
Đây là chàng mèo út. Hồi mới sinh ra Út nhỏ nhất, chậm chạp nhất. Trong khi các anh ăn thức ăn mèo ào ào, chạy nhảy rượt đuổi thì Út nhút nhát trốn đâu đó, ra ăn sau cùng, và không ăn, chỉ đeo theo mẹ đòi bú. Bây giờ thì vẫn nhỏ hơn mèo anh một chút, nhưng đã to lớn hơn mèo mẹ, Củ Gừng. Bây giờ nhiều khi Củ Gừng và mèo anh đi đâu mất, bỏ Út ở lại một mình. Sáng nào khi tôi thức dậy, trời tối om và lạnh -4° C. cũng thấy Út chờ sẵn ở ngoài cửa. Chỉ cần nghe tiếng chân hoặc thấy mở đèn là Út ngó vào cửa kiếm tôi. Thấy tôi là Út nằm lăn ra trên đất, ưỡn bụng như tỏ ý đầu hàng, khuất phục. Út để tôi ôm vào lòng, ẵm trên tay. Chỉ thân thiện với tôi thôi. Thấy người khác là bỏ chạy thật xa, dừng lại thủ thế, để chạy tiếp.
Hôm qua, trời lạnh nhưng có nắng nguyên ngày. Buổi chiều cho Út và mèo anh ăn xong (không thấy Mr. Mun và mèo mẹ), hai anh em leo lên thân cây mục trong rừng, phía sau nhà, ngồi im lặng rất lâu, chẳng biết rình gì ngoài bầy nai năm sáu con (chiều nào sáng nào đàn nai cũng đi ngang sân sau nhà tôi).
Tôi luôn luôn cảm thấy lòng mình rung động (một chút trắc ẩn), mỗi khi nhìn đàn mèo hoang. Chúng chắc chắn là không hề đòi được sinh ra đời. Chúng cũng không thể kiểm soát hay tự chủ được sự sinh tồn trong môi trường chúng được sinh ra.
Tình cờ tôi mượn được cuốn phim Nhật, “The Third Murder” của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Một trong những bài học quan trọng tôi rút ra được trong quá trình sáng tác là không coi thường bất cứ khuynh hướng văn chương nào. Người Mỹ họ chia ra thành nhiều thể loại (genre), romance (tình cảm lãng mạn), thriller (trinh thám), suspense (kinh dị) , v. v. … . Mỗi thể loại có độc giả riêng của họ. Có nhiều quyển sách hay cuồn phim, khi được hay bị xếp vào một thể loại nào đó có thể làm người đọc có thành kiến về quyển sách trước khi đọc. Giới phê bình nghiêm túc thường hay gạt ra ngoài truyện tình cảm lãng mạn, hay trinh thám, cho rằng loại truyện này thiếu tính cách nghệ thuật văn chương. Mỗi loại có cái khó riêng của nó. Thể loại nào cũng đòi hỏi sự làm việc hết sức của người viết. Không thật sự viết văn, dễ xem thường tác phẩm của người viết, rằng nó thuộc loại này thuộc loại kia không phải là tác phẩm văn chương.
Tomoaki Shigemori là trưởng nhóm luật sư, điều tra một vụ giết người mà Misumi là thủ phạm. Misumi đã nhận hết tội một cách dễ dàng; tuy nhiên, khi phỏng vấn ông ta, Shigemori nhận ra nhiều chi tiết không ăn khớp và đâm ra nghi ngờ ông ta không phải là thủ phạm. Dường như ông ta nhận tội để che chở cho một người nào đó. Cái tựa đề “The Third Murder” làm người xem thoạt tiên nghĩ rằng có ba vụ giết người. Thật ra chỉ có một vụ án giết người, nhưng qua cuộc điều tra Shigemori nhìn ra ba góc cạnh và ba lần kết luận ai là kẻ giết người trong vụ án.
Cuốn phim hay đến độ tôi dán mắt, há hốc mồm, nín thở để xem. Lâu lâu nhận ra là mình đang há hốc và nín thở nên tự sửa lại. Tôi có khuynh hướng thích các loại thriller (chỉ không thích phim có cảnh giết người tàn bạo và đầy máu me). Có một thời say mê “Murder, She Wrote.” Vẫn còn rất mê phim Hitchcock và truyện của Patricia Highsmith.
Phim có góc độ quay rất sáng tạo (với tôi). Khi Shigemori và Misumi đối đầu với nhau, kẻ cố khai thác để tìm ra thủ phạm, kẻ cố dấu loanh quanh để nhận mình là thủ phạm, Kore-eda cho mặt một người xuất hiện trên màn ảnh, còn mặt người kia là ảnh mờ xuất hiện trên cửa kính trong (hai người nói chuyện với nhau qua tấm kính dày ngăn giữa người tù và luật sư). Cách quay này cho người xem thấy được sự diễn xuất của hai diễn viên cùng một lúc, như thể mình nhìn thấy sự suy nghĩ của hai người với hai quan điểm ngược chiều với nhau.
Shigemori có một người phụ tá tôi quên tên. Trong một bữa ăn, Shigemori và người phụ tá nói chuyện đời và chuyện Misumi. Người phụ tá nhận xét. “Người ta không có ai đòi được sinh ra đời. Không chọn được gia đình hay nơi chốn mình sinh ra. Và từ đó, không phải ai cũng có khả năng vượt ra được cái môi trường họ đang sống.” Nhận xét này làm Shigemori giật mình. Vì Misumi cũng có ý nghĩ này và đã nói với Shigemori. Giật mình, vì Misumi từng nói riêng với Shigemori, nếu ông bắt tay Shigemori, ông sẽ biết được ý nghĩ của Shigemori.
Misumi có một cô bạn nhỏ, một chân có tật. Cô bé này là con của người mà Misumi (nhận tội là) đã giết. Misumi bảo rằng ông ta không xứng đáng làm con người. Ông chỉ làm khổ người chung quanh. Ông cũng như cô bạn nhỏ với một chân có tật, không đòi được sinh ra, không chọn được cha mẹ, không có cách để thoát khỏi môi trường họ đang sống.
Tôi nhìn mấy con mèo hoang lại nghĩ đến cuốn phim. Xem cuốn phim lại nghĩ đến mấy con mèo hoang, nghĩ đến tôi, và các con tôi. Tất cả đều được sinh ra mà không hề có được quyền lựa chọn.
You must be logged in to post a comment.