Đầu mùa thu

dây leo đổi màu
Đứng ngay cửa sau chụp ảnh rừng.
màu thu
Thu ảnh lại gần chỉ chụp một chùm lá
trên bờ tường
Ở sau cái nhà kho trên hàng rào có một chùm dây leo

Chính thức bước vào thu nhưng có vẻ như “ông trời” vẫn còn nắm níu mùa hè. Hè muộn. Nghe như đầy tiếc nuối cái nồng nàn cháy bỏng của “một thời vừa đi qua.” Lành lạnh cả tuần rồi nóng trở lại cả tuần, có ngày lên đến 90 độ. Cây lá ngỡ ngàng không biết nên đổi màu hay cứ tiếp tục xanh. Không mưa mấy tuần nay, cây lá khô khan. Lá không đổi thành màu vàng hay đỏ mà cứ nâu xỉn lại và rơi lác đác.

Cái máy cà tàng của tôi, và khả năng chụp ảnh yếu ớt của tôi, không thể chụp panorama vạt rừng ngay sau nhà. Muốn có ảnh rộng phải chụp từng phần và dùng window photo ghép lại với nhau.

Ở đây có một loại dây leo, tôi quên tên, gọi chung chung là creeper. Cứ mùa thu là nó đổi màu đỏ trước các loại cây hay dây leo khác.

Chung quanh nhà tôi có nhiều cây sồi. Trước sân có một hàng sồi, tất cả là bốn cây rất to và rất cao, dàn hàng ngang chạy từ nhà bên tay phải sang nhà bên tay trái. Trái sồi, nói cho đúng là hạt sồi, gọi là acorn. Người Mỹ có một truyện ngụ ngôn, trẻ em đi học mẫu giáo và tiểu học thường hay gặp. Có một con gà con đi học về bị hạt acorn rơi trúng đầu nó tưởng là trời sập. Mấy hôm nay hạt sồi rụng đầy sân. Ông Tám quét dọn mấy lần, cứ quét hôm trước hôm sau đã rụng đầy. Có khi nai vào tận sân sau nhà tôi để ăn hạt sồi rơi trên mặt đất.

Trong đêm, hạt sồi rơi trúng nóc xe nghe rất to. Rơi trên mặt đất rồi lăn lông lốc nghe như tiếng mõ. Đôi lúc tôi ngỡ là tiếng chim gõ kiến mổ vào cây. Có khi trong giấc ngủ lơ mơ tưởng như tiếng đá lăn trên thềm nhà. Âm thanh đi về đâu, cõi ta bà nào, quá khứ hay tương lai?

15 thoughts on “Đầu mùa thu”

  1. Có một cây sồi (Oak tree) cổ thụ ngay sau vườn nhà Mai, hạt sồi (acorn) cũng rụng lốp đốp trên cái deck bằng gỗ như mưa đá. Mỗi ngày ra quét cả một thảm hạt. Sóc thì chạy đầy vườn và làm nhà trong bộng cây Oak. Có một lần một con vào trong garage khệ nệ cả một trái banh gôn ra sân, nặng quá mới đi mấy bước lăn cù trái banh xuống drive way làm nó thất kinh thật ngộ.

    Ở đây nai không ăn acorn mà ăn lá thôi, nhất là lá cây mộc lan (magnolia) của Mai thơm mùi dầu khuynh diệp nên chúng vào ăn cho đến tận gốc, mùa xuan lá lại ra, nai lại vào ăn xuống gốc, năm này qua năm kia, 15 năm cây không bao giờ lớn lên được. Có lần Mai lấy lưới rào cây lại, nai lại qua các cây thông bên cạnh để ăn, nhưng không ăn được vì thông không ngon và cứng, Mai thấy tội quá lấy lưới che đi để cho nó ăn lại.
    Được sống gần rừng thích quá Hà nhỉ. Có không biết bao nhiều điều mỉm cười trong thiên nhiên làm vui một ngày.

    1. Tưởng tượng con squirrel ăn cắp quả banh đáng yêu quá. Mình cũng định bắt chước hàng xóm trông một ít cây rau cho nai ăn. Chỉ sợ nó mang ticks đến rủi mang bệnh Lyme cũng mệt. Mỗi năm mình đóng thế khoảng rừng nhiều hơn thuế nhà ở. Cũng chua lắm á.

  2. Chỗ chị ở đẹp & thơ mộng quá. Đúng như chị đã viết ” Không biết làm thơ cũng sẽ viết được thơ” . Sao mà thời tiết giống bên Cali 10 ngày trước nơi em ở quá . Cứ ngỡ là “Chàng thu” của mình đã về nhưng lại bị hụt hẫng again. Tuần này thì tên Hạ đáng ghét lại trụ lại rồi chị ạ. Hôm trước ó mưa một chút xíu xìu xiu hà. Chán “Chàng Thu” quá hà, đợi mỏi mòn luôn 😦
    ” Nhưng chỉ được chút Thu về qua phố
    Trở lại đây tiết Hạ nóng mê cuồng
    Nắng chói chang Hạ ghen hờn rát bỏng
    Đuổi đi rồi chàng thu nhẹ mới sang.” (
    ( Trích thơ Ngỡ thu sang- KT )

  3. Mùa thu đẹp với cảnh sắc lá thay màu, nắng dịu, gió nhẹ. Ngoài những điều thú vị đó, Bà Tám có thể cho biết thêm những phiền toái khó chịu của mùa thu không?

    1. Mùa thu lá rụng, phải quét lá gom thành đống cho người ta hốt đi rất cực, mất nhiều thời gian. Trời ít nắng có thể làm người mệt mỏi rũ rượi. Tuy nhiên, đây là chuyện tất nhiên của cuộc sống, không đáng để than phiền. Thỉnh thoảng ngửi thấy mùi khói của hàng xóm đốt lò sưởi rất thơm đủ bù qua sớt lại.

  4. Có phim hoạt hình Little chicken, trong đó cũng có cảnh con gà con bị một mảnh của tàu vũ trụ rơi vào đầu, nhưng k ai tin mà nói nó chỉ bị quả sồi rơi vào đầu. Giờ con mới biết nó có nguồn gốc từ truyện ngụ ngôn 🙂

    1. Truyện ngụ ngôn để chế nhạo những người cứ tưởng rằng cái gì xảy đến với mình cũng là tai nạn to lớn. Rồi lại chế nhạo ngược khi chuyện to lớn xảy ra thì chẳng ai tin.

Leave a comment