
Khi vụ thảm sát ở Las Vegas xảy ra, một người bạn hoang mang hỏi. “Ở nước Mỹ có an toàn hay không? Sao mà cứ có những vụ thảm sát như thế xảy ra? Vậy mà ai cũng bảo nước Mỹ là thiên đường.” Tôi cũng tự hỏi mình xứ Mỹ có (là) thiên đường hay không.
Chưa hết. Ngay sau đó, lại có vụ khủng bố ở ngay thành phố New York. Tên khủng bố lái xe truck loại nhỏ đụng những người đi xe đạp (trên đường dành riêng cho người đi xe đạp). Đa số những người này là người ngoại quốc, đến xem thành phố New York, để kỷ niệm ba mươi năm ngày tốt nghiệp Trung học của họ. Trong số người chết chỉ có một người ở New Jersey, và một người ở New York.
Hôm qua, lại có vụ bắn chết mấy chục người ở một nhà thờ vùng quê nhỏ bé thuộc tiểu bang Texas. Câu hỏi cũ về xứ Mỹ thiên đường lại trở về với tôi.
Tùy theo mình định nghĩa thế nào là thiên đường. Với những người vượt biên giới Mexico, tìm việc làm, kiếm tiền để nuôi sống người thân ở những vùng quê khô cằn sỏi đá, nghèo khó, ở Mỹ với đồng lương rẻ mạt, chưa được đến mức tối thiểu theo luật qui định, thì cuộc sống ở Mỹ với những siêu thị ngút ngút thức ăn, đường cao tốc mười mấy làn thì có lẽ họ xem cuộc sống ở Mỹ gần giống với thiên đường, một kiểu thiên đường giản dị và hạn hẹp.
Nói chuyện súng ống ở chốn xa vời làm chi; thôi, nói chuyện gần của hàng xóm đi. Mấy tháng trước, đầu con đường chỗ tôi ở, có nhà bị trộm. Trộm lấy xà beng cạy cửa. Nhà ấy sống theo kiểu người Mỹ chẳng giữ tiền mặt hay nữ trang trong nhà nên chẳng mất gì cả; chỉ tốn tiền thay cánh cửa. Mới tuần trước, nhà người em của người ở đầu đường, cũng bị trộm vào nhà. Chủ nhà mất vài trăm, tiền quà sinh nhật của mấy đứa con. Kẻ trộm lại cũng dùng xà beng cạy cửa. Đấy, ở Mỹ, người ta có súng ống (chuyện lớn), có trộm cắp (chuyện lặt vặt). Chuyện giết người, tiểu bang nào, thành phố nào cũng có, báo chí Mỹ đăng hằng ngày.
Làm việc ở thành phố mấy mươi năm, tôi nhìn thấy sự giàu có (một trong những đặc tính được dùng để định nghĩa thiên đường) và sự nghèo đói (một trong những đặc tính được dùng để định nghĩa địa ngục) chỉ cách nhau một con đường. Gần chỗ tôi làm việc là đại hí viện của thành phố, người đi xem nhạc, kịch, khiêu vũ, ăn mặc sang trọng. Bên kia đường đối diện với đại hí viện là một nhà thờ cổ; nơi đây người ta phát chẩn, cơm trưa từ thiện một tuần năm ngày, người đến ăn rất đông. Thế là, “thiên đường địa ngục hai bên.”
Ai đang ở trong địa ngục (hay tưởng mình đang ở trong địa ngục) nhìn ra ngoài thấy đâu cũng là thiên đường. Có người đặt câu hỏi trên facebook, bán hết tài sản được ba trăm ngàn USD, có nên sang Mỹ để sống với số tiền đó hay không? Câu trả lời của tôi là tùy theo bạn muốn tìm cái gì ở Mỹ. Có người ở Mỹ làm việc suốt đời, hy vọng về già có dư tiền đi chơi. Có người ở VN và nhiều quốc gia trên thế giới, họ đi chơi từ hồi còn trẻ, chỉ đủ tiền đi chơi thôi chứ không dư để nghĩ đến tương lai xa vời. Bạn có biết là ở Mỹ có người không có cả ba ngàn USD trong ngân hàng không? Tôi nghĩ nếu họ có số tiền đó trong ngân hàng chắc họ chẳng đi ăn trộm mấy nhà trung bình để làm gì. Rủi bị bắt là tiêu đời.
Vâng, thì xứ Mỹ có giết chóc bằng súng ống và cả trộm cắp nữa. Nhưng chuyện bắn giết thì chỉ một vài nơi, lẻ tẻ. Phần lớn trên nước Mỹ vẫn an toàn, tuy nhiên sau khi hai tòa nhà ở New York bị đánh sập, tôi nhìn thấy một sự nghi kỵ đặc biệt dành cho người ngoại quốc mà tôi không nhìn thấy ở Canada. Ở thành phố tôi làm việc, giơ máy chụp ảnh lên là thấy an ninh bảo vệ đi đến gần mình ngay lập tức.
Thế thì có nên dẹp hết, cấm hết chuyện có súng hay không? Nếu không có súng, rủi trộm vào nhà thì sao? Có súng rồi nhưng kẻ bên kia có súng máy thì sao?
Còn tôi thì đang tự nói lảm nhảm điều gì đây nhỉ? Đến giờ đi làm, ngừng free writing ở đây.
Viết tiếp sáng 11/8/2017
Chiều qua đọc báo New York Times thấy một bài phóng sự dài, tác giả nghiên cứu và cố gắng giải thích về hiện tượng thảm sát tập thể ở Mỹ. Bài báo cho biết Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng giết người tập thể nhiều lần nhất, nhiều người chết nhất trên thế giới. Sau đó là Yemen. Hoa Kỳ là quốc gia mà người dân có số lượng súng cao nhất thế giới. Tổng số dân số Hoa Kỳ chỉ có 4.4 phần trăm so với tổng số dân trên thế giới, nhưng lại có súng đến 42 phần trăm của tổng số súng trên thế giới.
Thực ra thiên đường hay không là do mình nhìn nhận thôi, cháu nghĩ vậy.
Giống như là đi loanh quanh, xong nhận ra là mình đi cũng được, ở cũng được, cũng không quan trọng nữa, quan trọng là mình thôi.
Có lẽ cháu cũng bắt đầu bị coi là lỗi thời rồi…
LikeLiked by 1 person
Theo tôi thì :sáng thức dậy thấy còn mạnh khoẻ ,đi làm ,trên đường đến sở làm ,tạ ơn Chúa .Xin cho mọi người trong gia đình ,bạn bè được bình an .Chiều về có thêm mấy người bạn ngồi lai rai mấy ly rượu ,hát cho nhau nghe những bản tình ca của một thời ,đó là niềm hạnh phúc của Thiên Đường …..
LikeLiked by 1 person
Dạ, cám ơn Bác (Bác nào đây?)
LikeLike
Hạt giống tốt, cần có môi trường tốt để phát triển đến mức tối đa. Con người cũng vậy. Nếu tìm được môi trường tốt để có thể phát huy tài năng, hay thực hiện mơ ước hoài bão thì nên làm.
LikeLiked by 3 people
Đi khắp nơi rồi cũng chỉ muốn trở về đất nước này, không dám gọi là thiên đường, nhưng đó là nhà, là quê hương thứ hai, là nơi trú ẩn cuối cùng.
LikeLiked by 1 person
Thì chúng mình đã nhận nơi này là quê hương, dẫu cho khó thương thì cũng cứ thương 🙂
LikeLike
Mai thì thương đất nước đã cưu mang mình dearly. Hồi xưa thương câu hát “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” cho quê mẹ của mình, bây giờ thương câu hát đó cho quê hương thứ hai này.
LikeLiked by 1 person
Tôi đang đặt một chân trước cửa nước Mỹ, hành trang đem theo một ít tiền để sống…Tôi chỉ nghĩ “- Mình bước vào đây sẽ học được điều gì? Còn con gái thì nói “ – Nếu ngày sau lập gđ, con muốn ở đây, con không muốn con của con khổ”. Tôi quyết định trải nghiệm đoạn cuối của cuộc đời là “ Phiêu lưu”. Chết là hết..Sống như thế nào mới là chuyện đáng quan tâm, suy nghĩ và hành xử. Tôi lười biếng tính toán nên thường nghĩ “- Để Thiên Chúa sắp xếp hộ!”
Vài hàng bâng quơ, chúc sức khỏe Chị Tám nghe.
LikeLiked by 1 person
Dạ cám ơn anh. Chúc chuyến đi hoàn toàn tốt đẹp. Ở đây người ta có nhiều cơ hội để thực hiện hoài bão. Tôi không nghĩ sang Mỹ là phiêu lưu đâu anh, có thể nói đây là một cuộc đầu tư vào thế hệ tương lai. Với anh, tôi nghĩ anh có thể thích nghi và vui với cuộc sống mới. Dĩ nhiên ở Mỹ không phải cái gì cũng trăm phần tốt đẹp. Chỉ cần 75 phần tốt đẹp thì cũng dễ sống lắm rồi.
LikeLike
Thiên đường hay địa ngục chỉ là do vọng tưởng của con người . Kẻ ăn mày mong bữa cơm no là hạnh phúc . Người giàu nhìn kẻ khác muốn chiếm hữu nhiều hơn. Người đi trong sa mạc tìm được giọt nước cảm thấy thiên đường có mặt. Người sống trong vùng lũ khốn khổ bơi trong vùng nước mênh mông. Cái được chưa hẳn là vui, cái mất chưa hẳn là buồn. Thiên đường và địa ngục cách nhau sợi chỉ trong lòng người
LikeLiked by 1 person
Vâng. Quả đúng là như vậy.
LikeLike
Hôm qua tình cờ có vài chuyện liên quan. (1) Chẳng hạn bạn Thiên Lương, người dịch lại hẳn Lolita của Nabokov sau khi bác Dương Tường đã làm nhưng bị ai đó bảo là “một thảm họa tiếng Việt”. Bạn ấy nhận xét về phản ứng của mọi người khi xem/ đọc một tin xấu ở VN, bất an, thức ăn độc hại, bệnh tật, lo lắng hàng loạt, sự lo lắng như là một bệnh xã hội, trong khi thực tế thì mọi người vẫn rất ổn, cũng quây quần vui vẻ, cũng ăn uống vui chơi. Bạn cũng lấy luôn vài ví dụ về các vấn nạn ở Mỹ. Thôi thì kết luận là ở đâu cũng có cái được cái mất. (2) Hôm qua cháu tôi gửi cho ba tấm ảnh chụp nước lụt ở quê vô trong nhà tới ngang hông, mấy đứa nhỏ nô đùa bơi quanh nhà. Ban đầu tôi cũng lo lắng lắm. Gọi mãi mới được. Bà O ngồi trên cái giường được kê vững chắc và khá cao, cười nói rôm rả. Ông thì nằm trên gác. Mọi người ăn thịt gà với xôi, gà nhà và nếp nhà, rau củ quả mẹ tôi gửi ở Dalat ra vẫn còn. Nói chung không khí khác hẳn cái trận lụt năm 83 tôi chứng kiến, đói và đói. Mỗi lần về quê tôi thấy mọi người cứ trẻ ra, lạ thật, chợ nửa buổi là tan, họ ngủ trưa thong thả, chiều mới tà tà chuẩn bị cho phiên chợ mai. Nhà ai có mớ rau con vịt con gà thì mang ra chợ bán, đổi lấy mớ cá tươi về ăn. Đa số người trong làng dùng nước chè xanh hái ngoài vườn, dùng tinh bột nghệ họ tự bào bào xay xay, đến mùa thì làm mức gừng để bán, bánh canh, bèo, nậm, lọc, bánh ướt cứ là món khoái khẩu của những làng bên sang ăn. Nếu không lụt lội bão tố thì chỉ số hạnh phúc phải nói là cao ngất ngưởng. (3) Hôm qua một chiếc xe 4wd do một người phụ nữ lái không hiểu sao chạy thẳng một mạch tông vào một lớp học (ở tp Sydney) làm 2 em trai 8 tuổi tử vong và một số em khác bị thương. Đa số các trường ở đây khi số lượng hs tăng, họ đặt thêm một số phòng kiểu lắp ráp, chắc bên Mỹ tôi đoán cũng thế. Nhưng chắc chẳng ai nghĩ đến tình huống kinh khủng chết người. (4) Là bài viết của Hải Hà.
Ôi kết luận là chuyện gì cũng có thể xảy ra. Như bạn bè nhận xét trên đây, hạnh phúc không ở đâu xa và thiên đường là nơi mình đang sống, là sức khỏe, là công việc, là sự thấu hiểu và biết sẻ chia, và trên hết là biết hài lòng với những gì mình đang có, phải không bạn ơi!
LikeLiked by 4 people
Người mình có sức chịu đựng rất cao, và có thể hồi phục nhanh chóng dễ dàng hơn nhiều người của các quốc gia trên thế giới. Ngày xưa khi còn chiến tranh, Sài Gòn bị pháo kích, đặt mìn nổ nhiều nơi, chỗ nào có người chết thì buồn khổ khóc lóc lo sợ. Tránh chỗ đó ra thì người ta vẫn buôn bán chợ búa huyên náo, vẫn vui chơi hẹn hò, vẫn sống vẫn ăn vẫn thở. Nhiều khi mình cứ sống giống như người chung quanh mình, ai sao mình vậy riết rồi quen đi, khổ thì ráng chịu. Trẻ em thì vô tư, cứ thấy nước thì bơi lội vui cười, nhưng điều đó không có nghĩa là dân mình không khổ. Nhiều khi mình thấy nước lụt mênh mông, tự hỏi có bao nhiêu trẻ em, bị tuột tay rơi xuống nước, cha mẹ chụp theo không kịp. Và không phải nhà nào cũng có thức ăn để chờ nước rút. Và nước lụt năm nay có làm chết mùa màng năm sau không?
Nói gì thì nói, không có ba trăm ngàn USD trong ngân hàng, nhưng có thể ngủ trưa được mỗi ngày thì biết bao nhiêu triệu người Mỹ không được như vậy.
LikeLiked by 1 person
Hôm nay mình nghe Nga tài trợ bão lụt 5tr và nhiều hàng cứu trợ mang về Khánh Hòa, nghe mừng và ấm cái bụng.
Mà đúng là dân mình có sức chịu đựng cao. Người lính quay về không có nhiều hỗ trợ tâm lý như HH nói, trẻ em có làm sao thì cũng cứ thế mà lớn lên chứ không được hỗ trợ đặc biệt để rút ngắn khoảng cách so với các bạn cùng trang lứa.
Thấm thía câu “Nơi ta ở cũng là nơi đất ở. Nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Nơi HH có nhiều cây cối thế mùa đông có lạnh hơn không? Nhà nhà có gần nhau không? Mùa hè chắc là mát lắm nhỉ.
Mình chưa có ý định đi NZ nhưng cũng nghe cô bạn ở VN bảo là cô đi nhiều nước nhưng NZ là nơi đẹp nên chắc chắn sẽ quay lại không chỉ một lần. Nói chung mình đi Úc bao nhiêu năm là đã quay về VN bấy nhiêu lần. Bố mẹ mình lớn tuổi, mà hồi trước còn khỏe cũng không muốn đi đâu xa. Bây giờ ngoài tám mươi nên mình càng nên về.
LikeLiked by 1 person
Bây giờ đang giữa mùa thu, mấy hôm nay buổi sáng gần không độ C. Buổi chiều khoảng bốn độ C. Mưa rả rích rất lạnh. New Zealand là nơi được đạo diễn Peter Jackson chọn làm bối cảnh quay phim Lord of the Rings. Cảnh đẹp và lạ. Nếu có cơ hội mình cũng đi xem cho biết.
LikeLike