Nói tiếp chuyện, thơ – là gì?

Hôm trước tôi tự hỏi thơ là gì. Trả lời câu hỏi này chắc phải viết như một thứ “chuyện dài còn tiếp.” Có người bạn hỏi, nói về thơ bằng Anh ngữ, làm sao để nhận ra đó là một bài thơ, và khi đọc thơ có thấy cảm xúc, cảm động như đọc thơ Việt không.

Thơ Anh ngữ cũng như thơ Việt, có nhiều loại, thơ có vần và thơ tự do. Tôi lập lại là tôi không chuyên về thơ, (cũng chẳng chuyên về cái gì cả, ngoài tám chuyện bâng quơ), chưa hề làm thơ, hễ thắc mắc cái gì đó không ai giải thích cho thì tự tìm hiểu qua sách vở. Người thắc mắc thơ là gì, như tôi, thì chưa hề làm thơ. Người làm thơ mấy chục năm, in ra cả chục tác phẩm thơ thì chẳng bao giờ cần phải thắc mắc thơ là gì.

Hôm trước tôi xem phim “Anonymous.”  Cuốn phim này chất vấn liệu có phải Shakespeare là tác giả của 37 vở kịch thơ và 154 bài sonnets như người ta vẫn tin tưởng từ trước đến nay hay không. Lý do người ta nghi ngờ Shakespeare là vì người ta không tìm thấy dấu tích, bản thảo có chữ viết của Shakespeare cũng như hồ sơ ghi lại mức độ học vấn của ông. Các tác giả đồng thời với ông đều có nhiều hồ sơ để lại. Cuốn phim đưa ra giả thuyết là có một vị Bá tước (Earl of Oxford) là người thật sự viết những vở kịch này. Sở dĩ Bá tước phải mượn tên của Shakespeare là vì thời bấy giờ quan chức của triều đình không được hạ mình làm việc kiếm tiền lãnh lương như dân chúng. Thêm vào đó, các vở kịch này gói ghém nhiều điều không tốt về nhà cầm quyền nên họ sợ bị tổn hại thanh danh cũng như tính mạng. Khi vị Bá tước Oxford đưa quyển thơ Romeo và Juliet cho đoàn kịch của Shakespeare trình diễn, ông nhấn mạnh với người đại diện cho ông là toàn vở kịch thơ được viết theo thể “iambic pentameter.” Nói cho đơn giản “iambic pentameter” là một thể thơ mỗi câu có năm nhịp. Mỗi nhịp luân phiên có một âm đơn, theo sau là âm kép có dấu nhấn ở một trong hai âm. Như đã nói ở phần trên, Shakespeare có 154 bài sonnets. Sonnet là một bài thơ có mười bốn câu, mỗi câu có mười chữ. Ngoài ra thơ Anh ngữ còn có một số thể loại khác như haiku (mượn từ thơ Nhật) . Tôi hỏi google có bao nhiêu loại thơ Anh ngữ. Câu trả lời là có hơn năm mươi loại thơ, kể cả thơ tự do.

Bạn hỏi, thơ Anh ngữ có gợi cảm xúc ở người đọc hay không, thì điều đó tùy người đọc. Người thích đọc thơ và giàu tình cảm sẽ cảm thấy rung động ở một số bài thơ. Tôi đọc bài thơ Dog’s Death của John Updike lần nào cũng chảy nước mắt. Bài thơ nói về một con chó, chẳng biết bị đạp hay xe tông, bị nội thương mà chủ không biết. Chủ dạy con chó đi tiểu lên tờ giấy, mỗi lần như vậy là được khen, giỏi. Khi con chó bỏ ăn nằm liệt, chủ tưởng là nó đau vì chích ngừa. Đến chừng sau khi nó chết mới biết nó bị dập gan. Trên đường đi đến sở thú y, trong cơn đau đớn tột cùng nó cắn bàn tay chủ rồi chết. Chủ về nhà mường tượng ra bóng hình con chó, tờ báo cho chó đi tiểu vẫn còn đó. Khi chủ chơi đùa với chó thì máu của chó chảy ra ngập dưới da. Tôi không chắc mấy ông bợm nhậu thịt chó đọc bài thơ này sẽ thấy cảm động. Vì vậy kết luận thơ Anh ngữ đọc có cảm động hay không thì xin trả lời là tùy bài và tùy người đọc.

Làm thế nào để nhận ra đó là một bài thơ, thì đa số thơ Anh ngữ cũng có vần. Thí dụ như đoạn ca từ trích trong bản nhạc Treaty của ông Leonard Cohen, như sau:

I heard the snake was baffled by his skin sin
He shed his scales to find the snake within
But born again is born without a skin
The poison enters into everything

Tôi nghe kể rằng con rắn thắc mắc về bộ da tội lỗi của nó
Nó lột da để tìm ra con rắn ở dưới bộ da
Nó được tái sinh thành một con rắn mới không có lớp da
Chất độc (của chính con rắn, phải không?) ngấm vào khắp nơi trong thân của nó.

Bạn để ý những chữ cuối câu có vần “in.” Tôi nhờ vần điệu mà nhận ra đó là bài thơ.  Tôi thích bài thơ này, vì tuy đơn giản nhưng nó có nghĩa sâu xa nhờ dùng ẩn dụ của tôn giáo.

Nếu không có vần điệu thì tôi “đoán” đó là bài thơ tự do. Nói thì nói vậy, đọc quen có kinh nghiệm thì có thể nhận ra một bài thơ dù không vần.  Tôi kèm theo bài thơ “Dog’s Death” để bạn nào có thì giờ thì đọc thêm. Bài thơ làm tôi cảm động bởi vì tôi rất nhạy cảm với thơ dù cả đời chưa làm được bài thơ nào.

Dog’s Death – John Updike

She must have been kicked unseen or brushed by a car.
Too young to know much, she was beginning to learn
To use the newspapers spread on the kitchen floor
And to win, wetting there, the words, “Good dog! Good dog!”

We thought her shy malaise was a shot reaction.
The autopsy disclosed a rupture in her liver.
As we teased her with play, blood was filling her skin
And her heart was learning to lie down forever.

Monday morning, as the children were noisily fed
And sent to school, she crawled beneath the youngest’s bed.
We found her twisted and limp but still alive.
In the car to the vet’s, on my lap, she tried

To bite my hand and died. I stroked her warm fur
And my wife called in a voice imperious with tears.
Though surrounded by love that would have upheld her,
Nevertheless she sank and, stiffening, disappeared.

Back home, we found that in the night her frame,
Drawing near to dissolution, had endured the shame
Of diarrhoea and had dragged across the floor
To a newspaper carelessly left there.  Good dog.

Và sau đây là phần comment của em Đậu Hủ. Thấy hay quá, nên tôi mang lên đây để dành.

Nói làm thơ Anh ngữ thì đúng cái em đang học rồi, mà học mới thấy khác thơ văn phương Đông mình lắm.

Em bắt đầu học lớp Poetry trước khi bắt đầu viết thơ tiếng Anh, và càng học thì càng thấy có quá nhiều loại và quá nhiều dạng thơ, quá nhiều cách tính vần true rhyme, half rhymes, bởi vì khác với tiếng Việt, cách phát âm tiếng Anh đa dạng nên tìm vần cũng khó khăn, hầu hết đều chỉ là nửa vần, hoặc vần na ná. Bên này học thơ người ta khuyến khích tự mình đọc diễn cảm, nhìn vào gương đọc hay đọc cho cả lớp cũng được, người viết phải tự đọc người nghe mới biết nhấn ở đâu, ngắt nghỉ thế nào, hàm nghĩa ra làm sao. Nói chung rất khác ở Việt Nam. Mà ở VN thì cũng không có lớp dạy bài bản làm thơ, không có chỉ dẫn về bằng trắc lên xuống, cái này thì em hi vọng là tương lai sẽ có thêm 🙂

Thơ tự do cũng có quy luật của nó, như sonnet quy luật là iambic pentameter (thi thoảng là tetrameter) và vần cuối dòng xen kẽ, hai dòng cuối vần cho nhau hay villanelle mười chín dòng, chỉ vần hai âm và lặp câu nhưng yêu cầu mỗi lần lặp đều phải mang một nghĩa khác. Quy luật thơ tự do nằm ở ngắt nghỉ, xuống dòng, rồi còn có thể loại visual poetry, tức thơ tự do dùng cách cắt câu và sắp xếp các dòng tạo thành hình miêu tả hay tạo một cái hiệu ứng nào đó lên người đọc, rồi còn cả prose poetry, về cơ bản thì chỉ là một đoạn văn xuôi, nhưng dùng hình ảnh ẩn dụ để người ta đọc vào là biết đó là thơ.

Có lần em dịch một đoạn thơ prose poetry, nhưng không nhận ra đó là thơ mà dịch luôn thành văn xuôi nữa cơ 🙂

26 thoughts on “Nói tiếp chuyện, thơ – là gì?”

  1. Bài thơ con chó tội quá.
    Thơ hay lúc nào cũng làm rung động dù bất cứ dưới ngôn ngữ nào. Những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam hồi xưa đã ảnh hưởng thơ lãng mạn của Pháp rất nhiều.

    Hà nhắc đến vần điệu trong sonnets, có Sonnet 116 mà trong phim “Sense and Sensibility” cô Marianne chạy lên đồi đứng trong mưa nhìn xuống đồi đọc bài thơ cho người cô yêu Willoughby trong nước mắt:

    Let me not to the marriage of true minds
    Admit impediments. Love is not love
    Which alters when it alteration finds,
    Or bends with the remover to remove:
    O, no! it is an ever-fixed mark,
    That looks on tempests, and is never shaken,
    It is the star to every wandering bark,
    Whose worth’s unknown, although his height be taken …

    Tình yêu không phải là tình yêu khi có thể bị uốn cong hay thay đổi. Oh, không, nó vĩnh cửu thách thức giông tố hay mệnh bạc …

  2. Thiệt là một bài thơ cảm động cô ơi.

    Tối hôm qua, con dắt chó đi thú y, gặp hai trường hợp chó chết. Một trường hợp thì cô chủ khóc thút thít rồi bạn trai ẵm xác chó về. Một trường hợp thì con bé chủ gào khóc to ơi là to, ba mẹ rồi anh trai con bé không dỗ nổi. Con bé cứ ôm xác chó rồi khóc tu tu, không để ba mẹ mang chó về thiêu.

    Chó lúc nào cũng là động vật ngoan và trung thành nhất với chủ mà. Một bài thơ ca ngợi chó cũng vô cùng xứng đáng.

    P.

  3. Nói làm thơ Anh ngữ thì đúng cái em đang học rồi, mà học mới thấy khác thơ văn phương Đông mình lắm.

    Em bắt đầu học lớp Poetry trước khi bắt đầu viết thơ tiếng Anh, và càng học thì càng thấy có quá nhiều loại và quá nhiều dạng thơ, quá nhiều cách tính vần true rhyme, half rhymes, bởi vì khác với tiếng Việt, cách phát âm tiếng Anh đa dạng nên tìm vần cũng khó khăn, hầu hết đều chỉ là nửa vần, hoặc vần na ná. Bên này học thơ người ta khuyến khích tự mình đọc diễn cảm, nhìn vào gương đọc hay đọc cho cả lớp cũng được, người viết phải tự đọc người nghe mới biết nhấn ở đâu, ngắt nghỉ thế nào, hàm nghĩa ra làm sao. Nói chung rất khác ở Việt Nam. Mà ở VN thì cũng không có lớp dạy bài bản làm thơ, không có chỉ dẫn về bằng trắc lên xuống, cái này thì em hi vọng là tương lai sẽ có thêm 🙂

    Thơ tự do cũng có quy luật của nó, như sonnet quy luật là iambic pentameter (thi thoảng là tetrameter) và vần cuối dòng xen kẽ, hai dòng cuối vần cho nhau hay villanelle mười chín dòng, chỉ vần hai âm và lặp câu nhưng yêu cầu mỗi lần lặp đều phải mang một nghĩa khác. Quy luật thơ tự do nằm ở ngắt nghỉ, xuống dòng, rồi còn có thể loại visual poetry, tức thơ tự do dùng cách cắt câu và sắp xếp các dòng tạo thành hình miêu tả hay tạo một cái hiệu ứng nào đó lên người đọc, rồi còn cả prose poetry, về cơ bản thì chỉ là một đoạn văn xuôi, nhưng dùng hình ảnh ẩn dụ để người ta đọc vào là biết đó là thơ.

    Có lần em dịch một đoạn thơ prose poetry, nhưng không nhận ra đó là thơ mà dịch luôn thành văn xuôi nữa cơ 🙂

    1. Sao em có cái may mắn, giàu có, tuyệt vời đến thế. Có thể nào cho chị xin tựa đề, và tên tác giả của mấy quyển sách dạy về thơ mà em đang đọc hay đang học không? Nếu chị tìm được chị sẽ mua để đọc thêm.

      1. Con học bằng một cuốn tài liệu trường biên soạn từ nhiều nguồn khác nhau ạ, bên trong có luận văn, báo, sách và các ví dụ thơ luôn, mà con làm mất bản pdf rồi giờ chỉ còn bản sách ở nhà thôi, để con tìm thử bản pdf trong thư viện rồi con gửi email cho cô, cô cho con xin email ạ.

        Có mấy tài liệu hay lắm, ví dụ như ‘How to Read a Poem and Fall in Love with Poetry’ của Edward Hirsch(1999) hay ‘Poetry: A pocket anthology’ của R.S. Gwynn edit năm 2009.

    2. Thời chị còn trẻ, những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 20 (nghe sao xa xôi như từ thời cổ xưa) thì học sinh Trung học, khi học Việt văn có học thơ và luật của nó. Thí dụ như lục bát, rồi lục bát biến thể, luật bằng trắc và gieo vần. Thơ Đường cũng học luật của thơ Đường.

    3. “Bên này học thơ người ta khuyến khích tự mình đọc diễn cảm, nhìn vào gương đọc hay đọc cho cả lớp cũng được, người viết phải tự đọc người nghe mới biết nhấn ở đâu, ngắt nghỉ thế nào, hàm nghĩa ra làm sao. Nói chung rất khác ở Việt Nam. Mà ở VN thì cũng không có lớp dạy bài bản làm thơ, không có chỉ dẫn về bằng trắc lên xuống, cái này thì em hi vọng là tương lai sẽ có thêm ” – Cậu, đoạn này cậu sai rồi. Mong câu sớm rành xứ mình như rành xứ người.

      1. Xin lỗi vì tớ theo gia đình sang nước ngoài từ sớm nên không biết ở VN dạy và học như thế nào 😦
        Vì bạn bè tớ nghe nói về lớp poetry tớ học và không ai nói gì về dạy làm thơ ở VN, trước nay tớ cũng không nghe nói nên tớ tưởng là không có. Nếu sai thì cho tớ xin lỗi nhé. Đúng là phải tìm hiểu kĩ rồi mới được nói huhu ;;-;;

        1. Không sao đâu em. Ai cũng có khi sai, hiểu lầm. Chị đọc thơ của em phục quá chừng. Em không nói chỉ sẽ nghi ngờ là đạo thơ của người Mỹ. Xin tha lỗi.

        2. Ừa, thì cũng không nhiều, nhưng không phải là không có. Trong chương trình phổ thông cấp 2 có dạy các thể loại luôn, lục bát, tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, song thất lục bát,… nhìn chung là có dạy, còn có làm hay không là tùy học sinh nữa. Nhưng mà bỏ qua việc đó đi, vì mình không nghĩ thơ là thứ có thể dạy-học một cách khiên cưỡng như vậy. Đây là thứ chỉ dạy được cho ai có nhu cầu thôi.
          Thực ra mình xin lỗi, cái làm mình có hơi khó chịu một tí là tại đoạn cậu nói về cách đọc hay cảm nhận về thơ. Thơ Việt cũng giống vậy thôi chứ không khác gì đâu. Với mình thì thơ tiếng anh hay tiếng Việt đều rất trân trọng việc ngắt nghỉ và âm sắc lên xuống trong từng câu. Mình lúc trước cũng có vài bài, đưa cho vài người đọc, mỗi người ngắt một kiểu thành ra có đến vài cách hiểu một câu của mình. Mỗi cách lại làm người ta hình dung ra hình ảnh trái ngược nhau.
          Nhưng với mình đó là một điều rất thú vị khi viết, khi cái sự đa nghĩa sinh ra từ cách ngắt câu lại khiến cho câu chuyện của mình có thêm nhiều cá tính

          1. À cái đó thì mình có biết, ý mình đang nói ở đây là dạy chuyên sâu ở đại học và yêu cầu học viên viết nhiều thể loại để nộp vào cuối kì chứ không chỉ là dạy trong chương trình phổ thông. Đúng là thơ không phải thứ dạy được dễ dàng thật, như mình chỉ được dạy cấu trúc thôi, chứ không đến mức tay cầm tay viết, vì suy cho cùng thì thơ ca vốn là sản phẩm của tâm hồn, của cảm xúc, mỗi người mỗi khác ai mà dạy kĩ càng đến ngàn người một điệu được. (Nói nhỏ là mình thích cách dạy nhưng đến cách nhận xét và chấm folio cuối kì thì lại ghét lắm, vì có cảm giác người khác gói thơ của mình vào khung của người ta rồi bình phẩm 😥 )

            Đoạn ngắt nghỉ là mình đang nói tới thơ tự do, xuống dòng tự do và ngắt tự do ấy. Có nhiều bạn mình cũng như cậu, thích nghe người khác đọc phiên bản của họ về thơ của mình, đôi khi mình cũng thế. Chỉ là nếu mình đọc to lên được phiên bản của mình thì mình sẽ nắm giữ được con chữ của mình tốt hơn thôi, và thậm chí từ đó edit và thay đổi cho bài thơ hay lên nữa, thí dụ như những chỗ mình nhấn dùng từ chưa đủ mạnh có thể thay đổi này. Vì mình được dạy làm thơ là một quãng edit dài, ngôn từ thay đổi liên tục, có những khi đặt một bản nháp xuống để tuần sau, tháng sau đọc lại và sửa chữa nữa.

          1. Vâng ạ, ban đầu con nghe giọng văn của cô trẻ và truyền cảm quá nên cứ tưởng cô còn trẻ lắm ;;-;;
            Sau đó đến lúc nhận ra thì lỡ xưng hô lâu quá trời rồi tự nhiên đổi cũng kì ạ……..

  4. em cũng có viết một ít, cũng không biết nó có phải là thơ không nữa chị, tại em cũng không biết thơ thì phải thế nào. Chỉ là một ngày em ớn chữ, ghét ý tứ dông dài, mệt mỏi với sự giải thích, thì em viết ” thơ”. Em cũng không rõ về luật của các loại thơ, với em thì thơ hay là họ dùng được thứ chữ đơn giản khờ khạo để chứa những ý tứ sắc bén thâm sâu. Kiểu như Nguyễn Tất Nhiên có cái câu “Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh “, câu này em cực thích.
    Theo em thì đó mới là cái khó, khi dùng cái chữ đơn giản hàm chứa ý tứ sâu xa. Chứ dùng chữ nghĩa trúc trắc để diễn cái ý trúc trắc, thì em gọi là người tốt chữ.
    Chị đừng cười em nông cạn nghen, tại em là loại người lười biếng, nên em ít khi nào nghĩ tới khuôn phép. Với em thì âm hay chữ cũng đều chỉ có hay và không hay, thích và không thích. Còn luận đúng sai trên giấy trắng mực đen thì em chịu, em mãi mãi không rành được.
    Chuyện này nhắc lại em nhớ tới ngày xưa đi học toán rất hay bị thầy cô trừ điểm, vì em thường không làm theo công thức cho các dàng toán đặc trưng hay bài mẫu có sẵn, mà toàn chỉ làm theo cách hiểu của mình, đâm ra nhiều khi làm dài hơn mấy bạn, và lâu lâu thì ngắn hơn. Nên ngày phổ thông cứ bị la hoài. Nên có một người bạn nói em, là cuộc đời em chỉ ngập tràn thứ cảm giác ngu muôi. Kiểu gì cũng đẹp thê thảm.

    1. Sao lại cười. Chị phục người làm được thơ. Chị cũng đọc thơ, thích thơ Nguyễn Tất Nhiên, vẫn nghĩ ông ấy có thiên tài. Nhiều chữ dông dài, chứ tóm lại, trong ý nghĩ của chị, thơ là … thơ, đọc là biết nó là thơ hay không thơ, và biết là nó hay hay không hay.

    2. Cái này đồng ý với cậu này. Lúc đầu khi bắt đầu học làm thơ mình từng được hỏi đối với mình thì thơ là gì, và câu trả lời của mình từ trước đến nay vẫn chưa hề thay đổi: thơ là phương tiện mình diễn tả và giải phóng cảm xúc.
      Lớp mình lúc đó hầu như mỗi người đều có ý kiến và nhận thức riêng của họ về thơ, và tất cả đều đúng, ít nhất là đối với bản thân họ.
      Theo mình thì thơ không nhất thiết phải cao siêu khó hiểu, cũng không nhất thiết phải ngắn gọn xúc tích, truyền tải được cảm xúc đều là thơ hay. Nói chung thì cậu trúc thơ, dù Anh hay Việt, cũng chỉ là dàn giáo, là bộ xương thôi, thêm thắt máu thịt ngoại hình như thế nào vẫn là tuỳ ý mình, vì nếu làm thơ mà còn không tuỳ ý, không thể viết như mình muốn mà cứ rập khuôn cứng ngắc thì còn đâu bản thân mình trong con chữ nữa?
      Mình cũng hay có ấn tượng và thích những câu thơ ngắn nhưng truyền cảm, ví dụ như dòng này của Anne Sexton: ‘It is June. I am tired of being brave.’

      1. từ June có hàm ý gì không cậu hay đơn giản là đó là tháng 6 và tôi mệt mỏi khi phải như thế

  5. Hai em/cháu “Đậu Hủ” và Ilt. tranh luận hay góp ý để hiểu nhau và quí mến nhau nhé. Đừng vì khác biệt ý kiến hay những sai sót nhỏ mà đâm ra hiểu lầm nhau hay ghét nhau nhé. Tôi yêu quí người hiểu biết và tài giỏi nên rất mừng được quen với các em/cháu.

    1. Dạ không đâu chị, em vừa thấy bạn cmt ở trên là đã follow bạn ngay rồi, cái bài bạn viết về sự vô hình, nó đúng là thứ vô hình em từng rất sợ.

        1. Cám ơn cô, thực ra con cũng viết thơ vui ạ, nhưng chắc vì không cảm được niềm vui như cảm nỗi buồn nên vui cỡ nào thì cũng có cái gì đó đau buồn hết sức. Như cái bài ‘like all lovers and sad people’ con viết ấy, chỉ viết được mỗi về nỗi buồn thôi, nhiều khi cũng rầu hết sức.
          Bạn con mấy lúc hiếm hoi nhận xét thơ con cũng nói như cô, là buồn quá, nhiều bài héo hon dần sau đó cứ đay nghiến cái nỗi đau đó đến biến mất luôn, đến mức dù hay nó cũng phải hạn chế đọc lắm, không dám đọc nhiều. Lắm lúc con không biết nên thấy chút tự hào vì thành công cảm nhiễm được người đọc bằng cảm xúc trong thơ hay buồn hơn vì thơ mình lan toả cái nỗi đau ấy nữa.

          1. Just be you. Cô đọc thơ cháu, nghĩ đến cô con gái lớn của mình. Không biết trong quá khứ cô đã làm đau con mình đến mức nào. Một trong những lý do cô đọc rất nhiều blog của các bạn rất trẻ tuổi chỉ vì cô muốn hiểu con của cô. Cháu nói được tâm hồn của mình bằng thơ thì nên tiếp tục. Hy vọng thơ sẽ xoa dịu nỗi đau nào đó trong đời, trong quá khứ. Cô thấy sức mạnh cứu cánh của văn và thơ.

  6. Chào chị HH. Chị đúng là người lịch lãm. Đưa cái gì ra cũng thú vị, gây dư luận. Mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều có nhiều thể thơ, nhiều quan niệm , định nghĩa về thơ. Những ý kiến này , dù trái ngược nhau, nhưng chỉ làm phong phú thêm nhận thức của người đọc. Ở VN có cuốn ” Thơ và mấy vấn đề trong thơ VN hiện đại” của ông Hà Minh Đức, trong đó có hàng trăm định nghĩa về thơ của các nhà thơ, nhà nghiên cứu trên thế giới. Người Trung Hoa có câu:” Nếu anh thuộc 3000 bài thơ, anh sẽ làm được thơ”. Tất nhiên, người nào có hồn thơ mới thuộc nhiều thơ. Còn làm thơ thì , trước hết, phải có năng khiếu. Sau đó, học tập, trau rồi v.v… Và điều quan trọng nhất, anh phải sống chân thành với cuộc sống của anh, dù nó thế nào đi chăng nữa. Tôi thấy chị viết văn xuôi, rất nhiều nhịp điệu. Như thơ. Và nội dung chị viết, cũng nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc. Như thơ. Thơ văn xuôi. Chúc chị vui.

Leave a comment