Thức ăn là hình ảnh của tình yêu và hạnh phúc

Thông điệp tình yêu được gói ghém trong thức ăn xuất hiện rất nhiều trong phim. Bạn hẳn còn nhớ “Lady and the Tramp” (Tiểu Thư và Lãng Tử), phim hoạt họa về hai con chó. Lady được nuôi nấng kỹ lưỡng, mắt to yểu điệu. The Tramp là một con chó hoang. Bạn nhớ không, cái cảnh Tiểu Thư và Lãng Tử cùng ăn mì Ý, spaghetti với meat ball (thịt xay vắt thành viên). Thật là lãng mạn khi hai “người” cùng chia nhau đĩa mì, mỗi “người” ngậm một đầu sợi mì, cuối cùng là cái hôn.

Ready for a kiss
Tiểu thư và Lãng tử cùng chia nhau sợi mì.

Anton Ego, nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng trong phim “Ratatouille,” có thể làm nhà hàng trở nên danh tiếng và tăng số ngôi sao Michelin, đồng thời cũng có thể khiến nhà hàng bị đóng cửa, chủ nhà hàng thất vọng đến tự tử vì bị giảm số ngôi sao. Một người đầy quyền lực như thế nhưng món ăn có thể khiến ông ta mềm lòng, lại là món ratatouille mẹ nấu. Món ăn này là biểu tượng tình yêu của mẹ đối với Anton Ego. Trong nhiều phim, không cần nguyên cảnh, chỉ cần người này đút cho người kia một thìa canh hay miếng kem, khán giả thấy ngay sự ấm áp, yêu mến, dịu dàng, được bày tỏ bằng thức ăn.

Anton và món ratatouille
Anton Ego bắt đầu thưởng thức ratatouille
Trở về vùng trời thương nhớ
Anton trở về vùng trời thương nhớ vì miếng ratatouille ngon như món ăn mẹ nấu

Trong phim “Apartment,” do Billy Wilder làm đạo diễn, Bud Baxter (Jack Lemmon) có một căn hộ gần nơi chàng làm việc được bốn ông Quản Đốc và ông Giám Đốc phòng Lao Động của công ty chiếu cố. Họ mượn căn hộ này làm tổ uyên ương lén vợ đưa nhân tình về tận hưởng một vài giờ. Họ trả công cho Bud Baxter bằng cách tăng chức cho chàng. Bud Baxter thầm để ý cô nhân viên gác thang máy, Fran Kubelik (Shirley McLain), nên khi ông Tổng Giám Đốc Jeff Sheldrake tặng chàng hai vé đi xem nhạc kịch, chàng mời nàng cùng đi. Bud không biết Fran là tình nhân của Sheldrake. Chán cảnh “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” Fran hẹn gặp Jeff ở một nhà hàng Tàu để dứt khoát với Jeff, nhưng Jeff nói nhất quyết sẽ ly dị vợ.  Khi biết Jeff dối gạt mình, Fran thất vọng, tự tử ngay trong căn hộ của Bud Baxter.

Trong phim có nhiều cảnh ăn uống, nhưng có hai cảnh đáng chú ý nhất. Khi Fran gặp Jeff ở nhà hàng Tàu, nàng đã gọi món tôm khai vị, rượu daiquiris, và chua chát than thở “Cũng cái góc bàn nhỏ kín đáo cho hai người, cũng những bài hát quen thuộc, cũng cái nước xốt chua chua ngọt ngọt để ăn với tôm.” Món ăn vội vã và tạm bợ là biểu tượng cho cuộc tình tạm bợ và vội vã. Bud thầm lặng yêu cô gái xinh đẹp, dễ thương, và nhẹ dạ này từ lâu. Chàng nuôi dưỡng Fran cho đến khi nàng bình phục. Là đàn ông độc thân, Bud không có dụng cụ để nấu nướng. Chàng nấu spaghetti và dùng cái vợt đánh tennis để vớt mì luộc trong nồi. Mì spaghetti là món ăn nhiều công, món ăn nóng, người ta không ăn vội vã, là biểu tượng cho cuộc tình ấm áp và lâu dài.

Khán giả yêu thích phim của Hitchcock, đều biết rằng ông rất sành món ăn ngon và thường mang thức ăn vào phim ảnh.  Trong phim “Lamb to the Slaughter,” của Hitchcock, Mary Maloney có mang sáu tháng. Một buổi chiều Mary chờ chồng, là cảnh sát trưởng của thành phố, về để cùng đi ăn tối ở nhà một người bạn. Patrick, về trễ, vẻ mặt lầm lì. Anh tuyên bố “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa!” Patrick đòi ly dị, nhất định lấy quần áo, đòi dọn ra khỏi nhà ngay tối hôm ấy. Anh ta hứa là sẽ chu cấp cho Mary và đứa bé. Cố gắng thuyết phục Patrick đừng quyết định vội vàng, Mary xin chồng ở lại ăn tối. Nàng đinh ninh rằng sau khi ăn anh sẽ khỏe và thay đổi ý định. Vì định đi ăn tối ở nhà bạn nên trong nhà không có sẵn thức ăn, nàng mở tủ lạnh lấy ra một cái đùi cừu mang đi nướng. Anh chồng cự tuyệt và còn nhẫn tâm chế nhạo nàng. Đang cơn giận dữ nàng dùng cái đùi cừu đông lạnh đập anh chồng vỡ đầu chết tốt.  Mary cho cái đùi cừu vào lò nướng. Khi những người thám tử đến điều tra cái chết của vị cảnh sát trưởng, thấy họ làm việc vất vả đến khuya, nàng mời họ ở lại ăn tối. Họ lấy trong lò cái đùi cừu nướng ra ăn không biết là chính họ đã phi tang dụng cụ dùng để giết người.

Muốn bày tỏ tình yêu, người ta dẫn nhau vào nhà hàng, trong ánh đèn mờ ảo, nghe nhạc du dương, và thưởng thức rượu nồng; khi ấy thức ăn được dùng để mở cửa tâm hồn. Thất vọng trong tình yêu, Miranda Hobbes, cô nàng luật sư trong chương trình “Sex and the City” ở nhà lục tủ lạnh ăn bánh ngọt và kem; đó là lúc thức ăn được dùng để xoa dịu những trái tim tan vỡ. Khi yêu người ta mang sô cô la đem tặng. Khi thất tình người ta ăn sô cô la để có cảm giác được yêu. Người ta tổ chức yến tiệc, dâng rượu bồ đào trong chén ngọc, tiễn người ra trận. Dũng tướng thắng trận trở về tiệc thật to rượu tràn trề cho xứng đáng công trận của anh hùng. Cleopatra chinh phục người hùng Cesar bằng những buổi đại yến vương giả. Dâng cho Cesar ly rượu đắt nhất thế gian bằng cách tháo đôi hoa tai cho tan cho vào ly rượu. An Lộc Sơn cỡi ngựa ngày đêm để mang trái Lệ Chi về cho Dương Quí Phi. Và Hades chúa tể âm ti đã tìm kiếm trong băng giá mùa đông mang quả lựu về để có thể giữ Persephone ở trong địa ngục. Người ta mở tiệc mừng đứa trẻ sinh ra đời được một tháng, mở tiệc mừng sinh nhật mỗi năm. Khi làm hôn lễ người ta ăn tiệc cưới. Sau tang lễ người trong gia đình gặp nhau ăn tiệc rồi chia tay.

Thức ăn rất quan trọng trong cuộc đời, vì thế cảnh ăn uống xuất hiện thường xuyên trong văn chương và phim ảnh.

 

11 thoughts on “Thức ăn là hình ảnh của tình yêu và hạnh phúc”

  1. : )
    Hà giỏi thật, kéo ra những cảnh ăn uống trong nhiều phim mà Mai xem không để ý. Ratatouille khi Ego chỉ thích nhất món ratatouille của mẹ nấu thì nhớ.

    Có một phim “The Road Home” của Zhang Zimou do Zhang Ziyi đóng vai cô gái làng thay phiên nấu cơm cho một thầy giáo thành thị mới đến nhận nhiệm sở trong trường làng hẻo lánh. Những cảnh cô tỉ mỉ nấu những món ăn, quấn nó vào khăn giữ ấm, bỏ vào làn, chọn kẹp tóc, cài lên tóc, vuốt áo cho ngay ngắn, rồi tung tăng xách làn đến cho thầy thật dễ thương.

    Còn một phim Mai cũng nhớ lâu là phim ngắn “Meals Ready” của Nithuna Nevil Dinesh, phim câm nhưng nói lên cả ngàn lời, chắc ai cũng đã xem:
    http://www.youtube.com/watch?v=9gZCwY9qJL4&feature=youtube_gdata_player

    1. Ratatouille vì Hà xem với hai đứa con gái, trong đó có một cô thích nấu ăn, nên nhớ. The Road Home Hà có xem nhưng lúc ấy không tập trung vào chủ đề thực phẩm nên không chú ý. Để hôm nào có nhiều thì giờ sẽ xem phim Meals Ready. Cám ơn Mai.

      Thật ra mình chẳng mấy khi để ý đến thức ăn, nhưng có người bạn hỏi, người Mỹ ăn món gì làm Hà tò mò thử tìm xem trong văn truyện có nhắc đến món ăn không, tìm đến điện ảnh, thì nó như mình gắn một cái ống kính đặc biệt vào cái máy chụp ảnh, thấy vô số điều thú vị. Chẳng có gì to lớn, mọi sự đều đã xuất hiện trong đời, nhưng mình chỉ mới nhìn thấy, lần đầu. Có lẽ nó chỉ thú vị với mình một chốc thôi. Ngay cả viết ra rồi mới thấy sao mình lại bỏ thì giờ viết về chủ đề này. Chỉ sợ người đọc thấy nhạt nhẽo quá.

  2. Chẳng hiểu sao đọc bài này cháu lại nhớ đến phim Quán Ăn Đêm của Nhật, có một tập cháu ấn tượng mãi đến giờ. Trong tập đó, có cảnh bà mẹ lái xe chở đứa con của mình ra biển, bà định tự tử (cùng đứa con luôn), trên đường đi, hai mẹ con dừng lại ở một quán ăn ven đường, đứa con gọi món nghêu Asari hấp sake, bà mẹ ăn, và nhìn đứa con ăn, bà mẹ ứa nước mắt, và quyết định quay lại.

    Nghêu Asari hấp sake, theo quan niệm của người Nhật, là một món ăn nhẹ nhàng, có tác dụng xoa dịu vỗ về tâm hồn. À thì tại vị asari nó nhẹ lắm, nên chế biến cũng chỉ đơn giản là hấp với sake thôi, làm phức tạp quá lại mất đi cái vị ngon. Và chính sự đơn giản nhẹ nhàng ấy, lại hợp với một tâm hồn đang buồn khổ. Chẳng ai thích những thứ phức tạp lúc đang bận lòng cả.

    Còn nữa, bên Nhật vào mùa nghêu Asari, thì gia đình hay kéo nhau đi cào nghêu, như một hoạt động tập thể vậy. Bố mẹ con cái cùng cào nghêu. Với cháu, nó giống giống một cái gì đó sẽ gợi nhớ lại tình cảm gia đình.

    Chẳng biết là khi húp thìa nước từ chén nghêu hấp, bà mẹ có cảm thấy được xoa dịu? Rồi khi nhìn đứa con ăn, liệu có phải bà mẹ đang nhớ đến khoảnh khắc nào đấy hạnh phúc giữa hai mẹ con, như là… cùng nhau đi cào nghêu chẳng hạn. Không biết được, chỉ biết là bà đã quyết định quay đầu lại. Cái tập này chẳng hiểu sao làm cháu ứa nước mắt, chỉ đơn thuần vì nghĩ đến những quan niệm đời thường dành cho món nghêu này của người Nhật. Nó phù hợp một cách kỳ lạ với quyết định của bản thân bà mẹ trong phim.

    Nhắc đến Ratatouille, nhớ khi cháu xem bộ phim hoạt hình này, ban đầu thì cũng thường thường, kiểu không thích cũng chẳng ghét, cho đến phân đoạn Anton Ego nếm món Ratatouille, đưa ông trở về quá khứ, và Ego đánh rơi chiếc bút chỉ chực viết những lời phê bình chua cay trên tay xuống đất. Và cả bài phê bình lúc sau của Ego nữa, câu cháu nhớ nhất hẳn là: “Not everyone can become a great artist, but a great artist can come from anywhere”. Chẳng hiểu sao nghe hết bài phê bình, lại khiến cháu rơm rớm, cứ muốn nghe đi nghe lại hoài hoài, riết rồi gần như thuộc hẳn cả bài.

    Để rồi sau đó, khi xem Lawrence xứ Ả Rập, đâm ra khoái giọng nói của Peter O’Toole, bắt đầu xem phim của ổng chỉ để “nghe” thoại, nhận ra ông là người lồng tiếng cho nhân vật Ego, hóa ra từ rất lâu rồi, mình đã từng phải lòng giọng nói của ông ấy. Cứ như là duyên phận ấy cô nhỉ.

  3. Where have you been? Tại sao mãi đến giờ này cô mới tìm thấy cháu? Cô thích những người bạn trẻ hiểu biết sâu sắc về một chủ đề và có thể trình bày chủ đề đó một cách rõ ràng. Cám ơn cháu. Cháu đang ở bên Nhật? Biết tiếng Nhật? Nếu có tên tiếng Anh của Quán Ăn Đêm hay tên đạo diễn cô thử tìm xem có phim này ở thư viện hay không. Chuyện đời của nhân vật có lẽ tuyệt vọng đến độ phải đi tìm cái chết. Cô sợ người Nhật, sợ chuyện tìm đến cái chết như một cách giải quyết tốt đẹp, cao thượng.

    Cô không mấy chú ý đến giọng nói của Peter O’Toole, nhưng sau khi đọc comment của cháu cô lấy phim ra nghe lại. Đoạn review của Anton cũng là đoạn cô thích nhất trong phim. Cô thích phim này chỉ vì ý nghĩ phê bình thực phẩm tương tự như phê bình văn chương. Phê bình thì dễ dàng, được người ta kính nể nếu phê bình negative (và phải đúng), nhưng người phê bình thì không thể sáng tạo như người bị phê bình. (Do đó, nói như Anton Ego, nói về sự sáng tác, người sáng tác vẫn sáng tạo hơn nhà phê bình lừng danh).

    Cô tưởng chỉ có mình cô là bị giọng nói của những ông già mê hoặc. Cô thích giọng của Morgan Freeman và Christopher Plummer. Có lẽ vì Anton Ego hắc ám quá nên giọng của nhân vật không làm cô có cảm tình, đó cũng là cái thành công của ông O’Toole vậy.

    Cám ơn cháu.

    1. Cháu chỉ khoái khoái đọc vớ vẩn về mấy thứ linh tinh (ẩm thực Nhật là một trong số đó) chứ chẳng biết tiếng Nhật đâu cô. Đọc linh tinh nên nên thực ra cũng chẳng có gì gọi là sâu sắc cả, kiểu góp nhặt vài sự thật thú vị, còn cái cốt lõi thì chắc cháu không nắm được mấy, chỉ là lâu lâu lại có thể lý giải một điều gì đó bằng mấy thứ vơ vẩn mình đọc, cũng vui vui. Còn lý do bất chợt muốn tìm hiểu về một thứ gì đó, chắc chỉ là vì nó vui thôi. Như một cách giải trí lành mạnh ấy.
      Nhắc người Nhật và tự tử, chẳng hiểu sao cháu cứ nhớ đến Kawabata. Điều khiến cháu day dứt hơn cả những tác phẩm của ông, là khi ông nhận giải Nobel có nói: “Dù thế giới này có trống rỗng đến chừng nào, thì tự tử cũng không phải là cách giải thoát.”, để rồi chính bản thân ông lại lựa chọn rời khỏi thế gian này bằng cách tự sát. Ông chẳng để lại một lời nào, một bức di thư nào. Chẳng ai hiểu, cũng không ai có thể hiểu rốt cuộc chuyện gì đã diễn ra.

      Phim Quán ăn đêm tên tiếng Anh là Midnight Diner, là một bộ phim dài tập, kể về một quán ăn mở cửa lúc nửa đêm và những vị khách của quán. Mỗi tập là một câu chuyện riêng biệt, với một món ăn gắn liền với kỷ niệm của từng người. Thực ra phim cũng không u ám, mà rất nhẹ nhàng, ấm áp, và thoải mái. Và khác với phim chuyên về ẩm thực khác, món của phim này tạo cho cháu cảm giác muốn nấu nhiều hơn là muốn ăn. Bởi món đơn giản, và đôi khi chủ quán lại có chút lỗi nho nhỏ như kiểu lỡ làm rơi vãi chút cơm lúc nấu chẳng hạn, và trình bày thì cũng không quá đẹp đẽ. Chính những sự mộc mạc đời thường đó lại thôi thúc cháu xắn tay vào bếp. Xem phim này mà thèm có một bản Việt Nam kinh khủng TAT.

      Nếu được, cô thể thử coi bộ phim tài liệu Jiro – Dream of Sushi, phim tài liệu mà cũng rất cuốn hút. Căn bản đây là một bộ phim thể hiện tinh thần “rất Nhật”, cái kiểu tính tình nghiêm túc đến phát sợ ấy. Có chi tiết cháu nhớ mãi, là cơm để làm Sushi trong quán của ông Jiro được nấu từ loại gạo thượng hạng nhất, loại gạo đó có tiền cũng không mua được theo đúng nghĩa đen. Bởi giống gạo đó quý, công chăm rất cực, sản lượng cũng thấp, người nông dân quý cái thứ mình cực khổ làm ra, nên chỉ bán cho những ai biết nấu, ở đây là chỉ bán cho ông Jiro vì biết ông có thể làm ra món Sushi ngon nhất từ loại gạo đó. Còn người không biết làm, thì có tiền tỉ họ cũng không thèm bán.

      Ồ mà nghĩ lại mới thấy, giọng O’Toole khi về già lại khiến cháu thích hơn cả hồi ổng còn trẻ (và đẹp trai hơn). Thích nhất thì chắc là lúc trong phim Venus, khi ổng đọc bài Sonnet 18 của Shakespeare. Cháu thì lười đọc thơ, đặc biệt là thơ tiếng Anh vì thật ra cháu biết trình độ mình mới dừng ở mức đọc-hiểu chứ chưa thể đến mức đọc-cảm, cảm được cái hay của ngôn từ, câu cú, nhịp điệu như khi đọc thơ Việt. Hai ngoại lệ trong thơ thẩn của cháu là sonnet của Shakespeare (do từ phim Venus mà ra). Người còn lại là Emily Dickinson, và thật tình bà là nhà thơ kỳ lạ nhất đối với cháu, vì cháu không thực sự hiểu những bài thơ bà viết, tiếng Anh không phải là ngôn ngữ quen thuộc với cháu như tiếng Việt, vậy mà lần đầu đọc thơ bà, cháu lại khóc – điều gần như chẳng xảy ra khi cháu đọc thơ, kể cả thơ tiếng Việt. Và cả khi đọc lại, cháu vẫn cứ khóc như thể lần đầu mới đọc bà, điều đến giờ cháu vẫn chẳng hiểu tại sao.

      1. Midnight Diner không thấy ở thư viện địa phương, nhưng nó có ở Netflix. Cái này thì để tính sau, cả hai cô con gái của cô đều dùng Netflix nhưng cô chưa dùng, vì chưa có thì giờ để bỏ nhiều vào phim. Tuy nhiên khi tìm Midnight Diner cô lại gặp một quyển sách về thức ăn trong văn chương Á châu. Về chủ đề thức ăn, cô đã ngưng research bởi vì nó rộng lớn quá, cô phải tự giới hạn kẻo bị ngộp. Nếu thật sự muốn viết một cái gì thật nghiêm túc về chủ đề thức ăn trong phim ảnh và văn chương có lẽ phải bỏ ra một năm hay vài năm. Cô chỉ mới giới hạn ở phim ảnh Hoa Kỳ mà đã không xuể. Viết đến đây chợt nhớ những phim xem qua một lần từ lâu lắm rồi như Spices, Chicken in Plum Sauce, nhưng khi viết loạt bài thức ăn trong văn chương và điện ảnh lại không nhớ ra. Không khéo cô phải mở một mục chuyên viết những bài ngăn ngắn về thức ăn trong phim ảnh thế giới.

        Thật ra cô không đam mê về thức ăn, mà đam mê về văn chương, chỉ thử nhìn văn chương qua một lăng kính tuy bình thường nhưng mới với cô.

        Jiro, Dreams of Sushi cô đã xem lâu rồi, từ khi chưa nghĩ đến viết về thức ăn. Thích phim ấy vì thức ăn được trình bày đẹp mắt. Thấy chắc đến cuối đời, dù có trở thành triệu phú cô cũng không dám bỏ ngần ấy tiền vào mấy miếng sushi. Thấy trong phim cách nấu nếp, cách chiên trứng, đều cầu kỳ. Người muốn học nghề làm sushi của Jiro có thể bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lao động nhưng không học được gì cả, như là một sự bóc lột sức lao động của người làm công.

        Cô cũng có xem Venus, có xem nhiều phim của Peter O’Toole, nhưng cô xem một cách hời hợt. Có để ý nhưng cũng không sâu đậm khi nghe ông đọc bài Sonnet số 18 của Shakespeare. Cô chỉ nhớ lúc ấy tự nhủ tại sao ông lại đóng một phim kỳ cục như thế, bài thơ chỉ càng làm nhân vật có vẻ sống trong sương mù. Cô xem phim với tâm thức của một người quá thực tế, vốn không ưa những chuyện tình “vớ vẩn” của mấy ông già và mấy cô gái trẻ. Cô nhận ra cái thành kiến của cô khiến mình không nhận thấy điểm hay của một tác phẩm.

        Cô chỉ hiểu phiên phiến vài bài thơ của Emily Dickinson, chỉ biết vài bài sonnet của Shakespeare, cũng chưa có dịp đọc thơ Việt thật sâu sắc. Tuy nhiên cô cũng có một điểm giống như cháu, là cô rất nhạy cảm với thơ hay nhạc. Khi cô đọc một bài thơ và có cái gì đó chạm vào sợi tơ lòng thì nó (sợi tơ lòng của cô) rung lên và cô chảy nước mắt, không phải vì thơ buồn, mà chỉ vì mình rung động, rung cảm mạnh mẽ quá, nó trở thành một sự bộc lộ của cơ thể, một hiện tượng của sinh lý. Nhưng cô không có cái hiện tượng sinh lý ấy với thơ của Dickinson, mà với những bài hát về cuộc sinh tử của con người của Leonard Cohen, và những bài hát Việt (trong số đó có một vài bài bolero).

        Cháu rung động tột độ với thơ của Emily Dickinson có lẽ vì cháu nhạy cảm, và cũng như bà Dickinson, những người cùng thời với bà, không hiểu được bà. Có lẽ, cháu cũng như những người có khuynh hướng đam mê nghệ thuật và văn chương, mỗi người là một tinh cầu, cô đơn.

  4. Cháu thích đọc bài viết của cô không chỉ vì nội dung mà còn vì người đọc của cô có nhiều comment rất hay 🙂

    1. Cám ơn Kem. Thường thường cô chọn một blog để follow nếu blog ấy có cái gì đó đặc biệt, cô có thể học được ở blog ấy. Kemcodien cũng là một blog có chất lượng đặc biệt ấy. Tuy nhiên, cô lại không thích chọn blog nhà văn hay nhà báo chuyên nghiệp và nổi tiếng bởi vì nó không có cái mới, lạ, đặc biệt của những người mới, trẻ, chưa nổi tiếng nữa.

  5. Cháu cảm ơn cô. Cháu cũng học hỏi ở cô rất nhiều về sự cẩn thận và kiên nhẫn với câu chữ. Nhiều khi cháu thường nghĩ sao cô có thể cảm nhận được nhiều thứ như thế và cháu cố gắng học cách quan sát để có thể viết lại.

Leave a comment