
Daphnis (nam) và Chloe (nữ) bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh. Huyền thoại Hy-lạp kể rằng, ngày xưa người ta có thể bỏ rơi trẻ sơ sinh mà không bị bắt tội. Dùng chữ huyền thoại ở đây là vì tôi không biết chi tiết này có thật không. Trẻ em bị bỏ rơi thường là con của những đôi tình nhân, không phải là vợ chồng chính thức. Tuy nhiên, dù là con chính thức người ta vẫn có thể bỏ rơi trẻ em sơ sinh và điều này được xem là hợp pháp nếu đứa trẻ mới sinh bị tật nguyền, hoặc cha mẹ không nuôi nổi. Quyền quyết định đem trẻ em đi bỏ là quyền của người cha. Thường thường, đứa trẻ được đem bỏ ở nơi có người qua lại để đứa bé được người khác mang về nuôi.
Daphnis và Chloe được hai gia đình láng giềng với nhau hành nghề chăn cừu chăn dê nuôi dưỡng. Cả hai trở nên yêu thương nhau nhưng không hiểu đó là tình yêu. Daphnis được một vị nữ thần tượng trưng cho tình yêu giải thích cái cảm giác khó tả đó là tình yêu. Tuy nhiên chàng cũng được dặn rằng phải kềm giữ tình yêu của chàng, vì Chloe sẽ phản ứng bằng sự đau đớn, kêu la, thậm chí chảy máu. Vì lẽ đó Daphnis luôn giữ khoảng cách với Chloe dù lòng chàng yêu nàng thắm thiết. Sau đó đôi tình nhân trẻ bị bắt phải sống cách xa nhau, chỉ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đầu mùa hè chỉ trong khoảng thời gian khi hoa kim ngân (honey suckles) nở. Daphnis cầu nguyện với nữ thần tình yêu, nên bà hóa phép cho hoa kim ngân nở rất lâu tàn để đôi tình nhân được ở kề bên nhau. Hai người thường gặp nhau dưới giàn hoa kim ngân. Mùi hương kim ngân rất đậm đà và ngọt ngào.
Loại hoa này thường nở vào đầu hè và có khi nở lần nữa vào lúc cuối hè. Có khá nhiều loại kim ngân (honey suckles), màu trắng và màu cam/đỏ. Tôi thường gặp loại dây mọc leo, thỉnh thoảng gặp loại mọc trên cây nhỏ, hoa nhỏ hơn, màu trắng và thơm. Hoa thường mọc thành đôi trong một chùm bốn hay sáu hoa, khi úa biến thành màu vàng nhạt.
Vào thế kỷ thứ mười tám, Carl von Linné, nhà thực vật học người Thụy Điển, đã đặt cho hoa kim ngân cái tên Latin Lonicera caprifolium, dựa vào tên nhà thực vật học nổi tiếng người Đức Adam Lonitzer (1528 – 86).
Chữ caprifolium tiếng Latin thời Trung cổ bao gồm hai phần, capra = goat (con dê) và folium = leaf (chiếc lá). Ban đầu người ta dùng chữ này cho cây privet, bởi vì lá của hoa kim ngân cũng giống như lá cây privet, là món ăn rất được loài dê ưa chuộng. Về sau người ta dùng cho lá kim ngân. Cũng có người cho rằng chữ caprifolium được dùng cho kim ngân bởi vì lá của nó giống như móng chân dê.