Đại hội thơ

Dodge Poetry Festival tổ chức ở New Jersey Performance Center (NJPAC) hằng năm vào tháng Mười. Ngày còn đi làm tôi đi ngang,  gặp đại hội thơ muốn vào nhưng ngại ngùng. Một phần vì tôi chẳng quen ai. Một phần vì tôi tự giới hạn mình không bước vào lãnh vực thơ, biết tính mình tò mò, lang thang qua nhiều lãnh vực quá rốt cuộc không hiểu biết rành về bất cứ điều gì. Năm nay, bạn HN, blog The Kitchen Window, hỏi có đi không, tôi vui mừng trả lời, đi. Ngay lập tức.

hội chợ thơ

Đi xong rồi, tôi thấy tiếc là những năm trước mình đã không đi. Bạn HN nói, thế thì từ rày về sau mỗi năm mình đều đi nhé. Tôi muốn lắm, nhưng ở tuổi này, tôi không dám hẹn trước những chuyện rất xa trong tương lai. Nhưng tôi tự hứa là sẽ đi, nếu không có bạn đi cùng thì tôi sẽ đi một mình.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy thơ vẫn còn đang sống và phát triển trong văn hóa, xã hội Mỹ, và nhất là trong lòng những người trẻ tuổi. Thơ vẫn còn là điều cần thiết cho tâm hồn và tư tưởng của con người. Chúng tôi đi ngày thứ Sáu, xem chương trình thì thấy ngày thứ Sáu có nhiều tiết mục chúng tôi thích nhất. Ngày thứ Bảy, hôm qua, chương trình xui xẻo bị mất điện, đến tối vẫn chưa khôi phục. Coi như chúng tôi gặp may. Buổi hội thơ ngày thứ Sáu thành công tốt đẹp.

Mở đầu chương trình Sandra Cisneros với chủ đề “Poets on Poetry” (Thi sĩ bàn về thơ). Các bạn chắc biết tên bà Cisneros, vâng, tác giả của quyển “The House on Mango Street.” Bà đọc một truyện ngắn (hay bài thơ văn xuôi) về tuổi thơ của bà lúc bà 11 tuổi. Lời khuyên của bà, để làm thơ hay viết văn, bạn đừng viết những chuyện dễ viết, hãy viết về những điều bạn muốn quên. Bà tin rằng, “nghệ thuật có thể thay đổi xã hội.”

Sandra Cisneros
Sandra Cisneros

Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn tận mặt những nhà văn nhà thơ tên tuổi. Elizabeth Alexander (người đọc thơ trong ngày lễ nhậm chức của Tổng Thống Obama), Sharon Olds, và những nhà thơ, mới nghe tên lần đầu nhưng gây ấn tượng tốt như Jericho Brown, và Gregory Orr. Vài nhà thơ tôi nghe tên nhưng chưa đọc tác phẩm như Marylin Chin (bạn nào đó giỏi tiếng Trung quốc đã phiên âm là Trần Mỹ Linh), Hieu Minh Nguyen và Paul Tran (hai nhà thơ gốc Việt).

Trong chủ đề Poetry and Democracy (Thi ca và Dân Chủ), Bà Alexander đọc bài thơ “Let America be America Again” (Để nước Mỹ Lại Là Nước Mỹ) của Langston Hughes, một trong những nhà thơ da đen tiên phong lên tiếng về sự bình đẳng chủng tộc và tự do sáng tạo.  Bài thơ “To A Stranger” của Whitman được đọc trong chủ đề này.

Elizabeth Alexander
Elizabeth Alexander ở bên trái ngoài cùng.

Một trong những điểm thú vị nhất của buổi hội thơ là có rất nhiều học sinh và sinh viên tham dự. Những người trẻ tuổi đã đặt những câu hỏi rất thông minh và đầy suy nghĩ để các nhà thơ chủ tọa buổi đọc thơ trả lời. Chế độ dân chủ có ảnh hưởng như thế nào về thi ca trong quá khứ và hiện tại? Làm thế nào để bảo đảm dân chủ trong lớp học?

Trong chủ đề Poetry and Identity tôi gặp lại bà Sharon Olds. Bà đọc một bài thơ nói về sự chấp nhận và yêu thương bản thân trong quá trình trở thành người trưởng thành và nhà thơ. Tôi không nhớ tựa đề, chỉ nhớ đại ý là mẹ của bà Sharon Olds là một người rất đẹp, và do đó có khi bà Sharon so sánh thể chất của mình với mẹ mình. Khi trưởng thành, bà Sharon nhìn lại mình, thấy những ưu và khuyết điểm của mình. Bà lập lại nhiều lần ở cuối vài đoạn thơ (stanza) câu thơ “Beaten by my mother” có ý nói dù bà đã chấp nhận và yêu thương chính mình, bà vẫn thấy mình thua (vẻ đẹp) của mẹ. Giọng đọc của bà ôn hòa, không có ý trách móc hay chua chát, tuy nhiên tôi vẫn nhìn thấy, trong ý nghĩ riêng của mình, (người trước là con gái của mẹ tôi và sau đó là mẹ của hai cô con gái) sự không tán thành và không chấp nhận của bà mẹ (ở một giai đoạn nào đó trong quá khứ) về thái độ và sự chọn lựa của các con.

Trong chủ đề Poetry and Identity, một cô bé đã đặt câu hỏi rất hay. Với nhà thơ queer, và những người LGTB, khi, coming out, tuyên bố với mọi người về giống phái và sở thích tình dục của cá nhân, những người này tìm kiếm điều gì? Họ tự chấp nhận bản thân hay mong muốn được xã hội chấp nhận? Điều làm tôi (bà Tám) nể phục họ, là họ thẳng thắn tuyên bố những điều thầm kín về giống phái. Nhà thơ Jericho Brown, một người da đen cao lớn đẹp trai, ăn nói lưu loát, cũng thố lộ ông đã từng bị hiếp dâm, bị nhiễm HIV.

Ông này được bà Krista Tippett phỏng vấn trực tiếp cho chương trình radio “On Being.” Ông càng charismatic chừng nào thì càng đẩy bà Tippett vào thế bị động chừng ấy. Tôi hơi thất vọng khi thấy bà không chủ động được cuộc phỏng vấn có vẻ như bà không chuẩn bị kỹ và cứ cười rúc rích như những cô gái trẻ gặp thần tượng trên sân khấu.

Trong một ngày hội thơ tôi học được rất nhiều điều ở các nhà thơ lớn tuổi hơn tôi (kinh nghiệm làm thơ, hiểu biết về thơ và đời sống), ở người bạn HN trẻ hơn tôi gần chục tuổi (có nhiều ý nghĩ rất thơ làm thơ hay nhưng vẫn còn đem giấu), và ở các nhà thơ trẻ vẫn còn đang đi học (qua những câu hỏi thông minh và rất yêu thơ).

Tôi thấy rằng, cuộc sống không thể thiếu thơ nhưng rất tiếc là (phần lớn) chúng ta không thể kiếm sống bằng cách làm thơ. Bà Sharon Olds tự hào bà là một trong những người rất ít (chỉ 1%) có thể sống nhờ làm thơ. Bà khuyên các nhà thơ trẻ, hãy có một nghề để có thể tự kiếm sống và không lệ thuộc vào ai về mặt tài chánh, để có thể là nhà thơ. Nghe đến đây tôi càng thêm cảm phục, những người suốt đời làm thơ, chỉ để làm thơ, để hưởng hạnh phúc của sự sáng tạo. Còn tôi suốt cuộc đời chỉ lo cơm áo gạo tiền, chưa hề dám sống dám hy sinh chỉ để làm thơ hay viết văn.

6 thoughts on “Đại hội thơ”

  1. Hay nhỉ. Hòa trong không khí sôi động giữa những người giàu chữ. Chỗ HH có các clb đọc sách ngâm thơ gì không? Hồi trước NM có đi nghe một thời gian rồi thôi, vì lười. Mà tính mình làm gì cũng nửa chừng 😁

    1. Thư viện địa phương có nhóm của nhà văn họp nhau lại giúp nhau góp ý, edit truyện. Có nhóm thảo luận phim. Có nhóm đọc sách. Những nhóm này mình có tham gia nhưng không thấy hấp dẫn. Nhóm thảo luận phim không thích thảo luận. Người dẫn nhóm đọc lớn tiếng những bài review phim và những giai thoại về tài tử. Nhóm nhà văn thì muốn xuất bản sách, chưa thảo luận nhiều nên chưa biết có thích không. Nhóm đọc sách thì cũng như nhóm nhà văn, để chờ.

  2. Bài hay quá chị HH ơi! Đúng là có những nhà thơ chỉ làm thơ ”để hưởng hạnh phúc của sự sáng tạo.” Đấy là những Hiệp sỹ. Sống chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm. Tôi có thể giới thiệu bài của chị với một vài người anh là nhà thơ mà tôi hằng kính trọng được không ?

Leave a comment