Cuối năm tâm sự

Từ bây giờ cho đến đầu năm, nói toàn chuyện negative không nha. Đầu năm sẽ đăng tiếp bài thức ăn.

Hôm lễ Tạ ơn, tôi đi xem phim “Loving Vincent” với cô con út. Lễ Giáng sinh, cô con lớn về, cả ba mẹ con đi xem phim “Lady Bird.” Ngày hôm đó mưa dầm dề. Tôi lái xe, đứa lớn ngồi phía trước. Tôi nói có vẻ như than phiền, chọn nhằm ngày mưa ướt át. Đứa nhỏ ngồi phía sau, nói vọng lên, “Mẹ có thể quay xe trở về nếu không muốn đi xem.” Tôi hơi ngỡ ngàng, vì nói như thế, theo người Việt là nói lẫy. Nó lập lại lần nữa, nhưng tôi vẫn chưa quyết định. Sau đó nó nói thêm, “nhưng người ta nói phim này hay lắm.”

Hôm đi xem Loving Vincent, tôi và cô út đã thấy chiếu thử. Lady Bird là tên cô gái tự đặt cho mình. Cô đòi đi học ở thành phố New York, trong khi nhà cô đang ở Sacramento, thủ đô của California. Gia đình cô đang túng thiếu và quan hệ của hai mẹ con luôn luôn căng thẳng. NYU tiền học cao, cuộc sống ở thành phố New York đắt đỏ, Lady Bird thích học về nghệ thuật. Cãi nhau trên xe, bà mẹ bảo “cái ngữ của ‘mày’ chỉ có nước học hết trung học, đi học vớ vẩn đâu đó, vô tù, trở ra, vớ vẩn tiếp.” Dùng chữ ‘mày’ cho nó ly kỳ chứ người Mỹ họ dùng chữ ‘you’ hiểu là con thì cũng được. Tôi chỉ mới xem một lần, nhớ đại khái không đúng lắm, nhưng chữ vô tù là chắc chắn có trong câu nói của bà mẹ. Đó cũng là câu nói làm cho tôi muốn xem phim này. Ngay lúc đó tôi đã tự nhủ “Bà mẹ này ăn nói dữ tợn ghê. Ít ra mình đã chẳng dữ tợn như thế.” Lady Bird nghe mẹ nói xong, mở cửa xe đang chạy, nhào xuống đường. Không chết. Phim mà, mới vô khúc đầu, vai chính mà chết thì còn gì để xem.

Quan hệ của mẹ và con gái không luôn luôn dễ dàng và tốt đẹp. Tôi thấy trên mạng có những người con hiếu thảo yêu mẹ hết lòng, và những người mẹ vui mừng trước sự chăm sóc của con. Tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị. Có con ngoan, thành công, và làm ra nhiều tiền, thật là sự nuôi dạy thành công của người mẹ (và của người bố nữa chứ). Phim Lady Bird nói về mối quan hệ không tốt đẹp giữa mẹ và con gái. Ở tuổi của tôi, tôi hiểu vì sao bà mẹ có thái độ như thế. Nhưng qua phim này, tôi cũng hiểu nỗi niềm của những cô gái trẻ. Họ không đòi hỏi được sinh ra, và để trở thành một người trưởng thành có thể tự kiếm sống, được sống theo ý thích, được theo đuổi mộng ước của họ, thật là không dễ dàng.

Bà mẹ như thế, nhưng đứa con cũng chẳng kém gì. Khi bà mẹ than phiền nuôi con tốn kém. Lady Bird nhảy dựng lên, “cho tôi một con số đi.” Cô lập đi lập lại hai ba lần, người xem vỡ lẽ là cô muốn nói tốn bao nhiêu, mai mốt cô đi làm có nhiều tiền sẽ trả lại tiền công nuôi. Bà mẹ lạnh lùng phán cho một câu. “Cái ngữ của mày, tao sợ là mày chẳng bao giờ có thể trả nổi số tiền đó.” Sợ chưa! Tôi dám chắc các bà bạn của tôi và kể cả tôi nữa, chẳng bao giờ dám nói toẹt ra như thế này. Sợ mai mốt con bỏ mình vào viện dưỡng lão xấu thậm tệ, và chẳng bao giờ đến xem mình còn sống hay không.

Tôi bắt đầu nhìn “sự bướng bỉnh, ngu dại, hỗn láo” của cô gái trẻ bằng một quan điểm khác từ khi tôi xem một phim của Lena Dunham. Tôi không còn nhớ tựa đề của phim, chỉ nhớ là phim rất khó xem, khó thích. Nhân vật của Lena Dunham rất khó thương. Phim nói về một cô gái mới học xong đại học, không tìm được việc làm, về nhà ở với mẹ, làm đủ trò ngu xuẩn rồ dại. Dẫn bạn về nhà nhậu tưng bừng, bạn ăn cắp thêm vài chai rượu. Cô nàng (nhân vật) hẹn hò với bạn trai, một anh chàng bá vơ nào đó nhưng vì nàng đang cô đơn, thất nghiệp, thất tình, hai người làm tình trong một cái ống cống (pipe, còn sạch, để trên mặt đất). Ngay cả người trẻ cũng thấy nhân vật này không ngoan, khó ưa. Cuối phim cô gái về nhà rất khuya, với tất cả những nỗi niềm thất vọng, chui vào giường ôm lưng mẹ, cố tìm kiếm một chút an ủi. Bà mẹ trong phim lại rất dịu dàng với con. Xem xong cuốn phim tôi bỗng thấy trắc ẩn cho những cô gái dường như lạc hướng, không biết mình là ai, tìm gì, làm gì để được những thứ mình muốn. Ngay cả được người khác phái yêu thương cũng là một chuyện quá xa vời. Quả thật không dễ dàng để trở thành người khôn lớn và thành đạt, như mộng ước của bố mẹ.

Xem “Lady Bird” xong, trên đường về, tôi nói thật lòng. “Mẹ rất tiếc đã mang các con vào đời.” Những ngày vất vả, tôi vẫn thầm trách má tôi đã sinh ra tôi. Nhiều lúc tôi ước, phải chi mình đừng bị sinh ra đời.  Cô lớn nhà tôi xem phim khóc sướt mướt. Trong rạp chiếu bóng tôi nghe rõ mồn một cái hít thở nghẹt mũi của cô, tiếng khóc nuốt vào bên trong thành cái run rẩy của đôi vai. Những chỗ cảm động là lúc anh bạn trai, từng chia sẻ với cô gái những cái hôn lãng mạn dưới trời sao, bị cô gái bắt gặp chàng ta hôn một chàng trai khác trong phòng vệ sinh. Chàng trai về sau ôm cô bạn gái khóc ngất, van nài cô đừng nói lại với ai giới tính của chàng. Thêm một chỗ làm con tôi, 27 tuổi, khóc nức nở, còn nhiều hơn khi đến một ngày nào đó mẹ chết, là khi Lady Bird hỏi rằng “sao mẹ không thích con.”

Người Mỹ họ có cái quan niệm, vợ chồng, cha mẹ và con cái tuy vẫn yêu thương nhau, nhưng họ có thể không thích nhau. Người mình thì cho là không hợp tính hay không hợp tuổi, khắc khẩu v.v… . Người Mỹ họ đi xa thêm một chút, bảo rằng mình có thể không thích hành động, thái độ, hay những chuyện con cái làm, nhưng không phải là không thích người con.

Kết cục thì vẫn như người xem phim có thể đoán trước. Đứa con vẫn đi học xa, cha mẹ vẫn gồng mình đáp ứng những nhu cầu tài chánh và vật chất cho đứa con. Những khó khăn cô vấp phải trong cuộc đời khiến cô thương mẹ hơn. Người mẹ thì trước sau vẫn yêu thương con, ở xa khiến những vết nhàu nát trong quan hệ mẹ con có cơ hội trở nên thẳng thóm trở lại.

Người Việt mình đã nói, mưa từ trời rơi xuống, chẳng bao giờ từ dưới đất trồi lên. Những đứa con, về sau trở thành cha mẹ, nhìn lại mới có thể hiểu và thông cảm thái độ của cha mẹ.

16 thoughts on “Cuối năm tâm sự”

      1. Dạ. Em cảm ơn vì biết được thêm trang khá hay. Nhưng em tìm lại không thấy có phim này ạ. Chắc người ta ít để ý tới kiểu phim thế này thì phải ạ :/

  1. Con cũng đang gặp nhiều vấn đề trong việc trao đổi với Mẹ cô Tám ơi. Con rất thương và con cũng hiểu tại sao Mẹ lại nói với con những lời như thế (tích tụ rất nhiều từ những chuyện cỏn con nên con không kể ra), nên hầu như con luôn chọn im lặng để chuyện qua đi, vì những lần nói ra trước đây đều không giải quyết được gì cả, trừ duy một lần chuyện con nói rõ con là gay. Không giải quyết được, rồi lâu lâu lại có thêm chuyện mới nên làm con buồn hoài dù con vẫn luôn cố để suy nghĩ cho Mẹ. Con thương Mẹ, nhưng con cũng thương con nữa. Viết tới câu này bỗng dưng con nhận ra, nếu con thương Mẹ hơn thì hãy cứ chấp nhận những chuyện đó vô điều kiện và đừng nghĩ gì thêm nữa?

    1. Cô nghĩ tốt nhất là cháu nên nói chuyện/giải thích với mẹ cháu về ý thích hay ước muốn của cháu. Nên lắng nghe mẹ cháu nói, để cho mẹ nói hết, rồi bắt đầu nói về những điều quan trọng với cháu. Nên chọn giải pháp mất một vài vấn đề ít quan trọng và được một vài vấn đề quan trọng. Cần nhất là không được lớn tiếng hay giận dỗi, không nói những lời gây tổn thương hay chạm tự ái của mẹ cháu. Những chuyện nho nhỏ như giữ cho phòng ngăn nắp thì làm cho yên chuyện. Còn những chuyện khác lớn hơn thì nên thương thảo. Thử hôm nào nói con làm cái này cái này theo ý mẹ thì mẹ cho con làm cái này cái này theo ý con. Cô thì dễ dãi, tuy thế cô vẫn thích các cô con gái của cô đừng nạt nộ hay mắng mỏ cô. Đừng nói mẹ không biết gì. Đừng nói giọng gắt gỏng.

      1. Dạ, con cảm ơn lời khuyên và chia sẻ của Cô Tám. Con hiểu thêm được chút nữa rồi.

        Từ nhỏ đến giờ con sợ làm Mẹ con buồn lắm. Mỗi lần lỡ nói/làm gì làm Mẹ buồn là con bức rức lắm, rồi Mẹ mà khóc thì thôi con chịu không nổi, đầu hàng vô điều kiện. Mà có vẻ càng lớn con càng lì hơn nên thường làm theo ý mình hơn.

        Con có nghĩ tới chuyện sẽ viết thư cho Mẹ, do con vẫn sợ nói trực tiếp không kiểm soát được rồi lại tầy huầy.

        1. Người Việt mình còn cổ kính lắm chưa dễ dàng chấp nhận chuyện giới tính của các con. Nhiều khi cha mẹ lại nghĩ có con là gay là do không có phúc đức của gia đình, hay con của ông bà chỉ a dua theo thời đại. Cháu dám nói với mẹ thì thấy bà cũng không phải là người khắt khe. Chúc cháu nhiều may mắn. Bởi vì cháu trẻ hơn, hiểu biết hơn về giới tính, cháu có thể giải thích một cách bình tĩnh, điều này có lợi cho cháu hơn. Nếu thấy bố mẹ không thể thông cảm thì tốt nhất là tránh bàn cãi về vấn đề gì. Cô thấy cháu khá bình tĩnh nên có lẽ tình cảm với mẹ cháu sẽ tốt đẹp hơn. Good luck cho cháu nhé.

          1. Dạ, con cảm ơn Cô Tám thật nhiều. Trao đổi với những người đi trước như Cô Tám con học được thêm nhiều, biết thêm ở góc độ những người làm Cha Mẹ. Chúc Cô Tám và các con gái sẽ luôn an ổn ❤

  2. Cháu đọc mà cứ ám ảnh hoài những ý, những lời của bác. Nếu có một ngày mẹ con có thể nói với con: Mẹ rất tiếc vì đã mang con vào đời. Chắc con sẽ khóc như mưa. Khóc vì mẹ đã ngộ ra được việc làm một con người, mang số kiếp, sinh phận một con người.

    Mẹ sinh con ra là lựa chọn của mẹ, đâu phải quyền quyết định của con. Vậy mà quăng ném con vào bể đời, rồi bắt con tồn tại. Tồn tại, nhiều khi khó lắm Tám ơi.

    Không phải bố mẹ Việt Nam nào cũng nghĩ được như bác Tám. Từ nhỏ đã phải mang cái ơn sinh, dưỡng, *công tao nuôi mày khôn lớn, ăn học đàng hoàng*… rồi bắt tụi làm con phải sống thế này, thế nọ, sao cho nở mày nở mặt (bộ bố mẹ Việt Nam da mặt làm bằng bột hay gì mà ai cũng ham được nở?!).

    Trong khi tụi con, không yêu cầu được sinh ra. Mà lỡ đã phải/bị/được sinh ra, sống không thẹn với mình đã là khó. Vậy mà còn biết bao nhiêu là thứ đè xuống vai một đứa làm con. Sinh ra không được sống theo ý mình, làm người, nhưng chính cuộc đời mình thì chưa chắc từng được sống qua…

    1. Cô sẽ viết thư cho cháu sau, vài ngày nữa, vì cô có nhiều điều muốn tâm sự. Nếu cháu có thể tìm ở thư viện địa phương phim “Splendor in the Grass” thì nên xem phim này. Nó cho người xem quan điểm về quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nhiều khi người lớn sai lầm nhưng vì họ nằm gọn trong cái hệ thống văn hóa, bao gồm luân lý tôn giáo, nên họ không thể nhìn thấy sự khác biệt văn hóa dẫn đến sự sai lầm của họ.

  3. Hôm rồi cháu mới ra rạp xem phim Lady Bird, chọn phim cũng tình cờ thôi – do bạn cháu chọn. Xem mới ngờ ngợ, cái phim này cứ quen quen, giờ lội lội sao mới thấy bài này của cô.

    Cháu không thích Lady Bird, mà cũng không mấy đồng cảm với cô Lady Bird luôn – có lẽ vì cách cháu “nổi loạn” rất khác với cô bé. Kỳ lạ nhất người cháu đồng cảm, và hiểu lại là bà mẹ, đoạn cháu cảm động nhất, là khi bà lái xe đến sân bay và bật khóc. Nhưng dù không thích, nhưng cháu vẫn thấy phim hay. Cái đoạn Lady Bird hỏi mẹ thế mẹ có thích con không, nó tác động đến cháu theo một nghĩa khác. Đó là khi cháu tự hỏi mình, rằng mình có thích nổi bản thân mình không? Câu trả lời là không.

    Nhưng cháu thương mình, và yêu mình đến tha thiết. Chẳng mấy ai trên đời này lại không yêu mình, vấn đề của hầu hết mọi người, là không thích bản thân mình. Không thích cách mình cư xử, không thích cách mình sống. Nhưng lạ thế, một đằng dù tự sỉ vả bản thân đến chừng nào, thấy mình vô dụng ra sao, thì vẫn cứ thương mình đến lạ. Thương nên nhiều khi tự dung túng cho chính mình.

    Khi coi phim, cháu cảm thấy nhân vật người mẹ, được xây dựng với nhiều khoảng trống mơ hồ. Ta chỉ biết có lẽ quá khứ của bà từng bị mẹ bạo hành, biết bà khắc nghiệt nhưng lại bao dung để bảo bọc cho bạn gái của con trai. Còn lại, thì rất ít biết bà nghĩ thế nào, quá khứ ra sao, sự khắc nghiệt của bà từ đâu đến. Có lẽ nhiều người không thích điểm này của phim, nhưng cháu thích, rất thích, dù nó làm phim có vẻ thiếu đi điểm nhấn. Bởi phim làm theo góc nhìn của Lady Bird, mà cô biết đấy, con cái thường mơ hồ về cha mẹ. Chẳng có nhiều đứa con thực sự hiểu, và “biết” về cha mẹ mình, về quá khứ và thăng trầm để tạo nên con người họ. Và ngược lại, đa phần những người cha mẹ, khi con cái càng lớn, thì lại càng không hiểu con mình.

    Có một chi tiết trong phim, rất nhỏ, nhưng khiến cháu đau lòng. Đó là khi Lady Bird hỏi mẹ về việc cha bị trầm cảm, ngạc nhiên làm sao, người cha đã vật lộn với căn bệnh đó bấy lâu nay, mà cô con gái chẳng hề hay biết – hoặc vì ông không muốn cô biết. Mà người cha đó, lại là con người đủ nhạy cảm, tốt bụng và tinh tế để hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa hai mẹ con. Ông động viên con gái, ông ôm lấy vợ an ủi khi bà bật khóc, con người như thế, lại chịu đựng một rối loạn về tâm lý. Và cũng như người vợ, chẳng ai biết quá khứ, biết gì về nguyên do căn bệnh của ông.

    Ghi đến đây, cháu lại nhớ lại cái thời nổi loạn của mình. Nó không giống Lady Bird, nhưng độ dở hơi vớ vẩn thì chắc cũng chẳng kém. Chỉ là cháu không nổi loạn trong hành động, mà ở phần suy nghĩ nhiều hơn. Từ cái thời cháu luôn nghĩ, và tự cho mình sang trọng hơn người khác chỉ vì dăm ba cuốn sách mình đọc, tự tách mình theo những suy nghĩ có vẻ cao siêu mà thực ra sáo mòn đến không tưởng, cho đến những thù hẳn dở người với cuộc đời. Mà càng đọc nhiều, thì càng thấy mình chẳng là gì. Chẳng là gì nhưng lại hạnh phúc hơn, không phải gồng mình trong cái vỏ áo tôi-thật-khác-biệt. Chẳng là gì, nhưng lại bao dung hơn và bớt phán xét hơn. Và kỳ lạ, khi mình bớt phán xét đi, bớt đọc bằng tâm thế phê phán đi, thì dường như lại càng phát hiện ra những thứ mà trước kia mình chẳng hề để ý.

    Có lẽ cháu không thích Lady Bird, hẳn cũng như cách cháu không thích mình hồi xưa vậy.

    1. Cô thật là rất vui được nói chuyện, tâm sự với cháu. Không biết cháu ở đâu bao nhiêu tuổi nhưng đọc lời bình của cháu cô thấy cháu trưởng thành hơn số tuổi cô đoán về cháu.

      Cô có lẽ nhờ đọc, nhờ xem phim ảnh, và nhờ viết nên có phần nào hiểu thông cảm các con của cô hơn. Chính nhờ đọc những người trẻ như các cháu mà cô cố tìm hiểu để gần gũi với hai cô con gái của cô, 28 tuổi và 25 tuổi.

      Cháu thật là rất ý tứ, để ý đến nhân vật người mẹ, tự hỏi về quá khứ của nhân vật này. Cô nghĩ chỉ cái hiện tại cũng đủ làm cho bà mẹ phát điên. Một người đi làm full time, nursing là nghề rất vất vả tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc quần quật suốt ngày, chồng bị thất nghiệp, chuyện sống còn gia đình nằm trong tay bà, con gái đang tuổi lớn với những đòi hỏi rất ích kỷ và thiếu kính trọng bà mẹ. Bà có nhiệm vụ yêu thương tất cả mọi người, nhưng chính bà lại cần được yêu thương hơn bao giờ. Đặt mình ở vị trí người mẹ, chính sự thiếu kính trọng của Lady Bird là điều làm bà “nổi điên” dễ nhất.

      Khi xem phim, cô không để hết tâm trí vào phim, vì con mình cố nén tiếng khóc tiếng nấc như thế kia, muốn ôm nó vào lòng, nhưng mắc cỡ, tuy thế cũng đủ thấy mọi vấn đề xảy ra vì mỗi người đều bị nhốt kín trong những vấn đề của họ. Còn ông bố, mất việc làm là một tổn thương to lớn, có thể nói là to lớn nhất trong cuộc đời đàn ông, có nhiệm vụ cung cấp nguồn sống cho gia đình. Sau đó lại thấy mình đi tranh việc với con của mình.

      Cháu đủ trưởng thành, nhìn lại để thấy không thích thái độ của cháu khi còn trẻ. Có lẽ những không phải trong cách cư xử (của những người trẻ tuổi nói chung) với cha mẹ hay người chung quanh là vì chưa hoàn toàn hiểu cuộc đời, tầm nhìn của người mới lớn chưa trọn vẹn. Và khi hiểu rồi thì dễ tha thứ cho lỗi lầm của cha mẹ nhất là những lời cứng rắn hay độc ác làm tổn thương con cái.

      Ai cũng vậy, khi giận dữ thường nói những lời về sau mình hối tiếc.

    2. Năm nay cháu 20 tuổi, cỡ hai ba tháng nữa chắc là đã qua tuổi 21…

      Thực ra cháu còn trẻ lắm, cái nổi loạn thì vẫn chưa qua, vẫn còn đó nhưng ngấm ngầm và chậm rãi hơn nhiều. Mà thước đo sự thay đổi, với cháu vẫn là đọc và viết. Bản thân người viết, hẳn là cũng háo hức muốn biết mình sẽ viết gì. Cháu cũng không nghĩ là mình chú ý đến sự mơ hồ trong quá khứ của người mẹ, cho đến khi cháu nghĩ phải viết ra mấy dòng gì đó về phim.

      (Thực ra kiểu gì một năm qua cháu nhìn lại lại thấy sao năm ngoài mình dở hơi thế.)

      Cháu không nghĩ là mình trưởng thành, trưởng thành là phải cả làm nữa cơ. Còn cháu thì chỉ nghĩ thôi. Mà nghĩ thì chỉ nghĩ thôi.

      Thực ra điều kỳ lạ là càng là người thân, càng khó mở lời chia sẻ với nhau về những vấn đề mình đang gặp phải. Giá là một cái gì đó hữu hình, và nỗi đau có vẻ chính đáng, thì dễ. Nhưng những thứ mơ hồ thì lại dễ ngượng và không nói với nhau. Như việc xúc động vì một cuốn sách chẳng hạn, thực ra viết thì dễ thôi, nhưng nói ra thì cứ ngượng.

      Tự dưng cháu nhớ đến câu “mọi chuyện rồi sẽ ổn”, câu này đúng, nhưng không nên dùng để an ủi người khác. Vì sẽ ổn, nhưng cái sẽ ấy là bao lâu thì chẳng biết, chỉ khi nào người ta thực sự vượt qua rồi, nhìn lại thấy ừ, ổn thật, mọi chuyện cũng chỉ có thế. Chỉ khi thật sự vượt qua rồi, người ta mới dễ thấy bao dung cho nhau…

      Thực ra, từ “bao dung” mà cháu dùng, chắc có hơi hướng về thưởng thức nghệ thuật hơn (vì cháu xấu tính lắm, chỉ với văn học là bớt một tí thôi). Kiểu ngày xưa cháu ghét nhân vật nào thì đơn thuần là ghét, là không ưa, nhưng giờ thì có khi ghét thì vẫn ghét, nhưng lại vẫn ưa thích tính “biểu tượng” của nhân vật đó, ví dụ như Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng . Cơ mà dù thế vẫn cháu vẫn tồn tại mấy định kiến dở hơi, kiểu cái gì nhiều người khen quá thì… né.

      1. Cháu giàu suy nghĩ hơn nhiều người cùng tuổi. Cách biểu lộ ý nghĩ của cháu cũng rõ ràng và rất nhân ái. Rất vui được đọc ý nghĩ của cháu.

Leave a comment