Lữ thứ đá (kỳ 1)

Đá không có tình cảm, không biết suy nghĩ, và dĩ nhiên, không có ngôn ngữ, có phải vậy không? Nhiều văn sĩ, thi sĩ, và cả nhạc sĩ nữa, nghĩ khác. Nhạc sĩ Diệu Hương từng hỏi: “Em hỏi tôi phiến đá có tình yêu không? Em hỏi tôi phiến đá có linh hồn không?” Ngay từ tựa đề của bài hát, “Phiến Đá Sầu,” nhạc sĩ đã ngầm bảo rằng đá biết sầu tư. Một nhạc sĩ khác, (Lê Uyên) Phương đã hỏi. “Sao người biết cây không sầu, không biết khóc. Đá không buồn, không nhỏ lệ đêm thâu. Cây không khóc, sao lệ vàng rơi rụng. Đá không buồn sao đá phủ rêu xanh?”[1] Có nghĩa là, khi nhìn thấy một hòn đá đóng rêu, chúng ta có thể nghĩ rằng hòn đá này biết buồn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn góp thêm vào, chẳng những đá biết buồn mà nỗi buồn còn kéo dài, từ năm này sang năm khác, (mỗi năm là một tuổi) để trở thành “Tuổi Đá Buồn.” Trong một nhạc phẩm khác ông hỏi người nghe: “Làm sao em biết bia đá không đau?” Phải chăng đá biết đau nhưng không biết kêu lên? Có thể nào đá có ngôn ngữ riêng nhưng chúng ta không nghe và hiểu được hay không? Đá có tâm hồn không? Đá có tình yêu không? Tình cảm? Nếu biết nói thì đã, đang và sẽ nói gì? “Đá có mặt từ bao giờ?” Một nhân vật của Kuwabata khi nhìn vẻ hùng vĩ của vườn đá đã buột miệng kêu lên như thế. Để giải đáp những thắc mắc này tôi đi tìm câu trả lời. Đá, tương truyền đã hiện diện từ thuở bà Nữ Oa khai thiên lập địa, vì thế tài liệu về đá mênh mông không cùng mà sức người thì có hạn. Tôi xin chỉ giới hạn sự tìm kiếm của mình trong một vài tác phẩm văn chương và điện ảnh tiếng Anh.
Câu hát “đá không sầu sao đá phủ rêu xanh” đã đưa tôi đến với truyện ngắn “Vườn Đá” (Stone Garden) của nhà văn Yasunari Kawabata[2]. Truyện này lấy bối cảnh là vườn đá chùa Saihōji, ngày nay được biết đến với cái tên Moss Temple (Chùa Rêu) hay Kokedera. Là một trong những vườn Thiền, xưa và danh tiếng nhất của Nhật, Saihōji được thiết kế bởi Thiền sư Musō Soseki. Một vườn Thiền khác, Ryōanji, tuy được xây cất sau Saihōji nhưng nổi tiếng hơn, có lẽ nhờ đạo diễn Ozu Yasujirō đưa vào cuốn phim danh tiếng nhất của ông, Late Spring. Thật ra Chùa Rêu nằm ở hướng Đông còn Vườn Đá nằm ở phía Bắc của chùa Saihōji. Ueno Otoko một nữ họa sĩ tài hoa nhưng sống ẩn dật, cùng với Sakami Keiko, cô đồ đệ trẻ tuổi và xinh đẹp của nàng, đi thăm vườn đá ở chùa Saihōji. Otoko đến đó để vẽ vườn đá, còn Keiko thì làm cái bóng đi theo nàng.
Vườn đá của thiền sư Musō (Soseki), dãi nắng dầm sương hằng bao thế kỷ, cổ kính như có mặt từ khai thiên lập địa; Tuy nhiên, những tảng đá có hình dáng đầy góc cạnh này khiến người ta biết rằng có bàn tay kiến tạo của con người. Chúng khiến Otoko cảm thấy tâm hồn nàng căng thẳng hơn bao giờ như bị một sức nặng vô hình đè bẹp. “Chúng ta ra về nhé?” Nàng hỏi. “Mấy tảng đá này bắt đầu làm chị cảm thấy sợ hãi.”
“Vâng.”
“Chị không thể ngồi tĩnh tâm ở đây.” Otoko hơi loạng choạng khi bắt đầu đi xuống đồi. “Chị không thể nào vẽ mấy tảng đá này. Chúng đầy vẻ trừu tượng – có lẽ em nắm được tinh thần của nó với nét phác họa phóng khoáng của em.”
Keiko nắm cánh tay nàng. “Thôi mình về nhà và chơi trò chơi cá heo đi.”
“Chơi trò cá heo? Trò cá heo là trò chơi gì?”
Keiko cười nghịch ngợm và quẹo sang trái đi về phía rừng trúc. Rừng trúc đẹp như những bức ảnh người ta chụp cảnh vườn chùa.
Nét mặt của Otoko đầy vẻ căng thẳng chứ không vui vẻ. Khi nàng đi dọc theo bìa rừng trúc, Keiko gọi tên nàng. Cô gái đi nhanh lên để bắt kịp nàng và sờ nhẹ vào lưng nàng.”Chị có bao giờ bị cái vườn đá đó thôi miên chưa?”
“Chưa, chị thích đến đây dù chẳng để làm gì cả. Chị chỉ muốn được nhìn ngắm vườn đá này ngày qua ngày.”
“Chúng chỉ là đá tảng thôi, phải không? Nét mặt của cô gái vẫn rạng rỡ và tươi trẻ như bao giờ. “Em tin chắc là chị đã nhìn thấy nét hùng vĩ cũng như vẻ đẹp rêu phong của chúng, nhờ đôi mắt họa sĩ của chị. Nhưng dẫu sao đá vẫn là đá … . Em nhớ bài tiểu luận của một thi sĩ chuyên làm thơ haiku. Ông kể rằng ở quê nhà ông nhìn ngắm đại dương hết ngày này sang ngày khác. Sau khi dọn về Kyoto, nhờ đã được nhìn ngắm đại dương mà ông thật sự hiểu ý nghĩa của vườn đá.”

Kokedera hiện nay. (photo: http://www.japanesegardens.jp)
Chùa Rêu ở trên đồi cao, giáp ranh Kyoto về hướng Tây, xây cất từ năm 1312, theo thời gian trở nên hư hại nặng. Năm 1339, Thiền sư Musō Soseki, được Shogun Ashikaga mời đứng ra trông coi việc sửa sang chùa và biến nó thành Thiền viện. Khi Soseki nhận trùng tu Chùa Rêu, ngôi chùa này đã có sẵn một công viên xây dựng theo kiểu truyền thống; có nghĩa là được trang trí bằng cây cỏ, hoa lá, và chim muông. Thiền sư ra lệnh cho xây thêm một ngôi nhà thủy tạ có nhiều tầng. Ngôi nhà này về sau trở nên khuôn mẫu của Kim Các Tự (Golden Pavillion), ngôi chùa sơn phết vàng về sau bị đốt cháy, trong tác phẩm của Yukio Mishima. Tuy nhiên ngoài khu vườn truyền thống này, còn có một khu vườn thứ hai cũng nằm trong khuôn viên chùa. Khu vườn thứ hai này toàn là đá và chính nó đã khiến Musō Soseki được truyền tụng là bậc sư tổ trong ngành kiến tạo vườn đá. Vườn đá Chùa Rêu trải dài trên sườn núi như một bậc thang nhân tạo, càng lên cao càng hẹp khiến cho nó có chiều sâu. Trong rừng cây âm u với những tảng đá có chiều dài hơn hai mươi mét, cái uy nghi và hùng vĩ của đá khiến con người cảm thấy nhỏ bé và yếu đuối.
Otoko cho rằng vườn đá này có nét giống tranh của Cezanne, những bức tranh vẽ đá ở bờ biển L’Estaque. Nàng không thể vẽ những tảng đá trong vườn đá của Chùa Rêu, cho rằng chúng trừu tượng quá. Tài vẽ của Keiko (cô đồ đệ) tuy còn non nớt; nhưng ngày hôm đó Otoko cảm thấy có một điều gì đó khá quan trọng đã xảy ra trong tư tưởng của Keiko. Do sự khích động tư tưởng này cùng với nét phác họa phóng túng, Keiko như đã nắm bắt được một phần hồn của vườn đá. Otoko hỏi dò và cuối cùng khám phá ra rằng Keiko đã ngủ với Oki Toshio. Otoko và Keiko là tình nhân (đồng tính luyến ái) với nhau. Oki Toshio là họa sĩ nổi danh, chừng hơn năm mươi tuổi và có vợ con. Otoko từng là người tình của Oki và nàng có con với ông. Keiko bảo rằng nàng ngủ với Oki chỉ vì muốn trả thù cho Otoko. Otoko nghĩ rằng trong sự nghiêm trang của vườn Thiền Keiko không nên nói những chuyện thù ghét và quan hệ tình dục.

một mô thức Chùa Đá Ryoan-ji (photo: http://everydaydreamholiday.com)
Không phải vườn đá nào cũng là vườn Thiền. Để được xem là vườn Thiền, vườn phải do Thiền sư thiết kế và xây dựng. Vườn Thiền Ryōanji sử dụng toàn đá và sỏi. Chỉ với mười lăm tảng đá lớn nhỏ không đều, không đối xứng, đầy góc cạnh, không màu sắc nổi bật, vườn đá Ryōanji là kiểu mẫu cho một số vườn Thiền trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Khác với vườn đá Chùa Rêu với những tảng đá khổng lồ, vườn đá của chùa Ryōanji, lừng danh trong phim Late Spring (Xuân Muộn) của đạo diễn Yasujiro Ozu, chỉ bao gồm mười lăm phiến đá nhỏ chia làm năm nhóm. Ở một góc nào đó nhìn về vườn đá chùa Ryōanji sẽ có một vài phiến đá bị che khuất. Phim Xuân Muộn nói về tình phụ tử của người cha góa vợ, Shukichi, và cô con gái, Noriko, đến tuổi lập gia đình. Dù mọi người chung quanh đốc thúc nhưng Noriko ngần ngại không muốn lấy chồng vì sợ cha già không ai chăm sóc. Cuốn phim miêu tả văn hóa Nhật Bản ở buổi giao thời, phụ nữ Nhật Bản bắt đầu tiếp cận với văn hóa Tây phương, thích mặc âu phục khi ra phố và (phần nào) được quyền chọn lựa về chuyện trăm năm. Vườn đá chùa Ryōanji xuất hiện trong phần kết thúc của phim Xuân Muộn khi Shukichi (ông bố) và người bạn ngồi ngắm vườn đá bàn chuyện cuộc đời. Câu chuyện của hai người đàn ông chỉ quanh quẩn trong chuyện nuôi và cưới gả con, nhưng trong bóng chiều chập choạng hai người ngồi như hai hòn đá bất trường tồn làm chứng nhân cho sự tàn phai của cuộc đời so với sự trường tồn của vườn đá trước mặt họ. “Năm trăm tuổi, vườn đá Ryōanji, rất đáng cho chúng ta thán phục như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Đây cũng là nơi mà loài người có thể, soi vào trong đá như một tấm gương, phản chiếu tư tưởng thầm kín của chính họ.”[3] François Berthier[4] đã đặt câu hỏi. “Đá có ngôn ngữ hay không? Một vài hòn đá thô nhám rải rác trên một mặt phẳng đầy sỏi – liệu nó có nhắn gửi một thông điệp gì không?”[5]
Các vị Thiền sư Nhật Bản tin rằng đá có tất cả những đặc tính nói trên, có ngôn ngữ và ngôn ngữ là thông điệp. Công viên Thiền loại bỏ tất cả những thứ trang hoàng như cây cảnh chim muông, thậm chí không có cả cá và nước. Các Thiền sư chỉ dùng đá vì tin rằng đá là xương của vũ trụ và chỉ có đá mới trường tồn với thời gian. Một trong những đặc tính của Thiền là tìm kiếm cốt lõi sâu xa nhất của con người. Vườn đá sẽ giúp các Thiền sinh dễ tập trung tư tưởng để tìm ra chân lý. Càng tiến đến gần với cốt lõi của thiên nhiên, Thiền sư càng dễ tìm ra bản chất Thiền. Tương truyền, khi giác ngộ các ngài có thể nghe tiếng sóng biển, thác đổ, suối reo và nước chảy qua mười lăm tảng đá ở vườn thiền Ryōanji. Ở vườn đá Chùa Rêu, nhiều người kinh sợ vì cảm nhận được có một dòng thác khổng lồ im lặng từ trên đỉnh núi cao đổ xuống.
Để trả lời câu hỏi đá có biết nói hay không, người Hy Lạp kể rằng thời xưa có một hòn đá có thể nói những lời tiên tri vận mệnh của quốc gia. Hòn đá ấy nằm ở trung tâm của vũ trụ và có tên là Omphalos. Thần Apollo giáng trần đi tìm một nơi thích hợp để thiết lập nền tảng cho ngành tiên tri. Thần xuống núi Mt. Olympus, đi từ miền Bắc đến miền Trung của Hy Lạp và tìm được chỗ thích hợp. Đó là Crisa, một làng nhỏ dưới chân núi Parnassus. Apollo giết con rồng cái ở dòng suối rộng gần đó rồi dựng đền thờ. Chỗ này được gọi là Pytho, có nghĩa là giết rồng; còn Apollo được gọi là Pythian tức người giết rồng. Đây vốn là nơi trú ngụ của nữ thần Ge-Themis và con rồng là thuộc hạ của nữ thần. Giết rồng chiếm đất là hành động xâm lăng. Zeus trừng phạt Apollo bằng cách lưu đày ông sang Thesaly ở chín năm. Đền tiên tri của Apollo ngày nay vẫn còn dấu vết, trong đền thờ còn lưu truyền Omphalos, một tảng đá cổ hình bầu dục. Omphalos có nghĩa là “cái rốn.” Tương truyền rằng, Pythian (tức là Apollo,) thần cai trị Delphi, chiếm đóng cái rốn (trung tâm) của vũ trụ. Để biết chính xác vị trí trung tâm của vũ trụ, Zeus đã ra lệnh cho hai con ó thần cất cánh từ hai điểm cuối địa cầu, bay ngược hướng với nhau. Nơi chúng gặp nhau là trung tâm của vũ trụ và hòn đá Omphalos được thả xuống vị trí này để đánh dấu. Thần Apollo chọn nơi đây để xây đền thờ. Thánh địa Apollo vì thế có tượng của hai con ó được xây dựng ở hai bên cửa. Trong đền thờ Apollo có một vị nữ tiên tri. Nữ tiên tri này sẽ áp tai vào đá Omphalos lắng nghe và lập lại lời tiên tri của thánh thần. Những lời tiên tri này thường không mạch lạc và rất khó hiểu. Một nhóm tu sĩ khác sẽ đọc và giải thích những lời tiên tri này.

đền thờ thần Appollo ở Jordan (photo: Ngô Bắc)
Qua trung gian các vị tu sĩ, Omphalos nói lên lời tiên tri của thánh thần. Mỗi khi trong nước có chuyện không yên, có nhiều chiều hướng chính trị xung đột, các chính trị gia không thể dễ dàng quyết định chính sách, họ thường cầu xin lời tiên tri của Omphalos. Độc giả có thể chê rằng các chính trị gia Hy lạp mê tín, hay khen họ khéo dùng sự mê tín vào lời tiên tri của thánh thần để lèo lái ý kiến người dân.
(còn tiếp kỳ 2)
[2] Kawabata, Yasunari. Stone Garden trong Beauty and Sadness. Trans. Hibbett, Howard S. New York. Alfred A. Knopf, Inc. @1996.
[3] Berthier, François. Reading Zen in the Rocks. Trans. Parkes, Graham. Univ. of Chicago Press. Chicago and London. @2000. p. vii
[4] François Berthier là Giáo sư về ngành Mỹ thuật Nhật Bản và Lịch sử của Institut National des Languages et Civilisations Orientales in Paris.
[5] Xem chú thích số 4.
Nguyễn thị Hải Hà

 

8 thoughts on “Lữ thứ đá (kỳ 1)”

Leave a comment