Nỗi Buồn Tóc Bạc

như tơ
Nhiều khi tơ giống tóc người yêu

Mùa hè năm ngoái tôi viết, đi xem nhạc Jazz, tôi đội cái mũ Panama, mái tóc bạc búi lại giấu dưới vành nón. Bạn không tin bảo chưng ảnh lên xem. Bạn biết tôi có mặc cảm xấu xí không dám chường mặt ra nên thách thức. Lẽ nào bạn không tin là từng tuổi này tôi không có tóc bạc.

Nơi nào có ánh sáng tất có bóng tối. Nơi nào có niềm tự hào “tóc nào có còn xanh” của người trẻ tuổi hồn nhiên ắt có nỗi buồn của người tóc bạc. Vương Duy nhà thơ thời Đường có bài Thu Dạ Độc Tọa đã than rằng. “Bạch phát chung nan biến. Hoàng kim bất khả thành.” Đêm thu Vương Duy uống rượu một mình, trống canh hai sắp điểm, nghe trái cây rơi lộp bộp trong mưa, nhìn cào cào châu chấu nhảy nhót dưới ánh đèn. Buồn cho tuổi già hiu quạnh ông làm thơ: “tóc bạc rồi khó thay đổi, như biến đất ra vàng.” Đó là thời của Vương Duy chỉ có những tay phù thủy giả kim có thể biến đất thành vàng. Thời bây giờ nếu biết cách đào mỏ thì tìm vàng cũng không khó. Còn tóc bạc? Dễ chữa thôi. Thấy trên facebook bà con kháo nhau gội đầu bằng nước lá ổi. Chê cây nhà lá vườn? Thuốc nhuộm tóc của Nhật bán đầy trong siêu thị của Tàu, tuy chưa nhiều đến độ 50 màu xam xám (Fifty Shades of Grey) bạn có thể tìm chừng một chục màu từ nâu đen đến đen tuyền. Một bà cụ Việt Nam từng buột miệng bảo rằng “đen như quần lãnh.” Thuốc nhuộm tóc Nhật hợp với tóc người Việt Nam, chứ muốn tiện và rẻ bạn vào những tiệm tạp hóa như Walgreens hay Target chọn một chai thuốc nhuộm là có thể có bất cứ màu tóc nào như ý muốn, ngay cả tóc trắng như bạch kim của người Bắc Âu hay của tiên (elves) trong phim Lord of the Rings.

Chúng ta, nói chung, sợ tóc bạc nhưng quan niệm về cái đẹp của mái tóc thay đổi theo từng văn hóa. Nhiều người châu Âu thích có tóc bạch kim, nhưng với người Việt có lẽ người ta sợ tóc bạc vì sợ già. Ai mà không sợ già? Không phải chỉ phụ nữ mới có nỗi buồn tóc bạc. Đàn ông sau năm mươi nếu vì lý do nào đó phải đi tìm việc thì phải mau mau đi nhuộm tóc kẻo người ta không mướn. Người còn đang làm việc mà tóc bạc cũng có thể bị đẩy qua bên lề cuộc đua của chuột (rat race), không được giao những đồ án ngon lành vì sợ không còn cái nhạy bén và nhanh nhẹn tuổi trẻ. Không có đồ án tốt đưa đến không được chú ý, khen thưởng, và thăng quan tiến chức. Thậm chí người bạc đầu có thể được khuyến khích về nghỉ hưu cho sớm, dành chỗ cho người mới trẻ hơn, khỏe hơn (ít tốn tiền bảo hiểm y tế và mất năng suất vì bệnh hoạn tật), và lương cho người tuổi trẻ ít kinh nghiệm thì trả ít tiền hơn.

Làm sao mà không sợ tóc bạc chứ? Chúng ta sống trong một nền văn hóa yêu chuộng sự trẻ đẹp. Tóc bạc làm người ta già. Phụ nữ già thì bị chê xấu. Nét mặt xấu thì tính tình cũng xấu. Bà phù thủy gian ác dụ nàng Bạch Tuyết ăn quả táo tẩm độc, họa sĩ của hãng phim Walt Disney thể hiện là một bà cụ già da nhăn, miệng móm, mũi khoằm. Mái tóc bạc được dấu dưới khăn quàng. Bà “seawitch” (phù thủy của biển) Ursula muốn thu linh hồn của nàng công chúa cá Ariel là một người đàn bà đứng tuổi béo phì có mái tóc trắng phau. Người già thì bị xem là lú lẩn hay kém khôn ngoan. Già mà ăn mặc trẻ trung thì bị chê là “cưa sừng làm nghé.” Nhắc đến câu này tôi nhớ đến bà chị dâu của tôi, chỉ hơn tôi một vài tuổi, tóc cắt tém, thân hình gọn nhỏ, trông rất mặn mà son trẻ. Chị đến chơi, tôi mang ra mấy cái áo đầm mới mua đại hạ giá, nói, “chị thích cái nào em tặng chị cái ấy.” Chị ngần ngừ rất lâu rồi nói thôi mặc vào sợ người ta bảo cưa sừng làm nghé. Trời ơi, có còn sống bao lâu nữa đâu, sao cứ sợ những lời đàm tiếu như thế. Không dám mặc áo có vẻ trẻ, nhưng tối hôm đó chị để cho một bà chị khác đè đầu ra hớt tóc, mái tóc vốn đã cắt tém rồi, nay ngắn thêm chút nữa nên chân tóc bạc lòi ra. Thế là hai “cụ mắt kém” lôi nhau ra nhuộm tóc trong ánh đèn lờ mờ của sân sau nhà tôi. Thuốc nhuộm nhễu lên sàn gỗ một bệt đen thui. Chẳng hiểu vì sao lại vấy cả vào cái áo trắng của tôi, và cả cái khăn tắm mới tinh. Chị tôi mang tâm lý chung của phụ nữ, không chịu (bị chê) già, nhưng lại sợ người ta phê phán nên không dám chưng diện theo kiểu trẻ. Chị mang tâm lý chung của phụ nữ chỉ muốn được người ta khen là trẻ tự nhiên hay chậm già. Tôi có cô bạn, có người mẹ tuổi hơn sáu mươi, tóc để bạc tự nhiên. Bạn tôi nói, mẹ em tuy già nhưng thích được mọi người khen (dối) là trẻ hơn số tuổi.

Người Việt tin rằng vẻ đẹp của con người căn bản nằm ở mái tóc và thường hay nói rằng: “Răng với tóc là gốc con người.”“nhất da nhì dáng” thì dáng đẹp của người con gái cũng nhờ mái tóc dài. Tóc dài tràn ngập trong văn hóa mỹ thuật Việt Nam, từ văn thơ “Em đi một sớm mai hồng, phất phơ áo lụa bềnh bồng tóc mây”[1] đến tranh ảnh đến âm nhạc. Thập niên sáu mươi tôi nghe mãi trên đài phát thanh “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em. Chiều nao xõa tóc ngồi bên thềm.”[2] “Có người con gái buông tóc thề. Thu về e ấp chuyện vu qui.”[3]  Đến đầu thập niên bảy mươi thì Trịnh Công Sơn đưa mái tóc dài của người con gái đi vào âm nhạc trường sinh bất tử với “tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.” Cũng những năm ấy, song song với mái tóc dài và dáng người gầy như cánh vạc, Nguyễn Tất Nhiên và Nguyên Sa là hai nhà thơ tiền phong trong việc đưa vào thơ hình ảnh ngây thơ hồn nhiên và xinh xắn của những cô bé tóc ngắn kiểu cao bồi như “Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn. Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh.”[4] và đáng yêu vô cùng đoạn thơ của Nguyễn Tất Nhiên được Phạm Duy phổ nhạc. “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ. Này cô em tóc demi-garçon. Đạp xe vô lối chợ anh ngó. Quên hết giận hờn thù ghét đám đông.”

Người Tây phương cũng thích tóc dài nhưng không thích nhiều như người Việt. Nếu đem nhạc Trịnh Công Sơn dịch ra tiếng Anh, có nhiều câu tôi e là người Mỹ không hiểu, thí dụ như “rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.” Tóc rụng không chỉ là một hiện tượng của tuổi già, nó còn gây cảm giác mất vệ sinh. Thử tưởng tượng đang ăn tô phở ngon lành thì thấy sợi tóc rơi lênh đênh trong nước phở, thử hỏi, có còn ngon không, có còn ngon không? Một cô bạn người Mỹ tôi làm việc chung, đi với tôi vào tiệm bánh donut. Tôi sắp hàng chờ mua bánh, cô lắc đầu quầy quậy kéo tôi đi ra, bảo rằng có một người bán hàng cứ đưa tay vuốt tóc rồi sờ vào thức ăn. Vuốt tóc, tóc dài hay tóc ngắn chẳng thành vấn đề, không phải lúc nào cũng là hình ảnh đáng yêu. Phụ nữ ở Hoa Kỳ, khi làm việc với đàn ông tránh chuyện nghiêng đầu mân mê mái tóc. Hình ảnh này đầy vẻ nữ tính vì thế có thể làm giảm uy thế của người phụ nữ ở vai trò lãnh đạo, và có thể bị hiểu lầm có tình ý hay đang mơ chuyện chiếu giường với gã trai xinh đẹp đang ngồi bên cạnh.

Ít người thích tóc bạc nhưng nếu phải chọn giữa tóc bạc và hói đầu thì bạn sẽ chọn cái nào? Tôi chọn tóc bạc dù tóc bạc nhân đôi cái mặc cảm xấu xí của tôi. Thuốc nhuộm tóc có thể làm tóc rụng, và báo chí đăng rằng, chứng ung thư gây ra cái chết của bà Jacqueline Kennedy Onassis là bởi bà dùng thuốc nhuộm tóc suốt mấy chục năm.

Người ta có thể đẹp thêm nhờ mái tóc, nhưng nếu chỉ có mái tóc đẹp thì vẫn chưa đủ đẹp. Tần phi, trong bài Màu Thời Gian của Đoàn Phú Thứ từ chối gặp vua, vì nhan sắc đã phai tàn, chỉ xin dâng mái tóc thay người. “Tóc mây một món, chiếc dao vàng. Nghìn trùng e lệ phụng quân vương.” Như thế có nghĩa là da dẻ của bà không còn tươi tắn, thân hình không còn nét mảnh mai, nhưng mái tóc vẫn còn xanh? Ở đây xin độc giả cho phép tôi đi ra ngoài chuyện tóc bạc để nói sang chuyện đạo văn. Nguyễn Du viết “tóc mây một món, dao vàng chia đôi” kể lúc Kiều đêm khuya vượt rào sang gặp Kim Trọng và sau đó cắt tóc nguyện thề. May là không ai trách ông Đoàn Phú Thứ đã mượn gần trọn một câu Kiều mà không dẫn nguồn.

Nghệ sĩ Việt Nam bất tử hóa hình ảnh người đàn bà với mái tóc dài; nhạc sĩ Văn Phụng đã ca ngợi mái tóc dài với những câu “Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi. Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai.” Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bay bướm hơn “Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn.” Tuy nhiên không phải lúc nào tóc cũng là một hình ảnh đẹp. Người Hy Lạp thời xưa đã nhìn thấy sự ghê rợn của mái tóc dài loắn xoắn, như những con rắn cắm trên đầu tua tủa. Tôi muốn nói đến thần thoại Medusa. Nàng là một nữ thần trinh trắng, rất đẹp nhất là đôi mắt và mái tóc, phục vụ trong đền thờ nữ thần Athena. Poseidon, thủy thần, cảm nhan sắc nàng nhưng bị cự tuyệt bèn dùng phép biến nàng thành một con ngựa cái tơ, ông ta thành ngựa đực, và khiến nàng trở nên mê muội để cưỡng hiếp nàng. Athena nổi giận, cho là nàng làm ô uế đền thờ của bà nên biến tóc nàng thành rắn. Hễ ai nhìn vào mắt nàng sẽ bị hóa đá. Ngừng ở đây một chút để than phiền là mấy vị thần Hy Lạp sao đàn áp phụ nữ quá. Kẻ đi hiếp dâm thì vẫn được làm thần, còn người bị hiếp dâm lại bị trừng phạt. Càng cay đắng hơn là kẻ trừng phạt lại là một vị nữ thần. Mấy vị thần khác bảo là Athena ghen tị vì trước kia Poseidon cũng từng tán tỉnh bà. Có lẽ bà ghen thật, bởi vì Athena có thể biến Medusa thành đá, hay giết chết nàng, không cần phải biến nàng thành xấu xí ghê rợn sống với bầy rắn ngo ngoe trên đầu. Và đáng sợ thay, khi kẻ thù của một người đàn bà lại cũng là một người đàn bà. Ui, nhưng mà xin lỗi độc giả tôi đã đi ra khỏi đề tài tóc bạc.

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên từng hờn trách những sợi tóc dài, đan thành mạng lưới khiến kỵ mã ngã ngựa “quị té trên đường rồi sợi tóc vương chân người.” Những sợi tóc dài này nếu bạc thì sao?  Thì cái lưới làm Nguyễn Tất Nhiên ngã quị sẽ là cái lưới màu trắng. Nhưng những con rắn trên đầu của Medusa chưa kịp biến thành bạch xà thì nàng đã bị Persus chém đầu. Máu của nàng rơi ra biến thành con ngựa trắng có cánh Pegasus. Medusa chết rồi nhưng đôi mắt vẫn còn có thể biến người thành đá và những con rắn vẫn còn thè lưỡi ngo ngoe. Medusa, một nhân vật trong huyền thoại Tây phương lại có cùng vận mệnh với người đẹp Đông phương: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.”

Tóc bạc làm giảm nhan sắc phụ nữ, nhưng tóc bạc lại được xem là làm tăng uy quyền và kinh nghiệm của đàn ông. Richard Gere, George Clooney, Sean Connery (ngày còn tại thế), Kelvin Costner, Harrison Ford, càng già càng đắt giá trong giới điện ảnh trong khi các nữ minh tinh hơn bốn mươi là khó kiếm được một vai tốt trong phim. Tóc bạc còn được dùng đánh dấu sự thành công. Mạc Đăng Dung, khi thù nhà nợ nước chưa trả xong mà tuổi già đã sầm sập kéo đến, đã cảm khái ngửa mặt lên trời than rằng “Thù trả chưa xong đầu đã bạc. Dưới trăng bao độ tuốt gươm mài.” Cũng như Vương Duy ở đoạn đầu của bài, trường hợp Mạc Đăng Dung quả là một nỗi buồn tóc bạc. Tóc bạc được dùng để đo chiều dài của sự thủy chung. Phạm Duy đưa hai câu ca dao vào bài hát “Tóc mai sợi ngắn sợi dài.  Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.” Trịnh Công Sơn chẳng chịu nhường bậc tiền bối. “Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.”

Trong khi người Việt ca tụng mái tóc dài của phái nữ, tóc ướt thì “ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồ.”[5] Tóc dài gió bay thì “dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê.”[6] Ngay cả tóc không chải cũng được vào thơ “còn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang.”[7] Khoe và ca ngợi mái tóc dài của phụ nữ là cách thưởng thức vẻ đẹp phụ nữ của người Việt Nam. Phong tục của phụ nữ theo đạo Do Thái ngược lại với người Việt. Tôi không biết chắc nhánh nào trong tôn giáo Do Thái, hình như nhánh Hasidic (rất bảo thủ), phụ nữ phải xuống tóc trước ngày lễ vu quy. Tôi biết chi tiết này qua cuốn phim “New York, I Love You.” Trong phim này Natalie Portman đóng vai một cô gái trẻ chuyên nghề môi giới mua bán kim cương. Buôn bán lâu năm với một vị chủ tiệm kim hoàn, nàng đâm ra có cảm tình với ông chủ tiệm; tuy nhiên, ông đã có vợ con, còn nàng thì vài hôm nữa sẽ làm đám cưới với một người chồng theo đạo Do Thái và trước khi làm lễ cưới nàng sẽ xuống tóc. Trong phim có một đoạn Natalie Portman tưởng tượng anh chàng chủ tiệm người Ấn Độ sẽ hôn lên cái đầu trọc tếu của nàng. Nghĩ cũng đáng phục là Portman dám hy sinh mái tóc, để diễn đạt trọn vẹn vai trò cô dâu trọc đầu trong phim. Với người theo tôn giáo Do Thái, mái tóc của người đàn bà là cái đẹp cao quý nhất, do đó, cái đẹp này chỉ dành riêng cho người chồng. Cạo tóc và che đầu bằng khăn quàng là một cách báo cho xã hội biết rằng, người phụ nữ đã là hoa có chủ, đã theo chồng bỏ cuộc chơi. Thấy người đẹp Natalie Portman cạo đầu trọc lốc tôi bỗng nhớ một câu chuyện tiếu lâm. Có một anh tính trăng hoa, cứ thấy gái đẹp là săn đón xum xoe. Vợ không thích, bảo: “Cô ấy chỉ được có mái tóc là đẹp. Thử cạo trọc đầu thì… .” Chồng tiếp lời ngay lập tức: “Thì đó sẽ là cô gái đầu trọc đẹp nhất thế giới.” Không phải ai cũng được như Natalie Portman dẫu trọc vẫn đẹp gái như thường.

Tóc được dùng để đo thời gian, “xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy chốc.” Tóc cũng được dùng so sánh sự giàu có và khó nghèo “nắm người có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu.” Năm 2007 tôi bị người cô chê đầu bạc. Giận đời tôi viết một bài dài, tự chống chế tóc tuy bạc nhưng vẫn dày và mướt. Từ đó đến nay đã gần mười năm, đủ để mái tóc bạc, bạc nhiều hơn, và không còn mướt cũng chẳng còn dày chỉ còn “lơ thơ tơ liễu buông mành.” Nhìn mãi quen mắt tôi đâm ra thấy những mái tóc bạc trắng tinh lại đẹp hơn những mái tóc muối tiêu. Nhớ trong phim Gandalf the Grey trông xấu xỉn hơn Gandalf the White. Mới hôm qua hôm kia cô em chồng của tôi nhìn mái tóc “hai lai” của tôi rồi quở, sao lâu quá cả chục năm rồi mà chưa bạc hết. Ai mà biết! Chuyện giữ cho tóc đừng bạc, hay hối thúc tóc tự nhiên bạc cho nhanh nằm ngoài khả năng điều khiển của tôi.

[1] Của một nhà thơ Tuổi Ngọc mà tôi quên mất tên.

[2] Về Đâu Mái Tóc Người Thương của Hoài Linh

[3] Nỗi Buồn Gác Trọ của Mạnh Phát và Hoài Linh

[4] Nguyên Sa

[5] Ru Tình của Trịnh Công Sơn.

[6] Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương

[7] Hoa Rụng Ven Sông Phạm Duy phổ nhạc

15 thoughts on “Nỗi Buồn Tóc Bạc”

  1. Hà ơi, nhưng Mai phải biện hộ cho ông Đoàn Phú Thứ trong “Tóc mây một món chiếc dao vàng, nghìn trùng e lệ phụng quân vương” là “đạo truyện” về nàng Dương Quí Phi cắt tóc dâng Đường Minh Hoàng khi bị vua giam riêng một nơi vì tính hay ghen, vua thấy lọn tóc thương quá đưa nàng trở lại cung đó chứ không phải “đạo văn” truyện Kiều đâu : ).

    Bài viết xinh xắn quá Hà về những mái tóc bạc mà lâu nay người ta chỉ dùng để ám chỉ người mẹ.

    Tặng Hà bài nhạc Ngô Thụy Miên “Tóc Xưa” nói về tóc rụng của người xua của mình… Ngày nào nhặt tóc quanh đây, Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn, Sợi dài buộc mối yêu thương, Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê. Sợi nhìn ngày tháng qua mau, Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay, Tóc xưa giờ đã xa bay, Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa…

    Mai nghĩ bản “tóc” này hay hơn tất cả những bản nhạc khác về tóc, nhất là giọng Bằng Kiều ôi chao mới lịm người :
    youtube.com/watch?v=iARV3ZYj6rw

    1. Hihi. Có hai người biện hộ cho cụ Đoàn Phú Tứ. Mai và bạn tên Ảnh, dịch giả và nhà văn cũng chiến lắm. Cám ơn bản nhạc. Bài này của Ngô Thụy Miên mình chưa biết, ca từ thật là đẹp. Ông NTM cũng là nhà thơ tài ba.

  2. Cháu nghĩ là cháu hiểu được nỗi buồn mà cô nhắc tới ah mặc dù cháu rất thích mấy người tóc bạc hoặc ánh kim và từng tưởng tượng mình có một bộ tóc dài như thế. Bạn cháu cũng hay nhắc nhở những khiếm khuyết bề ngoài của cháu, cứ bảo nếu không đổi và chăm chút vẻ đẹp hơn thì không ai thèm để ý. Cháu thì thấy rất thích bộ dạng mình bây giờ. Không phải ưỡn ẹo điệu đà của những đứa con gái khác, cháu thấy cháu khá manly nhưng mà cháu thích điều đó ạ. 😁

    1. Cô thích nét đẹp khỏe mạnh của các cô gái đam mê thể thao. Cháu không có manly đâu, cứ đẹp cứ khỏe như thế, đáng yêu lắm.

  3. Con mới ngoài 30 mà cũng bạc rồi cô ơi, nếu bạc nguyên đầu con thấy đẹp, còn bạc như con, ở chỏm đầu, con thấy giống như hơi xuề xòa không quan tâm bề ngoài. Nhất là con nhỏ con, ở xứ này hầu như ai cũng dòm được chỏm đầu con, mà tóc lại màu đen nữa mới buồn. Con dùng thuốc nhuộm, gội đầu 8 lần thì trôi hết, k độc hại như cách tẩy nhuộm ở tiệm.
    Còn ngoài ra thì con bị sợ tóc dài nữa chớ. Đi ngang mấy cô Ấn hay TNK tóc vừa nhiều vừa dài tới mông là con nổi hết cả da gà.

  4. Cô thấy kiểu tóc nào cũng đẹp, miễn mình thích kiểu tóc của mình là được. Cô cũng được người ta khen tóc bạc đẹp đó cháu 🙂

  5. Bài viết của cô hay và nhiều thông tin thú vị quá. Bỗng dưng con nhớ tới mẹ con, mẹ con chắc cũng do bạn bè đồng nghiệp “nhận xét” về mái tóc điểm bạc, thế là không biết tự bao giờ thành luôn tín đồ của nhuộm tóc. Ban đầu mẹ con hay sang cô hàng xóm nhuộm, sau đó để tiết kiệm mẹ con mua luôn thuốc về nhà tự xử. Có tóc đen rồi thành quen, thấy mấy sợi trắng tí là mẹ con sẽ không chịu nổi.

    Ôi mà sao vụ tóc bạc của phụ nữ thì thường bị coi là “già” còn nếu là đàn ông thì lại được xem như điểm cộng nghe lại thấy có phần bất công cô ơi.

    1. Chuyện này bình thường mà cháu. Khi chung quanh mình ai cũng trẻ và tóc đen, thì mình cũng nên sống cho phù hợp với người chung quanh. Còn cô thì về hưu rồi, lười chăm sóc mình, thì muốn nói gì viết gì chẳng ảnh hưởng đến người khác. Cô viết như là để tự chế nhạo mình, và cốt ý, làm người đọc cười một chút cho vui.

  6. Cảm ơn chị HH. Nhờ chị nên mới biết có nhiều người viết về mái tóc như thế. Đây là một bản thuyết trình về tóc bạc hay nhất mà tôi được đọc. Chị viết hay như thế vì chị rất yêu ”một góc con người” của mình. Chúc chị luôn bình an !

Leave a comment