Xem của công như của mình

Người Mỹ, xem chừng khá thành công trong việc phổ cập hóa quan niệm xem của công như của mình (nhưng không phải như bạn nghĩ đâu nhé). Họ biết rằng, khi người dân yêu mến tài sản công cộng như của chính họ, họ sẽ quan tâm và bảo vệ tài sản này.

Hồi còn trẻ, tôi làm dưới quyền một ông sếp hắc ám, coi nhân viên như lính trong quân đội, còn ổng thì như Đại Tướng. Ổng luôn luôn bảo chúng tôi, hãy xem cái đồ án của công ty, sửa cái cầu cho xe lửa chạy ngang, như sửa căn nhà của mình. Cẩn thận để đừng lãng phí, kéo dài mất thì giờ, xáo trộn cuộc sống. Và dĩ nhiên nếu mấy cái công ty làm thuê mà không làm đúng thì phải bắt họ chịu trách nhiệm.

Nhiều đoàn Hướng Đạo Sinh đã đứng ra nhận “nuôi” (adopt) một đoạn đường cao tốc rất dài, hay một khu phố rộng lớn. Giữ cho đoạn đường hay khu phố ấy sạch sẽ như nuôi một đứa con. Có nhiều tiểu ban trong công ty tôi làm việc nhận chăm sóc nhà ga xe lửa, trồng hoa, nhổ cỏ, như làm đẹp cho căn nhà của họ.

Đường rừng tôi đi là một vòng tròn khá lớn. Tổng cộng chiều dài đường đi chừng 20 km (13 miles). Tôi đi hằng tuần khoảng 2 lần, mỗi lần chỉ chừng 12.6 km (8 miles). Thỉnh thoảng tôi gặp đôi ba người tình nguyện đi cưa cây đổ chắn ngang đường. Có cây khá to, người thấp bé như tôi leo qua thân cây đổ cũng khó khăn. Nói chuyện, họ cho biết, họ chia nhau, mỗi người nhận chăm sóc một đoạn đường rừng. Nếu mưa nhiều đọng nước tạo thành những bãi bùn lầy lội thì họ đi khai mương. Có lần tôi kể là có người đi cắt và bôi thuốc triệt loại cây Japanes azaleas, để loại cây mọc dại này không đàn áp và giết chết loại cây bản xứ. Họ là những người xem của công như của mình.

Không phải xem của công như của mình lúc nào cũng đúng, và cũng tốt. Nhiều khi họ yêu của công nhiều quá rồi đâm ra xử sự cực đoan.

Có lần, tôi và ông Tám đang đi giữa rừng hoang vu, nghe có tiếng chân chạy phía sau lưng. Chúng tôi dạt ra một bên tránh đường. Người chạy là một người đàn ông da trắng, cao, mảnh khảnh, mặt mũi sáng láng. Anh ta chạy qua mặt xong quay lại hỏi chuyện và rút trong áo khoác ra một tờ truyền đơn, nội dung cấm người ta dùng xe (bất cứ loại xe nào, xe đạp, xe gắn máy, hay xe bánh to để đi trong rừng núi). Ngay ở cửa vào rừng, tôi cũng đã thấy bảng đề cấm xe, và cấm chó không đeo xích. Anh ta khuyến khích chúng tôi lên trên mạng để giúp nhóm của anh chống lại những người đi xe vào rừng.

Một lần khác, tôi gặp một ông khoảng sáu mươi, cao lớn, khá đẫy đà, đang dẫn chó đi dạo. Thấy chúng tôi, ông níu lấy để trò chuyện như thể ông ít khi gặp người để chuyện trò. Qua câu chuyện, ông cho biết chỗ tôi đang đi là khúc đường do ông trông nom, bảo vệ. Ông dùng mấy khúc cây to để chắn ngang những đoạn đường rừng nhỏ hẹp mà những người đạp xe leo núi thích đi. Ông bảo những đoạn đường ấy, dẫn đến nơi trú ẩn của các loại thú hoang, nếu người ta đi xe đạp đến đó sẽ làm thú hoang hoảng sợ. Những người đi xe đạp leo núi cứ dẹp bỏ những chướng ngại vật của ông dàn ra. Không phải một lần mà nhiều lần.

Một đôi khi tôi gặp người đi xe đạp trên đường mòn trong rừng. Họ cũng cẩn thận để không đụng phải người đi bộ. Những người đi xe đạp cũng cố gắng xin phép được dành riêng ra những con đường nhỏ ít người đi trong rừng để họ có thể dùng xe đạp leo núi, nhưng không thành công.

Tôi nghĩ rừng mênh mông, dù quí trọng của công nhưng không thể quá mức, xử sự như đó hoàn toàn là của riêng. Tại sao người này có thể dùng để đi bộ mà người kia không thể dùng để đi xe đạp. Người có công chăm sóc thì đáng khen, nhưng sao lại tự cho mình cái quyền ngăn cản người khác không được quyền sử dụng theo ý họ.

Chắc bạn đọc ở Hoa Kỳ chưa quên, vụ một anh dân tuần ở Florida, vì nghi ngờ một cậu bé da đen vào phố anh ta đang canh gác để ăn trộm đã bắn chết cậu bé da đen. Người ta có cảnh báo trước là anh dân tuần chỉ nên quan sát và báo cáo, tuyệt đối không nên tiếp xúc hoặc va chạm. Anh dân tuần vì yêu nhiệm vụ bảo vệ con phố anh đang nuôi mà theo dõi và tấn công cậu bé da đen bằng súng.

Dĩ nhiên tôi không so sánh chuyện này với chuyện lấy của công như gỗ rừng về xây nhà riêng, và lấy đất của dân để xây nhà hát.

7 thoughts on “Xem của công như của mình”

  1. Nền văn minh của cả một dân tộc nằm trong sự tự trọng, quí của công cũng như của riêng của mình, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ để còn cùng tồn tại.

    Hà đã bàn đến một vấn đề rất hay.

  2. Hôm nay em mới có thời gian thảnh thơi để ngồi đọc một số bài chị viết. Em thấy chị viết sâu sắt hay quá.

    Bây giờ có con nhỏ hay vào lớp tụi nó là phụ tá cho cô giáo em thấy những buổi học về ý thức cộng động rất hay như chị nói vậy đó. Dạy tụi nhỏ yêu mến thiên nhiên và phải có ý thức bảo vệ. Em cũng dắt tụi nó đi hịing thường xuyên cho nó yêu thích cái vụ đi bộ ngắm thiên nhiên vầy. Làm vậy nó mới có thêm kinh nghiệm cá nhân để tiếp tục giữ gìn ý thức đó.

    Em chúc chị cứ mạnh khoẻ mãi để tâm hồn cứ văn thơ mãi há chị!

    1. Cám ơn Trang. Hai chú nhóc lúc này cao quá, càng đẹp trai hơn. Ngó bộ Trang sắp tốn tiền cho các cháu đeo braces rồi đó.

  3. đúng là cái gì quá cũng ko tốt, cô nhỉ. Đọc bài cháu lại nghĩ tới mấy phần tử Hồi giáo cực đoạn trên TV hay đưa.

Leave a comment