Dance me to the end of love

Tôi tính làm ngơ bài này, vì sợ bạn chán, vì đã nhắc đến nó trước kia với tựa đề “Hãy dìu bước tôi cho đến cuối cuộc tình.” Tuy nhiên, Lea M. cô bạn tôi ở Texas bảo viết về bài này cho cô đọc. Bản này là một trong ba bản nhạc có chủ đề khiêu vũ của nhạc sĩ Leonard Cohen; tôi lựa ra từ lâu nhưng không biết viết gì. Có lẽ một vài dòng về background của nó là đủ rồi. Tiểu sử của bản nhạc thì xem ở Wikipedia. Bạn chẳng cần tìm kiếm biên khảo gì cho rắc rối, cứ đọc wikipedia là tìm ra được nhiều điều thú vị hay ho. Sau đó thì dịch ca từ để có bạn nào muốn thì đọc thêm cho biết. Đọc ca từ thì tôi sợ bạn chán. Còn dịch ca từ thì mất nhiều thì giờ và không dễ dàng gì. Và tôi, một bà già lẩm cẩm  luôn luôn muốn ghi lại những suy nghĩ vụn vặt của mình về chuyện dịch.

Bài hát này được ông Cohen thâu âm từ năm 1984. Rất nhanh chóng nó được nhiều ca nhạc sĩ khác yêu thích. Nó gần như trở thành một bản nhạc căn bản (ai cũng thích cũng có lần trình diễn nó) của giới ca nhạc sĩ. Lúc tôi nghe điệu nhạc dìu dặt này tôi ngờ ngợ không biết nó là điệu nhạc gì (tại tôi lơ tơ mơ cái gì cũng không rành), phải Waltz không? Trong cái xập xình của nó có cái gì đó quen thuộc lắm. Thì ra, ông đã dựa trên điệu dân vũ Hy lạp “Hasapiko.” Nói thì chắc bạn sẽ nhớ liền cái kiểu khiêu vũ tập thể thường thấy trong các đám cưới (trong phim ảnh) hay tiệc tùng liên hoan trên các đảo Hy-lạp theo cái kiểu của anh chàng Alexis Zorba hay trong tiệc cưới của người Do Thái.

Mặc dù, bài hát này nghe như là một bài tình ca, nhưng ông Cohen cho biết cảm hứng để ông viết bài hát này phát xuất từ lò diệt chủng người Do Thái “Holocaust.” Khi người Do Thái bị đẩy vào lò hơi ngạt, thì đám sĩ quan Đức lại chọn ra một số người tù khác (cũng Do Thái) biết đàn, lập ra một ban tứ tấu hay ngũ tấu vĩ cầm (và dương cầm). Ban nhạc này phải trình diễn mua vui cho đám sĩ quan, trong lúc họ ăn tối hay tiệc tùng với nhau. Tiếng đàn vĩ cầm (hay dương cầm) cũng là tiếng nhạc đưa người vào cõi chết. Vì thế ông viết ra câu hát “Dance me to your beauty with a burning violin.”

 “Dance me to your beauty with a burning violin,” meaning the beauty there of being the consummation of life, the end of this existence and of the passionate element in that consummation. But, it is the same language that we use for surrender to the beloved.

Khiêu vũ với tôi mừng vẻ đẹp của em qua tiếng réo rắt của vĩ cầm,” nghĩa là có cái đẹp trong sự chấm dứt của cuộc đời, trong cái cuối cùng của sự hiện hữu, và có tính chất đam mê trong sự hủy diệt. Nhưng đó cũng là cái ngôn ngữ chúng ta dùng để đầu hàng tình yêu.

Với tôi việc dịch bao giờ cũng đưa đến những suy nghĩ để nhận ra sự bất lực trong ngôn ngữ của tôi. Càng ngày, những ngữ vựng từ vựng của tôi càng suy tàn, rơi rớt dần dần. Ngay cả những chữ thật đơn giản của tiếng Anh như chữ dance hay chữ touch cũng làm tôi chập choạng. Dance là khiêu vũ. Người ta chỉ dùng một chữ đơn giản, mà mình phải dùng hai chữ lại vay mượn từ tiếng Hán Việt. Một chữ dance thôi là chúng ta có thể hình dung ra cả chục hành động, như bước tới, bước lui, bước ngang, bước ngắn bước dài, xoay, nhún, nhanh, chậm, giơ tay lên cao hơn đầu rồi cúi đầu đi qua như chơi trò chơi rồng rắn của trẻ con, lả lướt, quay cuồng, vân vân. Dùng chữ nhảy đầm thì không được thanh tao cho lắm.

Ông Cohen nói “dance me” sao không nói “dance with me,” hay nói “me dance,” hay nói “I dance.” Dance me khiến tôi nghĩ đến chữ dắt tôi, đẩy tôi, giúp tôi, bắt (buộc) tôi. Nó không phải là một hành động chủ động.

Trong bài hát có câu “touch me with your naked hand, touch me with your glove.” Đặt cục gạch ở đây để nhớ mà viết tiếp, vì tôi phải đi làm. Dưới đây là bản dịch của bài hát.

July 22, 2017 2:17PM Eastern Time viết tiếp

Làm biếng muốn bỏ luôn rồi, nhưng đã lỡ tuyên bố nên đành phải viết tiếp. Chữ touch, đơn giản là vậy nhưng tôi vẫn bí vì tôi không tìm được hay nghĩ ra chữ tôi muốn dùng. Chữ touch người Mỹ họ dùng sao nhiều nghĩa quá, có khi là chạm nhẹ, có khi là vuốt ve, có khi là sờ, rờ rẫm hay mân mê. Có khi tục có khi không. Touch có thể là chạm bằng lưng bàn tay, hay là lòng bàn tay. Khi ông nói “touch me with your naked hands” mình có thể cảm thấy cái ấm hay cái lạnh trên da dù không nói rõ là vùng da thịt nào mình vẫn cảm thấy có phần nào dục tính trong đó, nếu dùng chữ sờ thì hơi thiếu tình cảm dùng chữ ve vuốt thì e là quá đáng chăng? “Touch me with your gloves” làm tôi có cảm giác như cái bắt tay hay nắm tay nhưng không tháo găng tay. Êm ái nhưng xa lạ lạnh lùng chăng? Vậy đó, những câu đơn giản, nghe thì hiểu liền, tưởng tượng thì mỗi người mỗi khác, có găng tay hay không có găng tay, cái đụng vào, chạm vào, hay sờ vào đánh thức những cảm giác khác nhau trong tư tưởng người đọc. Tôi thấy hay nhưng không dùng chữ để diễn tả được.


Khiêu vũ với tôi, ca ngợi vẻ đẹp của em trong tiếng réo rắt của vĩ cầm. Cho đến khi tôi qua cơn hoảng hốt về đến nơi an toàn. Nâng tôi (nhẹ nhàng) như nâng một cành ô liu và làm con chim bồ câu dẫn đường cho tôi về nhà. Khiêu vũ với tôi cho đến cuối cuộc tình.

Ôi, hãy để tôi được nhìn vẻ đẹp của em khi nhân chứng đã ra đi. Hãy để tôi cảm nhận được sự di chuyển của em như người ta từng làm như thế ở Babylon.

Hãy chỉ cho tôi những điều tôi chỉ biết ít ỏi. Khiêu vũ với tôi cho đến cuối cuộc tình.

Khiêu vũ với tôi đến lễ cưới ngay bây giờ, và không ngừng. Khiêu vũ với tôi thật dịu dàng và thật lâu dài. Chúng ta đều cùng ở bên dưới. Và cùng ở bên trên tình yêu của chúng ta.

Khiêu vũ với tôi chào đón những đứa con cầu xin được sinh ra. Khiêu vũ với tôi xuyên qua bức màn nơi chúng ta đã hôn nhau. Dựng cái lều để trú ẩn bây giờ dẫu rằng đường kim mối chỉ đã sờn. Khiêu vũ với tôi cho đến cuối cuộc tình.

Khiêu vũ với tôi ca ngợi vẻ đẹp của em trong tiếng réo rắt của vĩ cầm. Cho đến khi tôi qua cơn hoảng hốt và đến nơi an toàn. Vuốt ve tôi bằng bàn tay trần và vuốt ve tôi khi mang găng tay. Khiêu vũ với tôi cho đến cuối cuộc tình.

9 thoughts on “Dance me to the end of love”

  1. Hà chạm ngay một nốt tâm đắc. Còn gì đẹp hơn đối diện được với cái đẹp trước giờ tử thần trong holocaust … hay cũng có thể chỉ là một declaration of love với người yêu cho đến đầu bạc.

    Cohen viết bài này thật genius. Thì ra Hà cũng obsessed với Cohen chẳng khác gì Mai
    Tống Mai

    1. Thật đúng là chúng mình hợp ý thích về nhạc, có lẽ vì được sinh ra là lớn lên cùng thời, có lẽ xê xích một vài năm. Thấy Mai trẻ hơn. Thật ra Hà chỉ mới biết nhạc của ông Cohen gần đây thôi. Thích cái giọng khàn của ông và nhạc của ông hơi giống nhạc Việt.

  2. Kính gởi: Chị Tám
    Tôi không giỏi tiếng Anh, nhưng tôi cảm mến sự cẩn trọng của chị khi chuyển ngữ. Bài nào của chị khi dịch sang tiếng Việt đều mượt mà đầy cảm xúc. Đó là công phu và trân trọng người đọc.
    Thân kính.

  3. Cô nói về Dance me làm cháu nhớ tới Fly me to the moon. Chỉ là từ fly thôi nhưng làm cháu tưởng tượng ra phóng, nâng đỡ, đưa em bay lên, dìu em bằng cơn gió… Nhiều lúc cháu cảm thấy tiếng Anh gợi hình hơn nhiều so với tiếng Việt.

    1. Giá mà mình có quyền dịch theo óc tưởng tượng của mình nhỉ? Cô thấy mỗi ngôn ngữ nó có cấu trúc, hình ảnh, khác nhau vì thế mà nhiều khi khó dịch cho vừa ý.

  4. Chị, ngôn từ trong bài hát chị dịch thiệt là đắt. Cẩn trọng và có tâm nhiều lắm chị ơi. Yêu và cám ơn chị.

Leave a comment