Những người năm cũ bây giờ ở đâu

Sáng nay trời âm u gió mạnh, không biết có đi rừng không. Phải chờ ông Tám thức dậy mới biết. Tôi thức từ lúc năm giờ sáng, ngần ngừ không muốn viết gì cả. Lúc này sao đâm ra lười biếng viết. Nhờ vậy nên đọc nhiều (toàn những cái vớ vẩn), xem nhiều phim (hầu hết những phim được nhắc nhở hay được giải thưởng), suy nghĩ nhiều (toàn những suy nghĩ ấm ớ, bâng quơ kể hoài không hết).

Tôi nghĩ về những người đi xe lửa.

Người đàn bà cao lớn, mặc váy dài, tóc cắt ngắn, có mấy cái áo khoác loại quilt, tôi chiêm ngưỡng một thời gian. Bà làm việc cho Prudential. Thường đọc sách trên xe lửa. Tôi có kể về bà một lần hồi mấy năm về trước. Sau đó tôi ít gặp bà hơn, đoán có lẽ bà làm chỉ vài buổi một tuần vì bà có nói sắp về hưu. Bây giờ tôi hoàn toàn không còn gặp bà, không biết có phải vì tôi đổi giờ làm, đi làm sớm hơn và về sớm hơn. Hay bà đã về hưu?

Một người đàn bà người Á châu, sang Mỹ lâu năm, có lẽ lâu hơn tôi một vài năm. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhưng không hề hỏi tên nhau. Bà biết tôi làm việc cho hãng xe lửa. Bà có nói bà cũng làm việc cho nhà nước ở New York nhưng không nói rõ hơn. Bà hay trang điểm trên xe lửa. Bà rất gầy, da trắng nên mặt mũi sáng sủa nhưng tóc rối kẹp lủng lẳng, ăn mặc tùy hứng khi thì khá xốc xếch, lúc lại hào nhoáng sặc sỡ. Lúc nào cũng có vẻ vội vã và ngủ không đủ. Chúng tôi thường nói chuyện lúc gặp nhau trong lúc chờ thang máy. Bà nói “sẽ về hưu vào tháng Tư năm 2018.” Bây giờ là tháng Sáu. Tôi thường để ý nhìn, tìm bà trong đám đông. Có lẽ bà đã về hưu.

Một người đàn bà khác tôi chưa hề chuyện trò. Bà này béo phì. Tóc lúc nào cũng rối. Dáng đi lệt bệt. Tôi đoán bà còn trẻ, chừng hơn bốn mươi chưa đến năm mươi. Vẻ mặt lúc nào cũng mệt mỏi. Bà xách nhiều túi xách. Bà mặc y phục gì cũng có vẻ luộm thuộm chẳng hiểu tại sao. Tôi có cảm tưởng mỗi buổi sáng thức giậy bà quơ mấy cái túi xách vội vàng ra bến xe lửa, mang theo cả những thứ không cần thiết vì không có thời gian sắp xếp hay lấy ra thêm vào. Bà không ngủ gục trên xe lửa, dùng thì giờ để trang điểm. Có lần tôi ngồi sau bà hai hàng ghế. Đó là hàng ghế cho ba người. Bà ngồi chính giữa. Bà lên xe lửa ở Westfield, nơi đa số là dân nhà giàu, có thế lực ở. Trạm này đã gần cuối đường xe lửa nên trên xe đã đông người. Hàng ghế ba người thường trống chỗ ở chính giữa. Người lên trước không muốn chia chỗ trống cho người đến sau, để dành chút không gian để thở. Người lên sau không thể chọn lựa nên phải ngồi chỗ chính giữa, càng khó chịu hơn nếu hai người ngồi trước to lớn và có nhiều đồ đạc. Với bà hành khách này thì sự chật chội gò bó càng tăng lên gấp bội.

Toa xe lửa tôi ngồi là toa số một, hành khách được yêu cầu giữ im lặng. Bà ngồi vào chỗ được dăm ba phút tôi nghe có tiếng phàn nàn.

“Tại sao bà không làm công việc ấy ở nhà? Ở chốn công cộng mà bà làm thế này thật là không lịch sự, không kín đáo chút nào.”

Người đàn bà có vẻ chưng hửng, ngạc nhiên vì bị phê bình thẳng thừng, công khai. Bà không nói được lời nào, lặng lẽ tiếp tục trang điểm.

Người đàn ông càu nhàu tiếp giọng bực bội đầy khinh bỉ. Trên xe lửa hoàn toàn không tiếng nói. Chỉ có tiếng quạt máy chạy rì rào và xe lửa chạy lắc lư. “Đàn bà gì mà … . Thôi để tôi đi ra. Tôi không thể tiếp tục chịu đựng hành động của bà.” Anh ta đứng dậy. Người đàn ông ngồi ghế ngoài cùng dọc hành lang đứng dậy, đi ra. Người đàn bà trang điểm, đứng dậy đi ra. Người ngồi ghế cạnh cửa sổ, cũng là người cằn nhằn, đi ra. Đó là một anh chàng trẻ tuổi, da đen, lỗ tai đeo một viên kim cương sáng chói. Tôi nhận ra anh là người soát vé của hãng xe lửa, tôi thường gặp ở tuyến đường này. Anh ăn mặc đỏm dáng, theo đúng thời trang, mỗi khi anh không phải mặc đồng phục của hãng xe lửa. Có lần tôi thấy anh quàng cái khăn cổ sọc vàng và đen rất vui mắt.

Một người đàn ông trẻ da đen phê bình người đàn bà da trắng làm công việc điểm trang trên xe lửa làm tôi chú ý. Bạn có lần hỏi tôi người Mỹ có kỳ thị người da màu hay không? Tôi nghĩ là có. Tôi nhớ vào thập niên ba mươi, trong quyển “Gone With The Wind” một người nô lệ bị người thân của cô nàng Scarlett đi tìm giết vì tội xúc phạm đàn bà da trắng. Sau mấy mươi năm, cuộc đời thay đổi nhiều. Giờ đây chúng ta đã có một vị Tổng Thống người da đen. Tôi tự hỏi anh chàng soát vé trẻ tuổi kia có “kỳ thị ngược” người đàn bà trang điểm hay không? Nếu đó là một cô gái da đen trẻ tuổi anh có lên giọng phê bình mắng nhiếc như thế không? Tại sao trên xe lửa có bao nhiêu người đàn ông da trắng, thậm chí ngồi cạnh người đàn bà đang điểm trang, họ không thấy khó chịu đến độ phải lên tiếng phê bình? Nếu người phê bình là người da trắng thì người đàn bà sẽ có thái độ như thế nào? Tôi nghĩ, người đàn bà không đáp trả anh chàng trẻ tuổi vì anh ta là người da đen. Nếu đó là một người đàn ông cùng màu da, bà ấy sẽ nói là chẳng mắc mớ gì đến ông. Nếu đó là một bà nửa chừng xuân người cùng màu da với anh chàng soát vé, bà cũng sẽ nói chẳng việc gì đến chú mày. Mind your own business.

Tôi không gặp người đàn bà điểm trang lúc sau này. Bà có còn đi xe lửa không? Nếu còn thì có còn điểm trang không?

Thắp cho đầy một hàng nến trong tôi
Thắp cho đầy một hàng nến trong tôi (Nhạc Nam Lộc?)

 

 

13 thoughts on “Những người năm cũ bây giờ ở đâu”

  1. Sáng nay lạnh có thể sắp mưa. Mùa xuân năm nay sao nhiều ngày mưa thế. Mình cũng lười viết. Dạo này thích ngồi chuyện trò hơn. Hai tháng nay nhà mình thường có khách đến thăm bà nội tụi nhỏ. Nhận thấy tháng ngày trôi qua không để ý, mới biết rằng lâu lắm rồi mới được ngồi nói chuyện tiếng Việt với người ngoài gia đình, thấy bao nhiêu năm mình như hermit.

  2. Đọc những “phận người” trong bài viết của chị chợt buồn vu vơ. Thấy có chút gì giống em trong đó, chắc ở cái luộm thuộm và buồn ngủ 😊😊. Không hẳn là em… luộm thuộm nhưng khá cồng kềnh với giỏ đựng laptop, bóp đeo vai và giỏ cơm (mà thường là không có… cơm, toàn trái cây và junk foods 😁). Em không đi xe lửa mà tự làm tài xế cho mình nên không thể ngủ gục cũng không thể trang điểm trên đoạn đường đến hãng… nhưng ox em thường đùa “giao cho đàn bà lái xe là … tội ác” 😊😊.

    Một tuần mới vui khỏe và siêng viết blog nha chị 😍

    1. Em không thể nào có vẻ luộm thuộm như cái bà chị tả trên xe lửa. Chị thấy nhiều cô vừa lái xe vừa trang điểm lắm em ơi. Em không trang điểm trong lúc lái xe là tốt lắm.

      1. vụ trang điểm trong lúc lái xe, con có cô bạn Tracy, Tracy để sẵn một ít quần áo trong chiếc truck của cổ, và vài cái bản được điền như go go, why stop? i’m angry, cổ nói mỗi khi kẹt xe ở houston thì cổ giơ mấy cái bảng này ra để hỏi tài xế xe khác. trong xe cổ lúc nào cũng đủ đồ trang điểm, dừng đèn đỏ là cổ làm xong một món, như đánh son, kẻ mắt chẳng hạn :))

Leave a comment