Xe lửa trật đường rầy

Xe lửa hai tầng
Xe lửa hai tầng, chuyến buổi sáng vào thành phố

Nghĩ đến lúc về hưu, tôi muốn ghi lại những ngày cuối cùng làm việc trong công ty xe lửa. Hầu như làm việc gì, tôi cũng nghĩ có thể đây là lần cuối cùng. Tôi muốn chụp ảnh hay quay phim cảnh xe lửa chạy vào nhà ga. Cảnh nhân viên đi làm tấp nập. Cảnh xe điện chạy dưới lòng đất gọi là subway, xe điện chạy trên mặt đất gọi là lightrail, hay trolley, hay metro; Thật ra cả metro lẫn subway có khi chạy trên mặt đất tùy theo tuyến đường. Có thể bắt đầu từ nhà ga dưới lòng đất, chạy ra ngoài thành phố thì lên mặt đất. Tuy nhiên, sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, vết thương ngoài mặt có vẻ lành, nhưng người Mỹ ở vùng lân cận New York vẫn còn sợ hãi, nhất là người New Jersey. Mới hôm qua hôm kia, thành phố New York vẫn còn bị đánh bom, may là không thiệt hại to lớn.

Vì họ sợ hãi như vậy nên họ nghi ngờ và cấm đoán chụp ảnh cầu đường, buildings, và nhất là tất cả những gì liên quan đến xe lửa. Cấm quá nên tôi cũng ngại, sợ rủi ro chuyện đâu đâu mình chụp chơi mấy tấm ảnh mà gặp tai họa. Hôm thứ Sáu 8 tháng 12, có một chuyến xe lửa chở hàng hóa, cả trăm toa, bị trật đường rầy. Tuyến đường đó dùng chung cho công ty của tôi và công ty chở hàng hóa. Buổi chiều thứ Sáu hết giờ làm việc, tôi ra trạm xe lửa. Có người đứng gác bảo sàn số năm dành cho tuyến đường Raritan Valley bị cấm. Tôi hỏi một câu gì đó, người đứng gác xua tay đuổi tôi đi, không trả lời. Ông ta gọi máy truyền tin, hỏi tại sao thang máy, (cái thang máy tôi đã dùng) còn hoạt động. Biết là có chuyện rồi, tôi xuống phòng thông tin của nhà ga để tìm đường khác đi về.

Những người đáp ứng trường hợp khẩn cấp bảo hành khách đón xe buýt đến trạm gần đó sẽ có xe lửa đưa về. Tôi thầm phục sự đối phó nhanh chóng của công ty xe lửa. Tôi ra trạm xe buýt, xe đến, tôi lên. Và được đưa đến trạm Cranford, xe lửa chờ sẵn. Nửa giờ sau xe lửa chuyển bánh. Tôi về nhà chỉ trễ hơn bình thường một giờ đồng hồ.

Lúc ngồi chờ xe chuyển bánh nghe báo tin xe lửa trật đường rầy. Về nhà thấy trên mạng có mấy tấm ảnh chụp vụ này.

derail01
Ảnh lấy trên mạng, không nhớ rõ là facebook hay báo nj.com

Sáng thứ Hai đi làm, tôi quên mất chuyện xe lửa bị trật đường rầy. Đến lúc qua khỏi Cranford thì biết là đường xe lửa đã hoạt động trở lại bình thường. Nhân viên của công ty làm việc thật là giỏi. Khi họ giỏi không thấy ai khen, nhưng hễ có gì không vừa ý người ta chê trách dữ dội.

6 thoughts on “Xe lửa trật đường rầy”

    1. Vì việc đánh sập hai tòa nhà ở New York là do tổ chức của Bin Ladin thực hiện. Khi bắt được ông ta người ta cũng nắm được nhiều tài liệu ông ta đã thu thập với mục đích phá hoại đường xe lửa. Sau đường giao thông trên không trung là đường giao thông bằng xe lửa có số hành khách rất lớn, nếu tấn công đường xe lửa sẽ tổn thất nhân mạng rất lớn. Người ta không ra lệnh cấm công khai, nhưng trong những lớp học an toàn, hay tổ chức tập dượt cứu trợ đám đông bị khủng bố tấn công, nhân viên được hướng dẫn phải chú ý và nếu cần báo cảnh sát về những người chụp ảnh đáng nghi ngờ. Cầu, xe lửa, đường rầy, là những mục tiêu có thể bị phá hoại gây tổn thất tài chính và nhân mạng.

  1. Chụp hình những nơi sensitive và federal buildings và nhiều nơi khác nữa như fine art galleries, opera house, theater… thì Mai cũng đã từng vi phạm vì không biết luật lệ khi mới tập tểnh cầm máy. Có lần bị thu máy hình trong một xưởng đóng tàu Hòa Lan vì chụp hình và bị họ giam máy hình cả tiếng đồng hồ mới trả lại sau khi delete hình trong đó, hú hồn may mà không bị tra vấn nghiêm trọng. Từ đó mới thất kinh và đọc etiquettes của nhiếp ảnh để tránh không vi phạm nữa.
    NJT là nơi nổi tiếng bị cấm chụp hình vì đề phòng khủng bố.

    Hà nói đến việc điều hành giỏi ở đây, Mai đồng ý hoàn toàn, đi đâu rồi cũng nhận ra tinh thần trách nhiệm rất cao ở đây khó mà tìm được ở những đất nước khác.

Leave a reply to Yun Kut3 Cancel reply