Tình yêu trong tiểu thuyết

Má tôi không được đi học vì ông ngoại tôi bảo rằng, “con gái biết chữ chỉ để đọc tiểu thuyết, viết thư cho trai, ái tình lãng mạn cho lắm chỉ tới chỗ chửa hoang.” Nhận được lá thư tình đầu tiên, má tôi hối lộ trẻ em hàng xóm đọc giùm. Những lá thư tình tiếp theo là động cơ thúc đẩy má tôi tự học. Bà mua cuốn vần, lén học lúc nấu cơm. Sợ bị bắt gặp bà thường dúi cuốn vần vào trong lò đốt cháy. Không biết bà đốt cháy bao nhiêu cuốn vần mà về sau bà có thể viết thành câu, chữ lớn như con gà đang bưới bếp, chữ nhỏ như cái trứng cút, gà chạy nhấp nhô không thẳng hàng. Khi làm giấy tờ cần phải ký tên, bà viết nguyên tên chứ không phải đánh chữ thập như nhiều người khác. Bà thích đọc nhưng đọc rất chậm vì còn mãi đánh vần. Tôi nghĩ bà có thể đọc được thư tình người ta gửi cho bà ngày xưa nhưng viết thư tình chắc là không nổi.

Vào thập niên hai mươi, ông ngoại tôi kết luận người đọc có thể học hỏi (hay học đòi) chuyện yêu đương trong tiểu thuyết. Thời đó đâu có ai dạy dỗ về tình yêu, trai gái còn không được phép cầm tay nhau thế mà ai cũng biết yêu, không đổ thừa cho văn học gây ra hậu quả tai hại (như chửa hoang) thì đổ thừa cho ai? Ngày nay, qua những cuộc nghiên cứu, người ta quan niệm đọc văn học có thể làm chúng ta khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn, và dễ cảm thông và biết yêu thương đồng loại hơn. Nhưng chúng ta có thể học được gì về tình yêu trong văn chương? Bạn có tự hỏi bằng cách nào bạn nhận ra sự hiện diện của cái gọi là tình yêu, bạn học về tình yêu ở đâu, ai dạy bạn yêu, làm thế nào để bạn nhận ra đó là tình yêu? Sau khi bạn trả lời những câu hỏi này tôi chắc rằng bạn cũng đồng ý với tôi, một phần nào đó, những hiểu biết chúng ta có được về tình yêu được rút ra từ truyện, thơ, nhạc, và phim. Âm nhạc và phim ảnh nếu không xuất phát từ văn chương thì cũng bị ảnh hưởng đậm đà bởi văn chương.

Trong bài tản mạn này tôi chỉ muốn trả lời một câu hỏi; Tôi tìm thấy gì về tình yêu qua những quyển sách tôi đã đọc?

Thập niên hai mươi, văn học Việt Nam có gì ghê gớm mà ông ngoại tôi sợ hãi đến độ không cho má tôi đi học. Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng dịch từ truyện Tàu? Truyện Kiều, Lục Vân Tiên ghê gớm lắm sao? Còn tôi, tôi bị má tôi “đầu độc” bằng thơ tình ngay từ thuở ấu thơ khi bốn năm tuổi tôi nghe bà hát ru cháu ngoại bằng những bài tình ca ngọt lịm. Đó là câu ca dao ở thể lục bát như Đưa tay mà ngắt ngọn ngò. Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ. Ở thể song thất lục bát như, Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ. Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu. Anh về học lấy chữ nhu. Chín trăng em đợi mười thu em chờ. Và phụ mẫu đánh anh quằn quại treo tại góc thành, đứt dây rớt xuống dạ không đành bỏ em. Còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ra đây. Khi tôi vào trung học thì người ta chẳng những không sợ là con gái đi học biết chữ sẽ viết thư tình cho trai, mà chúng tôi còn được cho học thơ tình, như Chinh phụ ngâm khúc. Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại. Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang. Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương. Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng. Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy hàng dâu. Hàng dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.  Rồi những mối tình hiền lành trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, sách của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi “bị bắt học” từ những năm đệ ngũ. Thói thường, những gì bị bắt học thì không nhớ hay chỉ nhớ loáng thoáng mập mờ, những mối tình tôi thật sự chú ý và nhớ rất dai là những mối tình trong những quyển sách dịch tôi đọc vào thập niên bảy mươi.

Có thể nói đây là giai đoạn tôi đọc sách nhưng chỉ chú ý đến chuyện tình. Hai chuyện tình để ấn tượng sâu đậm trong tôi ở trong hai quyển Cuốn Theo Chiều Gió[i] và Anna Karenina[ii]. Ở tuổi mười tám tôi đọc Cuốn Theo Chiều Gió và ngay lập tức tôi bị nhân vật Scarlett O’Hara hớp hồn. Scarlett, là mẫu phụ nữ Tây phương trái ngược với khuôn mẫu phụ nữ Á đông chung quanh tôi. Tôi lớn lên với quan niệm phụ nữ là đóa hoa chỉ có thể ở một chỗ mà tỏa hương, rủ bướm nhưng không được bay theo. Để thoát khỏi cảnh yêu thầm nhớ trộm nàng chủ động tỏ tình với Ashley Wilkes. Tình yêu là như vậy đó, nồng nàn, sôi nổi, bồng bột, hơi điên cuồng. Tôi khâm phục sự siêng năng, tính thực tế, dám nghĩ dám làm của Scarlett. Nếu Scarlett sinh ra vào thời này có lẽ nàng sẽ là Giám đốc điều hành của một công ty lớn nào đó. Tuy nhiên, Scarlett không biết yêu là gì. Nàng say mê Ashley chỉ vì Ashley dám từ chối nàng, anh chàng tóc bạch kim trí thức này trở nên một đối tượng nàng muốn chinh phục. Ba mươi năm sau đọc lại, tôi nhìn thấy sự nhẫn tâm của Scarlett khi nàng chiếm người chồng tương lai của cô em gái. Nhẫn tâm với rất nhiều người nhưng Scarlett yêu Ashley rất chân tình. Phải yêu lắm Scarlett mới vượt lên sự ghen tuông và nhường cả xưởng cưa để Ashley làm phương tiện sinh sống nuôi vợ con. Trong tôi, cái định nghĩa về tình yêu đã thay đổi. Không phải sự sôi nổi nồng nàn của Scarlett, mà cái quan hệ đầm ấm tương kính giữa vợ chồng Melanie-Ashley, là định nghĩa của tình yêu. Tôi vẫn tin Scarlett còn yêu Ashley vì vẫn chưa chinh phục được chàng.

Ban đầu khi đọc Anna Karenina tôi thích mối tình của Anna với Alexei Vronsky. Một tình yêu đầy đam mê, vượt luân lý, bất chấp dư luận, thiếu một người là mặt trời thôi mọc, chim thôi hót, mây ngừng bay, và những vì sao thôi lấp lánh. Tôi ghét Karenine, xấu trai và khô khan, vì ông đã nói dối với cậu bé con của hai người là mẹ cậu đã chết và ngăn cấm Anna không được gặp mặt con. Tôi ghét xã hội quí tộc Nga thời bấy giờ dung dưỡng tội lỗi của đàn ông nhưng khắc nghiệt với đàn bà. Nhìn lại tôi thấy Karenine là một người đáng thương. Khi biết vợ ngoại tình ông ta vẫn giữ thể diện cho vợ. Chỉ cần nàng trở về là ông bỏ qua tất cả. Cái đam mê cháy bỏng giữa Alexei và Anna không phải là tình yêu. Tình yêu được Tolstoy kín đáo diễn tả qua mối tình bền bĩ của Levine dành cho Kitty. Nếu ở Cuốn Theo Chiều Gió tôi yêu nhân vật phụ Melanie hơn nhân vật chính Scarlett thì ở Anna Karenina tôi yêu nhân vật phụ Levine hơn nhân vật chính Vronsky. Đọc lại, Anna là một người phụ nữ đẹp nhưng xa hoa phù phiếm mè nheo. Giá mà Anna đừng xiêu lòng, thì chắc Vronsky sẽ còn yêu nàng lâu dài hơn. Vronsky cũng như Scarlett, sau khi chinh phục được đối tượng là xong một cuộc tình.

Quan sát vài tác phẩm, cổ điển cũng như hiện đại, của tác giả nam cũng như nữ, tôi thấy nhà văn rất thực tế khi viết về tình yêu. Dù họ có biến hóa gán ghép bao nhiêu chi tiết lãng mạn vào truyện họ vẫn dàn xếp cho cốt truyện diễn tiến trên căn bản, chữ tình đi đôi với chữ tiền. Không có tiền thì không có tình yêu.

Lấy Kiêu Hãnh và Thành Kiến[iii] làm thí dụ. Nếu Mr. Darcy không có tiền để trả nợ cho gia đình của Elizabeth Bennet, chưa chắc cô gái thông minh và kiêu hãnh này đã tha thứ cho Darcy cái tội coi thường nhan sắc của nàng lúc ban đầu. Nếu Vronsky không là con nhà giàu thì cho dù có tán tỉnh dẻo đến đâu chưa chắc đã quyến rũ Anna ra khỏi tổ ấm của ông chồng khắc khổ Karenine. Độc giả hẳn vẫn còn nhớ là khi yêu Vronsky, Anna vẫn phải sống nhờ vào tiền của chồng, còn Vronsky tuy giàu có nhưng đó là nhờ sự chu cấp của bà mẹ. Nếu Anna không tự tử nàng sẽ làm gì để tự nuôi bản thân nàng cùng với hai đứa con, một với Karenine và một với Vronsky, khi một ngày nào đó Vronsky chán cái tính ghen bóng gió của nàng và nhan sắc của nàng không còn nữa? Nếu Heathcliff trong Đỉnh Gió Hú[iv] không bị gia đình Linton khinh rẻ vì nghèo và mất Catherine vào tay Edgar Linton thì chắc đã không biến tình yêu thành oán hận và làm cho cả hai gia đình Earnshaw và Linton tán gia bại sản. Còn Chàng Gatsby Cao Thượng[v], đây mới chính là một quyển tiểu thuyết mà giá trị của tiền là động cơ chủ yếu để đạt tình yêu. Daisy đã từ chối bỏ trốn với Gatsby để kết hôn với người chồng giàu có. Gatsby cố gắng đủ cách, kể cả bán rượu lậu, để trở thành một người giàu có với mục đích chiếm lại Daisy. Gatsby xem Daisy là biểu tượng của sự giàu sang mà chàng không thể vói tới trong quá khứ vì nghèo.  Còn Tình Yêu Trong Thời Dịch Tả[vi] thì khỏi nói Florentino chỉ chinh phục được Fermina khi ông trở nên ông chủ của một công ty tàu du lịch giàu có. Scarlett đã chẳng lấy Rhett Butler làm chồng nếu anh ta không giàu có nhờ buôn lậu trong lúc chiến tranh.

Đọc văn học là để tìm hiểu chính mình. Đọc tình yêu trong văn học là để giải thích những chọn lựa của chính mình và dùng những đau khổ hay hạnh phúc của các nhân vật trong truyện để rút kinh nghiệm cho mình. Tôi đọc truyện tình để thấy sự thay đổi trong tôi quan niệm về tình yêu. Lúc còn trẻ tôi thấy tình yêu là sự thu hút của Romeo và Juliet[vii], chui xuống gầm bàn run rẩy nắm tay nhau và trao đổi cái hôn. Về già tôi nhận ra Romeo lúc ấy đã mười tám còn Juliet chỉ mới mười ba, cái gọi là tình yêu đó có thể vi phạm pháp luật. Loài người đã tốn nhiều bút mực để định nghĩa tình yêu nhưng không thể đồng ý với nhau bởi vì mỗi người định nghĩa tình yêu mỗi khác. Nếu loài người không thể đồng ý với nhau về định nghĩa tình yêu, liệu người ta có thể đồng ý với nhau về định nghĩa của chung tình và ngoại tình? Gabriel Garcia Marquez đã nêu ra một lập luận về sự chung tình và ngoại tình khác với khái niệm chung tình mà tôi biết. Trong quyển Tình Yêu Thời Dịch Tả, Florentino và Fermina trao đổi thư tình khi còn bé. Lớn lên Fermina nhận ra Florentino nghèo và xấu trai, nàng nhận lời kết hôn với Urbino một bác sĩ giàu có và là nhà chuyên môn chữa trị bệnh dịch tả. Khi Urbino chết rồi, và lúc Florentino cố gắng chinh phục lại, Fermina khám phá chồng bà đã ngoại tình với một người đàn bà khác. Florentino suốt cuộc đời dành trọn trái tim cho Fermina. Nỗi đau vì mất người tình làm ông đau đớn và tìm quên bằng cách quan hệ tình dục với 622 người đàn bà khác. Florentina quan hệ tình dục với 622 người đàn bà nhưng vẫn được Marquez xem là chung tình với Fermina. Trong khi Urbino chỉ ngoại tình với một người đàn bà thì bị xem là ngoại tình. Trớ trêu không?

Dag Hammarskjöld, một tác giả danh tiếng người Thụy Điển, bảo rằng “Có lẽ mối tình lớn nhất là mối tình không được đáp lại.” Nếu đồng ý với ông, tôi sẽ nói mối tình của Humbert dành cho Lolita[viii] là tình yêu lớn.  Và mối tình của Hanna với Michael trong Người Đọc[ix] cũng là tình yêu lớn vì cả hai, người này yêu người kia, nhưng không được đáp lại, cùng một lúc. Rồi có một bài hát nói ngược lại, rằng: “The greatest thing, you’ll ever learn. Is to love and be loved in return.”[x] Nghĩa là bài học lớn nhất bạn sẽ học trong cuộc đời, là yêu và được yêu trở lại. Thật là chẳng ai có thể đồng ý với ai về tình yêu.

Nguyễn Thị Hải Hà

i. Gone With The Wind của Margaret Mitchell (1936)

ii. Anna Karenina của Leo Tolstoi (xuất bản từng phần từ 1873 đến1877).

iii. Pride and Prejudice của Jane Austen (1813).

iv.Wuthering Heights của Emily Bronté (1846).

v. The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald (1925).

vi. Love in the time of cholera của Gabriel Garcia Marquez (1985).

vii. Romeo and Juliet của William Shakespeare (1597).

viii. Lolita của Vladimir Nabokov (1958).

ix. The Reader của Bernhard Schlink (1997).

x. Nature Boy của Eden Ahbez, Nat King Cole hát.

21 thoughts on “Tình yêu trong tiểu thuyết”

  1. haha cảm ơn cô vì bài viết. Tình yêu là chủ đề kinh điển, chưa bao giờ cũ trong văn chương. Quan trọng là tác giả khai thác đề tài này như thế nào để nó thành “kinh điển” thôi. Cơ mà con còn thấy đàn ông hay gắn với hình ảnh ngoại tình (như là điều phổ biến) quan hệ với nhiều phụ nữ như một cách để khám phá bản chất và nội tâm con người. Ít khi thấy ngược lại.

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn cháu đã đọc. Có lẽ cũng có đàn bà quan hệ lung tung để tự khám phá nội tâm, nhưng không ai (dám) viết ra (dù người viết là đàn ông hay đàn bà) bởi lẽ họ sợ cơn giận dữ của xã hội. Đàn bà viết văn, chỉ khai thác ở khía cạnh ngoại tình và nhục cảm là đã bị lên tiếng và tẩy chay (như Kate Chopin thế kỷ 19).

      Liked by 1 person

      1. Thế kỷ 19 hãy còn quá sớm cho phụ nữ viết về khía cạnh đó (chắc bây giờ nhận thức cũng không thay đổi mấy). Với lại, thế kỷ trước đây, phụ nữ hoàn toàn chẳng đc khuyến khích theo nghiệp văn chương. Đây là điều rất đáng tiếc. Phu nhân Winchilsea từng thốt rằng:
        “Thơ tôi bị người chê, việc tôi làm bị người nghĩ
        Là trò đùa vớ vẩn, là sai lầm tự phụ.”
        (bản dịch của dịch giả Nguyễn Vân Hà)
        Còn nhà văn nữ người Nhật viết Thế giới thực, Natsuno Kirino, lúc mới ra, viết về phụ nữ là kẻ sát nhân, bị mọi người bảo là phụ nữ không thể viết văn như vậy.

        Liked by 1 person

        1. Cô không là người viết chuyên nghiệp, lúc nào cũng nghe trong đầu mình những lời phê phán, chủ đề mình viết toàn là vụn vặt, văn mình viết vụng về, vô công rỗi nghề, làm chuyện tào lao, ham danh, mất thì giờ, không có người đọc 🙂

          Liked by 2 people

  2. Trong 9 cuốn tiểu thuyết Hà liệt kê, cuốn “Gone With the Winds” để lại ấn tượng nhất, xem mãi khi lúc còn đi học, lúc lớn lên. Scarlett O’Hara đã thay đổi vị trí cổ truyền của một người đàn bà như thế nào.

    Nhưng truyện tình trong văn học Vietnam thời Tự Lực Văn Đoàn vẫn thích nhất. Hồi nhỏ Mai hay lén đọc tủ tiểu thuyết của chị Mai, khi nào chị đi học là mở tủ sách của chị lôi Loan và Dũng của Nhat Linh, Xóm Cầu Mới, lôi Khung Cửa Hẹp của Andre Gide ra đọc, chị về đến cổng là bỏ lại vào tủ. Những chuyện tình có và không, tuy xa mà gần nên đẹp, những hạnh phúc mơ hồ, khác với những hạnh phúc “trần thế” nông cạn trong tiểu thuyết của Tolstoi.

    “Bóng chiều sẫm dần dần; không khí mỗi lúc một trong hơn lên, trong như không có nữa, mong manh như sắp tan đi để biến thành bóng tối. Một mùi thơm nhẹ thoảng đưa, hương thơm của tóc Loan hay hương thơm của buổi chiều? Mắt Loan lặng nhìn Dũng, nàng nói:

    – Em nghe thấy tiếng sáo diều ở đâu.

    Dũng đặt tay vào rá đậu ván tìm mấy chiếc lá lẫn trong quả đậu.

    – Tôi thích trước cửa buồng có một giàn đậu ván vì hoa đậu ván đẹp.

    Loan đáp:

    – Hoa đậu ván màu tim tím…

    Nàng nói câu ấy, tiếng khẽ quá như sợ hãi điều gì. Một bàn tay Loan rời cạnh rá, đặt gần tay Dũng. Mấy ngón tay thong thả cời những quả đậu lên lại bỏ xuống. Dũng nghĩ nếu lúc này đặt tay mình lên tay Loan và nắm lấy, Loan sẽ yên lặng: Loan, cũng như chàng, chắc sẽ phải cho thế là một sự tự nhiên. Một giây phút đợi chờ.”

    (Đôi Bạn – Nhất Linh)

    Liked by 1 person

    1. Ngày xưa, cầm tay nhau cũng là một hành động thiêng liêng. Mình cũng đọc Tự Lực Văn Đoàn khá nhiều, nhưng có lẽ lúc ấy đầu óc non nớt quá, không nhớ được những cảm xúc của mình khi đọc. Mình đọc Khái Hưng nhiều hơn Nhất Linh vì phải thuyết trình trong lớp về truyện của Khái Hưng, trong đó có Hồn Bướm Mơ Tiên. Mình đọc Gone With The Wind tiếng Việt trước rồi sau đó là tiếng Anh, Wuthering Heights cũng vậy. Thích quyển sau hơn, có lẽ vì đem tình yêu đặt song song với thù hận làm nổi bật cả hai khía cạnh nên đánh mạnh vào tâm lý hơn. Cũng có lẽ mình bị lôi cuốn vào khía cạnh tăm tối của tâm hồn con người. Nhớ Steinbeck có bảo rằng, hễ còn nhân vật ác là còn có truyện hay.

      Like

  3. Viết thì cứ viết thôi cô. Một người đọc cũng mừng. Không có cũng k sao. Kafka đâu có muốn ai ngoài bạn thân đọc văn của ổng đâu, đã vậy còn muốn đốt sạch. Cũng may…

    Liked by 1 person

  4. Hồi đi học cháu ghét học văn lắm (chắc tại hồi nhỏ đọc chưa hiểu).
    Bây giờ cháu lại thích đọc tiểu thuyết, và đặc biệt ấn tượng với tình yêu trong các tiểu thuyết kinh dị, vì nó mạnh mẽ hơn nhiều, như truyện Dracula của Bram Stoker chẳng hạn.

    Liked by 1 person

  5. Cô Tám viết hay quá chừng, làm cháu muốn đọc lại mấy cuốn cô viết ở trên. Cháu nhớ hồi còn học phổ thông, cháu k thích môn văn mấy, nhưng cháu có thích đọc truyện. Thư viện xã có nhiêu truyện, tạp chí là cháu mượn đọc hết…giờ cháu cũng đọc nhiều, nhưng tốc độ k bằng lúc trước nữa 🙂

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn cháu. Lời khen đơn giản của cháu làm cô thấy vui. Mỗi thời mỗi khác cháu ơi. Chưa chắc cháu thấy những quyển cô đọc là hay. Thậm chí ngay cả cô bây giờ đọc lại các quyển sách ấy sẽ không còn thấy hay như hồi xưa nữa.

      Like

  6. Hồi bé cháu đọc sách sớm. Quyển Đồi gió hú và Con hủi cháu đọc khi chưa vào cấp hai. Lúc ấy cảm thấy tình yêu là một chuyện rất dằn vặt đau khổ. Một vài năm sau có đọc Kitchen của Banana Yoshimoto. Ấn tượng nhất chắc là đoạn Mikage đi cả quãng đường xa, sau đó trèo tường vào khách sạn Yuichi đang ở chỉ vì muốn chia sẻ với cậu ấy một món ăn ngon. Lúc ấy đã nghĩ tình cảm của người trẻ tuổi chính là như thế này, chân thành, ngốc nghếch, có chút bốc đồng lại rất giản đơn.

    Nhưng mà với cháu viết về tình yêu hay nhất phải nhắc đến Milan Kundera. Cuốn The Unbearable Lightness of Being lần đầu tiên cháu đọc đã bỏ dở vì không hợp. Sau này tự mình yêu rồi đọc lại mới thấy tác giả nắm bắt tâm lí của những người đang yêu quá tài tình. Phải thán phục ông tác giả nam nhưng hiểu rõ được tâm tình phụ nữ.

    Liked by 1 person

    1. Cô cũng không chịu được cái tục của Milan Kundera. Đọc thì đã đọc, nhưng quyển này không để lại ấn tượng sâu đậm trong cô. Có lẽ lúc đọc cô mệt mỏi hoặc thờ ơ, hoặc là đã quá già đầu óc chất chứa nhiều thứ quá nên không còn ghi nhận cái mới.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s