Lan man vài phim hay

Tôi xem và xem lại ba phim có kết cuộc giống nhau. “Love Story – Chuyện Tình,” “Sweet November – Tháng Mười Một Ngọt Ngào,” và “Autumn in New York – Mùa Thu ở New York.” Một tình yêu rất lãng mạn, say đắm, nhưng hạnh phúc bị tan vỡ nửa chừng vì người con gái mang trọng bệnh rồi qua đời. Chuyện Tình từ khi ra đời đến nay đã được nhiều quốc gia trên thế giới phóng tác.

Nếu bạn đang lập danh sách 100 phim hay của riêng bạn, tôi xin đề nghị (nếu bạn chưa có phim này trong danh sách) phim Wuthering Heights – Đỉnh Gió Hú. Phim này có nhiều kịch bản, tôi thích phim năm 1939 do Laurence Olivier đóng vai Heathcliff. Tôi hay nói về truyện và phim xưa, thường nhắc đến Anna Karenina và Gone With The Wind – Cuốn Theo Chiều Gió, không hiểu sao tôi không có dịp nhắc đến Đỉnh Gió Hú, một truyện tôi thích có thể nói là hơn cả Jane Eyre, Anna Karenina, và Gone With The Wind.

Tôi nhận ra khuynh hướng đọc của tôi, tôi thích loại truyện và phim, ngoài khuynh hướng cổ điển, còn thể hiện khía cạnh tăm tối và bản chất độc ác của con người. Có lẽ vì thế mà tôi bị cuốn hút vào quyển Wuthering Heights.

Mỗi khi nhắc đến chị em bà Brontë (để giản dị tôi chỉ dùng chữ é) người ta thường nhắc đến bà Charlotte Bronté với quyển Jane Eyre (thật ra bà còn vài cuốn nữa), Emily với Wuthering Heights, và người em út Jane làm thơ nhưng chưa nổi tiếng bằng hai người chị. Cả ba người con gái họ Bronté đều chết trẻ. Charlotte ở tuổi hơn bốn mươi, Emily hơn ba mươi, và Jane chỉ mới hai mươi sáu. Tôi không nhớ Charlotte chết vì bệnh gì, còn Emily và Jane chết vị bệnh lao phổi. Thật là đáng kinh ngạc và khâm phục, một người con gái gia cảnh nghèo khó, bệnh hoạn, yếu đuối như Emily lại có thể sáng tạo ra một tác phẩm đào sâu về khía cạnh tối tăm đầy thù hận và cũng đầy yêu thương với một tình yêu vượt ra ngoài cuộc sống vói đến cõi chết của Heathcliff và Cathy Earshaw trong Wuthering Heights.

Cũng như phim Chuyện Tình, Đỉnh Gió Hú có hằng chục bản khác nhau trên toàn thế giới. Tôi có xem một phim kịch bản khác của Đỉnh Gió Hú (1992) do Ralph Fiennes và Juliette Binoche đóng, thật là vô cùng thất vọng.

Còn hai phim tôi xem đã lâu, nhưng chưa biết tôi muốn làm gì viết gì. “The Lake House – Căn Nhà Trên Hồ” tôi ước gì có thể đọc được truyện bằng tiếng Hàn, hay bản dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt. “Stage Beauty – Mỹ Nhân (Trên) Sân Khấu” tôi mở ngoặc đóng ngoặc chữ (trên) vì nghĩ là chữ trên hơi thừa, nhưng giữ nó để nghe êm tai hơn thì có lẽ lúc nào đó siêng siêng một chút sẽ viết giới thiệu. Phải viết tựa đề của phim vào đây để khi quên còn có chỗ nhắc cho mình nhớ.

Đỉnh Gió Hú (1939) do Charles McArthur và Ben Hetch viết phim bản. Stage Beauty là phim kịch bản của Jeffrey Hatcher. Có lẽ bạn sẽ không thích lắm vì đối thoại trong phim giống như đối thoại trên sân khấu của kịch. Có người nghĩ là lối đối thoại cứng, màu mè lên gân, (cường điệu) nhưng nó rất văn chương, đầy ẩn ý, đòi người xem phải suy nghĩ và thấy thấm thía. Với người không thích kiểu đối thoại này, có thể họ sẽ bị ngủ quên. Nhưng tôi thích lối phim có thoại kịch như thế. Bạn sẽ tìm thấy đối thoại như thế trong các phim xưa như “Cat on a Hot Tin Roof” hay “Street Car Named Desire” chẳng hạn.

Xem Đỉnh Gió Hú, tôi nhận ra tôi chưa hề biết yêu (như những nhân vật chính trong phim) là gì, và thú thật, tôi cũng không muốn yêu hay được yêu giống như họ. Dữ dội quá. Khốc liệt quá. Đôi khi không cần yêu nhiều, yêu nhàn nhạt thôi, chỉ cần đối xử tử tế với nhau, cũng đủ sống chung mấy chục năm.

12 thoughts on “Lan man vài phim hay”

  1. Những phim xưa bất tử. Mai cũng đồng ý với Hà version “Đỉnh Gió Hú xưa” hay hơn của 1992 nhiều.
    Cho Mai góp thêm một phim tình bạc mệnh xem mãi đến thuộc lời đối thoại: Hai Tâm Hồn Cô Quạnh (Les Dimanches de ville d’Avray).

      1. Mai mua DVD trên Amazon. Trên Netflix cũng có thì phải. Hà ráng xem, sẽ không uổng công
        Đây là một đoạn Mai review trong blog của mình:

        “Phỏng từ cuốn sách của Bernard Eschasseriaux có cùng tựa đề, phim kể về mối tình trong sạch ngây thơ giữa Pierre, một phi công Pháp trạc 30 và Cybèle, một cô bé mồ côi 12 tuổi. Giữa chiến tranh Đông Dương, trong một chuyến oanh tạc ở Việt Nam, Pierre đã vô tình giết chết một đứa bé gái, nên trở về trong tình trạng chấn động tâm thần mất trí nhớ, chỉ dần dần hồi phục nhờ tình bạn của cô bé Cybèle sống trong trường dòng của một cô nhi viện. Gặp nhau mỗi chúa nhật, cả hai chơi đùa với nhau như trẻ thơ nhưng tình bạn trong trắng đó đã bị xã hội nghi ngờ lên án và hủy diệt. Một sự phấn đấu của thế giới trẻ thơ trong sạch với một xã hội đầy đố kỵ, đen tối bẩn thỉu.

        Pierre, regard
        Regard les cercles
        Voilà, nous sommes chez nous
        Nous sommes entrés dans le cercle

        Cybèle kêu lên khi một viên sỏi rơi xuống hồ trong khu rừng thưa làm nên những vòng tròn lan dần ra và bọc lấy hai chiếc bóng đang lung linh trong nước của cô và của người đàn ông đang đứng bên cạnh. Tôi chăm chú nhìn những vòng nước đang tỏa dần đó cho đến khi nó bao trùm lấy đôi bạn mà không khỏi thảng thốt đến cái chất thơ bất chợt của đoạn phim. Tôi hiểu cô bé đang đưa Pierre vào thế giới của cô qua hình ảnh những vòng tròn nước mà cô gọi là “nhà”. Trong trí óc ngây thơ của cô bé, họ đã tìm thấy nhau, Cybèle và Pierre, cô bé mồ côi mẹ bị cha bỏ rơi trong một cô nhi viện và người phi công đã tìm thấy nhau, đã ở trong thế giới của nhau. Tôi chưa thấy hình ảnh nào kiệt tác hơn hình ảnh của hai tâm hồn cô quạnh tựa lên nhau này.

        … Cảnh cuối thật xé lòng khi cô bé thức dậy bên cạnh xác của bạn mình, gào tên của Pierre và khi người ta hỏi tên cô thì: Tôi không có tên, tôi chẳng còn ai, tôi chẳng là gì nữa cả.”

  2. “Đôi khi không cần yêu nhiều, yêu nhàn nhạt thôi, chỉ cần đối xử tử tế với nhau, cũng đủ sống chung mấy chục năm.”

    Lúc nào bài viết của cô Tám cũng có những câu kết thật hay.

    1. Cháu biến mất lâu quá nhỉ. Mừng cho cháu nếu đó là bận rộn tốt. Bận rộn tốt là bận rộn với tình yêu, hẹn hò, công danh sự nghiệp, bạn bè, bóng đá…

      1. bận rộn đến mức phải bớt thời gian cho sở thích của bản thân, thì có là vì lý do gì cháu cũng nghĩ là không tốt cô Tám ạ :”P

  3. Thế là tình cờ biết được rằng cô Hải Hà cũng thích truyện của ba chị em Brontë: Jane Eyre và Đỉnh gió hú đã là những sách gối đầu giưởng của tôi thời trẻ.- với những mối tình đẹp.
    Phim thì tôi rất ít xem – có lẻ vì hướng nội, thích nằm nhà hơn, hay là tại vì phân nửa của tôi không có giờ đưa tôi đi ra ngoài xem phim….
    Gần cuối năm, xin thân mến chúc cô Hải Hà và gia đình một mùa Giáng sinh huy hoàng và một năm 2019 nhiều sức khỏe, vạn sự như ý….

    1. Cám ơn chị Mai. Kính chúc chị và gia quyến mùa Giáng sinh thật đẹp.

      Hà đọc đủ loại, có lẽ nên lấy tên là Thích Đủ Thứ. Vâng, Hà thích Wuthering Heights và Jane Eyre. Nghĩ thương cảm cho ba chị em nhà văn này, tài ba quá nhưng bạc phận.

  4. đọc ngay chỗ “Đỉnh gió hú” của cô cháu thấy vừa lạ vừa quen. Tra thử tên tiếng Anh thì ra đúng tên ở VN hay dịch, “Đồi gió hú” 😀 Bảo sao lúc đầu cháu tưởng có cuốn mới.

    1. Trước cà Đồi Gió Hú là Đỉnh Gió Hú. Quyển Đỉnh Gió Hú được một nhà văn nổi tiếng mà bây giờ trí óc lẩm cẩm của cô không chắc chắn có phải là nhà văn Thế Uyên hay không. Nếu cháu có thể vào được Talawas thì có thể vẫn còn quyển này.

Leave a comment