Không có chuyện gì để viết

Tối qua tôi nằm xem cái DVD dạy chụp ảnh. Nhìn ra cửa sổ thấy mặt trăng vừa lên, màu vàng đậm thật to. Mấy nhánh cây khô áng trước mặt trăng, tự nhủ. xách máy ra, gắn tripod chụp ảnh mặt trăng chắc đẹp. Nghĩ vậy thôi nhưng lười, vì trời lạnh quá. Nhiều khi thấy vậy nhưng chụp không được như vậy.

Tôi đi ngủ sớm, tám giờ là lên giường. Khách đến hỏi bà đâu, ông nói bà đi ngủ sớm, khách cười. Chắc nói thầm ngủ như gà. Đi ngủ sớm nên dậy sớm. Tôi chỉ cần ngủ sáu tiếng là đủ rồi. Hai giờ khuya nằm trên giường, nghĩ đến mấy câu hát. “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi.” Câu hát thì như thế. Cố nhân thì không chỉ có một người, kẹt cái mình chỉ nghĩ đến những người không nghĩ đến mình, hoặc nếu có thì mình cũng chẳng biết. Và đời thì cũng chẳng buồn, tôi sống trong ngập tràn của hạnh phúc. Nếu thỉnh thoảng có buồn cũng chỉ vì nghĩ đến hai đứa con ở xa.

Nằm mãi đến ba hay bốn giờ. Hôm nay đã đổi giờ thành saving time nên dậy sớm một tiếng. Nhìn ra cửa sổ thấy ánh trăng, rừng khô tiền kiếp, đất đóng băng trắng, lại nghĩ một câu thơ khác. “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh.” Phải ở cái xứ giá băng này mới thấy cái lạnh của màu trăng khuya. Thức giấc giờ này người ta có thể nấu nước pha trà để có thể nhìn thấy vòng lửa màu xanh của lò ga và tiếng nước reo trong ấm phá tan sự im lặng, rồi người ta có thể uống trà giữa small hours 🙂

Lạnh nhưng không cô đơn vì giữa khuya vẫn có mấy con mèo. Loài mèo hoang chịu lạnh rất giỏi. Chưa sáng mà đã chờ ngoài cửa sổ để hát sonata. Lúc này con mèo Ginger và Boyfriend đến mỗi ngày. Còn có một con mèo đen tuyền, và sáng nay nằm ngủ trong ổ của Boyfriend là một con mèo mướp.

Hôm nọ thấy có bạn tâm sự, yêu một thành phố nào đó rất nhiều nên xem thành phố ấy là của bạn ấy. Tôi như cái cây bị bứng mất rễ không mọc được ở chỗ khác. Tự hỏi mình sống bao lâu ở một thành phố, một quốc gia thì có thể thấy quốc gia ấy là của mình, thành phố ấy là của mình?

18 thoughts on “Không có chuyện gì để viết”

  1. “Tự hỏi mình sống bao lâu ở một thành phố, một quốc gia thì có thể thấy quốc gia ấy là của mình, thành phố ấy là của mình?” –> bị thích câu này, mà không hiểu vì sao ạ!

  2. Câu hỏi ấy là câu hỏi chung của những người di dân dù đi ra xứ người hay chỉ chuyển dịch từ thành phố này sang thành phố khác trong nước.

    1. Cháu còn trẻ quá nên câu hỏi này không thích hợp bây giờ. Chừng vài (chục) năm sau có thể cháu sẽ thấy gắn bó với một nơi chốn nào đó. Có người đi đến một nơi xa lạ bỗng thấy đó là nơi thích hợp để xây dựng cuộc đời và gia đình rồi “xin nhận nơi này làm quê hương.” Biết đâu sau này cháu sẽ cảm thấy như vậy.

  3. Em cũng ngủ sớm nên thức sớm, thức mà cứ nằm nên lâu lâu nghe tiếng mình ngáy. Em hoảng lắm và rằng mình bị bệnh ngáy lúc nào? Em thích câu tự hỏi cuối cùng của chị. Câu hỏi nhiều trăn trở tưởng đơn giản hóa ra đầy tâm sự. Chị làm em nhớ đến cuốn sách “Cội rễ”. Cám ơn chị, em đi tìm cuốn đó đọc lại nha.

  4. Câu cuối cô viết làm cháu nhớ tới một câu trong “Nếu biết trăm năm là hữu hạn?”, rằng “Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?”; người viết nêu đại ý rằng câu hỏi không nhằm đo đếm thời gian, mà là ngầm khẳng định, bất kể bao lâu thì người đi xa xứ trước sau rồi cũng sẽ nhớ nhà. Cũng không hiểu tại sao cháu lại liên tưởng như vậy nữa 🙂

    Tuổi cháu còn nhỏ, kinh nghiệm sống không nhiều, nhưng với câu hỏi cuối ấy của cô, cá nhân cháu nghĩ tới một khoảnh khắc sống ở thành phố không phải quê hương mình nhưng mình lại có cảm giác yêu nó rồi, thì có lẽ thành phố ấy có thể được tính là “của mình” rồi không? Dù chỉ là một phần nhỏ nào đấy :3 Nếu như không tính tới chuyện còn liên kết ruột thịt máu mủ, thì hiện giờ cháu yêu thành phố cháu đang sống hơn là nơi cháu sinh ra 🙂

    1. Cám ơn cháu. Câu trả lời thật hay. Và hạnh phúc thay cho những ai đến một thành phốlạ (trước lạ sau quen, và thân) nhận ra mình phải lòng cái thành phố ấy, yêu mến cái thành phố ấy. Có những người sống ở một nơi, trong một thành phố của một quốc gia mấy mươi năm chưa từng yêu cái đất nước này. Như một người đã còm trong bài này, ở gần hết một đời người ở một nơi nào đó thấy ngày càng xa lạ. Cô ở Hoa Kỳ 36 năm, vẫn chưa thấy “yêu” cái nơi này, ở vì nhiều thứ ràng buộc, vì cần thiết, có những ngày mệt mỏi, có những ngày bực bội không vui, appreciate một chỗ dung thân, thích thời tiết phong cảnh, nhưng có những ngày cũng nhận ra mình không yêu nó đến độ xem nó là của mình. Bây giờ cũng như tự bao giờ, “nó” là của người ta, mình sống nhờ, trân trọng, giữ gìn, nhưng nó chưa bao giờ là của mình cả.

  5. Đồng cảm với Bà Tám chỗ câu hát “có những đêm về sáng…”, câu hát hay nhưng chẳng ăn nhập gì với “tôi sống trong ngập tràn hạnh phúc”. Đọc và thấy vui chị ạ. ❤

  6. Kính gửi chị HH. Chị có một ngôi nhà đi khóa về mở, một người chồng như ngọn lửa thời gian, một công việc cần thiết như hơi thở, hai đứa con ngoan, một thư viện lâu không vào thấy nhớ, một con đường, một chuyến tầu với bao chuyện vẩn vơ …cùng rất nhiều cái ”một” khác nữa. Chị cứ thử hỏi các nhà triết học xem. Chắc ai cũng nói, chị là người hạnh phúc.
    Có một nhà văn Nga tên là Ivan Bunin. Năm 1918, ông bỏ nước Nga cộng sản, sang sống ở Pháp. Nhưng ông vẫn viết về nước Nga, người dân Nga với những ký ức trong lành. Ông được giải Nobel năm 1933. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác. Tôi rất thích một đĩa hát phổ thơ ông, có tên:” Theo những con đường tuyết, tôi trở về nước tôi”. Chúc chị bình yên.

    1. Cám ơn Tuấn, thư viện địa phương của tôi cũng có sách của ông này. Thật là khó tin nhưng có thật. Tôi thêm tên ông vào danh sách đọc dài thòn của tôi không bao giờ chấm dứt cả.

  7. Chào chị HH. Cảm ơn chị nhiều vì được chị đồng cảm và chia xẻ. Tôi yêu nước Mỹ vì ở đó vẫn còn những thư viện. Tôi nghĩ, thư viện tỏa ra từ trường tốt lành cho thành phố, cho người dân. chúc chị vui.

    1. Người ta có thể ghét nước Mỹ về nhiều điều, nhưng sẽ yêu thư viện của nước Mỹ. Junot Diaz trở thành nhà văn phần lớn là nhờ đọc sách ở thư viện công cộng lúc còn bé ấy. 🙂

  8. Ngày bé tôi cũng sống nhờ thư viện. Cái hay là: mỗi lần chỉ được mượn hai cuốn. Đọc xong, viết ” thu hoạch” (cảm nhận về nội dung một cuốn). Khi trả, đưa Ban Giám đốc duyệt. Nếu ”OK”, họ mới cho mượn tiếp. Chính điều này dạy tôi rất nhiều. Những thư viện đó, nay không còn nữa. Cảm ơn chị đã giới thiệu Junioz Diaz. Chúc chị vui.

  9. Chị ơi, em đọc trang “Thu” của chị, em thấy thích nên viết lại một số ý tưởng của chị bằng tiếng Anh. Em viết ngắn thôi và đăng trên blog. Chị cho phép em nha.

    Autumn

    My favorite season is autumn. Autumn is the season of painted leaves. Leaves start to change colors from red to orange to yellow. The most abundant color is yellow. The dead leaves and dry grass are all bright sunny shades of yellow. Autumn always fills us with longing. It makes us reminisce about the past. It inspires poets and musicians. Autumn is the season of chrysanthemum flowers that are sold everywhere. It is the season when kids go back to school after three months of vacation. There are days when I see a rainbow on the way to work. Above the rainbow where flocks of blue-feathered birds fly, real dreams come true. It’s quite cold and foggy. The gray of autumn makes me tired and I just look for a dark warm corner to curl up in a blanket and sleep. At the end of autumn, the roads fill with dry leaves up to the knees as written in the poem by Lưu Trọng Lư ” A golden deer bewilders as it jumps on dry yellow leaves”. I want to borrow a song about autumn that touches my heart. It was written by Lam Phương. ” There are so many yellow leaves in deserted forests. I have so much sorrow”. For me, autumn is bittersweet because it reminds me of the beautiful sadness of life.

Leave a comment