Đom đóm

Nghe nói ở bên mình bây giờ ít khi nhìn thấy đom đóm, như thể chúng đã bị tuyệt chủng. Người ta tổ chức những cuộc du lịch sang Mã Lai để được xem đom đóm. Năm nay chỗ tôi ở không nhìn thấy đom đóm nhiều như năm trước hay năm trước nữa. Không nhiều nhưng vẫn xuất hiện. Bao giờ cũng loáng thoáng dưới bụi trúc hay đâu đó phía sau rừng, bên cạnh mấy cây dâm bụt hoa tím. Có thể vì tôi đi ngủ sớm nên không nhìn ra ngoài nhà trong đêm. Có thể vì tôi không thức giấc nửa đêm. Cũng có thể, đom đóm như những nàng tiên bé, đi chơi chỗ khác. Không hiểu sao, đom đóm luôn mang cảm giác vui nhẹ nhàng, có chút gì lãng mạn trong không khí. Làm người ta nghĩ đến chuyện thần tiên. “Đêm thơm như một dòng sữa,” hay “đêm vỗ về nuôi nấng, đêm trao ngọt ngào hương phấn.” Ngay cả chữ rêu cũng gợi lên một cảm giác đẹp, êm ái. Làm tôi nhớ câu thơ “Như chân chim muôn thuở. In mãi bậc thềm rêu.” (Thơ Phạm Thiên Thư.)

Tôi đọc tập truyện ngắn “Beauty and Sadness” của Yasunari Kawabata, tiếng là truyện ngắn, nhưng tất cả những truyện ngắn này có liên hệ với nhau, tạo thành một truyện vừa. Phần trích đoạn được trích từ truyện ngắn có tên “A Stone Garden.” Otoko, một nữ họa sĩ mai danh ẩn tích, và Keiko một cô đồ đệ trẻ và rất đẹp. Otoko không trẻ bằng nhưng có lẽ cũng là người đẹp. Hai người đến viếng một vườn trong một chùa thiền nổi tiếng ở Kyoto, Saiho-ji, còn gọi là vườn rêu (Moss Garden). Vườn này vốn là vườn được thiết kế toàn bằng đá, nhưng khí hậu ẩm làm rêu mọc lên đá. Cả vườn được bao trùm bằng một lớp rêu mịn.

Keiko mang tất cả những họa phẩm của nàng đến cho một họa sĩ tài danh, Oki, xem. Câu chuyện khai mở dần. Keiko và Otoko là đôi tình nhân. Keiko ngủ với ông họa sĩ (chừng hơn 50 tuổi) với ý muốn trả thù cho Otoko vì Otoko đã từng là người tình của ông Oki (ông có vợ). Keiko tỏ ý muốn mang thai với Oki khi Otoko thổ lộ là bà có con với Oki. Otoko tát Keiko. Cô gái trẻ giận dỗi và sau đó là đoạn văn này. Tôi dịch bạn đọc chơi vì nó có liên quan đến đom đóm.

“Keiko-” Otoko bước ra hàng hiên và đá mạnh cái lồng chứa đom đóm[i] văng vào trong vườn, dù chân của nàng không mang giày.

Tất cả đom đóm trong lồng dường như sáng ngời lên ngay lập tức. Một dòng ánh sáng trắng có nhuốm màu xanh chảy ra khỏi lồng rồi đáp nhẹ nhàng lên một vạt đất đóng rêu. Bầu trời đầy mây, và hơi ẩm của hoàng hôn bắt đầu lan tỏa nhẹ nhàng trong vườn làm cảnh vật trở nên mù mờ lunh linh, nhưng ngày của mùa hạ thường rất dài nên vẫn còn ánh sáng. Chừng như đàn đom đóm không thể nào chiếu sáng rực rỡ như thế, hay có lẽ, dòng ánh sáng chảy ra khỏi cái lồng chỉ là sự tưởng tượng của nàng, hoặc, dòng ánh sáng ấy chính là tình cảm trong lòng nàng kết tụ thành. Nàng đứng sững sờ và nhìn không chớp cái lồng đom đóm đang nằm nghiêng trên mặt thảm rêu.

Trích truyện ngắn “A Stone Garden” (Vườn Đá) trong tập “Beauty and Sadness” (Nhan sắc và Nỗi Buồn) của Yasunari Kawabata.

[i] Ở Nhật Bản, thời của Yasunari Kawabata (1899 – 1972), trong  vườn có lồng bắt chứa đom đóm. Trong truyện ngắn này, vườn ở đây là một công viên lớn thuộc về phần chùa Saihoji còn gọi là Moss Garden. Tôi không biết bây giờ có còn lồng chứa đom đóm hay không. Tôi cũng không biết lồng chứa đom đóm chỉ để trang trí hay có nhiệm vụ gì khác hay không, thí dụ như thay thế đèn (?) hay người ta không thích đom đóm bay khắp nơi trong vườn, trong nhà.

19 thoughts on “Đom đóm”

  1. Cô ơi đúng là gần 10 năm nay cháu không hề thấy đom đóm ở Việt Nam 😦 Lúc nhỏ, nơi cháu sống dù là đô thị nhưng sau vườn thỉnh thoảng vẫn có khá nhiều đom đóm.
    Nhắc tới hình ảnh đom đóm thì Nhật Bản cũng có bộ phim hoạt hình rất hay tên là Mộ Đom Đóm – Grave of the Fireflies ạ.

  2. Chào chị HH. Đom đóm thật kỳ ảo và quyến rũ. Đồng quê VN nay không còn . Vì người ta dùng thuốc trừ sâu quá nhiều. Hơn 10 năm trước, tôi lên Hồ Ba Bể mới được thấy đom đóm. Năm trước, qua Mỹ, đêm ngang qua Nhà Trắng, tôi sửng sốt phát hiện đom đóm nơi này. Lúc đầu nghĩ đó là những ngọn đèn nhân tạo. Sau cúi xuống, chạm vào cỏ, bắt được những con đom đóm thật trong tay. Sửng sốt vô cùng! Ôi nước Mỹ!
    Người Nhật Bản rất yêu đom đóm. Ở Tokyo, có một đôi vợ chồng, đã biến ngôi nhà mình thày ”bảo tàng” hay ” khu vườn đom đóm”. Họ trồng cây, giữ nước, làm nhiệt độ và ánh sáng thích hợp để đom đóm sống được. Họ mở cửa bảo tàng để du khách ghé thăm. Có mối liên hệ bí ẩn nào giữa tâm hồn người Nhật với đom đóm chăng? Chúc chị vui và luôn tặng cho đời những bông hoa thơm.

    1. Chào Tuấn, lâu ngày không gặp, chắc đi nước ngoài mới về? Đom đóm rất được yêu chuộng trong văn hóa Nhật. Người ta xem đom đóm như linh hồn của những người chết trận trở về. Đom đóm với người Nhật là biểu tượng của tình yêu và chiến tranh. Đom đóm thế mà dễ bắt lắm. Nó bay chán là cứ là đà chậm chạp đậu đâu đó cho người ta chộp lấy nó. Cứ trông nó sáng chớp tắt sao mà đẹp và đáng yêu. Tôi mới vừa dịch xong ba trang sách trích đoạn trong truyện ngắn “Đom Đóm” của Haruki Murakami. Chắc mai mốt gì sẽ đăng lên blog cho các bạn đọc chơi.

      1. Chào chị HH. Đúng là tôi mới đi CPC về. Thăm chiến trường xưa. Trước đó lại tuyển sinh nên mất nhiều thời gian. Chờ đọc truyện chị dịch. Ca dao có câu:” Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống trì tra hạt vừng”. Nông dân nhìn mùa đom đóm bay để tính thời vụ. Cảm động quá, phải không chị? Có người bạn tôi làm thơ:” Đom đóm bay ra hoa gạo nở/ Mẹ ở nhà đã mắc áo bông/ Mẹ có ra bờ sông/ Qua bến đò tiễn con dạo trước/ Đường xuống bến có mười sau bậc/ Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu…Có một câu hỏi nho nhỏ thế này, mong chị bỏ qua. Chị có thể cho tôi biết email của chị được không? Tôi muốn gửi đến chị một cuốn sách mà NXB Trẻ ở Sài Gòn mới in. Chúc chị luôn vui.

        1. Cám ơn Tuấn đã chép cho hai bài thơ nho nhỏ về đom đóm thật hay. Cám ơn nhã ý gửi tặng sách. Xin chúc Tuấn ngày nào cũng có niềm vui.

  3. Chào chị Hà, thật may mắn được biết đến trang blog của chị. Chị viết hay quá ạ. Truyện này làm em nhớ đến thời thơ ấu, rất thích bắt và nhìn đom đóm. Lâu quá rồi không thấy một con đom đóm nào nữa.

    Chúc chị một ngày vui 🙂

    1. Nếu ở miền Bắc, bạn có thể đi lên cắm trại trên núi Hàm Lợn. Mình đi 2 năm trước, buổi đêm ở đó có thể gọi là cả một đường đom đóm, trông đẹp nhưng nhát như mình thì hơi sợ vì mình nghĩ nó có liên quan đến linh hồn.

  4. Em vừa được nhìn thấy đom đóm hôm tháng 5 ở lake Tà Đùng. Đọc xong bài này của chị em mới phát hiện ra trên em dạo này cũng không thấy đom đóm mấy. Thuốc sâu nông dân mình sử dụng nhiều quá nên con nít Việt ở phố thiệt thòi.

    Chị nói về rêu chút thoáng qua mà tình quá! Truyện của Nhật chứa nhiều ảo diệu chị nhỉ!

    1. Chị cứ quay đi quay lại là vẫn lôi mấy cuốn truyện của người Nhật ra đọc. Truyện tác giả Tây Âu có nhiều nhưng đọc vẫn không thấy bén duyên.

  5. ở quê cháu (miền Trung) vào mùa Hè vào ban đêm cháu vẫn thấy đom đóm, đúng là bây giờ không còn nữa và cháu cũng ít sống ở đó để được nhìn thấy. Cháu có cảm giác có nhiều con vật gắn liền với tuổi thơ mình như đom đóm, bọ cánh cam…hình như đã không còn nữa. Nghĩ tới điều đó thấy thật buồn cô nhỉ

    1. Có lẽ vào sâu trong rừng núi cũng còn đom đóm, cô nghĩ thế. Chẳng hiểu sao con bọ tỏa ánh sáng ấy đánh thức những rung động nhẹ nhàng trong lòng người. Cứ nhìn chúng là thấy mình bâng khuâng.

Leave a comment