Tình yêu, tình dục, tình thương biểu lộ qua món ăn

Khi Tita mười lăm tuổi, nàng yêu Pedro chàng láng giềng, nhưng Elena mẹ nàng, không chấp thuận. Theo truyền thống gia đình, con gái út không được lập gia đình, phải ở vậy để săn sóc bà mẹ cho đến khi bà qua đời. Pedro xin cầu hôn. Elena chỉ chấp thuận gả cô con cả, Rosaura. Túng thế, để được gần gũi bên cạnh Tita với tư cách là người trong gia đình, Pedro đồng ý cưới Rosaura. Trái tim tan nát, Tita còn bị mẹ bắt phải làm cái bánh cưới cho cô chị. Quá đau buồn, cô vừa làm bánh (meringue) vừa khóc, nước mắt rơi vào bột bánh cưới. Nacha, nhũ mẫu, cũng là người truyền tài nấu ăn cho Tita, trước kia đã từng đính hôn nhưng hôn nhân không thành. Bà bảo Tita đi ngủ trước, bà sẽ giúp nàng hoàn tất cái bánh. Trước khi ngủ Nacha mang bức ảnh vị hôn phu ra ngắm. Có lẽ khung cảnh ngày cưới của Rosaura khiến bà thêm đau buồn và vì quá thương nhớ người yêu cũ bà đột ngột qua đời. Tất cả khách trong làng khi ăn bánh cưới đều cảm thấy buồn đến độ chảy nước mắt. Sau đó, ngoại trừ Tita, mọi người ăn bánh cưới đều bị nôn mửa dữ dội. Điều này khiến Elena cho rằng Tita trả thù bằng cách đầu độc mọi người và muốn trừng phạt nàng. Tuy nhiên, cái chết của Nacha khiến cả nhà bận rộn nên Elena quên đi.

Laura Esquivel dùng hai chi tiết, sự buồn bã đến độ khóc lóc và ngộ độc của khách sau khi ăn bánh cưới, để giới thiệu với độc giả quan niệm của bà; đó là, khi nấu ăn hay làm bánh, tình cảm của người nấu ăn có thể “chảy vào” làm ảnh hưởng đến thức ăn. Nỗi buồn rơi nước mắt của Tita và nỗi buồn đến chết người của Nacha đã rơi vào bánh cưới, khiến tất cả mọi người dự tiệc cưới đều ngộ độc.

“Đi ngủ đi, cháu, bà sẽ thay cháu hoàn tất phần kem trên mặt của bánh meringue. Chỉ có cái nồi mới biết nước súp đang nóng sôi đến mức độ nào. Tuy nhiên, bà đoán biết cảm xúc của cháu. Thôi nín đi, cháu rơi nước mắt nhiều quá làm cho bột bị loãng, rồi nhân bánh sẽ không đặc được. Thôi, đi ngủ đi, cháu.

Mặc cho Elena cấm đoán và tìm đủ mọi cách để cản trở, đôi tình nhân vẫn âm thầm yêu nhau bằng mối tình trong sạch. Ngày tân hôn, viện cớ vợ chưa bình phục sau đám cưới, Pedro không động phòng. Sáu tháng sau chàng vẫn còn tân. Rosaura phải thúc giục chồng, bảo rằng nàng hết bệnh đã lâu rồi. Pedro cầu nguyện với Chúa, xin phản bội Tita vì phải duy trì chức năng sinh sản của con người. Tuy không được phép thố lộ tình yêu, Tita nhận ra rằng nàng có thể rót tình yêu vào Pedro và chàng cảm nhận được tình yêu của nàng, qua những món ăn nàng nấu. Nhân ngày mừng một năm Tita đảm nhận chức đầu bếp của cả gia đình, Pedro tặng nàng một bó hoa hồng. Elena ra lệnh Tita phải ném bó hoa hồng vào thùng rác. Không thể ném đi biểu tượng tình yêu của Pedro dành cho nàng, Tita nghiền cánh hoa hồng thành bột để làm nước xốt cho món chim cút nướng. Đây là món ăn của tình yêu. Người ăn món này sẽ cảm thấy hưng phấn trong đam mê tình dục. Tất cả mọi cười trong bữa ăn đều cảm thấy rạo rực nhưng riêng Gertrude, chị thứ nhì của Tita, thì không thể kềm hãm cơn hứng tình, bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của con tim với một chàng trẻ tuổi nàng gặp lúc ban chiều. Tình yêu nồng cháy của Tita theo chim cút và nước xốt hoa hồng tan chảy vào Pedro biến thành một cuộc hợp hôn trong tư tưởng của đôi tình nhân.

quails

Thức ăn trong “Như Nước Cho Sô Cô La” được dùng để biểu lộ sự đam mê trong tình yêu và tình dục.  Đạo diễn Ang Lee của Đài Loan qua phim “Eat Drink Man Woman” hay “Ăn, Uống, Đàn ông, Đàn bà” dùng thức ăn để bày tỏ tình thương của người cha dành cho ba cô con gái đến tuổi lập gia đình. Ông Chu, đầu bếp chánh của một nhà hàng danh tiếng, dùng tất cả tài năng để nấu những món ăn rất cầu kỳ đãi các con hằng tuần vào mỗi Chủ Nhật. Bữa ăn bị các cô con gái tiếp nhận bằng sự nhàm chán và nỗi bực dọc vì nó đã gây khó khăn trong đời sống cá nhân của các cô.

Chu Jia-Jien, cô con gái cả, giáo viên dạy Hóa, có mối tình đầu không thành, bắt đầu lo sợ lỡ thì. Chu Jia-Chien, cô con gái thứ nhì, thành công trong công việc quản lý Công ty Hàng Không. Cô thật ra chỉ yêu thích công việc nấu ăn nhưng theo đuổi sự nghiệp hàng không để vui lòng bố. Chu Jia-Ning, cô con gái út đang là sinh viên, làm thêm ở một nhà hàng fast food. Ông Chu là người trầm mặc, vợ mất sớm, ông không thể biểu lộ tình thương bằng lời nói, bao nhiêu công sức ông đổ vào những món ăn xứng đáng cho hàng vương giả thay lời nói, nhưng dầu thế nào đi nữa, tình cha và thức ăn ngon vẫn không thể giải quyết những nỗi khó khăn của thời đại mà các cô phải tự mình đối phó. Jia-Jien vì xinh đẹp và chưa chồng nên bị các nam sinh Trung học tán tỉnh trêu ghẹo. Jia-Chien xinh đẹp và quyền thế nhưng phải lòng một anh nghệ sĩ có vợ. Vốn có tài nấu ăn cô cũng từng dùng thức ăn để chinh phục tình nhân. Jia-Ning đột ngột thông báo với bố cô gặp người vừa ý sẽ lấy anh ta và dọn ra khỏi nhà, nhanh và mạnh như một cơn bão. Ông Chu rốt cục dùng tài nấu ăn để chinh phục một cô bé còn đi học mẫu giáo, vốn là con gái của một cô bạn gái của Jia-Jien. Ông Chu được lòng cả người mẹ lẫn bà ngoại của cô bé. Không chỉ là phim có nhiều thức ăn ngoạn mục, bạn sẽ nhìn thấy cuộc sống của phụ nữ Đài Loan của thời đại kỹ nghệ vượt thoát ra khỏi khuôn mẩu cổ kính của phụ nữ Trung hoa.

một cảnh trong phim
Bữa ăn hằng tuần vào ngày Chủ Nhật ông Chu nấu cho ba cô con gái trong phim “Ăn, Uống, Đàn Ông, Đàn Bà. Ảnh lấy ở trang mạng: i.ytimg.com/vi/1-2QBYKI8LU/maxresdefault.jpg

14 thoughts on “Tình yêu, tình dục, tình thương biểu lộ qua món ăn”

  1. A wonderful feast for the mind on New Year Eve.
    Cám ơn Hà.
    Trong những phim về đường đi vào con tim qua bao tử thì Eat, Drink, Man Women là thích nhất . Đang đợi Hà đăng tiếp.

    Happy New Year Hà và tất cả độc giả của Hà trên blog Bâng Quơ này !

    1. Cám ơn Mai. Hà nghĩ xứng đôi với “Eat Drink Man Woman” (Đông phương) có phim “Babette’s Feast” (Tây phương). Chúc Mai năm 2018 nhiều sáng tạo. Hà là fan số một blog của Mai đó.

  2. Hờ hờ… Em không comment gì cho bài viết cả, chỉ là em vẫn hóng tiếp tục của chị. NĂM MỚI 2018 an khang thịnh vượng chị Tám nhé. À! Chúc chị bút lực dồi dào nữa nha chị.

    1. Mong năm 2018 là một năm tuyệt vời với Anh kim, tiếp tục cho mình đọc những bài tùy bút, bút ký, với những dòng văn đẹp như thơ và đăng nhiều ảnh để mình và các bạn nhìn thấy vẻ đẹp của nhiều nơi chốn ở VN và ngoài nước.

    1. Chắc cũng phải nấu ăn kha khá, chứ nấu như cô nấu chắc khó mà đi vào lòng người, vì người ta không chịu đưa thức ăn vào mồm. 🙂

  3. Ôi tối nay đọc được bài này của cô hay quá. ( Sao bây giờ cháu mới thấy nó hiện trên phần “Trang đọc” nhỉ? ). Cháu rất thích quan niệm “khi nấu ăn hay làm bánh, tình cảm của người nấu ăn có thể “chảy vào” làm ảnh hưởng đến thức ăn”. Suy rộng ra thì Làm cái gì cũng cần có tình yêu mới nên hồn được! Qúa xác đáng.
    Dù đã hơi muộn ( nhưng những lời chúc tốt đẹp chưa bao giờ là muộn, cháu nghĩ thế 😀 ) cháu chúc cô năm mới vui vẻ mạnh khỏe ạ!

    1. Cám ơn cháu. Mong cháu một năm toại ý. Có lẽ cũng như facebook, cháu phải active thì nó mới hiện ra bài mới của người cháu giao lưu.

Leave a comment