Tủ sách bỏ túi

Nhân có một bạn mới quen hỏi tủ sách bỏ túi là gì, tôi xin viết về tủ sách này.

tủ sách cho không

Năm 2014, buổi trưa đi bộ từ công ty tôi đánh một vòng khá xa, đến tận nơi có thư viện chính của thành phố Newark, tiểu bang New Jersey, nơi tôi đang làm việc. Thỉnh thoảng tôi có mượn sách ở thư viện này. Thư viện ở Hoa Kỳ đa số là thư viện công cộng. Địa phương nào cũng có thư viện. Dân ở địa phương nào mượn sách ở thư viện công cộng của địa phương ấy. Người làm việc ở địa phương cũng có thể làm thẻ thư viện và được quyền mượn sách của thư viện địa phương. Các thư viện (vùng, khu phố, tiểu quận) này được kết hợp với nhau thành một khối thư viện lớn hơn (quận, trung ương) và số sách của (nhiều) thư viện (kết hợp lại) càng to lớn hơn. Người ở chung quận có thể mượn được sách của các khu tiểu quận khác. Sách của các khu vực khác được chuyển đến khu vực người yêu cầu, khi đọc xong có thể trả sách ở khu vực nào tiện cho người mượn nhất.

Xéo xéo góc, đối diện với thư viện Newark, có một ngày người ta đặt một cái bệ, rồi sau đó người ta đặt lên một cái tủ có mái trông giống như một căn nhà be bé có hai chân. Cái tủ này cao đến vai tôi. Tủ có ba ngăn. Vài ngày sau nữa người ta chất đầy sách vào trong cái tủ này. Bên trên mái của thùng có một bảng ghi chú. Free Library. Sách có thể trao đổi, ai đọc thì lấy về đọc, ai có sách muốn đem tặng cho người khác, có thể cho vào tủ sách này. Tôi kèm theo link để các bạn xem ảnh.

https://chuyenbangquo.com/2014/10/14/sach-3/

Tủ sách này sau khi bị phá hoại nhiều lần, được dời qua một nơi khác của thành phố. Chỗ ở mới này êm đẹp hơn. Tủ sách nhỏ xíu này, tôi không biết gọi là gì, nên gọi là tủ sách bỏ túi. Thư viện là của công, người dùng thư viện có thể mượn sách, phim ảnh, âm nhạc không tốn tiền, nhưng không được lấy luôn (vậy chớ người lấy luôn thì cũng có và khá nhiều, nhất là những bộ phim hay nổi tiếng). Sách của tủ sách, Free Library, này bạn có thể lấy luôn, muốn lấy nhiều ít gì cũng được.

Tủ sách không lớn lắm. Chiều sâu của mỗi ngăn tủ chỉ có thể chứa một lớp sách để có thể lấy sách ra dễ dàng. Tuy nhiên có khi nhiều sách quá, người ta nhồi nhét cả hai lớp, lấy sách ra rất khó. Rồi có một hôm đi bộ ngang, tôi thấy một bà người da nâu sẫm, cao lớn đẫy đà, mặc áo rộng phùng phình, đầu vấn khăn theo kiểu người châu Phi, la lối múa may. Bà hốt hết tất cả sách trong tủ, cho vào ba bốn cái túi xách to lớn. Tủ sách trống hốc  một hai ngày. Sau đó lại có sách mới. Sách ở đây có nhiều thể loại: tiểu thuyết, biên khảo, chính trị, tài chánh, lý luận, phê bình văn học… . Ngày nào tôi cũng ra chỗ này, đọc sơ sơ, ngắm nghía, suy nghĩ có nên lấy về nhà không, bỏ xuống (đem về không có thì giờ đọc lại chật nhà). Đa số sách ở đây là loại có chất lượng, kén người đọc.

Trong công ty tôi làm việc cũng có mấy kệ sách được dùng để trao đổi. Ai muốn tặng hay nhận sách thì mang đến đây. Các ngăn kệ này cũng đã đầy tràn. Sách trên các ngăn kệ này đa số là tiểu thuyết (fiction) loại hấp dẫn, ăn khách, đọc để giải trí quên thời gian trên xe lửa.

kệ sách trao đổi trong công ty

Viết xong, đăng rồi mới thấy mình dùng chữ loạn xà ngầu. Thôi thì bạn hiểu dùm, thư viện bỏ túi hay tủ sách bỏ túi cũng chỉ là một.

10 thoughts on “Tủ sách bỏ túi”

  1. Ah, ban đầu mình nghĩ đến những cuốn sách bé xíu mà trong mỗi nhà sách bạn có thể tìm thấy một vài cuốn, bé bằng bàn tay. Mình nghĩ giá mà có một thư viện sách be bé thế cũng hay, nhưng chữ nhỏ quá thì bảo đảm hại mắt. Sau đó mình lại tìm tiếp đâu đó nói rằng chỉ cần dùng app đt quẹt vào bìa cuốn sách ấy là về nhà có thể đọc trong 1 tháng chẳng hạn. Cho nên bài viết của bạn làm mình ngạc nhiên, bất ngờ, thú vị. Chưa thấy có cái thùng sách nào với ý tưởng dễ thương như thế. Y như cái chuồng chim câu. Hệ thống thư viện bên đó cũng giống bên mình. Nếu làm mất sách thì bị đền tiền. Thói quen đọc sách, đúng luôn dù không phải để trở thành nhà văn. Ah mà hình như cái anh của Rừng Nauy cũng là dân quản lý thư viện thì phải, nhỉ.

  2. Ah tôi lại nhầm, Haruki Murakami không phải làm trong thư viện mà là cửa hàng băng đĩa và sau mở quán cafe chơi nhạc jazz. Tưởng làm thư viện đọc sách nhiều nhiều nên trở thành nhà văn, hihi.

  3. Kính chào chị HH. Nước Mỹ đáng yêu quá vì có những tủ sách xinh xắn thế này. Tôi có một người bạn từ Mỹ về Hà Nội chơi. Lúc rảnh, chị muốn đến thư viện. Nhưng HN bây giờ đâu còn thư viện nữa. Cả thành phố còn mỗi 2 cái. Mà muốn mượn phải có thẻ. Nhưng làm thẻ rất nhiêu khê. Tôi có người bạn nước ngoài, nghiên cứu về VN. Anh vào thư viện quốc gia mượn sách. Thủ thư nói không có. Tôi bảo, anh phải đưa tiền cho cô ta. Anh làm theo. Và mượn được sách! Anh ngạc nhiên, bảo: ” Tôi mượn sách ở Paris, New York đâu có phải đưa tiền?” Tôi nói:” Anh không nhớ ông Hoàng Ngọc Hiến nói : Cái nước mình nó thê ! hay sao?”Theo thóng kê, mỗi năm, mỗi nguời Việt chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách (trong đó có 3 quyển là sách giáo khoa!) Tôi đi dạy, mua sách tặng sinh viên, nhưng họ cũng không đọc. Thử nhìn lại bạn bè hồi đi học, cũng chẳng thấy ai đọc sách bao giờ. Tôi thường đến hiệu sách. Nhưng suốt 20 năm mới gặp 2 sinh viên ở đó.

    1. Ah, Tôi e rằng giáo sư Đoàn Tuấn bi quan quá. Tôi toàn đọc sách sau khi các bạn trẻ ở VN review và giới thiệu. Quan sát các bạn trẻ này tôi thấy chẳng lo gì cho tương lai văn học cũng như nền trí thức ở VN vì các bạn ấy giỏi quá, chăm quá, hiểu biết nhiều và rất yêu thương nước nhà. Nhiều khi tôi tự trách mình đã không quản lý thì giờ tốt để có thể đọc như các bạn ấy. Ngày nào tôi cũng đọc, nhưng vì tôi đọc quyển này một ít, quyển kia một ít, nên không thể kể ra là mình đã đọc quyển gì. Tôi lại quan niệm, có nhiều sách không có nghĩa là đọc nhiều sách. Đọc nhiều sách không có nghĩa là sử dụng được tinh hoa của sách. Ở đây nhiều sách quá đến độ tôi choáng.

  4. Kính chào chị HH. Tôi nói thật đấy! Vì tôi dạy môn sáng tác kịch bản phim. Nói đơn giản là dạy cái nghề kể chuyện. Nhưng trường tôi rất khó tuyển được những em có năng khiếu. Họ vào các trường khác như Ngoại thương hoặc du học. SV của tôi đa số là con em nông dân. Từ bé đến lớn hình như họ không có khái niệm về thư viện hay tự mua cho mình một quyển sách. Các em rất nghèo và không xây dựng cho mình thói quen đọc. Không đọc, không chịu xem phim mà đòi viết truyện ! Thật khó có thể đào tạo những cô cậu học trò 18 tuổi để có thể kể một câu chuyện dài khoảng 90 phút cho nhiều người xem. Sau khi ra trường, các em đi làm đủ các nghề khác !

    1. Rất tiếc. Thầy giỏi cũng cần có học sinh giỏi, ít nhất cũng phải thích học. Các cô cậu học sinh có lẽ chọn không đúng ngành, đúng sở thích. Tôi rất thích học viết, trong đó có kịch bản phim, thích được đào tạo ở trường lớp hẳn hoi, nhưng lại không có cơ hội. Chẳng lẽ đến gần cuối cuộc đời lại đóng tiền đi học, để chẳng làm gì cả, chỉ để biết thôi, thì phí tiền quá. Tiền học ở Mỹ này rất đắt (mắc). Học trường xoàng xoàng thôi, chỉ tiền học, đừng kể tiền ăn ở, cũng phải 15 ngàn một năm. Với số tiền đó mình có thể đóng cửa ngồi nhà đọc sách và mày mò tự viết. Có lẽ kết quả của hai hành động, học ở trường và tự học cũng đưa đến cùng một kết quả. Mong là mỗi năm dạy học Tuấn sẽ gặp nhiều học sinh giỏi tha thiết học.

Leave a comment