầu Langlois

13 thoughts on “Lạc vào tranh van Gogh”

  1. Chào chị HH. Chuyện về cái tai VG thế này. Dạo ở Arles, VG yêu một cô gái điếm. Trong những lần âu yếm nhau, cô gái mân mê cái tai của VG và nói:” Anh có cái tai rất đẹp!” VG tin cô gái nói thiệt. Một hôm, vào ngày sinh nhật cô, VG không có gì tặng. Anh ta bèn cắt cái tai của mình đến làm quà sinh nhật.
    Chuyện thứ hai. Một hôm, có nhà sưu tầm tranh đến mua tranh của VG. ”Ông mua mấy bức?”-” 10”.-” Lấy đi. Tùy chọn”.-” Giá cả thế nào?”-” 100 F/1 bức”. Nhà sưu tầm vào phòng, không cần chọn, lấy ngay 10 bức gần nhất, ném cả đống lên xe.” Dừng lại! Thằng khốn! Mày đối xử với tranh của tao như thế phải không? ”-VG quát.-” Dạ ,dạ, chúng chỉ là vải với gỗ thôi mà!”-” À, lão Theo sai mày đến mua phải không?”-” Dạ phải”-” Tao không cần hạng người mua tranh như mày! Cút ngay!”
    Đó là hai chuyện tôi nghe Osho kể lại. Chúc chị vui.

    1. Osho kể thì tôi đành phải xem là giai thoại, có thể có thật mà cũng có thể không. Osho không được quí trọng ở Hoa Kỳ, dù ông được nhiều nước xem là diễn giả và philosopher. Ngay khi ông đến Mỹ là đã bị giam về tội lường gạt. Chẳng biết có tình ngay lý gian không nhưng nói về mặt tư tưởng người ta nhắc đến ông Thích Nhất Hạnh và Paulo Coelho hơn ông Osho.

  2. Chào chị HH. Ông Osho bị trục xuất khỏi HK là phải vì ông này tự do lắm, chẳng coi Nhà nước hay pháp luật ra gì. Ông định hướng môn đệ của mình sống theo lối sống của ” nhân loại mới”. Nhưng trong khi giảng bài, ông có những chuyện kể rất thú vị . Tôi học thầy Nguyễn Tài Cẩn và ông Osho nghệ thuật giảng bài là đưa rất nhiều ví dụ vào để sinh viên có thể ”nuốt trôi”. Chúc chị vui.

  3. Chào chị HH. Không biết ở chỗ chị, trong thư viện, có quyển ”La vie de Van Gog” (Đời Van Gog) của Henri Perruchot không? Ông này là nhà văn Pháp, thường viết về chân dung và tiểu sử của nhiều danh họa nổi tiếng. Cuốn sách trên đã mở ra cho người đọc cuộc đời của họa sỹ cùng những mâu thuẫn, lo âu và nghi ngờ; những khó khăn mà họa sỹ phải tự vượt trong quá trình tìm kiếm thiên hướng, lối đi trong đời. Tất cả những cái này đã giúp họa sỹ rất nhiều trong việc hình thành những nhu cầu và khát vọng sáng tạo. Những tư liệu trong sách có độ tin cậy cao, nhưng điều này không cản trở nhà văn trong nghệ thuật kể chuyện. Tác giả đã xây dựng chân dung họa sỹ, không khí thời đại mà trong đó, họa sỹ đã sống và sáng tạo. Biết chị là người yêu sách nên tôi mạnh dạn giới thiệu. Chúc chị vui.

    1. Trước khi trả lời comment tôi check với thư viện địa phương thì thấy có quyển này, tác giả này. Tôi đặt mượn sách và đang thầm lo quyển sách dày mấy kí lô.
      Thật ra, tôi không yêu sách, cũng không say mê thần tượng hóa họa sĩ Vincent van Gogh. Tôi muốn viết review cuốn phim Những Giấc Mơ của Akira Kurosawa. Trong khi xem phim thấy những đoạn phim ngắn này khá thú vị (trong đó có giấc mơ đi lạc vào tranh của Vincent Willem van Gogh) nên tôi muốn thử viết lại một vài đoạn thành truyện ngắn. Viết với tôi là một cách để suy nghĩ. Khi thấy mình mệt mỏi, không tập trung tư tưởng, tôi thường chép lại cả mấy trang sách, buộc mình phải đọc chậm lại, đọc từng câu. Viết lại phim thành truyện ngắn, cũng là một cách dựa vào vài chi tiết trong truyện để sáng tác, hay tập sáng tác thì đúng hơn. Tôi muốn khi viết review phim, bạn đọc không thể xem phim nghe tiếng Anh thì có thể đọc bản tiếng Việt để biết cuốn phim rõ hơn. Hôm qua tôi nhận ra là đến bây giờ thì tôi mất hứng khởi để viết review phim. Nhiều khi có đầy đủ chi tiết để viết thành bài nhưng tôi lại đặt say mê vào đề tài khác mất rồi.
      Đã từ lâu tôi cũng muốn đọc kỹ về một họa sĩ thuộc một trường phái nào đó nhưng chưa biết đọc ai. Tôi không đủ say mê về hội họa cũng không muốn đọc về một họa sĩ mà sách vở truyền thông đã khai thác quá nhiều, van Gogh là một.
      Vì muốn sáng tác, tôi đi tìm đề tài, nhiều khi muốn tìm hiểu một cái gì đó tôi đọc theo chủ đề một chút trong quyển sách này một chút trong quyển sách khác, rốt cuộc không xong một quyển nổi tiếng nào để có thể khoe.
      Tôi đang muốn đọc/xem về một nhà làm phim mà ở đây nhiều vô số. Tôi không biết bắt đầu từ đâu, đạo diễn nào. Tôi đang nghĩ đến Martin Scorsese hay Nolan. Tuấn nghĩ sao? Thử giới thiệu vài tên đạo diễn Hoa Kỳ để tôi chọn một?

  4. Chào chị HH. Chị hỏi tôi một câu khó quá. Về các họa sỹ, mình đọc cho vui thôi chị. Vì các họa sỹ, đa phần đều hơi điên điên. Và rất cực đoan. Xem tranh của họ rất thích nhưng mình không thể sống như họ được. Mấy ông bạn họa sỹ của tôi, luôn ăn mặc lôi thôi và ông nào cũng lười tắm, thậm chí còn lười cả đánh răng!
    Về phim. Đây là câu trả lời theo kiểu ”nước chảy ngược” hay ” chở củi về rừng”. Hai ông đạo diễn chị đưa ra, tôi thấy phim của ông M. Scorsese thì bạo lực nhiều quá, e không hợp với người hiền lành như chị. Còn ông Nolan thì xa vời, viễn tưởng quá. Mà mình thì đâu còn tuổi mộng mơ nữa! Tôi thấy phim Mỹ có nhiều phim trữ tình rất hay. Tôi thử kể một số tên phim để chị tham khảo. Ví dụ:” The Bridges Madison County”(DD Clint Eastwood); Love Story (DD Arthur Hiller); Mrs. Duobtfire (DD Chris Columbus); The Parent Trap ; Kramer vs Kramer …Tôi đang đọc lại vở kịch Death of a Talesman (ArthurMiler). Một vài đoạn hơi rối nhưng các nhân vật đều sống rất ảo tưởng dù đời sống thực tế bấp bênh. Người Việt lúc này giống người Mỹ những năm 50 của thế kỷ trước quá!
    Về việc viết. Đơn giản như tập thể dục hàng ngày thôi mà chị. Người ta tập cho thân hình đẹp, còn mình thì luyện viết như thể dục cho tâm hồn và trí não. Vậy thôi. Đúng không chị?
    Chúc chị vui.

    1. Chết thật, lười cả đánh răng, khủng khiếp 🙂 Những phim Tuấn giới thiệu tôi đã xem. The Death of a Salesman tôi cũng đã đọc lâu rồi không còn nhớ chi tiết chỉ nhớ thoại kịch thường khô khan buồn tẻ, mà thoại kịch về những tan vỡ trong gia đình còn nặng nề hơn. Thật ra, tôi rất thích phim hành động, chỉ không thích hình ảnh graphic quá độ. Phim hành động mà cốt truyện hay có special effects hay càng hấp dẫn hơn. Star Wars, Bond 007, tôi đều thích. Lúc sau này tôi tò mò nên xem phim theo từng đạo diễn, tôi cũng lần theo một vài bạn trẻ để xem họ xem phim gì, nghĩ gì. Vì thế chuyện xem, và đọc của tôi cũng lộn xộn bát nháo, chẳng có gout hay biểu lộ một thị hiếu tinh tế. Tôi thích phim anh em nhà Nolan một phần vì sự khai triển tâm lý, trí nhớ, giấc mơ, thời gian, trong phim của họ. Tôi đang vọc phim của Kurosawa và ngạc nhiên thấy mình dừng lại hơi lâu với bộ phim cuối cùng về Giấc Mơ của ông.
      “Người Việt lúc này giống người Mỹ của những năm 50 thế kỷ trước.” Tôi phải tìm hiểu xem điều này, bởi vì cái giống của cả hai người Việt và người Mỹ lại rất xa lạ với tôi.

  5. Bài viết tuyệt vời !
    Mai xin phép lồng bài viết này vào hình ảnh Mai chụp căn nhà của Van Gogh ở Belgique vào blog của mình được không ạ
    thantrinhomhue.wordpress.com/category/tong-mai/
    Cám ơn Hải Hà
    Tống Mai

    1. Chào bạn Tống Mai. Cám ơn bạn đã thích. Xin cứ dùng tự nhiên vì có thêm bạn đọc của Tống Mai thì càng vui.

Leave a comment