Hai bữa ăn và những bi kịch

Có những bữa ăn, buổi họp mặt trong gia đình người ta không thể tránh được như cái đám cưới trong “Meet The Parents – Gặp Bố Mẹ Người Yêu,” hay đám giỗ trong “Still Walking – Vẫn Bước,” hay đám tang trong “August: Osage County – Tháng Tám ở Quận Osage.” Phim “Vẫn Bước” có nhiều cảnh nấu ăn. Mở đầu phim là cảnh bắp hạt lăn bột rồi đem chiên. Đoạn phim này, cho thấy một phần quá khứ của người trong gia đình, những ngày khi họ còn hạnh phúc. Ngày mới dọn về căn nhà này, ông Kyohei đã trộm bắp tươi trong ruộng của nhà hàng xóm về cho bà chiên. Đang chiên thì người hàng xóm tốt bụng, chào đón gia đình người láng giềng mới đến bằng cách hái bắp nhà đem biếu và ngạc nhiên khi thấy láng giềng đã có bắp và đang chiên. Cả gia đình vui cười hỉ hả với nhau.

Bắp chiên bột
Bắp tươi, pha bột tempura, đem chiên. Thể theo lời đạo diễn Hirokaze Kore-eda, đây là món ăn do mẹ ông sáng chế. Câu chuyện phim trên cũng dựa vào một phần lớn, hình ảnh bà mẹ của ông.

Toàn bộ phim xoay quanh ngày giỗ của Junpei, con trai trưởng của gia đình Yokoyama. Mười lăm năm trước, Junpei chết đuối trong khi tìm cách cứu một người hàng xóm. Ryota, người con thứ hai, không muốn thay thế vị trí của người anh trai bằng cách theo đuổi sự nghiệp Bác sĩ của ông bố Kyohei. Ryota luôn luôn bị so sánh với Junpei. Người anh tuy đã chết nhưng vẫn có sự tranh chấp ngấm ngầm giữa hai anh em, như Cain và Abel, hay như Doromir và Faramir (Nhẫn Chúa). Anh đi ngược lại ý muốn của bà mẹ, cưới một phụ nữ góa chồng và có con riêng về làm vợ. Lần giỗ nào bà Toshiko cũng mời gã thanh niên suýt chết đuối mà Junpei đã cứu mặc dù anh ta rõ ràng là rất lúng túng bất an trong bữa giỗ. Về sau, bà Toshiko thú nhận là bà mời anh ta dự đám giỗ để trừng phạt anh ta, một người chẳng ra gì, không đáng cho Junpei phải hy sinh mạng sống để cứu. Bà Toshiko và ông Kyohei luôn luôn có vẻ như không mấy hòa thuận với nhau, tuy ngấm ngầm nhưng để ý thì có thể nhận thấy trong cách nói chuyện gay gắt.

Chung quanh ba bữa ăn trong ngày, đạo diễn Hirokaze Kore-eda khai mở nguyên nhân sự cắng đắng của hai vợ chồng già và cùng lúc nỗi lòng của những người con. Trong bữa ăn trưa Ryota nhận được cú điện thoại từ chối công việc mà anh đang chờ đợi. Ryota là họa sĩ, chuyên bảo tồn tranh cổ chẳng những không đáp lại ước nguyện của bố mà còn đang chật vật kiếm việc làm. Ryota rất sợ phải gặp mặt bố mẹ, không phải vì không yêu thương mà vì sợ phải đối diện với những kỳ vọng và hoài bão cha mẹ đặt lên vai anh. Nếu không có lời khuyên của vợ anh đã chẳng ở lại qua đêm. Ở bữa ăn tối bà Toshiko bảo Ryota đặt lên máy quay đĩa nhạc phẩm “Blue Light Yokohama” bà yêu thích nhất. Cuốn phim có tựa đề là “Vẫn Bước” lấy từ hai câu hát trong bài:

“Aruitemo aruitemo kobune no you ni
Watashi wa yurete yurete anata no ude no naka”

“I walk and walk, swaying
Like a small boat in your arms”

Bạn có thể hình dung hai người đang khiêu vũ với nhau.

“Em bước và bước, đong đưa
như chiếc thuyền con trong vòng tay anh”

Sau khi bữa ăn tối đã xong, bà Toshiko soạn đồ tắm cho chồng. Trong phòng tắm bà kể với chồng là bà đã nghe bài hát này khi bà địu đứa con đứng bên ngoài căn hộ, tổ uyên ương của ông với tình nhân. Trong lúc ấy ông đang ôm tình nhân trong vòng tay và khiêu vũ theo tiếng nhạc. Nếu chưa xem phim bạn vẫn có thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và áy náy của ông Kyohei. Ông không hề biết là bà yêu thích âm nhạc, và nghe bài hát này đến mức thuộc lòng. Và không hề nhắc đến thành tích phản bội của ông.

Hiềm khích trong phim “Vẫn Bước” xuất hiện một cách ray rứt nhưng ngấm ngầm. Xung đột trong “Tháng Tám ở Osage County” xuất hiện một cách phẫn nộ, cuồn cuộn, thật sôi động thậm chí đến độ hai mẹ con đánh nhau vật vã lăn lộn trên nền nhà.

August_Osage_County_2013_poster
Ảnh lấy từ Wikipedia

“Tháng Tám ở Osage County” do John Wells làm đạo diễn, dựa vào vở kịch được giải Pulitzer của kịch tác gia Tracy Letts. Mùa hè năm ấy Pawhuska, thuộc tiểu bang Oklahoma, nóng hơn bình thường. Beverly Weston mất tích sau khi thuê người đến chăm sóc vợ bị bệnh ung thư vào thời kỳ cuối. Violet gọi cô em gái (Mattie Fae) và ba cô con gái (Barbara, Ivy, và Karen theo thứ tự từ con cả đến con út) ở rải rác nhiều tiểu bang khác nhau đến để hỗ trợ tinh thần cho bà. Cảnh sát tìm thấy xác Beverly cho rằng ông chết đuối, nhưng sau đó Violet cho biết chồng bà tự tử. Bi kịch gia đình xuất hiện từ đầu cho đến cuối phim và những chuyện bất hòa của mỗi người trong gia đình dẫn đến cao trào kịch tính trong phim xảy ra nhiều lần chung quanh những bữa ăn. Beverly phản bội vợ, ngoại tình với cô em vợ, Mattie Fae. Đứa con trai của Mattie Fae là con của bà và Beverly. Violet luôn hằn học đay nghiến người thân vì tổn thương tâm lý, bà bị mẹ ngược đãi từ lúc còn trẻ. Violet lạm dụng thuốc giảm đau và ma túy nên Barbara, con trưởng, đánh nhau với mẹ, đè mẹ xuống đất để lục soát và tịch thu ma túy. Bên cạnh sự xung đột của đôi vợ chồng Beverly-Violet, mỗi thành viên đều có những bất hòa rạn nứt trong gia đình riêng của họ. Thức ăn được dọn ra bên những câu chuyện không hạnh phúc trong cái nóng tột độ giữa mùa hè ở Osage County.

funeral dinner August Osage County
Bữa ăn sau đám táng trong phim August: Osage County

Những người trong gia đình cố tránh mặt nhau, nên ai cũng ở một nơi thật xa. Đám tang của Beverly khiến họ phải gặp nhau. Barbara và chồng đang ly thân. Sóng gió giữa hai vợ chồng khiến cô con gái tuổi mới lớn nổi loạn. Little Charles và Ivy anh em bạn dì yêu nhau dự định trốn đi để xây tổ uyên ương. Tình yêu này bị mọi người chống đối kịch liệt, vì thật ra, hai người là anh em cùng cha khác mẹ. Karen đang yêu và hy vọng kết hôn với Steve nhưng hắn lại là một kẻ lang chạ đang gạ gẫm Jean, con gái của Barbara.

Bàn ăn, bữa ăn là một trong những bối cảnh được các nhà đạo diễn yêu thích vì có thể tập trung được một lúc nhiều người nơi xảy ra cao trào của bi kịch. Thức ăn và đồ dùng để ăn có thể cho khán giả nhìn thấy giai cấp của người dự tiệc. Yêu thương ghét giận thông minh ngu ngốc thành thật giả dối tất cả cá tính của nhân vật đều thể hiện ở bữa ăn hay bàn ăn.

3 thoughts on “Hai bữa ăn và những bi kịch”

  1. Người ta vẫn thường nói: “trời đánh tránh miếng ăn”. Cháu không biết ở nước ngoài có câu nào tương tự, nhưng việc nhiều đạo diễn thích đặt kịch tính phim vào bữa ăn cho thấy họ khá … ác với chính nhân vật mình tạo ra 😀

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s