Chung quanh cái hamburger

một cửa hàng chuyên bán hamburger ở thành phố Newark
Tiệm bán hamburger trong thành phố Newark, NJ

Nếu bạn ở một quốc gia nào đó không phải Việt Nam, thế nào cũng có lúc bạn gặp câu hỏi: “Người ở nước ấy (Mỹ, Úc, hay Canada) ăn món ăn gì hằng ngày? Chẳng lẽ ngày nào họ cũng ăn thức ăn làm sẵn cho nhanh và gọn? Câu hỏi này cũng dễ trả lời. Mình đâu có ở gần đến độ biết họ ăn những gì mỗi ngày. Nhà ở đây cách xa nhau chứ không gần như ở VN, có thể đoán được món ăn vì mùi thức ăn bay lan.

Thấy thì đơn giản, chứ người Mỹ có rất nhiều món ăn. Họ có nhiều loại súp (thí dụ như Manhattan clam chowder, Boston clam chowder, chicken noodle soup), bánh mì sandwich, mì (của Ý nhưng thành của Mỹ đủ thứ loại spaghetti, linguini, ziti), bánh mì với nhân nóng, bánh mì nguội, xsà lách (salad, ở một cái salad bar là bạn có thể tìm thấy cả mấy chục món để trộn lại thành xà lách) , v.v… Mỗi món lại có nhiều món phụ kèm theo để thay đổi, thí dụ như bánh mì nguội có salami, ham và cheese. Mở một cái thực đơn của nhà hàng bán thức ăn trưa là đủ choáng luôn. Thức ăn trưa thì ít món hơn, gọn nhẹ, và số lượng ít hơn. Thực đơn của nhà hàng phục vụ dinner (bữa ăn tối) thường làm tôi cảm thấy ngợp với quá nhiều thứ để lựa chọn. Mà để đây, bữa khác nói, đừng để tôi lan man quá mất thì giờ (của bạn chứ tôi thì khoái mất thì giờ để lan man).

Nếu Việt Nam mình nổi tiếng với chả giò, phở, và bánh mì, thì nói đến thức ăn của người Mỹ tôi nghĩ ngay đến cái hamburger. Vâng, tôi biết còn nhiều thứ nhưng khoan nói đến thức ăn khác, hôm nay chỉ nói về cái hamburger thôi. Chữ này, ai cũng biết tôi xin được dùng nguyên chữ, phiên âm ra tiếng Việt nghe hơi kỳ kỳ, hem-bơ-gơ. Nếu bắt tôi thêm dấu nhấn thì nó sẽ được gọi là “hem-bớ-gờ”. Tại sao viết là “ham” mà đọc là “hem”? Tại sao có chữ ham, mà lại là thịt bò chứ không phải thịt heo? Tại sao đọc là bớ gờ mà không đọc là bờ gớ? Câu trả lời của tôi là, ai mà biết. Tại tiếng Mỹ nó như thế.

Có lẽ bạn cũng như tôi, lần đầu tiên biết đến cái hamburger là biết nó từ tiệm McDonald hay Burger King và chỉ nghĩ nó là “fast food” loại thức ăn làm sẵn, lái xe đi ngang, xớt nó rồi ra khỏi tiệm thật nhanh chóng. Không có sách vở nào nói, tôi tự suy ra ngày xưa nó cũng là món ăn trong bữa tối hay vào lúc cuối tuần hoặc là ở nhà hàng được hầu bàn hẳn hoi. Đây là một món ăn nhiều công, phải xay thịt bò, vắt thành miếng, đem nướng hay chiên. Bánh mì mua ở chợ nhưng phải nhặt xà lách, thái cà, thái củ hành. Khoai tây chiên để ăn kèm với hamburger cũng cầu kỳ nhiều công. Gọt khoai, thái thành cọng vuông vuông dài dài cùng cỡ, nấu dầu cho sôi đem chiên. Chiên dở khoai không gidòn bị chê. Hamburger đòi hỏi nhiều công và mất thì giờ.

Có người thông minh, nghĩ ra cách làm giàu, mở tiệm bán hamburger, mọi thứ đều làm sẵn, nhanh và gọn. Mặn hay nhạt chỉ cần cho chút sốt cà chua ketchup. Rồi sau đó, mình chê đó là fast food, không phải thức ăn truyền thống chính qui. Tôi nghĩ ở bên mình sao chưa có ai mở tiệm bán chả giò như bán fast food, mọi thứ làm sẵn, đi ngang, ngồi trong xe, đặt hàng, lên cửa sổ lấy chả giò trả tiền. Còn các món bún thịt bò nướng, bún nem chả, bún riêu, bún bò, gì gì cũng có thể hệ thống hóa rồi trở thành fast food.

Hamburger đi vào các chương trình kịch nghệ nổi tiếng trên Tivi và phim ảnh, không ít. Có cả một trang wikipedia rất dài dành riêng cho lịch sử của cái bánh hamburger từ nguồn gốc đến quá trình biến chuyển đến công trình sáng tác của một vị chef nào đó. Thậm chí cái cheese burger cũng được giải thích là vì nướng thịt cháy đen nên để miếng cheese lên để che nó đi.

Trong một chương trình Tivi rất nổi tiếng và được người xem say mê “How I met your mother”; Một nhân vật từ nơi khác mới đến thành phố New York vẫn còn nhút nhát không dám ra đường vì sợ tai nạn và bị cướp. Một hôm, được bạn chung phòng khuyến khích anh đi ra ngoài, vào một nhà hàng nhỏ, ăn một cái hamburger. Cái hamburger đó quá ngon đến độ về sau anh không thể nào ăn hamburger mà không nhắc lại cái hamburger ngày trước. Tuy nhiên vì là người mới đến thành phố anh không nhớ số nhà và tên đường, anh chỉ nhớ cái nhà hàng có cửa màu xanh lá cây và đèn neon màu đỏ. Anh đòi các bạn phải lái xe đi tìm ở rất nhiều nơi để các bạn anh có thể thưởng thức cái hamburger ngon nhất trần đời kia.

Hamburger cũng đi vào cả chương trình “Sex and the City.” Bốn cô nàng mặc toàn đồ hiệu, sang trọng vô cùng, nhưng có lúc thèm vẫn kéo nhau vào tiệm McDonald. Trong khi lục lọi trong thư viện về hamburger tôi gặp cuốn phim “Hamburger Hill.”  Các anh lính Mỹ đánh trận ở Việt Nam có lẽ nhìn ngọn đồi giống cái bánh hamburger nên đã đặt tên ngọn đồi bằng tên cái bánh, hương vị quê nhà của các anh.

Đồi Hamburger nói về một trận đánh tàn khốc của quân đội Mỹ cùng với quân đội miền Nam, chiến đấu với quân đội miền Bắc. Trận chiến xảy ra vào năm 1969, ngọn đồi 937, còn gọi là đồi Ap Bia, gần biên giới Lào. Trận chiến xảy ra trong mười ngày, tàn cuộc 70 phần trăm quân đội Mỹ bị tổn thất. Tôi có cuồn phim trong tay nhưng không dám xem, dù nhân vật chính là một diễn viên tôi rất thích, Dylan McDermott. Chọn anh chàng này đóng vai quân nhân tử chiến là một điều rất là chua xót, vì anh ta mảnh mai đẹp trai, cái vẻ thư sinh chuyên đóng vai luật sư rất hay mơ mộng.

Tại làm sao cái bánh hamburger lại xuất hiện ở cuốn phim chiến trường? Bởi vì chiến tranh Việt Nam là vết thương rất sâu trong lòng người Mỹ, mãi đến bây giờ nó vẫn chưa lành hẳn. Bạn đừng ngạc nhiên vì tôi gặp rất nhiều dấu vết chiến tranh Việt Nam, ngay cả trong những quyển sách viết về nghệ thuật tình yêu và tình dục.

Thế nào là một cái hamburger ngon vẫn là một câu hỏi chưa có ai trả lời vừa ý tất cả mọi người. Ngay cả hamburger cũng có cả bốn hay năm chục kiểu hamburger. Công cuộc tìm kiếm cái hamburger ngon tôi tìm thấy nhiều điều rất thú vị dẫn đến chỗ tôi tự nhủ có lẽ tôi nên từ bỏ chuyện ăn thịt bò, và tôi muốn lên tiếng bênh vực người Mễ mà ông Tổng Thống của chúng ta đã ghét bỏ và cấm đoán họ.

Để có cái hamburger ngon, điều kiện đầu tiên là chúng ta phải có thịt bò ngon. Thịt bò được xẻ ra ở những công ty làm thịt bò. Công nhân đa số là người Mễ không có giấy tờ chính thức. Môi trường làm việc của họ rất nguy hiểm, nóng bức, và bẩn thỉu. Họ dễ bị mất tay chân vì dao bén, máy móc chạy nhanh, chỗ làm việc trơn trợt vì máu bò và các chất thải. Không có những người Mễ này, ít có người Mỹ nào chịu làm việc trong môi trường như thế với đồng lương như thế. (Bạn có thể xem phim hay đọc sách có cùng tựa đề “Fast Food Nation của Eric Schlosser.”)

Viết đến đây tôi tự hỏi, khi các phi hành gia lên mặt trăng hay ra ngoài vũ trụ, thức ăn họ mang theo có món nào mang mùi vị hamburger hay không? Tìm trên internet thấy phi hành gia John Young lén mang một cái beefsteak sandwich lên phi thuyền trong khi vào không gian.

27 thoughts on “Chung quanh cái hamburger”

  1. Đọc bài này thấy gần gũi lắm chị (vì em cũng là dân mê hamburger thời đi học, hồi đó mê big mac của McDonald’s, sau này trong những chuyến đi công tác, có khi ăn cái hamburger giá tới $18 cũng không thấy ngon bằng big mac ngày xưa) và phần cuối thấy ngậm ngùi thương những số phận con người …

  2. Hôm nay nhà bạn ăn hamburger hả? Hay nhỉ, chỉ cái hamburger mà liên tưởng bao nhiêu chuyện hén. Cả nhà mình ai cũng mê hamburger chỉ có mình là không nhưng mình thỉnh thoảng cũng làm công kỹ để mọi người thưởng thức.

    1. Hôm nay mì gói tiếp tục. Lạnh quá không muốn bước ra cửa dù chỉ đổ rác. Thèm một cái hamburger mà làm biếng đi nên ở nhà ăn kiểu ảo vậy mà.

  3. Hamburger thì con ăn đã nhiều, nhưng duy có 1 lần mà vì nó con chuyển sang ăn chay được gần 1 năm. Đó là lần con đi lang thang ở Bath 1 mình, đến gần cuối ngày mới mò vào BurgerKing lụm 1 phần Whopper mà sau đó chỉ có thể ăn được nửa cái rồi bỏ hẳn. Vì mùi bò rất hăng và ám ảnh kinh khủng, cứ như thể mùi bò tươi máu từ lò mổ bước ra. Sau đó thì con ngưng ăn thịt bò, dần lan sang thịt heo, rồi gà, rồi ăn chay. Cũng được gần 1 năm xong về VN lại không cưỡng được đồ ăn ở nhà, nên lại ăn mặn. 😀 (và đó là cái hamburger của BurgerKing duy nhất mà con ăn)

  4. xsà lách
    gidòn
    Bà Tám ơi, cho tôi cóp cách viết của bà Tám khi không có (hay không thích tra) tự vị chính tả tiếng Việt, mà chần chừ chẳng biết dùng mẫu tự nào thì cứ viết cả hai cách như thế.
    Tại bà trả lời một vị góp ý ở trên là “chữa rồi” nên tôi mạo muội bỡn cợt cho vui, xin bà Tám thể tình tha thứ. Chuyện đó nhỏ, chuyện lớn là nghệ thuật mạn đàm của bà Tám đã đến mức thượng thừa rồi, chả biết khen làm sao cho khỏi vụng.

    1. Hihi. Bác nào đây. Bác không đeo mắt kính. Mấy chữ sai đã bị gạch ngang rồi, nhưng tại nó mờ nên bác không nhìn thấy. Cám ơn Bác.

  5. Khi nào Chị Tám về Cali nhớ ăn thử In & Out Burger hình như chỉ có ở Cali. French Fry tuổi làm tại chổ. Nhân viên đồng phục nhã nhặn (Training Well) Mỗi tháng ít nhứt 1 lần chúng tôi ăn In&Out Cheese Burger and F/f.

  6. Phải công nhận là Hà viết vui thật là vui. Hồi mới qua mình thỉnh thoảng có ăn hamburger, nhưng không ăn lâu lắm rồi vì không có dịp, bây giờ đọc bài này mới thấy Hà thật giỏi chịu khó phân tích đủ thứ khiến mình lấy làm lạ quá. Từ đoạn này nhảy qua đoạn kia lạ hoắc mà vẫn khiến mình tò mò đọc tiếp mới tài chứ. Phải công nhận Hà viết thật hấp dẫn mình, mặc dầu mình không còn ăn hamburger nữa.

      1. Hello Hải Hà, DT ăn chay nhưng không ăn chay trường vì lâu lâu cũng có ăn, rất ít, thịt. mình ăn trái cây và “Cỏ” (chữ của ông Bạn Già đó) nhiều hơn. Cỏ mọc đầy trong vườn Hà ơi!

Leave a comment