Vài dòng về uất kim hương

Tulip hay uất kim hương được ca ngợi lần đầu tiên từ những dòng thơ của Hafis (1327 – 90) nhà thơ lớn xứ Ba Tư. “Hãy nhìn những đóa uất kim hương, đầy đặn như đôi má của những nàng thiếu nữ, vươn lên giống như những cái cốc đầy màu sắc mời mọc người ta nâng lên môi nhấp từng ngụm rượu.”

Uất kim hương được xem như lời tỏ tình. Truyện xưa kể rằng hoa sinh ra đời bởi một giọt máu: “Chỉ mới đầu mùa xuân, uất kim hương đã nâng lên cái cốc màu đỏ của nó khi Ferhad chết vì tình yêu của Schirin, nhuộm đỏ cả sa mạc với những giọt nước mắt rơi từ trái tim chàng.”

Uất kim hương mọc thẳng, hướng lên trời và được xem là loài hoa của mặt trời. Hoa quay theo hướng mặt trời và khép cánh lại vào lúc hoàng hôn. Uất kim hương không được nhắc đến trong huyền thoại, luôn luôn bị xem là tượng trưng cho vật chất xa hoa của trần thế. Khi gia nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, đã trở nên loại hoa đắt giá nhất trong các loại hoa. Các nhà sultan của Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời Osman, đã chọn uất kim hương làm huy hiệu của triều đình. Thế kỷ thứ mười tám, khi lòng ngưỡng mộ hoa uất kim hương ở điểm cao tột độ; lễ hội uất kim hương được tổ chức trong vườn thượng uyển của các vị sultan. Hoa có nhiều loại, được đặt cho những cái tên rất kêu, như “Giấc mơ hạnh phúc”, “Bí mật vĩnh cữu” và “Thần dược tình yêu”.

Loại hoa này được mang đến Vienna (Áo) vào năm 1554 với Ghiselin de Busbeqc. đại sứ Áo vào triều đình Süleyman và vào thời gian này hoa uất kim hương được gọi là tulip. Đại sứ Busbeqc tưởng tên gọi của hoa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là “tülbend”, nhầm với cái hoa được gắn trên khăn quấn trên đầu màu đỏ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Thật ra loài hoa này có tên Ba Tư là “lalé”.

Giới thương gia và học giả là những người đầu tiên đã mang uất kim hương vào Netherlands từ sau năm 1593. Uất kim hương có giá trị (tiền bạc) đến độ người ta có thể đánh đổi nhà cao cửa rộng và những chuyến tàu chở đầy hàng hóa với vài ba củ rễ uất kim hương, xem chúng như là bằng chứng của sự giàu sang. Quan trọng đến độ “ülbend” được Rembrandt mang vào những bức tranh vẽ hoa và tĩnh vật. Khi quốc hội Hòa Lan ấn định giá của hoa uất kim hương vào năm 1637, thị trường uất kim hương bị sụp đổ và nhiều người bị tán gia bại sản. Chẳng ai ngạc nhiên khi uất kim hương trở thành biểu tượng chính của vanitas.

Định nghĩa của vanitas là một bức tranh tĩnh vật, loại tranh của người Hòa lan vào thế kỷ mười bảy, chứa đựng biểu tượng của cái chết hay một sự thay đổi lớn lao, nhắc nhở đến khía cạnh phù du của cuộc đời. Thế kỷ thứ mười bảy, trong tranh vẽ, hoa uất kim hương thường được đặt bên cạnh những cái xương sọ, bị xem là kiêu ngạo và phô trương, thô cứng và lạnh lùng. Loại hoa không có hương thơm này luôn luôn mang một vẻ xa cách. Không được nằm trong danh sách các loại hoa có huyền thoại, hoa cũng không là bạn của các nhà thơ. Thi sĩ không bao giờ mang uất kim hương vào trong đáy trái tim của họ. Tuy nhiên loài hoa “lalé” này đi vào trái tim của thường dân. Giới dân giả xem hoa uất kim hương là biểu tượng của mùa xuân và là biểu tượng của cuộc sống sau khi chết.

u1
u2
u3
u4

7 thoughts on “Vài dòng về uất kim hương”

  1. Hồi bé, tầm 7 – 8 tuổi, khi xem Tv cháu từng rất thích cảnh những cánh đồng hoa Uất Kim Hương bao la. Thích đến độ vẽ hoa ở mọi nơi, khắp trang sau mấy cuốn vở. Uất Kim Hương cũng được cái dễ vẽ, thân thẳng, cánh to, loe nghoe vài cái lá dài dài là xong.

    Sau này thì chẳng hiểu sao nhìn Uất Kim Hương chỉ thấy nhàn nhạt. Vẫn đẹp, nhưng cảm giác vô hồn cô Tám ạ, cháu nghĩ thế 😀

    1. Có lẽ khi chúng ta lớn lên thì chúng ta đều thay đổi. Cô cũng thích màu sắc rực rỡ của những luống hoa tulip. Tính cô ưa màu sắc, màu đậm màu nhạt, kể cả trắng đen (hai thứ này có thể gọi là màu không). Tulip có màu đẹp nhưng không có mùi thơm. Khi người ta trồng thành luống, thành ruộng, hoa đứng thẳng san sát vào nhau, giống nhau như những cô người mẫu đi trên catwalk. Hoa tulip đẹp giống nhau quá nên mất bản sắc cá nhân. Có lẽ vì thế mà người xem đâm ra chán chăng?

Leave a comment