Tiếp theo chuyện hamburger

một cửa hàng chuyên bán hamburger ở thành phố Newark

Thức ăn ngon nhất là thức ăn trong trí nhớ, có kỷ niệm đi kèm với món ăn. Thưởng thức bao nhiêu món ăn ngon nhưng cái món ratatouille ngon nhất của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego (nhân vật trong phim Ratatouille) vẫn là món ăn trong ký ức do bà mẹ quê mùa của ông nấu. Hamburger tuy là fastfood nhưng người ta vẫn có thể ăn chậm. Không có gì tuyệt vời hơn cả đám bạn trẻ đi chơi với nhau, nửa đêm đói bụng, gom tiền lại đủ để cả nhóm ăn một món bình dân nhưng no bụng và đầy chất bổ dưỡng.

Hamburger cho lên một miếng American cheese được gọi là cheeseburger. Tương truyền ngày xưa có một anh bếp nào đó lỡ làm cháy khét miếng thịt đã chữa cháy bằng cách đặt lên mặt cháy miếng cheese để che giấu (haha, lần này thì nhớ lỗi chính tả rồi, cám ơn thầy) cái vụng về bất cẩn của mình. Cheeseburger trở nên thịnh hành và đi vào cả phim ảnh.

“American Graffiti” (1973) phim của George Lucas trước khi ông nổi tiếng với Star Wars. Nhân vật trong phim cũng toàn là các ngôi sao trước khi sáng chói trên nền trời điện ảnh. Harrison Ford, Ron Howard, Richard Dreyfuss.

“Look, creep. You want a knuckle sandwich?” – Vic
“Uh, no thanks. I’m waiting for a double Chucky Chuck.” – Terry

“Nè, cái thằng kia. Mi có muốn một cái bánh mì beefsteak?” – Vic
“Ơ, không, cám ơn. Tôi đang chờ một cái double cheeseburger.” – Terry

Tôi đành phải dịch mà cũng như là không dịch. Làm sao mà dịch cái ngôn ngữ này đây? Creep có nghĩa là cái gì đó mờ ám đáng sợ. Ở đây được dùng để mắng yêu, gọi đùa. Tôi không quen kiểu nói đùa này, ai gọi tôi là creep chắc là tôi sẽ giận. Knuckle sandwich tiếng lóng là cú đấm vào mặt. Nó cũng dùng để chỉ một cái bánh mì (có thể làm bằng bánh mì mềm sandwich hoặc là bánh mì thường) nhiều thịt nhiều nhân đến độ giống như cái mồm há ra. Bạn tìm google knuckle sandwich image sẽ thấy cái bánh này nó như thế nào. Thịt để xay ra làm hamburger thường là loại chuck steak, chỗ thịt gần phía cổ của con bò. Chucky gợi hình ảnh của những nhân vật hí họa, hoạt họa, phá phách có khi vô hại. Chuck là tiếng gọi tắt của chữ Charles. Chucky Chuck vì thế mang nhiều hình ảnh rất American khó dịch. Nó có khi chỉ là tiếng lặp lại trong cuộc nói chuyện cho vui tai, và bình dân, thí dụ như okie dokie.

Nếu bạn không ưa hamburger thì chắc bạn có một kỷ niệm không vui nào đó hay ấn tượng xấu vào một thời điểm nào đó. Blog trước có một bạn bảo rằng kiêng ăn thịt bò sau một lần cô ăn cái hamburger tanh mùi bò. Tôi có một kỷ niệm về hamburger, xin kể bạn nghe.

Dạo mới đi làm, tôi có quen với cô thư ký tên Ái Liên. Tên giả, tôi sửa cái tên Mỹ của cô thành tên Việt. Ái Liên lúc đó rất trẻ, chừng hai mươi hay hai mươi mốt, da trắng, tóc nâu thật dày, dợn sóng tự nhiên, bềnh bồng. Cô không cao lắm, nhưng đôi chân đẹp, và cô khá xinh. Có một hôm cô có vẻ “upset” (băn khoăn bức rứt) cô rủ tôi đi ăn trưa, vì cô muốn nói chuyện tâm sự. Chỗ tôi làm toàn là nam nhi, chỉ có cô, tôi và sếp của tôi là nữ nhi, mà cô và tôi đều không ưa sếp của tôi. Ái Liên dẫn tôi đến một cái bar. Ở đây người ta phục vụ món ăn trưa và có rượu. Dĩ nhiên chúng tôi không uống rượu vì còn phải trở lại sau giờ làm việc. Tôi bối rối không biết gọi món gì thì cô giới thiệu, món hamburger ở đây rất khá. Cái hamburger được mang ra thơm lừng, nóng hổi, to thật to đến độ tôi phải dùng dao cắt ra, chứ không thể nào ngoạm vào cái hamburger, tôi nghĩ nó phải to bằng cái mặt người ta 🙂

Ái Liên đòi gọi bia nhưng tôi cản. Cô này uống rượu dữ lắm, càng say càng uống. Đã có lần mất bằng lái xe vì say trong lúc lái xe. Chẳng những thế cô lủi vào trụ đèn gãy cả hàm răng trên. Cô có lần chỉ vào hàm răng của cô nói rằng toàn là răng giả đấy.

Hỏi cô vì sao có vẻ băn khoăn cô kể. Tối thứ Sáu, cô và cả nhóm kỹ sư đi vào bar. Vui chơi uống say, cô và Thomas Cromwell kéo nhau lên tầng trên của quán bar, làm tình với nhau. Thomas Cromwell là tên giả, tôi lấy chữ viết tắt tên của anh chàng và mượn tên một chính trị gia nổi tiếng của nước Anh thời xưa để gọi anh chàng. Thomas Cromwell sắp cưới vợ, vợ là một cô gái da đen rất thông minh học giỏi, giỏi và thành công hơn Thomas Cromwell. Ái Liên qua lại đùa cợt với anh này khá lâu, vẫn hy vọng kéo được anh chàng về với mình dù biết anh chàng đã đính hôn và sắp cưới nàng. Cuộc yêu đương diễn ra vội vàng. Tôi tưởng tượng ra một hình ảnh không mấy đẹp, say mê cháy rực nhưng sau đó là lạnh lùng buồn và nhạt. Kiểu yêu đương tóm gọn vào bốn chữ “tuột quần tốc váy.” Tôi hỏi:

“Nhưng mà tại sao lại kéo nhau lên lầu?”
“Tôi đã hơi say nên không suy nghĩ. Anh ta đến sờ mông tôi và tôi như bắt lửa.”
“Rồi sao lại upset?”
“Sau đó anh ta làm như chúng tôi chưa hề quen nhau, chưa hề có liên quan xác thịt với nhau!”

Tôi lặng yên nhìn cái hamburger, với ánh sáng ít ỏi trong bar, miếng thịt to màu nâu, lá cải xà lách màu xanh, miếng củ hành màu tím đẹp mắt, mùi khói thuốc, mùi bia, tiếng cười nói ồn ào. Miếng hamburger đầu tiên thật ngon, nhưng nghe xong câu chuyện của Ái Liên tôi thấy hết ngon.

Nỗi buồn của Ái Liên cũng qua nhanh như mùi khói thuốc vương vấn trên tóc trên áo tôi hôm ấy, chừng một buổi và mất đi sau khi tắm gội. Bây giờ nàng đã lập gia đình, đám cưới rất to, chồng làm ăn rất khá. Nàng vẫn còn làm cho công ty xe lửa nhưng ở một chỗ khác khá xa chỗ tôi làm nhưng gần nhà nàng. Chàng Thomas Cromwell chuyển qua công ty khác làm việc. Tôi giữ câu chuyện này đã mấy chục năm bây giờ mới kể, và chỉ kể với những người hoàn toàn không biết Ái Liên hay Cromwell.

14 thoughts on “Tiếp theo chuyện hamburger”

    1. Cám ơn cháu. Hôm nay cô thức giấc hơi trễ, chưa kịp đọc bài của cháu. Bài của cháu là một trong những bài (như trên trang của cô Tống Mai) cô đọc trước nhất vì hiểu biết thêm, và hay.

      1. “Nỗi buồn của Ái Liên cũng qua nhanh như mùi khói thuốc vương vấn trên tóc trên áo tôi hôm ấy, chừng một buổi và mất đi sau khi tắm gội. Bây giờ nàng đã lập gia đình, đám cưới rất to, chồng làm ăn rất khá.”

        Cháu không biết Ái Liên bây giờ ra sao. Nhưng nhìn vào dòng chữ “nàng đã lập gia đình, đám cưới rất to, chồng làm ăn rất khá”, quả là đáng ganh tị.

  1. nhờ cô mà cháu mới biết từ dợn sóng 😀 Bình thường cháu toàn thấy người ta nói hoặc viết là gợn sóng hoặc lượn sóng.

    1. Thời của cô, gợn sóng dùng để chỉ mặt nước hồ ao, lượn sóng dùng để chỉ sóng biển. Tóc hơn quăn, lọn to trông giống như làn sóng thì dùng chữ dợn sóng. À, sau khi cô sửa chữ dòn thành giòn thì thầy giáo dạy tiếng Việt cho cô (cô hoàn toàn tin tưởng kiến thức tiếng Việt của thầy, không tin ai hơn) bảo rằng chữ dòn và giòn đều đúng, thì theo vùng miền.

      1. vâng có thể, gần đây cháu đọc mấy tác phẩm truyện ngắn những năm 193x-4x cũng thấy họ dùng khá nhiều từ khác bây giờ, chẳng qua giờ mình ko dùng như họ nên thấy cứ sao sao 😀

  2. Nếu em ăn hamburger một mình hay ở nhà, thì em cầm cả cái lên cắn, còn đi ăn với mấy người làm chung em toàn dùng dao cắt xong rồi ăn bằng … nĩa … như vậy đỡ sợ nó dính choàm ngoàm hai bên mép và cũng đỡ sợ bị ketchup chảy tùm lum xuống … áo trước mặt người khác … hihi .

    Đọc chuyện tình chị kể chẳng biết buồn hay vui … Em vẫn thấy mình trân trọng những giá trị đạo đức trong tình cảm trai gái . Chắc em cũng thuộc loại cổ điển (old fashion hay off season) rồi … 😁

    1. Chị cũng ăn hamburger giống cách em ăn, ở nhà thì sao cũng được, ăn với đồng nghiệp thì cẩn thận một chút, không để ý là vụn bánh mì đổ tùm lum ra bàn.

      1. Nhiều khi mình nghĩ một đàng, ngón tay gõ một nẻo. Chuyện bình thường cháu ạ. Cô cũng thường làm như vậy. Có khi còn không nhận ra là mình đã gõ sai. Cám ơn cháu đã đọc.

Leave a comment