Đọc Men Without Women của Haruki Murakami

Đọc Men Without Women của Haruki Murakami

Tôi không thích truyện dài của Murakami nhưng rất thích cách viết truyện ngắn của ông. Ý thích này vẫn còn khi tôi đọc quyển Men Without Women (Đàn Ông Không Có Đàn Bà). Tập truyện này được dịch ra ở VN đã lâu nhưng chỉ mới xuất bản ở Mỹ. Tôi thường ngạc nhiên vì bao nhiêu thứ tôi đặt và phải chờ hằng mấy tháng ở thư viện vẫn chưa đến trong khi truyện mới nhất của Murakami đến tay tôi trong vòng một tuần như thể chẳng ai buồn chú ý hay dành đọc truyện của ông với tôi. Tập truyện (ĐÔKCĐB) này bao gồm bảy truyện, tôi đọc được năm truyện thì thấy đủ rồi, không muốn đọc tiếp nữa. Trong hai truyện còn lại có truyện ngắn mang cùng tựa đề với quyển sách. Truyện ngắn của Murakami có cấu trúc rất giống với phim bản của Hoa Kỳ. Năm truyện tôi vừa đọc, có thể biến thành bất cứ truyện nào trong số này thành một phim tình cảm xã hội dễ dàng. Truyện nào cũng có thể gọi là truyện tình. Murakami vẫn thích viết về tình dục. Không biết có nên đưa tên ông vào danh sách để bình chọn những nhà văn viết “bad sex” hay không. Ông có thể biến sự quan tâm về những vết thương, và vết sẹo, bỏng thuốc lá thành một cuộc foreplay để đưa đến cuộc tình một đêm, giữa người chủ tiệm rượu với người đàn bà đến quán để uống rượu, thật tài tình.

Truyện đầu tiên trong tập truyện là “Drive My Car” (Lái Xe Của Tôi). Nhân vật chính là Kafuku. Vợ mất, mắt yếu, uống rượu nhiều nên không còn muốn tự lái xe, ông thuê một cô gái không đẹp làm tài xế cho ông. Ông Kafuku là diễn viên, sở trường đóng vai những nhân vật đặc biệt (character actor). Vợ cũng là diễn viên, khi còn trẻ bà thành công hơn ông. Ông rất yêu vợ nhưng ông khám phá vợ ông ngoại tình, với nhiều người. Người tình của bà thường là diễn viên nam, trẻ tuổi hơn bà, và thường khi cuộc tình chỉ kéo dài trong thời gian họ đóng chung với nhau. Ông biết nhưng giả vờ không biết. Cái đau đớn đối với ông là tuy biết vợ ngoại tình nhưng phải giả vờ không biết và giữ gìn sao cho bà vợ không biết là ông biết. Ông thắc mắc, cuộc hôn nhân của ông bà tốt đẹp đến thế, sao bà lại có tình nhân. Ông muốn biết bà tìm gì và được gì trong những người tình ấy.

Để tìm hiểu lý do vì sao vợ ông phản bội, Kafuku làm bạn với người tình sau chót của bà vợ. Hai người cùng có sở thích uống rượu. Trong lúc cô tài xế Misaki Watari lái xe, ông tâm sự với cô những điều bí mật trong cuộc sống của vợ chồng ông. Misaki cũng bày tỏ những điều trong gia đình cô.

Trong tập truyện này các nhân vật của Murakami có hành động khá khó hiểu. Trong khi ông diễn viên già đi làm bạn, uống rượu với tình nhân của vợ, thì Akiyoshi Kitaru, trong truyện ngắn Yesterday (Hôm Qua) lại kiếm cách đẩy người yêu, cô bạn gái thanh mai trúc mã, của mình vào vòng tay của Tanimura, một người bạn sơ giao. Qua sự dàn xếp hầu như nài nỉ của Kitaru, Erica Kuritani, đồng ý gặp Tanimura (cũng là người kể chuyện). Hai người ăn tối uống wine nhưng không tiến xa hơn dù Tanimura nhận ra là Erica rất đẹp, phải nói là quá đẹp, đến độ chàng cho rằng nàng nằm ngoài tầm với của chàng. Erica đi chơi với một người bạn trai khác thường hay chơi tennis với nàng và ngủ với anh ta. Ngay sau đó Akiyoshi cắt đứt mọi liên lạc với Tanimura và Erica. Akiyoshi bỏ học đi làm đầu bếp bên Mỹ, thỉnh thoảng gửi một tấm bưu thiếp cho người bạn thời thơ ấu của mình. Tôi, cứ tự hỏi không hiểu vì sao Akiyoshi lại đẩy Erica ra khỏi cuộc đời anh ta như thế. Vì yêu nàng, tôn thờ nàng quá độ, hay vì anh chàng phân vân không xác định được giới tính của anh chàng. Anh chàng bỏ đi sau khi đoán biết Erica ngủ với một người con trai khác, vì ghen? Truyện này cũng lấy tên một bài hát của ban nhạc Beatles “Yesterday” làm tựa đề. Truyện kia thì bạn biết rồi, “Norwegian Wood.” Trong truyện này, có một đoạn Murakami tả lại giấc mơ trong đó có vầng trăng khổng lồ làm bằng nước đá (ice) rất lãng mạn. Nửa vầng trăng nằm trong biển. Trong giấc mơ Erica cứ lo sợ là vầng trăng sẽ tan. Và khi thức giấc thì không có vầng trăng.

Truyện thứ Ba là An Independent Organ (Nội Tạng Độc Lập). Theo cách hiểu của tôi thì trái tim có lý lẽ của nó mà lý trí không bao giờ hiểu được. Tokai Tanimura, bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, đẹp trai, và có rất nhiều người tình. Chàng không muốn kết hôn, chỉ muốn có người tình. Các người tình của chàng đều rất đẹp, cả người độc thân lẫn người có chồng. Quan hệ tình cảm của chàng với người tình có khi chỉ một thời gian ngắn có khi lâu dài. Chấm dứt khi người tình đi lấy chồng hay vì một lý do nào khác. Cuộc đời chàng êm đẹp cho đến khi Tokai thật sự yêu một người đàn bà có chồng. Chàng muốn kết hôn với nàng mà nàng thì không muốn bỏ chồng. Cho đến một ngày Tokai khám phá là nàng vẫn (và đã) bỏ chồng nhưng không lấy chàng mà đi lấy một người khác. Tokai rơi vào cơn trầm cảm tuyệt vọng đến độ mất ý chí muốn sống. Trong phần này, qua giọng của anh chàng thư ký riêng của ông bác sĩ, Murakami đã kết tội, bản tính của đàn bà là gian dối.

Mỗi truyện là một nhân vật rất đặc biệt có lẽ ông phải research rất công phu. Biến tài liệu biên khảo thành một nhân vật biết đi đứng nói cười suy nghĩ đòi hỏi tài nghệ của một nhà văn lớn. Cô đơn, quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, tình yêu và tình dục là những chủ đề nổi bật trong truyện của Haruki Murakami.

15 thoughts on “Đọc Men Without Women của Haruki Murakami”

  1. Ngày trước đọc Murakami rất thích, nhất là Rừng Nauy, gần đây ko.thích nữa vì mấy cuốn mới như Kafka bên.bờ biển hay Xứ xở diệu kì… hầu như khai thác lại chủ đề hoặc.motip đã có, ko có gì mới, nên mình mua cuốn 1Q84 mà bỏ đó ko đọc nữa. Năm nào cũng thấy đồn ông này được đề cử Nobel, nhưng cá nhân.mình thấy ông xuống dốc rồi, có lẽ.giờ nên liệt vào hàng bestseller thôi nàng nhỉ?!

  2. Mai chưa đọc cuốn này. Tối hôm kia vào Barnes and Noble cầm lên để xuống rồi thôi không khiên nó về. Bây giờ cám ơn Hải Hà đã điểm cho.

    Mai mê Murakami hồi xưa sau khi đọc “Norwegian Wood” và những truyện ngắn như Toni Takitani … tha về một collection sách của ông, nhưng không đọc hết vì cuốn nào cuốn đó dày như phone book, chỉ đọc có “Years of Pilgrimage”, “The Wind-up Bird Chronicle” rồi bỏ cuộc . Cuốn “Norwegian Wood” ảnh hưởng sâu đậm nhất, nên khi đọc những cuốn kế tiếp của ông thì thất vọng. Truyện của ông có lẽ không phải là cup of tea của thế giới bên ngoài Japan vì cái tố chất Japanese của nó, nên có lẽ vì vậy nên ông chưa được một Nobel Prize văn chương nào dù năm nào ông cũng là front-runner.

    1. Cuốn này đọc cũng được, nhỏ và mỏng. Hà cũng không thích truyện dài của Murakami, vì nó dài quá. Cầm đọc cũng khó, mang đi để đọc trên xe lửa hay giờ ăn trưa cũng khó vì nó nặng quá. Ông viết như thể cân kí lô trả bằng vàng nên ông cù cưa dây dưa. Quyển 1Q84 ông dây dưa đến độ nói cả chuyên ăn rau chuyện táo bón của nhân vật. Chán ơi là chán. Mình thấy ông chỉ hay bằng nhà văn của Mỹ thôi, tương tự Stephen King, hay John Grisham thôi. Còn giải Nobel thì có trời mà biết mấy ông Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn theo nguyên tắc nào. Vả lại trao giải cho Murakami thì cũng như trao giải cho người Mỹ. Văn ông viết đọc giống người Mỹ viết về đời sống của nhân vật Mỹ vậy. Đặt cho cái tên Mỹ là nhân vật của ông không có vẻ Nhật nữa 🙂

  3. Cám ơn chị cho em đọc theo “Đàn ông không có đàn bà” của Murakami. Gần đây em không đọc vô đầu được truyện của ông chị à! Em nghi ngờ mình bắt đầu lười suy nghĩ.

    1. Không phải đâu. Nhiều khi mình làm việc đầu óc nhiều quá cần nghỉ ngơi. Vả lại không đọc thì đi, cũng là một cách thu nạp kiến thức, nuôi dưỡng trí tuệ. Chị cũng không thấy thích đọc truyện nữa, chỉ thích đọc sách về kiến thức cây cỏ âm nhạc nghệ thuật.

      1. Hì, chỉ là với Murakami thôi chứ vớ cuốn sách của tác giả khác, đọc qua được một chương thì sẽ đọc được hết, riêng của tác giả này có đôi lúc em hoang mang lắm vì không nắm bắt được ý của sách. Em vẫn ngưỡng mộ chị với số đầu sách chị đọc của ông ấy.

        Dạ đầu óc cần nghỉ ngơi mà nghỉ nhiều quá thì không nên phải không chị. Đọc giải trí mà em còn lười nói chi đến thu nạp kiến thức. Em vẫn phải học hỏi chị nhiều hơn nữa.

  4. Em thích Murakami giai đoạn sau, thích cách viết của ông, nó hơi dị dị nhưng nhiều khi ngồi ngẫm lại, đung là cuộc sống mình cũng có những khoảng khắc như vậy. Quyến Wind up bird Chronicle là quyển đầu tiên em đọc đó chị Tám, đọc xong mà bị ám ảnh luôn, nhưng vẫn thích ạ 🙂

  5. Con cũng thích truyện ngắn của ông này, dễ thấm dễ suy nghĩ hơn tại chuyện dài của ông thì dài quá mức.
    hehe.
    Mà nhiều khi con đọc truyện ngắn của ổng thì không thể hiểu nổi ông nghĩ gì, tâm trang ổng ra sao khi viết những truyện đó. Tại bữa con đọc cuốn Căn phòng của riêng ta của Virginia Woofl thì bà này đặt câu hỏi tâm trạng các tác giả thế nào khi sáng tác, làm con cũng tò mò không biết ông Haruki thế nào?

    1. Chắc chỉ có ông ấy biết tâm trạng của ông ấy. Và trời biết. Sau đó ông ấy quên nên chỉ có trời biết. Và chúng ta không biết trời ở đâu để hỏi nên rốt cuộc chẳng ai biết.

Leave a comment