Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.

Như Mai và tôi quen nhau qua blog. Mai gửi bài này nhằm vào lúc tôi mới vừa đọc xong quyển sách hôm qua. Tôi có xóa vài chữ Mai khen tôi rộng rãi quá làm tôi thấy mình không xứng. Xin mời các bạn đọc bài điểm sách của Võ Thị Như Mai.

Đọc Hồi Ức Chiến Binh của một nhà văn-người lính:

Đoàn Tuấn và MÙA CHINH CHIẾN ẤY

 

Tôi sinh ra, các cuộc chiến tranh lớn tại Việt Nam đã kết thúc nhưng dư âm của nó luôn luẩn quẩn đâu đó trong mọi ngóc ngách, nẻo đường, trong từng ánh mắt của người thân, trong cơn ác mộng nửa đêm của ông bà, trong trang sách, trên cánh đồng, và có khi đi thẳng vào giấc mơ tuổi thơ.

Đến một giai đoạn nào đó, tôi đã bớt nghĩ đến việc, tại sao con người có thể tiêu diệt con người, tại sao lại có chiến tranh, giết chóc, loại trừ. Bởi vì suy cho cùng, chiến tranh cũng như các vấn nạn khác, như một điều khó tránh khỏi. Khi cuộc chiến diễn ra, ở đâu đó trên thế giới này, người ngoài cuộc vẫn sống bình an, vui vẻ. Khi đến lớp, nhìn các em học sinh đa sắc tộc vui đùa, tôi cũng đã có lần thốt lên: “Em Iraq khuôn mặt tròn bầu bĩnh/ Em Afghanistan vui tính/ Em Iran nhỏ nhắn thơ ngây/ Giữa những nu cười trong veo ấy/ Chiến tranh là một từ rất gần”. Ngay trong giây phút này đây, ít nhất 15 nơi trên thế giới đang có chiến tranh, nhưng vì chẳng liên quan gì, nên chúng ta không nhắc đến.

Trước đây, chị Hải Hà có một bài điểm sách về tác phẩm “Những Người Không Gặp Lại” của Đoàn Tuấn. Chị có đoạn liên tưởng gần như so sánh tác phẩm của anh với tập truyện ngắn “Những Thứ Họ Đeo Mang” của nhà văn, cựu chiến binh Tim O’Brien, tác phẩm khá nổi tiếng của ông mà chị chuyển ngữ, rằng chị thích tác phẩm của Đoàn Tuấn hơn vì chị là người Việt Nam. Tôi tin chắc với tác phẩm mới này chị sẽ còn được trải qua nhiều cung bậc rộng hơn, đầy đủ hơn nữa.

Nhắc đến Tim O’Brien, vốn nổi tiếng với hai câu thơ, và cũng là tựa đề cuốn tự truyện xuất bản năm 1973, mà tôi tạm dịch là: “Nếu tôi trót hi sinh giữa chiến trường/ Xin đặt tôi vào hòm và gửi về quê hương”. Tôi đoán theo nghĩa đen, chiến binh Mỹ ước mong như thế vẫn còn có thể thực hiện được chứ ở chiến trường K xa xôi, việc nhặt nhạnh xác đồng đội sắp xếp cho đầy đủ và chôn cất tử tế ở đúng nơi an toàn cũng là điều gian nay lắm rồi. Chi tiết này trải dài trong tác phẩm theo từng cách miêu tả và tình huống khác nhau nhưng đều toát lên một niềm trân trọng, thương mến dành cho đồng đội, những người kém may mắn. Cần phải đọc thì mới cảm nhận được.

Tim O’Brien lẽ ra đã dừng lại ở một tác phẩm tự truyện năm 1973, nhưng không, ông phải viết tiếp, vì vẫn chưa đủ. Tập truyện ngắn mà tôi đề cập ở trên, xuất bản năm 1990, chuyển tải thông điệp giải thích cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa, rằng chính người kể chuyện cũng phải vật vã với trí nhớ của mình, không hiểu toàn bộ bức tranh tổng thể và cho người đọc biết những điều nghi ngại ấy, làm nên giá trị thành công của tác phẩm. Với Đoàn Tuấn, tập bút ký về sự linh cảm trước cái chết của đồng đội: “Tôi cảm thấy vẫn chưa nói được bao nhiêu về đồng đội tôi”.

Mùa Chinh Chiến Ấy, thay lời tựa bằng bài thơ của Lê Minh Quốc, trong đó có đoạn ghi tên, ngày hi sinh của một số chiến sĩ. Trong khi đắm chìm vào trang sách, vào trận đấu ác liệt, cuộc chiến thảm khốc, mỗi nhân vật được giới thiệu, khi bắt đầu có cảm tình với nhân vật ấy, anh lính ấy thì nỗi lo lắng đồng thời cũng trỗi dậy, mười mấy lần tôi lật lại bài thơ và lấy ngón trỏ dò xem nhân vật đáng yêu của mình có “sắp chết” hay không. Chuyện nghiêm trọng, bạn đọc phải chuẩn bị tinh thần, điều chắc chắn là sẽ có những cái chết xuyên suốt tác phẩm, là người thật, việc thật. Nhưng qua giọng văn gần gũi, gọn gàng, chân chất nhưng chặt chẽ của Đoàn Tuấn, những mất mát được chuyển tải nhẹ nhàng. “Đồng đội tôi chết muôn ngàn kiểu. Nhưng ai cũng từ giã cuộc đời với thái độ bình tĩnh. Bởi họ biết, họ được giã từ trong yêu thương, trong ấm áp”.

Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra Đoàn Tuấn nhắc về bản thân mình, cái tôi, rất ít, kể cả việc nhận thư người yêu hay về gặp người yêu cũng chỉ thoáng qua một câu. Mục cuối cùng của chương cuối, “Những ân nhân của đời tôi” là phần tưởng niệm Đoàn Tuấn dành riêng cho những người đã giúp anh có được ngày trở về vẹn toàn, là một Ngô Thanh Chè quê Sa Huỳnh, là anh Đước y tá, là anh chàng Nguyễn Văn Của. Phải nói, quá đẹp! Đẹp như thế nào ư, bạn đọc đi nhé.

Mùa Chinh Chiến Ấy, giai đoạn 1978-1983, những người lính rất trẻ, lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, có mục đích hẳn hoi, rõ ràng, bước vào một cuộc chiến không thể tránh khỏi. Với bối cảnh lịch sử như thế và với mục đích chính là tưởng nhớ đồng đội, 7 chương với 70 mục được sắp xếp, một phần là theo trình tự thời gian, di chuyển qua mỗi vùng miền, một phần theo các sự kiện quan trọng. Những người lính đều góp phần quan trọng cho sự thành công của tác phẩm, cũng là một nguồn an ủi họ, vinh danh họ.

Với Mùa Chinh Chiến Ấy, những người không gặp nữa, hương hồn của họ cũng đã siêu thoát, còn những được trở về với cuộc sống đời thường, có trong tay món quà quý, để đọc đi đọc lại, để được cười, được khóc, được yêu thương. Nhưng trên hết, những đọc giả may mắn ơi, bạn có biết rằng, hạnh phúc không ở đâu xa, những gì bạn tưởng là khó khăn, những giây phút thất vọng sẽ không là gì, bạn không cần phải đi tư vấn tâm lý đâu xa, chỉ cần đọc Mùa Chinh Chiến Ấy, thế là đủ.

 

Võ Thị Như Mai

Tây Úc 11/11/2017

mùa chinh chiến

8 thoughts on “Bài điểm sách “Mùa Chinh Chiến Ấy” (tác giả Đoàn Tuấn) của nhà thơ Võ Thị Như Mai.”

  1. Em cảm ơn chị Mai và chị Hà đã giới thiệu cuốn sách này. Bản thân em cũng sinh ra cách rất xa thời chiến, nhưng những tác phẩm viết về chiến tranh luôn khiến em cảm nhận được tất cả những nỗi đau, có cả tự hào và thương yêu những người lính ấy. Em từng đọc Tuổi thơ dữ dội, Đất nước đứng lên, Quân khu Nam Đồng, Điệp viên hoàn hảo,… quả thực rất ít ỏi so với những quyển sách về đề tài này từng được viết ra. Chắc chắn em sẽ còn sưu tầm và đọc nhiều nữa những Mùa chinh chiến, Những người không gặp lại, Nỗi buồn chiến tranh, Tuổi thơ im lặng… Nếu được chị Hà giúp em liệt kê thêm những cuốn chị tâm đắc nữa để em tìm đọc. Em cảm ơn chị nhiều.

    1. Mình ở nước ngoài ít có sách Việt, vì vậy phần nhiều là đọc sách tiếng Anh. Em đọc hơn chị nhiều rồi, nên đến lượt em nói (thật ra là viết) em thích quyển nào và vì sao em thích nó.

      1. Cá nhân em thích nhất là Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Em nhớ là tầm lớp 12, em ngồi đọc và khóc đến nỗi không dám xuống nhà ăn cơm vì mắt còn đỏ hoe. Câu chuyện oan ức của Mừng khi bị nhầm là Việt gian làm em thương quá, đó là chi tiết em nhớ nhất. Nếu có cơ hội chị hãy đọc thử cuốn này ạ. Cuốn thứ 2 là Đất nước đứng lên, mang lại nhiều cảm xúc chân thực trong thời chiến dù so với cuốn thứ 1 thì vẫn không mạnh bằng.

  2. Cháu xin lỗi vì lạc đề nhưng mà ở trên có bạn nhắc đến Tuổi thơ dữ dội làm cháu hơi… bồi hồi. Lớn lên, cháu không thích những tác phẩm mang khuynh hướng, ừ người ta gọi là gì nhỉ, sử thi?, nhưng Tuổi thơ dữ dội là ngoại lệ. Chắc ở khía cạnh nào đó, bởi cuốn sách này được viết bởi một trái tim trong sáng. Một con người trong sáng. Cháu không biết dùng từ gì để tả Phùng Quán, nhưng chắc từ “trong sáng” là phù hợp nhất. Ông viết cuốn tiểu thuyết chỉ là những gì đẹp nhất, những mơ mộng trong trẻo nhất về chế độ, về đất nước, trong khoảng thời gian ông bị chính chế độ mình hắt hủi.

    Mà cuốn sách này, lớn càng đọc càng thấy nó sâu sắc, không phải bản thân cuốn sách, mà là khi nhìn vào cuộc đời tác giả và lịch sử đất nước. Tài năng của tác giả, chính là để độc giả thực sự tin vào những gì ông viết, khiến cho độc giả dù có đôi chút nghi ngờ hay gì khác, vẫn tin vào những tâm hồn đẹp đẽ ông tạo nên. Chuyện ông kể có lẽ là có thật, nhưng kể chuyện thật khiến người ta tin đôi khi không phải dễ. Nhất là khi người ta hay đồng hóa thực tế = đau khổ, thực tế = dối gian, khi người ta không còn tin vào những giá trị đẹp đẽ và lý tưởng được nữa.

    Cái thứ hai, là những cái chết, các em chết khi còn rất trẻ, nhưng khiến cháu cảm thấy nhẹ nhõm, lại là cái chết của Quỳnh. Quỳnh là mẫu nghệ sĩ điển hình cô ạ, nhạy cảm, tài năng, em nghe thấy nhạc trong tiếng gió, em khóc khi đàn một khúc đàn quá hay. Và Quỳnh chết. Nói thật hồi nhỏ cháu rât tiếc cho Quỳnh. Nhưng lớn lên, nghĩ đến án Nhân Văn sau này, cháu đột nhiên lại thấy nhẹ nhõm kỳ cục. Đời thì chẳng biết trước điều gì, nhưng Quỳnh là mẫu người rất dễ bị dính án Nhân Văn. Mà đôi khi, bị chính những giá trị mình tin tưởng hắt hủi, còn đau khổ hơn là chết vì những gì mình tin.

  3. Võ Thị Như Mai viết câu: “Mùa Chinh Chiến Ấy, giai đoạn 1978-1983, những người lính rất trẻ, lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, có mục đích hẳn hoi, rõ ràng, bước vào một cuộc chiến không thể tránh khỏi.”

    Đồng ý phần lớn câu của VTNH, nhưng hoàn toàn không với phần nêu mục đích “lên đường làm nhiệm vụ quốc tế”. Quốc tế là những nước nào bên VN ở mặt trận K? Nếu có, tại sao người VN phải lăn lưng chiến đấu, hy sinh xương máu cho những nước đó? Cũng mục đích ấy, “lên đường làm nhiệm vụ quốc tế”, đã dùng để thúc dục thanh niên nam nữ đi B trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Mục đích của các chiến sĩ VN ở K, đúng đắn và rõ ràng là “lên đường làm nhiệm vụ với tổ quốc, với đồng bào.” Xương máu, tài nguyên VN không rẻ để phục vụ cho bất cứ cái quốc tế quái quỉ nào.

Leave a comment