Tôi xem bốn phim. “Silence,” “Light Between Oceans,” “Nocturnal Animals,” và “Sea of Trees.” Cả bốn phim tôi đều ngần ngừ không muốn xem nhưng xem xong rồi thì thấy phim nào cũng hay. Nếu phải chấm điểm tôi cho ba phim nhắc đến đầu tiên bốn điểm trên năm. Riêng phim Sea of Trees tôi cho bốn điểm rưỡi vì ý thích cá nhân. Chẳng hiểu duyên cơ gì, tôi cứ đọc sách xem phim nếu không của người Nhật thì cũng nói những chuyện liên quan đến Nhật.
“Nocturnal Animals” do Tom Ford đạo diễn nên phim có thiết kế theo kiểu đương đại, diễn viên ăn mặc theo thời trang rất sang, đẹp lộng lẫy. Amy Adams trong phim này trông khác hẳn cô nàng khoa học gia về ngôn ngữ học trong phim Arrivals.
“Silence” do Martin Scorsese đạo diễn dựa vào truyện “Silence” của Shūsaku Endo. Quyển truyện này tôi mượn ở thư viện, đọc vài ba trang, đem trả, mượn lại, vẫn không thể đọc. Trước đó tôi đọc một truyện ngắn khác của Endo, thấy thích, nghĩ là có thể đọc tiếp. Bây giờ thì không nhớ ra truyện ấy nói gì, tựa đề là gì. (Tuổi già thật là khó ưa. Thậm chí những điều tôi viết ra trong hai ba ngày là đã quên.) Cuối cùng tôi xem hết cuốn phim và tôi mừng là tôi đã xem. Có lẽ tôi sẽ mượn lại quyển sách và lần này sẽ đọc cho đến hết. Ông Scorsese khi làm cuốn phim này đã xin gặp Đức Giáo Hoàng, có lẽ vì những chi tiết trong phim, làm cho đạo diễn e ngại bị xem là phỉ báng tôn giáo. Một trong những lý do khiến tôi muốn xem phim là vì, có lẽ, có một diễn viên tôi thích. Liam Neeson. Well, Andrew Garfield is also a plus.
Trong “Sea of Trees” tôi suýt không nhận ra Matthew McConaughey. Hoàn toàn mất vẻ sáng láng hào hoa phong nhã, trong vai Arthur Brennan, trông anh chàng tàn tạ khắc khổ. Arthur chán đời, mua vé máy bay một chiều sang một khu rừng đặc biệt ở gần núi Phú Sĩ, để tự tử. Aokirahara Forest, còn được gọi là suicide forest, là khu rừng nổi tiếng là nơi hoàn hảo để tìm cái chết. Khu rừng này rất rộng lớn, như một cái biển và nước biển được thay thế bằng cây của rừng. Do đó phim có tựa đề “Sea of Trees.”
Thoạt tiên thấy có diễn viên Nhật, Ken Wantanabe, đóng chung với Matthew McConaughey, và bối cảnh trong phim là rừng của Nhật tôi đoán do người Nhật viết phim bản. Tuy nhiên vào phim một lúc tôi nhận ra đây là cách viết phim bản của người Mỹ. Làm cho người ta quan tâm hay yêu mến nhân vật. Nhiều chi tiết được đưa vào phần đầu trong phim (thắt gút) về sau dùng thật tài tình (mở gút), đúng dịp, đúng lúc. Tạo chướng ngại vật, đẩy nhân vật vào trong tình trạng gian nan. Mỗi nhân vật đều có xung đột của họ. Sau khi giải quyết xung đột, mỗi nhân vật đều thay đổi, “trưởng thành.”
Arthur Brennan khi vào rừng, ngoài ống thuốc tự tử còn có một phong thư. Phong thư này gửi đến Joan, người vợ của Arthur. Joan vừa mới qua đời và là một trong những nguyên nhân đưa đến chuyện tự tử của Arthur. Về sau chúng ta biết trong phong thư là quyển sách thiếu nhi mà Joan thích nhất. Arthur chăn gối với Joan bao nhiêu năm, không biết vợ thích màu gì, thích quyển sách nào. Nhiều người trong chúng ta cũng như vậy. Vợ chồng sống với nhau mấy mươi năm thật ra người này không hề biết ý nghĩ của người kia.
Cuốn phim này không được khán giả yêu thích. Trong liên hoan phim (hình như ở Cannes) đạo diễn Gus van Sant đã bị “boo” (la ó để chê bai). Sách báo review phim cũng chê. Khán giả nói chung không thích phim có khuynh hướng u ám. Phim cũng có những chỗ không được lô gích và cường điệu hơi quá đáng. Tuy nhiên, tôi không chê phim vì những chi tiết này, nó phải có để được sự chú ý của khán giả rồi sau đó truyền tải những điểm quan trọng mà người viết phim bản và đạo diễn muốn truyền đạt.
Tôi thích phim này có lẽ vì tôi hay suy nghĩ chuyện sống chết. Như đã nói trước đây, tôi chết hụt nhiều lần nên rất quan tâm đến sự sống và cái chết. Bạn đã thấy tôi tự hỏi sống là gì. Tôi không muốn nghĩ rằng sống “chỉ” là nuôi dưỡng, kéo dài (càng dài càng tốt) sự sống mà chúng ta được ban cho từ lúc chào đời.
Khi Arthur vào rừng, uống hai viên thuốc màu xanh, chưa kịp uống hết cả ống thuốc, thì bắt gặp Takumi đang lảo đảo tìm đường đi ra khỏi rừng. Ông lạc lối đã hai ngày, cổ tay ông đẫm máu vì những vết cắt. Thay vì nằm chờ cái chết đến ông bỗng đâm ra nhớ vợ con và muốn tìm đường về nhà. Thấy ông quẩn quanh một cách tuyệt vọng Arthur tìm cách giúp ông, nhưng cũng bị lạc luôn. Takumi tự tử vì bị giáng chức. Arthur không hiểu được tại sao người ta lại muốn chết chỉ vì bị giáng chức trong công việc làm. Takumi nói “Tôi không muốn chết. Tôi chỉ không muốn sống!” Arthur hỏi, như thế thì có khác gì? Suy ngẫm một chút tôi thấy động từ sống và động từ chết có cái chủ động và tích cực của nó. Dĩ nhiên chúng ta thừa hiểu rằng người Nhật tôn trọng danh dự hơn là mạng sống.
Sự u ám của phim được làm dịu bớt bởi một chút dí dỏm. Buổi tối để sưởi ấm, hai người đốt lửa trong rừng. Ở bìa rừng có nhiều sợi dây màu được cột để đánh dấu phòng hờ người đi tìm cái chết, sau khi suy nghĩ, đổi ý và muốn trở về. Ngày xưa, truyện cổ tích của anh em nhà Grimms, Hansel và Gretel, hai đứa bé nhà nghèo bị bố và mẹ ghẻ mang vào bỏ trong rừng, đã rải đá cuội và bánh mì vụn để tìm dấu trở về. Arthur bảo rằng anh là người sử dụng mẩu bánh mì chứ không dùng dây màu (vì anh không muốn trở về.) Takumi nói “You are handsome!” Đây là một cách chơi chữ mà tôi không thể truyền đạt ngắn gọn. Câu nói có nghĩa là “anh rất đẹp trai” làm Arthur ngỡ ngàng. Takumi nói “Handsome and Gretel” khiến Arthur chợt hiểu ra, Takumi muốn nhắc đến nhân vật Hansel, cậu bé trong truyện cổ tích đã dùng vụn bánh mì để đánh dấu đường về. Là người Nhật, Takumi có thể nhớ lầm, hoặc là phát âm sai chữ Hansel. Arthur đã bật cười. Còn tôi cười to hơn vì nó gợi tôi nhớ những lần phát âm sai làm xấu hổ muốn chết luôn cho rồi của tôi. Chưa bao giờ tôi xem một phim có không khí nặng nề lại làm tôi cười to như thế.
Tôi ngưng ngang ở đây vì thấy không muốn viết tiếp. Cũng không muốn xui các bạn nên xem phim này. Tôi viết chỉ vì nó gợi tôi suy nghĩ về chuyện sống nhiều hơn là chuyện chết, chuyện quan hệ giữa vợ chồng, người ta ở với nhau lâu năm, có thật là bởi vì tình yêu không?
Post trước sửa sau. Bây giờ tôi phải chuẩn bị đi làm.
“Tôi chết hụt nhiều lần nên rất quan tâm đến sự sống và cái chết”
Đọc điều này không khỏi khựng lại quan tâm.
Mai
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Mai. Hồi nhỏ mình té xuống ao chết hụt hai lần. Đi vượt biên chết hụt thêm một lần nữa. Lúc trước bệnh cũng suýt chết một lần. Nhưng đến bây giờ thì chưa sao. Knock on wood!
LikeLiked by 1 person
Giống Mai rồi.
Take care Hà.
“Sự sống đẹp đến nỗi cái chết đã phải lòng nó” – Life of Pi
LikeLiked by 1 person
Cháu mới xem fim 1, đang định xem số 2 vs 3. Còn số 4 thế kia thì chắc chả xem 😀
LikeLiked by 2 people
Đừng để cô ảnh hưởng đến sở thích của cháu.
LikeLiked by 1 person
Cháu thấy Silence xem được không? Cái đoạn chém đầu người rơi xuống đất trông khiếp quá phải không?
LikeLike
Vâng, mà lúc đầu xem cháu cứ tưởng họ có cách nào kiên trì để truyền bá Thiên chúa vào Nhật cơ, ai dè cuối cùng tất cả đều từ bỏ, dù trong tâm họ vẫn còn.
LikeLiked by 1 person
Cô thấy phim này hay. Nếu thật sự yêu người thì phải hành động như những nhà truyền giáo này đã hành động để cứu người.
LikeLiked by 3 people
Chào chị HH. Chị viết rất hay .
– Làm cho người ta yêu mến nhân vật.
– Nhiều chi tiết được sử dụng tài tình.
– Tạo nhiều chướng ngại vật.
– Mỗi nhân vật đều có xung đột .
– Đẩy nhân vật vào tình trạng gian nan.
– Sau khi giải quyết xung đột, nhân vật thay đổi, trưởng thành.
Thưa chị, đó là tất cả những bí quyết để viết kịch bản phim. Chị đã thuộc lòng, biến chúng thành hơi thở của mình rồi. Khi nào rảnh, viết đi chị nhé. Tin chắc chị viết hay. Người Mỹ nào cũng có thể viết kịch bản phim tốt. Vì họ đều muốn học bài bản và, quan trong hơn, mang câu chuyện của mình kể cho mọi người . Chúc chị vui.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Tuấn. Biết nguyên tắc là một chuyện.
Sáng tác là một chuyện khác. Từ cốc đến môi là một đoạn đường xa vời vợi.
LikeLike
con thì nghĩ trong bối cảnh đó “you are handsome” có ngụ ý là anh quá đẹp để chết :D.
phim Bố già con coi đi coi lại hoài không chán, đúng là phim của mọi thời đại. con thích phần 2.
năm 2010 HBO có làm một bộ Boardwalk Empire, phim này cũng giống Bố già, mà là Bố già của Mĩ.
LikeLiked by 1 person
Bố già trở thành classic của phim ảnh Mỹ. Cô coi đến quên đi ngủ.
LikeLike
Khi đọc bài cô viết, con nghĩ chắc chắn con sẽ tìm phim này để xem.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu. Phim này, không những là một phim làm cô suy nghĩ nhiều về cái chết và sự sống, nó còn là một phim có nghệ thuật viết phim bản rất tốt. Chris Sparling cô nghĩ sẽ là người viết phim bản sẽ rất là nổi tiếng (hơn bây giờ).
LikeLike
Đọc điểm phim Sea of Trees của Hà xong thế nào cũng phải xem. Trong mấy phim Hà điểm, Mai chỉ xem Silence và Light Between Oceans và Light bt Oceans xem khi chiếu ngoài rạp, xem xong buồn rượi, ra khỏi rạp thì mang cả vào giấc ngủ.
LikeLike
Cám ơn bài viết của chị !!! Em xem xong phim thấy ngụ ý rất hay nên mới xem lại review, vô tình đọc được blog của chị, đọc xong cảm thụ được phim được nhiều hơn. Em cũng mong chị cho em thêm nhiều suy nghĩ lí lẽ sống mà phìm mang lại cho chị nhiều hơn nữa. Cám ơn chị
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Hân đã đọc. Tôi thật là hân hạnh.
LikeLike