Đôi Giày Tango

Sáng hôm sau về nhà, loay hoay một hồi không mở được cửa nàng nhận ra cửa đã thay ổ khóa.  Trên thềm là phong thư của chồng nàng.  Nội dung ngắn gọn.  “Anh đã nộp đơn. Mọi liên lạc hay điều đình, đều phải qua luật sư của anh.”  Nàng thấy chếnh choáng như thể men rượu đêm qua còn sót lại.  Dù biết rằng chuyện sẽ đến mức này nhưng đây là cách cư xử rất tệ.  Không thể nói bằng lời với nhau à?  Phân nửa tài sản này cũng của nàng đấy chứ.  Tất cả chỉ vì chuyện nàng đi học nhảy Tango.

Nàng không ngờ nàng đoạt giải nhất cuộc thi Tango hạng nhập môn. Cuộc thi thật dễ dàng, quá sức tưởng tượng của nàng. Nàng không bị vấp ngã, rách áo, quên bài, lỗi nhịp như nàng hằng lo sợ. Nàng nhẹ nhàng bay lướt trên sân khấu, buông người vào vòng tay của Vũ, và thả hồn theo tiếng nhạc Tango. When the marimba rythm starts to play. Dance with me. Make me sway… .  Hết bản nhạc này đến bản nhạc khác. Nàng bước như mơ trong ánh đèn rực rỡ và tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả. Sau cơn mơ là cơn say. Say vì rượu sâm banh rót tràn lan, hay vì cơn giao hoan với Vũ? Sau mấy tháng tập luyện, những bước chân nồng cháy quyện vào nhau, cơ thể hai người quá quen thuộc ở vùng ngực và hông, cuộc giao hoan diễn ra như một sự đồng điệu của thể xác, và thăng hoa của nghệ thuật. Người ta nói không sai. Tango là cách biểu lộ theo chiều đứng những khao khát của chiều nằm. Đêm qua nàng ở lại với Vũ trong căn gác của trường. Chỗ này trước kia của Bianca, cô giáo chuyên dạy trẻ em môn “Tap” dancing.

Nàng ngồi xuống bậc thềm duỗi dài đôi chân nhìn đôi giày khiêu vũ lấp lánh trong nắng. Từ khi có đôi giày hình như nàng chẳng hề rời nó. Đôi giày như giúp nàng tăng sinh lực, khỏe ra và trẻ hơn. Nàng tự hỏi. “Mình đoạt giải khiêu vũ bởi vì mình thật sự có tài, hay nhờ đôi giày?” Lời ông chủ tiệm giày trở lại với nàng. “Mỗi đôi giày có định mệnh của nó. Và nó sẽ thay đổi định mệnh của bất cứ người nào nó chọn.”

Đó là một buổi chiều cuối tháng Năm, trời mùa xuân ấm áp, khiến nàng thèm dạo phố. Nàng đến một thương xá mới mở, không chủ ý mua gì, chỉ ngắm nhìn hàng hóa trưng bày trong các tủ kính. Một hành lang của thương xá nhiều gian hàng chưa được thuê nên khá vắng vẻ. Ở cuối hành lang có một tiệm bán giày cả nam lẫn nữ. Trong khung kính là những đôi giày đủ màu đủ kiểu. Via Spigel da cá sấu, đế bằng, mũi nhọn. Louboutine với cái mặt dưới của giày, nơi đặt bàn chân, làm bằng da màu đỏ. Màu đỏ chẳng để làm gì cả ngoại trừ cho người ta biết đây là loại giày đắt tiền. Manolo Blanik với những kiểu giày thật lạ chẳng đôi nào giống đôi nào. Chỉ cần nhìn gót giàyBlanik là biết ngay tên thương hiệu bởi vì nó được đẽo vuốt bằng lòng yêu mến của người thợ làm giày. Mặt trước hiệu giày là tường kính trong, sau tường kính là khoảng rộng để trưng bày hàng, trên cái bệ trắng có thể tự xoay chung quanh tâm điểm của nó là một đôi giày làm bằng tơ, rất mỏng màu da người, có đính cườm, kim tuyến lóng lánh. Cách bày hàng khiến nàng có cảm tưởng những đôi giày hiệu danh tiếng kia chỉ là hàng phụ thuộc, như những nàng cung phi chầu chực bên nàng công chúa là đôi giày tơ. Nhìn một chập, nàng có cảm giác đôi giày bay lên, như có cánh. Đôi giày cúi mũi giày xuống rồi ngẩng lên ba lần, như thể chào nàng. Nàng chớp mắt đã thấy đôi giày đáp xuống kệ, yên tĩnh. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ nó vừa cất cánh bay. Nàng nhìn lầm chăng?

Người bán hàng bước ra, bắt tay nàng. Thay vì buông tay, ông nhẹ nhàng lật ngửa lòng bàn tay của ông, nâng đầu mấy ngón tay nàng, dẫn nàng vào trong tiệm. Ông mặc áo đuôi tôm và đeo găng tay trắng như người sắp đi dự dạ hội. Có lẽ ông là chủ tiệm chứ không phải là người làm thuê.

“Tôi muốn thử đôi giày tơ, màu da người đang chưng trên kệ.” Ông cụ đi ra khung kính trưng bày nhìn kiểu giày rồi trở vào nói:

“Tôi e rằng không thể chìu ý cô. Đó là đôi giày duy nhất tiệm của tôi còn lại. Chỉ để làm kiểu chưng chứ không bán. Tuy nhiên nếu cô muốn tôi xin lấy nó ra cho cô thử. Đôi giày ấy bé lắm, số 5B, ít khi vừa chân ai. Thường thường phụ nữ mang giày số 6 rưỡi hay 7B.”

“Số 5B thì có thể vừa chân tôi đó ông.”

Ông cụ mời nàng ngồi xuống ghế, quì bên cạnh, nâng đôi bàn chân nàng lên, tháo đôi giày cũ, và mang đôi giày mới lấy từ tủ kính vào chân nàng. Đôi giày làm bằng lụa, tẩm hồ keo có vẻ cứng cáp, nhưng khi mang vào nó êm và mềm như da trẻ con. Tùy theo góc nhìn và ánh đèn, đôi giày thay đổi màu, màu da trần, hồng đào, và màu rượu sâm banh. Nàng đứng lên thử giày, đi vài bước. Ông cụ nhìn nàng mỉm cười.

“Cô thích đôi giày này vì cô là vũ công tango?”

“Thưa không. Tôi hành nghề kế toán. Tại sao ông hỏi thế?”

“Vì đây là kiểu giày Tango. Mũi giày bọc gần hết các đầu ngón chân để bảo vệ ngón chân. Gót cao vừa phải để vũ công di chuyển dễ dàng và lâu mỏi. Có dây buộc vào cổ chân để giày khỏi tuột chân và làm tôn vẻ đẹp của cổ chân.”

Đôi giày ôm khít khao chân nàng. Với nàng, tìm được đôi giày vừa khít là một điều khá lý tưởng, ít khi xảy ra. Bên cạnh việc nàng có đôi bàn chân hơi nhỏ hơn bình thường, bàn chân trái của nàng lại nhỏ hơn bàn chân phải một số nên ít khi nàng được mua đôi giày vừa ý. Hễ vừa chân mặt thì chân trái hơi rộng. Đôi giày kiểu hơi lạ, không giống như giày người ta sản xuất hàng loạt bán trên thị trường. Nó như được làm bằng tay, tỉ mỉ, để tặng riêng cho chủ nhân.

“Tại sao cô chọn đôi giày này? Nó có gì đặc biệt khiến cô chú ý đến nó?”

“Tôi nói điều này sợ ông cho là tôi có bệnh ảo tưởng, hay tệ hơn nữa ông sẽ bảo là tôi điên. Đôi giày bay lên và cúi đầu ba lần như chào tôi.”

“Như thế thì nó đã chọn cô làm chủ của nó rồi. Tôi hành nghề bán giày lâu năm. Đã từng nghe truyền thuyết giày chọn người. Thường thường người ta chọn giày. Nhưng thỉnh thoảng có những đôi giày đặc biệt, có định mệnh riêng và chúng sẽ chọn người mang giày. Chúng sẽ thay đổi cuộc đời người mang chúng.”

“Thay đổi như thế nào vậy ông? Tốt hơn hay xấu hơn?”

“Có khi tốt hơn, có khi xấu hơn, có khi vừa xấu vừa tốt.”

“Thí dụ như?”

“Đôi giày có thể giúp người ta thành công trong một lĩnh vực mà họ không biết họ có năng khiếu trong lĩnh vực ấy. Cô đã chẳng từng nghe nói là cứ cho một cô gái đẹp một đôi giày thật tốt cô ấy sẽ thay đổi thế giới hay sao?”

“Còn xấu thì như thế nào?”

Ông lão mỉm cười. Giọng của ông có vẻ như nói đùa, trêu nàng.

“Cô còn nhớ câu chuyện đôi huyết hài của Andersen không? Đôi giày nhảy múa liên tục đến độ chân cô gái ứa máu vẫn không ngừng. Đến khi cô gái kiệt sức, để cứu mạng sống của cô, người ta phải chặt chân cô lấy đôi giày ra. Lại có đôi giày mang số phận ngoại tình; nó xui khiến người mang nó, phạm tội. Vào cái thời đàn bà ngoại tình sẽ bị xử tử, nàng bị cho vào bao bố cùng với đá tảng rồi đẩy xuống sông.” Ông cụ xoa tay, cười xòa. “Ơ! Sao tôi lại kể cho cô nghe những chuyện nhảm nhí thế này. Làm cô sợ hãi có lẽ chẳng dám mua giày nữa. Đó chỉ là những câu chuyện hoang đường. Cô đừng sợ nhé.”

“Ông kể chuyện rất duyên dáng, xin ông đừng lo ngại, tôi không dễ tin và nhát gan đến thế đâu. Cứ tạm tin là có những đôi giày có khả năng thay đổi bản tính hay số phận của con người, nếu người ta cởi chúng ra không chịu mang nữa thì sao? Ném đôi giày đi? Hay nếu đôi giày trở nên cũ và hư, thì sao? Định mệnh, nếu có thể bị thay đổi vì một đôi giày, dễ dàng như thế, khi không dùng đôi giày nữa thì sự thay đổi ấy có dừng lại không? Hay chuyển sang hướng khác? Vả lại phụ nữ, nhất là phụ nữ, không chỉ có một đôi giày, cả chục đôi là thường. Định mệnh chủ nhân của những đôi giày sẽ như thế nào nếu mỗi đôi giày có một định mệnh khác nhau?”

“Cuộc đời của mỗi đôi giày thì không mấy lâu. Một vài tháng hoặc là một vài năm thôi. Vả lại số giày có thể chọn người để thực hiện định mệnh của chúng thì không nhiều. Do đó sẽ không có trường hợp một người có nhiều đôi giày với định mệnh khác nhau.” Ông cụ mỉm cười, trả lời.

“Tôi vẫn muốn mua đôi giày này nếu ông đồng ý bán.” Ngần ngừ một chút nàng nói thêm, kèm theo nụ cười tinh nghịch. “Cho dù ông bảo rằng đôi giày này có số phận bị chồng bỏ tôi vẫn muốn làm chủ nó. À không, muốn nó làm chủ tôi.”

“Nếu cô thích đôi giày đến độ không sợ bị tan vỡ hạnh phúc, tôi xin tặng nó cho cô. Ngay từ lúc cô nhìn nó từ ngoài cửa tiệm, tôi đã biết là nó thuộc về cô. Không mấy người có đôi bàn chân Cinderella như cô. Thêm vào đó, đôi giày đã chọn cô. Cô hãy mang nó, dù đi làm hay đi đâu cũng thế. Một đôi giày đẹp có thể giúp cô trở nên tự tin và thành công hơn. Nếu đôi giày này hư rách trước khi cô chán nó, tôi sẽ tặng cô một đôi giày khác giống hệt như đôi giày này. Cô phải hứa là dẫu có bề nào cô sẽ chẳng trách tôi.” Ông cụ nói, không cười, nhưng chính cái vẻ tỉnh táo này lại càng khiến cho nàng nghĩ rằng ông có duyên. Nàng dợm cởi đôi giày. Ông cụ ngăn nàng lại. Ông lặng lẽ cho đôi giày cũ của nàng vào trong túi giấy. Ông cụ dìu nàng ra khỏi cửa tiệm. Nàng ngỡ ngàng, bước đi như thể bị đôi giày dẫn đường. Ngoái đầu nhìn, cửa tiệm đã tắt đèn. Nàng cố gắng nhìn tên bảng hiệu, không còn rõ nét.

Đi đâu nàng cũng được khen. Đôi giày đẹp khiến nàng vui đến độ không còn muốn mang đôi giày nào khác. Từ khi có đôi giày, trong đầu nàng luôn luôn vang vọng những bài hát trước kia nàng thỉnh thoảng nghe nhưng không chú ý. “Bài Tango hôm nào. Bước em Tango lẻ loi…” “Đàn đã khơi rồi, trong lúc đêm tàn rơi. Đàn khóc ai hoài cho héo hoa lòng tôi…” Tiếng nhạc trong đầu khiến người nàng bức rứt, muốn di động, muốn chạy, muốn nhún nhảy theo điệu nhạc.

* * *

Vài ngày sau đó, đang lái xe mà đầu óc cứ tơ tưởng tiếng nhạc tango, Quê chạy quá lố con ngõ vào nhà. Đường một chiều nên Quê phải đánh vòng khá xa để quay trở lại. Quê lại quẹo nhầm đường, đi ngang một thương xá nhỏ, thấy có trường dạy khiêu vũ. Thầy dạy khiêu vũ lại là Vũ, bạn cũ không chung lớp nhưng chung trường từ thời trung học. Có một dạo đôi bên cùng thích nhau nhưng không nói ra. Vũ nhìn đôi giày của nàng, khen đôi giày đặc biệt như thể có người nào đó làm giày để tặng riêng cho nàng. Chàng nói: “Đôi giày khởi nghiệp.”

Quê học chỉ mỗi điệu tango với những cách biểu diễn khác nhau. Tango Argentina, Milonga, American ballroom, Canyengue. Vũ đề nghị nàng cắt tóc ngắn, kiểu pompei, hiên tóc phủ trán cắt thật thẳng, hơi trên chân mày một chút, như cách một làn chỉ mỏng. Phía trước, nhìn nghiêng từ phía gò má, tóc dài hơi quá cằm một chút tạo thành một đường xéo hướng lên trên gáy. Phía sau tóc vừa phủ chân gáy không che cổ. Quê trang điểm kỹ hơn. Son môi đỏ. Tóc đen nhánh. Vẽ chân mày, dặm lông mi đen đậm. Ai cũng bảo Quê thoát xác. Lớp mỡ bụng biến mất. Lưng thẳng. Cằm ngước. Vai ngang. Cổ chân thon. Dáng đi của mèo rừng. Khớp xương của Quê bỗng dưng hết đau nhức. Mắt nàng không còn đeo đôi kính cận dày cui. Khiêu vũ, sự năng động vận chuyển khiến nàng trẻ lại.  Đồng thời Quê cũng nhận ra sự thay đổi ở chồng nàng. Mùi mồ hôi của Quyền sao đậm thế, anh không tắm mỗi ngày? Anh ăn mặc nhếch nhác trông giống như anh thợ sửa ống nước. Tóc của anh sao bóng nhẫy, không gội đầu mấy ngày rồi?

Quyền không tán thành việc nàng học khiêu vũ nên luôn luôn gắt gỏng. Bản tính của Quyền vốn khó khăn, hay phê bình chê bai, bây giờ càng tệ hơn. Đến giờ ăn không chịu ngồi vào bàn, nếu không mời thì Quyền cứ ngồi đọc báo. Ngồi vào bàn rồi, không chịu cầm đũa nếu vợ không đưa tận tay. “Canh nêm nhạt quá.” “Nước mắm mặn quá.” “Em già rồi mà không nên nết, cứ đêm này đêm khác ngả ngớn đú đởn với đàn ông.” “Đàn bà, mọi đam mê đều trở nên lố bịch.” “Em làm sang làm dáng cho đến mấy chân em cũng vẫn dính phèn.”

Quê cãi lại. “Khiêu vũ là một nghệ thuật cũng là môn thể thao.” “Không phải ai khiêu vũ cũng mê trai.” “Em chịu trách nhiệm tài chính trong gia đình đồng đều với anh. Em nấu ăn giặt giũ rửa chén y như những người phụ nữ ở nhà nội trợ. Nếu anh có thể đánh quần vợt một tuần ba lần thì tại sao em không được quyền học khiêu vũ khi anh ở ngoài sân banh?”

Dĩ nhiên, Quê không phải là người mê tín dị đoan có thể tin lời ông cụ bán giày, một đôi giày có thể làm chủ và thay đổi định mệnh của người mang chúng. Tuy nhiên, từ khi có đôi giày, chỉ trong vòng mấy tháng mà cuộc đời nàng có nhiều thay đổi không ngờ. Xin nghỉ hưu sớm để có thể dành trọn thì giờ và sức lực tập luyện Tango. Một ngày sau khi được giải thưởng khiêu vũ Tango thì bị chồng ly dị và đuổi khỏi nhà. Quê thấy ngỡ ngàng đôi chút nhưng ngậm ngùi thì không. Cuộc hôn nhân của nàng đã nhạt nhẽo từ trước khi nàng phát hiện mối đam mê của nàng với Tango. Nàng không biết chắc, có phải vì không có hạnh phúc mà nàng đến với Tango? Hay Tango là giọt nước làm tràn ly dẫn đến ly dị? Thay vì buồn phiền, nàng cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Phải chăng quyết định của Quyền, ly dị và đuổi nàng ra khỏi nhà, là giải pháp ngắn nhất và giản dị nhất mà từ lâu nàng thầm ước?

“Quê có thể ở tạm căn gác của trường.”

“Thế Bianca thì sao?”

Nhiều lần đến lớp học khiêu vũ Quê gặp Bianca đứng trên gác bên cửa sổ. Nét mặt buồn, mắt hướng xa xăm. Người bà toát ra một vẻ cô độc lặng lẽ. Bà đứng bên trong trường khiêu vũ nhìn ra bên ngoài đường phố như tìm kiếm và tiếc nuối một điều gì đã mất. Quê đứng bên ngoài đường phố nhìn vào bên trong trường khiêu vũ như tìm kiếm một cái gì đó nàng khao khát nhưng chưa có. Ly dị chồng từ hồi còn trẻ, bà dành hết cả cuộc đời cho khiêu vũ “Táp” (tap dancing). “Bianca bị đột quị qua đời từ tuần trước. Anh không muốn Quê xao lãng tâm trí trước ngày dự thi nên không nói cho Quê biết.”

* * *

Bianca có một đôi giày khiêu vũ “Táp”. Đôi giày cũng kín mũi và có quai ở cổ chân, màu vàng kim, bên dưới đế có gắn hai miếng kim loại. Bà đặt đôi giày ngay ngắn trên một cái kệ giống như bệ thờ. Dưới gót giày là tấm thiệp có hàng chữ “Đôi giày khởi nghiệp.” Quê nhớ, ngày đầu tiên nhìn thấy đôi giày của nàng, Vũ cũng nói như thế. Thế nào nàng cũng phải hỏi Vũ. Chữ nghiệp chàng dùng đi đôi với chữ nghề, hay nó liên quan đến định mệnh, như trong nghiệp chướng.

Quê đến đứng bên cửa sổ. Trong đầu nàng vẫn vang dội điệu nhạc tango “I can hear the sound of violin, long before it begins… .” Mùa lễ Tạ ơn bắt đầu. Năm nay tuyết rơi sớm. Soi bóng mình qua cửa kính, nàng thấy mình hao hao giống Bianca.

Nguyễn thị Hải Hà

24 thoughts on “Đôi Giày Tango”

  1. “Đôi giày đã chọn cô”, như sách chọn người vậy. Nghĩ là chọn nhưng lại là được chọn.

  2. Truyện ngắn của Hà tuyệt vời, nó có đôi chân của Fred Astair…they walk, they dance, they flutter.

  3. Hồi trước c cũng nhảy Salsa. Rồi có đặt một đôi giày nhảy, làm lâu, rồi quên rồi nhớ, tới hồi lấy giày thì đã quen bạn chồng được ít lâu. Bị cái bạn này hổng thích nhạc latin chút nào. Rồi c cũng giảm đi nhảy, đôi giày mới đặt về chưa đi lần nào luôn.

    1. Thường thường, trong phòng khiêu vũ, số nam nhân luôn luôn thiếu. Và càng thiếu thì họ càng đắt giá. Những người đàn ông không thích khiêu vũ lại càng ghen tuông và ngăn cấm bạn gái hay vợ của họ.

  4. Dã-Thảo đọc lại lần thứ hai để thưởng thức lối viết văn của Hà, chứ DT không thích nhân vật nào trong câu chuyện này cả, kể cả ông già bán “Đôi Giày Tango”. Chỉ thích tác giả Hải Hà thôi.

    1. Cám ơn DT đã đọc, đọc đủ lâu đủ dài để không thích nhân vật. Nếu Hà có thể viết cái gì đó mà tất cả mọi người đều thích, hoặc là cốt truyện, hoặc là nhân vật, hoặc là văn phong, thì chắc Hà đã là nhà văn nổi tiếng rồi. Viết sách để làm giàu chứ đâu có viết free trên blog còn phải vất vả tìm người đọc mình. Mà chuyện khen chê khi đọc là lẽ thường. Bà Rowling viết loạt sách Harry Potter hấp dẫn người đọc trên thế giới biến bà thành triệu phú vẫn còn bị chê kia kìa. Vì thế có người đọc mà dù chê thì cũng vui đó DT. Thành thật cám ơn.

  5. “Nhiều lần đến lớp học khiêu vũ Quê gặp Bianca đứng trên gác bên cửa sổ. Nét mặt buồn, mắt hướng xa xăm. Người bà toát ra một vẻ cô độc lặng lẽ. Bà đứng bên trong trường khiêu vũ nhìn ra bên ngoài đường phố như tìm kiếm và tiếc nuối một điều gì đã mất. Quê đứng bên ngoài đường phố nhìn vào bên trong trường khiêu vũ như tìm kiếm một cái gì đó nàng khao khát nhưng chưa có. ” Cháu thích đoạn này nhất cô ạ

            1. Cháu tinh ý thật. Cô muốn người đọc, vì cái tên mà nghĩ rằng đây là một người đàn bà có gốc gác quê mùa. Thường thường, cô cho (nhiều) nhân vật tên Quê, để rủi có trùng hợp vài chi tiết với người đọc (dù có quen biết hay không) thì người đọc sẽ không nghĩ rằng cô nói về họ.

Leave a comment