Về một bà cụ mới gặp

Hôm qua, (thứ Năm, 2 tháng 8, 2018) tôi đi học một lớp dạy trồng và chăm sóc hoa lan. Cái sướng của người chuẩn bị về hưu (còn hai tháng nữa) là có thể đi chơi, đi chợ vào ngày trong tuần, vắng người nên thong thả hơn. Lớp học ở Duke Farms một tư viên rộng lớn cách nhà khoảng hai chục phút lái xe.

Người dạy là một người da trắng có tuổi, râu tóc bạc phơ. Chòm râu dài của ông che dấu cái miệng khá móm, không biết có phải vì ông bị mất nhiều răng không. Lớp học có chín người. Thường thường người tham gia các khóa học như thế này đi hai người. Trong buổi học hôm qua có hai vợ chồng, hai mẹ con, ba người là bạn gái với nhau, và có hai người đi lẻ, tôi và một người đàn bà khác. Bà này mới về hưu hồi tháng Sáu. Trong nhóm này chỉ có ba người bạn gái đi chung với nhau là còn trẻ. Một cô chưa đến hai mươi, hai người còn lại đâu cỡ ba mươi. Hai vợ chồng, có lẽ ở tuổi bảy mươi, bà vợ hơi yếu hơn ông chồng, ra vào lên xuống đều được ông nâng đỡ. Hai mẹ con thì bà mẹ về hưu ở Florida, về New Jersey thăm con, và người con của bà có lẽ ở tuổi sáu mươi đi học lớp trồng hoa lan với dự định dùng hoa lan để trang trí cho đám cưới của cô con gái (tức là cháu ngoại của bà mẹ).

Mỗi người phải tự giới thiệu tên mình, nơi mình ở, và lý do vì sao mình đến học lớp trồng lan. Đa số đều nói là họ thích hoa lan, dáng vẻ, duyên dáng, huyền bí, họ làm chết hoa lan nhiều lần nên muốn học để giữ hoa được lâu hơn. Tôi nói tôi chưa giết hoa lan bao giờ (vì tôi chưa hề trồng hoa lan) nhưng tôi đọc bất cứ quyển sách nào về hoa lan, xem tất cả những phim về hoa lan, nếu tôi có thể tìm được ở thư viện. Tự trong thâm tâm tôi hình như tôi muốn viết một cái gì đó về hoa lan, sáng tác hay biên khảo, nhưng tôi chưa biết rõ tôi muốn gì.

Thật ra, tôi có giết chết hoa lan một lần, hồi xa xưa. Có người tặng cho một giò lan, bảo rằng đừng tưới nước nhiều. Nhưng tôi vì cưng giò lan quá, tưới nhiều, hoa lan chết. Bảo đừng tưới nhiều, nhưng ai mà biết tưới bao nhiêu là nhiều, bao nhiêu là đủ. Hoa chết thì chuyện cũng hết. Điều này thì tôi không nói ra với những người trong lớp.

Ông thầy, tôi tự hỏi không biết học vấn đến đâu, mà ông nói chuyện rất hay. Những tên khoa học của hoa lan ông nói vanh vách, không hề vấp váp. Cái power point để giảng dạy của ông có một tấm ảnh, chụp một bức tranh cổ của người Trung quốc, vẽ hoa lan bằng mực và có hàng chữ đề thơ. Ông cũng chiếu một đoạn phim nói về Darwin, và một loài lan có cuống nhụy rất dài, để thụ phấn cho loài lan này chỉ có một loại bướm mối có râu rất dài mới có thể làm được. Darwin phỏng đoán nhưng không có chứng cớ, vì không ai nhìn thấy loại bướm mối này, cho đến bốn mươi năm sau, một nhà khoa học đặt máy quay phim và quay được lúc con bướm mối đến hút nhụy lan.

Người phụ tá cho ông thầy là một bà cụ, tôi đoán bà ít ra cũng tám mươi. Bà là người tình nguyện. Lưng còng, nhỏ bé, da mặt bà đã chảy xệ ở gần cằm. Bà đứng gần tôi, thường chỉ dẫn tôi lúc tôi tập chăm sóc lan, chiết lan từ chậu nhỏ vào chậu lớn. Tôi và bà có cảm tình với nhau ngay từ lúc mới gặp. Khi ra về, thay vì lên xe để được đưa ra ngoài cổng, bà mời tôi và ba cô gái trẻ đi bộ với bà. Hôm qua trời khá nóng nhưng chúng tôi cùng đi bộ với nhau. Tôi đã đến Duke Farms nhiều lần, nhưng chưa thuộc đường vì đây là một vườn rất rộng lớn khoảng 10 ngàn acres (40 km2). Ông giáo nói trước kia đây là một vùng đồng bằng, nhưng chủ nhân Duke đã cho đào xới, lấy đất đào hồ làm thành đồi.

Trong lúc đi bộ tôi và Janet nói chuyện với nhau. Bà góa chồng đã mười hai năm. Trước kia bà làm trong ngành Hóa học. Tôi khen bà “smart lady.” Bà hỏi tôi có về Việt Nam thăm nhà không, và có nhiều người Việt ở Việt Nam sang nước Mỹ không. Tôi trả lời, cho câu hỏi sau, có nhiều những năm trước kia, nhưng bây giờ với chính sách của ông Trâm, việc vào Mỹ có khó khăn hơn. Vừa mới nghe tôi nhắc tên ông Trâm bà đã vội vàng nói ngay. “Ôi thôi, đừng có nhắc đến tên ông ấy tôi nghe là phát ốm phát ngấy luôn.” Bà nói chuyện rất nhỏ nhẹ, tôi hầu như phải ghé tai vào sát môi bà mới nghe được tiếng nói của bà. Thế mà nhắc đến tên ông Trâm là bà tuôn ngay cho một tràng. Tôi ngại ngùng, ôm vai bà bảo rằng có nhiều người rất thích ông ấy, tôi vẫn còn nhớ chuyện hôm ăn tiệc tháng trước, có người giận dữ khi nghe người khác chỉ trích ông Trâm. Bà Janet nói: “Tôi không hiểu tại sao có nhiều người mù quáng đến thế.” Lúc sau bà lại nói: “Ông ấy chẳng quan tâm gì đến lợi ích quốc gia, chỉ có lợi ích cho bản thân ông, thậm chí chẳng quan tâm đến lợi ích gia đình.” Tôi thật sự không biết bà dựa vào chứng cớ nào, nhưng rõ ràng là bà không thích chính sách của ông Trâm, và bà là một trong những người Mỹ rất quan tâm đến chính trị. Một trong những điểm về chính sách của ông Trâm bà Janet chỉ trích kịch liệt đó là sự phá hoại môi trường. Điều này dễ hiểu thôi. Bà quan tâm, đến mức quí trọng môi trường. Tôi có cùng sở thích với bà. Tôi thích cây cối, hoa lá, chim chóc. Bà hỏi tôi có thích côn trùng không, ngoại trừ muỗi, tôi thích chuồn chuồn, đom đóm, và bươm bướm. Tôi cũng ngỏ ý là sau khi về hưu tôi sẽ tham gia công việc tình nguyện, nhưng khi bà nói là tôi phải làm việc ít nhất 100 giờ trong một năm, có nghĩa là khoảng hai giờ một tuần thì tôi cần suy nghĩ lại.

Khác với ông Tám hăng hái làm công việc tình nguyện, hằng ngàn giờ và hằng ngàn đồng, tôi rất ích kỷ với thì giờ của tôi. Tôi có thể hiến tặng tiền, nhưng thì giờ tôi chỉ muốn dùng vào công việc viết và đọc cho riêng tôi. Một buổi đi học chăm sóc hoa lan để lại trong tôi cảm giác đẹp và vài điều suy nghĩ. Nhất là nghĩ về bà Janet.

ngất ngây

14 thoughts on “Về một bà cụ mới gặp”

  1. Đóa hoa đẹp có chú ong hút mật,
    Thảo đã save rồi thích lắm nghe cưng.
    Nhưng đã khuya rồi nên Em phải ngủ,
    Sáng mai thức dậy sẽ đọc lần hai.

  2. con cũng thích hoa lan, con thích ten cattleya nhưng không thích giống này, do hoa to quá, cái gì cũng lồ lộ. con thích giống denbrobium, giống này lai thì đẹp, còn nguyên chủng màu tím và trắng con không thích lắm, giống này có dòng lan vũ nữ thì thôi rập rờn như bướm, rất vui mắt. còn giống cymbidium cũng đẹp, đã là lan là đẹp rồi hihi. nhưng con thích mỗi loại denbrobium thôi. vì kiểu con là đã thích thì chọn đúng phân loại hẹp mà thích, không đại trà nhiều và rộng.

    1. Cattleya cũng có loại nhỏ. Thật là nhìn hoa mắt vì chẳng biết loại nào là cattleya, loại nào là dendrobium. Ông thầy giáo bảo nhìn hình dáng chứ đừng dựa vào màu sắc. Cô chỉ để ý mỗi loại Cymbidium vì loại này có cái lưỡi hình giống như chiếc thuyền, và thường hay có loại lan xanh lá cây, nhưng nói thì như vậy chứ cũng chẳng dễ gì nhận dạng. Cô thích loại lan giống con nhện, và thích loại Lady’s slipper (Paphiopedilum).

      1. hình như phân biệt nhờ cái môi – phần nhụy bên trong đó cô. cái môi của cattleya nó to và thường sẽ hướng ra ngoài hẳn so với mấy cái cánh của nó. còn giống cymbidium nó hay rằn ri như da cọp :D. hồi đó con mê sưu tầm tem hoa lan nên săm soi hoài, để ý. catt nó có giống kích thước nhỏ, nhưng toàn phần của nó cũng to đùng ra hihi.

        1. Người ta còn phân biệt ở chỗ nó mọc. Cattleya mọc ở trên ngọn của cái stem. Còn cymbidium mọc ở base of tubs. Cymbidium còn có loại củ giả, nên dễ nhận ra.

  3. Sáng nay bận nên đến hai giờ chiều mới đọc lại. Thấy Hà thích trồng hoa lan nên đi học, hay là đã một lần “Giết” chết hoa lan rồi mới đi học đây? Trong vườn nhà freesias trắng đang nở, vừa đẹp vừa thơm và dễ trồng vô cùng, mình bây giờ yếu rồi nên không săn sóc được nữa, nó mọc um sùm Hà ơi. Mình mới ra vườn cắt hai nhánh, (gởi vào đây tặng Hà nghe 🌹🌹😁).
    Mình thích ông Trump, thấy bà Janet nói vậy mình e rằng bà không biết gì nhiều về chính trị xã hội thương mại. Thôi mà mình cũng không nên bàn cải về chính trị ở đây, phải không Hà?

    1. Freesia màu trắng rất đẹp, và thơm ngạt ngào. Vậy là bên Úc chuyển mình sang xuân rồi phải không? Chúc DT có mùa xuân ngào ngạt hương nhé. Vâng, chị cứ giữ ý thích ông Trâm của chị. Hà tôn trọng ý thích và quan điểm chính trị của chị. Hà rất mong ông Trâm làm tốt cho đất nước Hoa Kỳ. Mong là ông có thể ngăn chận phần nào sự bành trướng của Trung Quốc đưa đến chỗ đè bẹp các nước yếu thế như Việt Nam.

      1. Nhìn về Việt Nam mình hay khóc vì buồn. Hà đã đọc “Nước Mất Nhà Tan” của DT chưa? Chuyện thật đó mở ra xem đi Hà. post lên ngày 22/04/2016. Nếu không thấy thì viết tên đề bài vào khung bên phải bấm search sẽ thấy ngay.

  4. Không biết Chị Tám có biết Lan Úc không? Dể trồng có mấy màu: Trắng, ngà và vàng thường nở vào dịp Tết Ta, tôi được 4 chậu. Nam Cali nhiều người trồng.

  5. Nói đến hoa lan, cậu bạn học cấp 1, 2, 3 của mình tên Phi Tâm ở Đà Lạt mê lan lắm luôn. Cậu bảo cái số may mắn, đã tìm ra đến loại hoa lan thứ 6 . Mỗi lần cậu tìm ra một giống mới là được hội hoa lan quốc tế viết một bài khoa học, mỗi loại đều lấy tên của cậu và nghe rất chi là kêu: phitamii, Hymenorchis phitamii, Taeniophyllum phitamii, Schoenorchis phitamii. Chúc Hải Hà cuối tuần vui nhé.

Leave a comment