Hai cuốn phim

Tuần vừa qua tôi mượn rất nhiều phim ở thư viện có nhiều phim thuộc loại lãng phí thì giờ. Thí dụ như hai tập phim Brakhage. Đây là loại phim avant-garde tôi xem không nổi, càng xem càng hoa mắt chẳng biết nó nói gì. Một phim ngoại quốc của nước nào không nhớ “The Short Story of Love” xem được nhưng nếu kể ra thì hơi kỳ cục. Có hai phim đáng nhắc đến là “1984” và “The Artist and the Model.”

“1984” xem lâu rồi giờ xem lại. Xem lại vì báo chí cứ nói vào thời đại của Tổng thống Trâm nên xem lại phim này. Tôi thấy nếu so “1984” với chính sách cai trị của ông Trâm ngay lúc này thì hơi quá đáng. Xem “1984” tôi tưởng tượng đến VN trong những năm sau 1975 nhiều hơn. Nhất là ở chỗ hai nhân vật chính hẹn hò nhau lần đầu nàng mang tặng chàng cà phê, đường, sữa, và trà. Còn ở bất kỳ thời đại nào ở bất kỳ quốc gia nào, có một ý tưởng của Orwell trong quyển “Animal Farm” có thể rất gần gũi với người xem và người đọc, đó là, tất cả thú vật đều bình đẳng, tuy nhiên có vài con thú được quyền bình đẳng nhiều hơn mấy con thú khác.

“The Artist and the Model” dịch là “nghệ sĩ và người mẩu” là phim của đạo diễn Fernando Trueba. Cùng viết phim bản với Trueba là Jean-Claude Carrière. Chuyện xảy ra vào mùa hè năm 1943, Pháp bị Đức chiếm đóng. Ở gần biên giới Pháp và Tây Ban Nha, có một điêu khắc gia; Marc Cros đã lâu không còn nắn tượng nữa. Một buổi sáng bà vợ của ông, Léa Cros, ra chợ gặp một cô gái Tây Ban Nha, tay chân trầy trụa, người có vẻ mệt và đói. Nhìn thấy vẻ đẹp của nàng bà nghĩ có thể chồng bà sẽ muốn dùng nàng làm người mẩu khỏa thân.

Phòng sáng tác của Marc ở trên đồi cao, rừng vắng. Mercè, cô người mẩu, được trả lương và trú ngụ ngay trong studio này. Nàng phát hiện có một người du kích Tây Ban Nha chống Đức và nàng giúp đỡ che dấu anh chàng. Nét trẻ trung và vô tư của nàng làm sống lại sức sáng tạo và cả những cảm giác trần tục của nhà điêu khắc. Ông nắn bức tượng khỏa thân của nàng và đó cũng là tác phẩm cuối cùng của ông.

Phim trắng đen rất đẹp. Cốt truyện không mấy thuyết phục tôi. Phim đưa ra một vài câu hỏi để người xem suy nghĩ. Thí dụ như nhà điêu khắc bảo rằng hai bảo bối tuyệt vời nhất của Thượng Đếlà vũ trụ và đàn bà. Bà Eva là người yêu của Thượng Đế và là mẹ của Adam. Khi người nghệ sĩ không thể sáng tác được nữa thì đi tìm cái chết. Còn một điểm quan trọng nữa vậy mà tôi quên không nhắc. Carriere cho rằng, người nghệ sĩ không nhất thiết phải theo một khuynh hướng chính trị nào cả, tất cả chỉ dành cho cái đẹp của nghệ thuật, mà cái đẹp của người đàn bà, người mẩu là cái đẹp của nghệ thuật.

Tóm lại, tôi đang bí đề tài, nên viết nhảm.

“The Short Story of Love” (Tình Yêu Ngắn Ngủi thôi để dịch cho văn hoa thì dịch là Tình Trong Phút Giây) nói về một cậu bé nhà nghèo, yêu một cô gái điếm rất đẹp. Cô điếm này tuổi có thể gấp đôi tuổi cậu bé, nhưng tình yêu thơ ngây của cậu làm rung động trái tim cằn cỗi đầy hoài nghi của của nàng. Nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là một thứ tình ngắn ngủi.

13 thoughts on “Hai cuốn phim”

  1. Điều mỉa mai thú vị là cuốn “Animal Farm” cũng từng được dịch và xuất bản rộng rãi ở Vietnam đó cô. Tựa sách là “Trại Súc Vật”, vài năm trước đã bị Nhà Sản cho thu hồi và cấm tái bản 🙂

  2. Chào chị HH. Cảm ơn chị đã xem phim ”Artist and Model”. Ông thầy tôi là Jean Claude Carriere đó chị. Ông là tác giả kịch bản của khoảng 50 phim truyện điện ảnh, rất nhiều kịch bản sân khấu. Ngoài ra ông còn viết khảo cứu về thiên nhiên – địa lý, tôn giáo, truyền thông v.v…
    Cốt truyện của phim châu Âu nói chung và phim Pháp nói riêng không chặt chẽ như phim Mỹ. Người Pháp luôn lo lắng vè sự ảnh hưởng của phim Mỹ trên toàn cầu. Nhưng ở Paris, phim Mỹ có nhiều khán giả hơn phim Pháp. Chúc chị luôn khỏe mạnh, bình an và đi qua một mùa đông mệt mỏi. Người châu Âu có câu tục ngữ :” Trong thiên nhiên không có thời tiết xấu”.

    1. Trong thư viện địa phương của tôi có 27 phim của ông Carriere. Có một phim tôi rất ghét, là phim dựa vào tác phẩm của Kundera 🙂 Chắc Tuấn là người giới thiệu phim The Artist and the Model nên tôi xem, thế thì phải cám ơn Tuấn chứ. Ngày mai là tôi mang về một số phim của Robert Altman. Từ từ tôi sẽ quay trở lại với phim của ông Carriere. Cám ơn lời chúc, tôi tuy già nhưng còn gân lắm. Lội tuyết lún đến ống chân suốt năm tiếng đồng hồ đó.

  3. Chị ơi, tôi không phải là người giới thiệu phim đó đâu. Phim chị rất ghét chắc là phim The unbearable lightness of being”, (Đời nhẹ khôn kham), dựng theo tiểu thuyết của M. Kundera. Đúng là ông J.C. Carriere là tác giả KB. Nhưng chị biết không, phim lúc đầu giao chọ DD Milos Forman, song vì một số lý do, DD Mỹ Philip Kaufman nhận làm. Khi làm xong, Kundera xem, phát hoảng, không dám nhận là tác phẩm của mình nữa (dù ông làm cố vấn). Ông đòi xem KB. Và khi đọc xong KB, ông thốt lên :” Đây mới chính là phim của tôi”. DD Mỹ đã lược bỏ và sửa chữa KB rất nhiều, chuyển KB từ phim nghệ thuật thành phim thương mại; thậm chí diễn viên của bốn nước là Anh, Pháp, Thụy Điển và Hà Lan cùng đóng. Tiểu thuyết mang nhiều tính triết lý về tình yêu, tình dục, lý tưởng cũng những quan niệm khác nhau trong bối cảnh xã hội bức bối. Tôi cũng đã xem phim này và không nhớ gì. Viết thư hỏi thầy, ông cũng rất buồn, nhưng luôn lạc quan, hài hước. Ông có kể cho tôi vài chuyện bếp núc trong quá trình làm phim. Nghe thú vị hơn phim. Chúc chị vui.

    1. Tôi thường xem phim trước để thử coi nó có đủ hấp dẫn tôi đọc quyển sách hay không, vì tôi cho rằng người ta chỉ chọn sách hay để làm phim. Xem phim thì chỉ mất hai giờ đồng hồ là tối đa. Sau này tôi thấy chọn kiểu này là sai lầm, tại vì phim và sách có cái hay khác nhau. Tôi biết là người Mỹ hay lợi dụng các phim ngoại quốc để làm phim thiên về tình dục có lẽ tránh được rating và kiểm duyệt dễ hơn. Tuy nhiên sex scenes của phim The Unbearable Lightness of Being hơi thô kệch so với thị hiếu của tôi. Cả phim L’ Amant theo sách của bà Duras cũng vậy. Thật ra tôi có thị hiếu khá cổ hủ, càng già càng bảo thủ. Tôi xem phim được một chốc thấy không ưa nên tắt phim, không đọc sách, về sau tình cờ đọc cả hai cuốn của Kundera và Duras đều thấy hay nên biết quan niệm của mình là sai lầm. Cám ơn Tuấn đã kể những giai thoại về ông thầy Carriere này.

  4. Chào chị HH. Chị có biết không, khi bà Duras xem phim do DD J. J. Anaud làm, bà đã quát lên:” Thằng mất dạy! Tao có phải là người khao khát sex như thế đâu!” Nhưng ông DD giải thích:” Tôi làm phim để giải thích cho con gái tôi hiểu thế nào là sex. Nó mới 15 tuổi”. Xung đột giữa DD và nhà văn còn kéo dài. Tôi thấy trong phim có rất nhiều hình ảnh ấn dụ, ý tứ sâu xa nên thường sử dụng để dạy SV. Nhưng hiện nay tôi đang rất chán dạy học vì SV không chịu đọc, không thích xem, không thích học, không có năng khiếu. Họ chỉ thích tiền và nổi tiếng .

    1. Cám ơn Tuấn. Tôi không biết giai thoại này. Tôi thích quyển sách của bà Duras, cứ nghĩ về già (quyển này được giải thưởng văn học Pháp lúc bà Duras 70 tuổi) mà viết được một quyển sách như thế thì chết được rồi. Tôi là học trò thích đọc sách xem phim lắm, nhận tôi làm học trò đi nhé. Chỉ cho tôi xem những ẩn dụ trong phim này đi, tôi sẽ xem lại.

      Tôi nghĩ các em học sinh cần nhiều năm nữa để hiểu họ muốn gì, và tìm thấy chính họ. Dạy học đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Tôi phục những người dạy học vì tôi không kiên nhẫn. Thật ra những người làm nghệ thuật sáng tạo không nên làm nghề gì trói buộc from 9 to 5 cả, nó sẽ giết chết sự sáng tạo. Tuy nhiên, dạy nghệ thuật sáng tạo vẫn là the best option bên cạnh công việc sáng tạo. Tiền và nổi tiếng thì ai cũng thích cả 🙂

  5. Chào chị HH.Trong giới nghệ thuật và khoa học, không cứ người Việt, mà người nước nào cũng cãi nhau nhiều lắm. Ngày trước tôi học khoa văn, thấy các thầy cô cãi nhau về chuyên môn, tôi bỏ ra ngoài. Một thầy dạy ngôn ngữ, đến bên , nói:” Tôi biết anh mới về. Buồn. Nhưng phải cãi nhau như thế nới là văn, anh ạ”. Tôi không thích kiểu ấy. Sau này, các thầy mời về trường cũ dạy, tôi sợ. Nhưng run rủi thế nào, tôi vẫn phải đi dạy làm phim.
    Trong phim ” Người Tình”, có những cảnh mang tính ẩn dụ (metafor) rất hay. Ví dụ: Phim bắt đầu bằng cảnh con phà qua sông. Ý nghĩa của nó là cô gái sẽ sang một bến bờ mới. Khi hai người lên bờ, cô gái ăn bánh rán, mà không phải thứ gì khác. Cảnh này nói: Cô còn rất trẻ, giữa trẻ con và người lớn. (Câu hỏi: Tại sao anh không tặng hoa mà mua bánh rán?). Khi cô gái thấy người thiếu phụ Pháp ngồi trong xe. Tại sao họ không hỏi nhau (đồng hương) ? tại sao cô gái đi ngang qua, không cận cảnh? Tại sao cô gái kể chuyện tin đồn về mối tinh của chị ấy bên Lào? Và cô ấy lúc đầu không tin, sau lại tin? Khi cô nhìn lại, thấy bóng thiếu phụ Pháp đứng bên phà, cầm ô. Hình ảnh đó rất đẹp, như đồng dạng với hình ảnh cô lúc trước. Nó vẫy gọi cô theo hình mẫu đó. Những đối thoại và hình ảnh cho thấy, cô gái sẽ yêu anh chàng người Hoa. Và tình yêu của cô rất cô đơn. Cô phải bấu víu vào một câu chuyện mơ hồ để làm điểm tựa. Khi chiếc xe lao qua ổ gà, cạnh cột cây số, nước bùn bắn lên chữ ”Sai Gon”, cảnh đó có ý nghĩa báo hiệu, chuyến này lên SG, cô gái sẽ bùng nổ đây… Nói chung, trong phim rất nhiều cảnh ”ý tại ngôn ngoại” như thế. Tôi kể dở. Và kể ra hơi dài dòng.
    Tôi rất quý ông Sơn Nam. Cố vấn phim này. Khi đạo diễn muốn tìm một cố vấn người Việt. Nhiều ứng viên tham dự. Ông chỉ hỏi:” Sông Nam bộ khác sông Bắc và Trung bộ thế nào?” Chẳng ai trả lời được. Mỗi ông Sơn Nam. Ông đáp gọn lỏn:” Sông Nam bộ có lục bình trôi”. Chị thấy tuyệt vời chưa? Lại nhớ một phim do đạo diễn CS làm. Sông Hàm Luông (Bến Tre) phẳng lỳ, sạch bong. Mà ông đạo diễn này đang sống ở SG đó chị.
    Thôi, kể ra thì nhiều chuyện chán lắm. Chúc chị vui.

    1. Cám ơn Tuấn đã chỉ cho những ẩn dụ. Không nói thì tôi chẳng để ý. Tôi ngại xem lại cảnh yêu đương của hai người. Giá mà người ta bớt nó đi một chút chỉ cho thấy hai người hưởng thụ một buổi chiều trong phòng tối có máy lạnh trong lúc bên ngoài chợ búa ồn ào ánh sáng gay gắt. Tôi cũng thích đoạn mở đầu phim, cái áo lụa cũ quá trở thành mỏng te, cô gái rất trẻ trong truyện là 13 (hay 15?), đôi giày cũ có đính cái gì đó lấp lánh, và cái mũ panama. Tôi mê cái mũ ấy nhưng tôi đội vào trong nhà quê giống như mấy ông già Mễ, không phải ai đội cũng đẹp.

      Trước kia tôi cho là chi tiết người đàn bà Pháp có người tình Lào (phải không?) là chi tiết hơi thừa trong quyển sách, nhưng bây giờ Tuấn nói thì tôi phải nghĩ lại.

      Nói về chuyện chi tiết trong phim. Đạo diễn Mỹ cũng khù khờ cho người Việt mặc đồ Tàu hoài đó chứ.

  6. Chị HH ơi, những cảnh làm tình, tuy ở Chợ Lớn, nhưng đều được dựng ở Paris. Cô gái cũng có người đóng thế. Những cảnh đó mãnh liệt như vậy, tôi nghĩ, đạo diễn có ý đồ. Có thể đây là tình yêu của hai người thiểu số, cô đơn nên họ đến với nhau cùng nhiệt ?Cũng có thể, đây là tình yêu của hai người khác chủng tộc nên họ hút nhau mạnh hơn? Và theo hiệu ứng ”Romeo & juliet” thì tình yêu càng bị ngăn cấm, người ta càng tìm cách đến với nhau? Cảnh này dựng giữa chợ cũng có ý nghĩa. Lúc đầu nó là cuộc mua bán, nhưng sau đó sẽ là tình yêu. tôi cũng rất thích những đồ vật của cô gái. Suy cho cùng, đã là người đẹp thì khoác bao dứa lên người cũng đẹp.
    Tôi thấy chi rất tinh tế và lão luyện trong việc cảm nhận. Chúc chị luôn vui.

  7. Cám ơn Tuấn đã cẩn thận giải thích. Như đã nói tôi thuộc loại bảo thủ, nhưng có lẽ có dịp sẽ xem lại phim. Về câu suy diễn có thể vì họ là người thiểu số nên họ yêu nhau cuồng nhiệt hơn, thì tôi xin thêm vài từ “vì người châu Âu nghĩ, người thiểu số (da màu) yêu cuồng nhiệt hơn.” Đó là quan niệm lâu đời của người Mỹ và Pháp. Cô gái trong phim lúc ấy chưa yêu, cô cần tiền, thích được chiều chuộng, và exercise cái quyền lực trong thân xác trẻ trung của cô khi biết mình có thể sai khiến anh nhà giàu kia. Mãi về sau cuối quyển sách, hay lúc về già bà Duras mới cho nhân vật của bà nhận ra đó là tình yêu. Hay đó có thể là tình yêu.

Leave a comment