Thức ăn được dùng để chỉ sự khác biệt giai cấp

Tôi không mê nấu nướng, thích ăn ngon nhưng không thích đến độ chịu học nấu những món ăn đòi hỏi nhiều công sức. Thích ngắm những tác phẩm của nghệ thuật nấu ăn nhưng không muốn tự mình tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ấy. Mấy chục trang viết về thức ăn trong tiểu thuyết và phim ảnh chỉ để trả lời câu hỏi, người Mỹ ăn gì, thức ăn Mỹ có ngon không. Những điều tôi tìm thấy, với tôi, thật là thú vị. Như một người tập tành chụp ảnh, một ngày đẹp trời, gắn vào máy ảnh một ống kính đặc biệt, và qua đó nhìn thấy màu sắc, hình dạng, của những vật thể bình thường chung quanh, mà từ trước đến nay mình không nhận thấy. Thảo nào, các nhà nhiếp ảnh cứ khuyên rằng, nên nhìn chủ đề ở một góc khác.

Tôi đọc Anna Karenina từ hồi còn ở Trung học, nhìn thấy một chuyện tình lãng mạn. Bây giờ, đọc lại truyện này qua ống kính thức ăn, thấy Leon Tolstoy sâu sắc hơn. Trước kia nhìn nhưng không thấy. Vậy đó, không phải cứ đọc tác phẩm lớn mà học được suy nghĩ của những nhà văn lớn. Nhiều khi phải nhờ tuổi đời, duyên may, và có người hướng dẫn.

Bữa ăn có khi được dùng để miêu tả sự chênh lệch trong đời sống của giới giàu và nghèo, địa chủ và nông dân, hay quí tộc và hầu cận. Leon Tolstoy dành cả hai chương trong “Anna Karenina” cho bữa ăn trưa của Levin và Oblonsky để nêu rõ quan điểm trái ngược của hai nhân vật về hôn nhân và hạnh phúc. Levin là một đại điền chủ có ngôi biệt thự to lớn ở nông thôn. Chàng thầm yêu Kitty, con gái của một nhà quí tộc, muốn cầu hôn với nàng nên hẹn ăn trưa với bá tước Oblonsky để hỏi ý kiến, xem chàng có cơ hội thành công hay không. Một trong những lý do khiến Levin ngần ngại là vì chẳng những là con nhà giàu, xinh đẹp và đức hạnh, Kitty trẻ hơn Levin khá nhiều; Nàng mới mười tám còn chàng đã ba mươi hai. Kitty là em vợ của Oblonsky. Ba mươi bốn tuổi, Oblonsky suýt bị vợ ly dị vì ngoại tình với cô giáo tư gia cho mấy đứa con của chàng. Oblonsky phải cầu cứu người chị, Anna Karenina đến giúp chàng giải hòa.

Oblonsky đề nghị đi ăn ở nhà hàng bán cá bơn vì anh ta đã ăn chịu ở nhà hàng này từ lâu. Dẫn khách đến tiệm chàng ăn chịu là một cách lấy lòng chủ tiệm. Levin vì mãi lo nghĩ đến ý trung nhân nên bảo ăn ở đâu cũng gật đầu. Tuy nhiên khi đến nơi thì Oblonsky đổi ý, ngoài cá bơn chàng còn gọi thật nhiều món ăn khác. Ba tá hàu tươi, vodka với một ít cá để nhắm, súp, cá bơn với sốt Beaumarchais, thịt bò nướng, gà trống tơ quay, trái cây tươi nhiều loại cắt nhỏ trộn với nhau thành xà lách để tráng miệng, parmesan (phô mai) để nhấm nháp trong khi chờ món kế tiếp được mang ra, một chai sâm banh và hai chai rượu vang Chablis. Chỉ có hai người ăn trưa một bữa tú hụ toàn những món đắt tiền là một sự xa hoa đáng trách, nhưng đó là dụng ý của Tolstoy. Ông biểu lộ sự bất mãn khi giới giàu có ăn uống linh đình còn giới nông dân và những người hầu hạ, những buổi lễ tiệc của họ may lắm cũng chỉ có súp nấu bằng lá sách bò, khoai tây, và bột mì loại thứ phẩm. Thức ăn ê hề, nhưng Levine bảo rằng chàng thà ăn súp bắp cải và cháo kiều mạch. Anh hầu bàn nghe lóm Levin nói như thế đã dùng tiếng Pháp hỏi gặn  lại, như thể chế nhạo. “Súp nấu kiểu Nga phải không, thưa Ngài.” Dùng dao bổ mấy con hàu, Levin cũng nhận thấy rằng chàng thích ăn bánh mì với phô mai hơn.

Xin mời bạn đọc một trích đoạn sau đây:

Oblonsky hỏi: “Xem chừng hàu tươi không phải là món khoái khẩu của anh?”

“Tôi thấy hơi kỳ. Ở nông thôn, chúng tôi cố gắng dùng bữa thật nhanh để có thể tiếp tục cho xong việc. Ở đây anh và tôi cứ rề rà kéo dài bữa ăn càng lâu càng tốt. Do đó mà chúng ta gọi món hàu tươi.”

“Điều này cũng bình thường thôi,” Oblonsky nói: “Mục đích của cách sống văn minh là: tất cả mọi thứ được cống hiến cho sự hưởng thụ.”

“Nếu quả thật như thế thì tôi thà làm người kém văn minh.”

Oblonsky trấn an Levin, tin rằng Kitty sẽ nhận lời cầu hôn vì Dolly vợ của Oblonsky có thiện cảm với Levin. Tuy nhiên Oblonsky vì xích mích với vợ nên không biết rằng cả Kitty và bà mẹ đều chấm con gà trống tơ Vronsky, đẹp trai và trẻ trung, làm chàng rể tương lai. Cả hai suy tư, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Oblonsky dường như muốn giải thích hay biện hộ cho sự dan díu của chàng với cô giáo của đám con.

“Giả tỉ như anh có vợ, và anh rất yêu vợ, nhưng anh lại đem lòng yêu một người đàn bà khác nữa…” 

“Xin lỗi anh, tôi không thể hiểu được điều này. Nó thật là khó hiểu với tôi, như thể sau một bữa dạ tiệc linh đình, anh lẻn vào tiệm bánh ăn trộm một ổ bánh mì.”

Đôi mắt của Oblonsky dường như sáng rực hơn bình thường.

“Sao lại không chứ? Bánh mì nhiều khi thơm ngon đến độ anh không thể cưỡng lại được.”

Giả vờ đùa nghịch, Oblonsky hỏi: “Thế thì làm sao bây giờ?”

Levin trả lời thẳng thừng. “Đừng nên ăn trộm bánh mì.”

Từ năm 1870 ông Tolstoy thay đổi quan niệm sống, từ bỏ những ham muốn nhục dục của trần gian. Anna Karenina xuất bản năm 1877 biểu lộ quan niệm sống tiết chế xa hoa của ông. Càng về già ông càng trở nên đạo hạnh. Những năm tám mươi, ông đã tự trừng phạt khi ham muốn nhục dục với vợ. Thái độ này có lẽ để hối lỗi ngày còn trẻ ông đã hoang đàng đến độ đè một cô nông dân ông gặp giữa đường để thỏa mãn cơn khao khát tình dục. Người Việt mình cũng thật là thâm thúy khi dùng thức ăn để đáp trả chuyện bội bạc trong tình vợ chồng “ông ăn chả thì bà ăn nem.”

10 thoughts on “Thức ăn được dùng để chỉ sự khác biệt giai cấp”

    1. Cám ơn cháu, tinh mắt. Cô nhớ là khi viết cô đã suy nghĩ, viết đúng nhưng xóa, sửa lại, và dùng chữ sai. Thật là nếu chỉ dựa vào trí nhớ càng lúc càng hao mòn của mình thì thật là hỏng bét. Ngay cả khi đọc lại chỉ một đoản ngắn thế kia cô đã không tìm thấy chữ rể/rễ phải đọc đến lần thứ ba.

  1. Không liên quan đến thức ăn lắm, nhưng không có gì thú vị bằng việc nhận ra những thay đổi trong cảm nhận về một cuốn sách đã đọc từ lâu. Lâu lâu cháu hay có thói giở lại một cuốn sách cũ, sau đó thích thú nhận ra sự đổi khác trong suy nghĩ của mình. Chẳng có gì khiến mình cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của bản thân hơn là việc nghĩ về một cuốn sách cũ – với cháu là thế.

    Nói cũng thật tình cờ, gần đây cháu đang đọc lại một cuốn sách của Dostoevsky – Chàng Ngốc. Nhân vật chính trong truyện trùng tên với Lev Tolstoy (đây hẳn là một cách thể hiện lòng kính trọng rất riêng của Dos chăng?). Nói đọc lại thôi chứ lần đọc trước cũng mới cách có một năm, cháu đọc Dos tương đối muộn, vì lười và không có động lực vượt qua sự chán ngán với những dòng triết lý độc thoại dài dằng dặc của ổng. Nêu không phải thích Nguyễn Tuân thì chắc còn lâu cháu mới rớ đến Dos.

    Cảm nhận trước giờ của cháu về Dos là mệt và điên loạn, cứ đọc một đoạn là phải dừng để thở. Dù nhân vật chính có là một người trong trắng như Hoàng thân Myskhin, thì vẫn cứ mệt đến kinh hoàng. Nhưng lần này đọc lại, đến đoạn khi Hoàng thân kể chuyện về đám trẻ con, chợt nhận ra một điều là giọng chàng rất dịu dàng, hay nói đúng hơn, là giọng văn của Dos rất dịu dàng. Giọng văn đáo để đến thế, mà khi nhắc đến trẻ con cũng vô thức dịu lại. Cái dịu dàng rõ rệt đến mức, cháu khá ngạc nhiên khi một năm trước mình đọc lại không nhận ra. Có lẽ là do khi mới đọc Dos, dễ bị cái “điên”, cái “ác” của ông cuốn đi quá, mà bỏ quên mất những khoảnh khắc bình lặng hiếm hoi.

    Nói cũng buồn cười, trước đó đọc, dù sự việc Dos tả có bi kịch đến chừng nào, cháu cũng không thấy buồn. Mà giờ khi nhận ra một chút dịu dàng của người đàn ông này thôi, thì cháu lại thấy buồn. Buồn đến muốn khóc.

    1. Cô đã quên mất những gì cô đọc trong tác phẩm của Dostoevsky. Lúc ấy cũng không thấy hay vì nó tối tăm quá. Nay nghe cháu nói lại tò mò muốn đọc lại.

  2. Vậy đó, không phải cứ đọc tác phẩm lớn mà học được suy nghĩ của những nhà văn lớn. Nhiều khi phải nhờ tuổi đời, duyên may, và có người hướng dẫn. => Đúng cô ạ.

    Cô cũng thâm thúy khi nhận ra người Việt mình thâm thúy qua câu “ông ăn chả bà ăn nem” 🙂

  3. Phải ngã nón. Xưa nay tôi vẫn tưởng mình … thông thái vì chung quanh tôi có rất nhiều người dốt mà hay khoe chữ hay khoe chức tước. Nhưng phải đọc Bà Tám mới thấy cái thông thái của tôi có giới hạn.
    Tôi bắt đầu đọc bài này ” Thức ăn được dùng để chỉ sự khác biệt giai cấp” vì cái tựa có liên quan tới nghề của tôi. Nào ngờ Bà Tám nói chuyện văn chương. Cũng may là tôi có vài vốn về Tolstoy … chứ nếu không có lẽ đã phải … đào đất mà tự chôn mình – để không phải dùng chữ “độn thổ”, petit clin d’oeil – nheo mắt – theo kiểu “external drive” của Bà Tám.
    Chúc Bà Tám và tất cả bà con một mùa Giáng sinh ấm lành.

    TB Tolstoy có viết một truyện cổ tích về Noël rất dễ thương. Ngày xưa tôi có đọc cho các con tôi – gần 40 năm trước nên bây giờ không biết sách đó ở đâu…

    1. Cám ơn chị Mai. Được chị đọc thật là Hà rất vui, lại còn được khen thì sướng như được quà Giáng sinh. Hà thấy ông Tolstoi có dịch một truyện tựa đề là Papa Panov, nói về những đôi giày. Có hai truyện ngắn mà Hà thấy trên mạng có người nhắc đến là Life is Where God is (Hay cái gì đó tương tự như thế) và Đám Cưới Trong Ngày Giáng Sinh. Có lẽ truyện về đôi giày của Pâp Panov là truyện chị nghĩ đến vì đó là truyện dành cho trẻ em.

      1. Cảm ơn Hải Hà. Thật tình tôi không nhớ chuyện gì nữa. Cuốn sách thì chắc là đã cho các cháu . Nhưng có lẻ là chuyện những đôi giày … Chúc Hải Hà hạnh phúc

Leave a comment