Học làm thơ với Thanh Tâm Tuyền

Bài đăng trên Gió O giờ mang về đăng lại ở đây.  Nguyễn Thị Hải Hà học làm thơ với Thanh Tâm Tuyền.

Mija Yang, nhân vật chính của phim Poetry[1], khi biết mình bắt đầu bị bệnh Alzheimer, quyết tâm học làm thơ.  Cũng như bà, tôi thường tự hỏi người ta làm thơ như thế nào, bắt đầu từ đâu, làm sao tìm ra ý tưởng để viết thành một bài thơ.

Mija Yang gia nhập câu lạc bộ thơ, nghe đọc thơ, và chọn thầy để học làm thơ.  Thầy của Mija dạy, để bắt đầu học làm thơ, phải tập quan sát.  Khi quan sát kỹ ta có thể nảy sinh ra tình cảm, ý tưởng, tìm thấy cái đẹp trong cuộc sống chung quanh mình mà viết thành thơ.  Cái đẹp, nhấn mạnh, không phải những thứ có vẻ đẹp bên ngoài. Cái này thì khó nha. Khó ở chỗ cái đẹp là tùy theo con mắt mỗi người.

Tôi cũng phải chọn thầy.  Bạn sẽ hỏi tại sao lại chọn Thanh Tâm Tuyền mà không là một người nào khác.

Tôi lớn lên với thơ cũ, Thanh Tâm Tuyền gọi là “thơ hôm qua.”  Tập thơ đầu tiên tôi mua là Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư.  Thời lớn lên tôi thích thơ Nguyễn Tất Nhiên chắc là nhờ nghe nhạc Phạm Duy.  Ở Trung học tôi thích Chinh Phụ Ngâm Khúc. Năm đầu Văn Khoa tôi được học tiếng Hán Việt và thơ Đường.  Tôi phải lòng với thơ Đường và sau đó là thơ của nhiều thi sĩ khác.  Tóm lại, tôi quen với loại thơ có vần điệu du dương, hình ảnh đẹp của thiên nhiên, và những mối tình học trò lãng mạn gói ghém trong những bài thơ này.  Dĩ nhiên tôi có biết tiếng tăm của Thanh Tâm Tuyền qua những bài hát như Lệ Đá Xanh của Cung Tiến, và mấy câu chót trong bài Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đinh Chương.  Thú thật, tôi không thể khẳng định là tôi thích, hay không thích, thơ của Thanh Tâm Tuyền.  Nghe là lạ, hay hay, nhưng tôi không hiểu, hoặc là không hiểu hết ý, ông muốn nói gì.  Lần đầu tiên nghe bản nhạc Lệ Đá, tôi tự hỏi Lệ Đá Xanh là gì. Lệ của tảng đá xanh, hay giọt lệ như viên đá xanh.  Đá xanh thì ai cũng biết rồi, người ta nghiền ra để làm xi măng.  Tại sao thơ của ông lại ví von giọt lệ với đá xanh? Bây giờ thì tôi đã biết, nguyên câu thơ của ông là “lệ là những viên đá xanh.”  Tôi có thể tưởng tượng được, những giọt lệ đó có góc cạnh, nhám nhúa, cứng rắn, nặng nề, và có thể cắt cứa làm đau đớn.  Nói “khóc ra máu” thì hình ảnh đã quen thuộc lắm rồi.  Bảo rằng khóc ra những viên đá thì có vẻ không thật nhưng diễn tả được hình ảnh của sự đau đớn trong tâm hồn, một cách mới hơn, lạ hơn, bắt người đọc, hay nghe đọc phải chú ý và suy nghĩ hơn.  Thanh Tâm Tuyền không chỉ có Lệ Đá Xanh, ông còn có tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ, buồn chết như buồn nôn, ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em, những câu thơ đọng lại trong tâm hồn người đọc.  Tôi chọn Thanh Tâm Tuyền để học làm thơ, một phần vì ông đã qua đời, không thể từ chối một học trò không đủ sức thẩm thấu nghệ thuật;  Nhưng trên hết, vì ông là một trong những nhà thơ hiếm hoi chẳng những có thể làm thơ, mà còn có thể, và đã nhiều lần phát biểu, quan điểm của ông về nghệ thuật làm thơ.

Quan niệm về nghệ thuật làm thơ của Thanh Tâm Tuyền.

Trong buổi thảo luận “Nói Chuyện Về Thơ Bây Giờ” Thanh Tâm Tuyền bảo rằng: “Ta không cần phải định nghĩa thơ.  Thơ là cái gì người thơ làm ra và người đọc thơ nhận được.  Còn không nhận được thì có bao nhiêu định nghĩa cũng là thừa.”[2]

Tuy nói thế, nhưng ông gián tiếp định nghĩa thơ trong “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay”: “Mọi người đều biết cái sự thực đơn giản này: người ta có thể viết những bài có vần có điệu nhưng người ta không hề biết làm thơ.”[3] Xem chừng có tôi ở trong cái nhóm “người ta” này.  Theo ông nếu quả thật là thơ, cho dù có không vần không điệu, thơ viết như văn xuôi cũng phải đạt được sự mầu nhiệm của ngôn ngữ; không chỉ có chuyên chở ý tưởng mà còn phải để lại trong tâm hồn vang vọng một sự ám ảnh.[4]

Trong bài “Tiếng Nói Một Người” phê bình thơ của Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền viết: “Trước hết thơ là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại.  Các nhà thơ cổ điển đã làm công việc này.  Bọn lãng mạn lầm tinh khiết hóa thực tại với ruồng bỏ thực tại, dùng nước mắt, tiếng rên la, sự xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại, rồi trốn chạy vào ảo tưởng.  Thơ ngày nay cũng là một nỗ lực tinh khiết hóa thực tại từ khởi điểm làm hiện hình nó, cái hình dáng thô sơ đã bị bọn lãng mạn mài nhẵn bằng nước mắt nước mũi.”[5]

A, xem chừng ông khá nặng lời với thơ thuộc trường phái lãng mạn.  Dù tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông, tôi có thể rút ra một điều, người ta không thể và không nên bê hết thực tại vào thơ, phải có chuyển tiếp và thăng hoa, hay nói như ông “tinh khiết hóa.”

Cũng trong “Tiếng Nói Một Người” ông tiếp tục định nghĩa thơ:

“Và thơ là gì?  Nếu không phải là sự khám phá mầu nhiệm bằng ngôn ngữ một thế giới vẫn trốn mặt ở quanh.  Sự phơi mở ở thơ cho anh cảm giác tràn đầy hạnh phúc, tâm hồn đã nhập được một phần của sự sống bí ẩn còn thiếu sót. Những phút xâu [sic] dài như một đời.”[6]

Trở lại với Mija Yang và cuốn phim “Poetry,” những người làm thơ trong phim này là những người vô danh.  Người xem có thể nhận ra ngay mỗi người làm thơ đều có khái niệm của cá nhân thơ là gì, như thế nào thì là thơ, làm sao để viết nên một bài thơ.  Có một nhân vật trong phim làm thơ kể những chuyện hằng ngày, thậm chí tục tĩu; đến độ Mija Yang phải than phiền đó là kẻ làm nhục thơ.  (Đó là vì họ chưa tinh khiết hóa).  Một điểm tôi ghi nhận được trong buổi học đầu tiên của Mija Yang, đó là quan sát.  Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng khuyên là nên quan sát.  Không chỉ quan sát hình ảnh bên ngoài mà còn quan sát ý thức và nội tâm.  Ông đưa ra thí dụ bằng cách đọc thơ Quách Thoại trong bài “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay”:

“Từ cái nhịp điệu của hình ảnh, rồi bằng vào kinh nghiệm riêng khi làm thơ cũng như khi đọc thơ, dần dần tôi tìm đến được thứ nhịp điệu của ý tưởng, cả hai thứ nhịp điệu trên chỉ là sự thể hiện của nhịp điệu ý thức, hơn bao giờ hết người ta sẽ thấy các nhà thơ hôm nay là những ý thức muốn biểu diễn bằng thi ca.”

Tôi tạm ngưng việc đi tìm lý thuyết làm thơ của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền để đi tìm cách ông áp dụng những lý thuyết này vào các bài thơ của ông.  Quan sát nhịp điệu ý tưởng xem chừng khá khó khăn với một người ngoại đạo còn đang ở ngưỡng cửa nhập môn, bước đầu tiên tôi chỉ xin đi tìm nhịp điệu của hình ảnh trong thơ Thanh Tâm Tuyền.  Có nghĩa là, như một người chụp ảnh, quan sát và ghi nhận lại qua tác phẩm của một nhiếp ảnh gia thành danh;  Tôi quan sát cách một nhà thơ quan sát trong tác phẩm của nhà thơ.

Nhịp điệu hình ảnh trong thơ Thanh Tâm Tuyền.
Tôi tưởng tượng một đêm nào đó ở Sài Gòn, ông đi vào hộp đêm nghe trình diễn Jazz.

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng

Đó là nhịp điệu của hình ảnh. Và từ đó ông đưa chúng ta qua nhịp điệu của ý tưởng và tình cảm.

Những giòng nước mắt
Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tủy của hờn bắt đầu ngày tháng.

Ông trở lại nhịp điệu của hình ảnh, lần này trừu tượng hơn:

Ném mình ném đám đông vào trần truồng tủi cực hơn xác thịt.
[…]
vì blues không xanh vì điệu blues đen
Trên mầu da nức nở.

Nhịp điệu hình ảnh của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền còn là nhịp điệu của âm nhạc. Bài thơ làm tôi có cảm tưởng tiếng nhạc đã thấm vào hồn ông và toát ra bằng da thịt ông, chúng ta đọc bài thơ mà cũng là cảm nhận cái cảm giác âm nhạc thấm vào từng tế bào trong da thịt ông làm ông đau đớn. Đọc bài thơ Đen tôi không khỏi liên tưởng đến những bài Blues tuyệt vời của Langston Hughes.

Tôi quan sát nhịp điệu hình ảnh trong một vài bài thơ khác của Thanh Tâm Tuyền.

Gọi em dậy ngày quen lạ sảng
Rã rượi mai hơi hướng đêm thu
Rừng mắc cở mắt nghiêng tóc lả tả
Mai tinh mơ chết lửng tay hờn
Trở về Trở về trả lốt tịch dương.[7]

Có người gọi ông là ông Hoàng thơ. Ông cũng có lần tự xưng mình là Hoàng đế của một cõi thơ đầy tự do, và ở đó người ta có quyền tự do ném thơ ông ra cửa sổ. Có nghĩa là Hoàng đế thì cũng bình đẳng như bao nhiêu người khác.

Quan sát nhịp điệu hình ảnh trong “Thơ Ở Đâu Xa” của Thanh Tâm Tuyền tôi nhận ra một sự khác lạ rất đặc biệt. Những tập thơ xuất hiện trước năm 1975 độc giả có thể dễ dàng nhận ra sự chán nản khắc khoải buồn chết như buồn nôn của nhà thơ lúc còn trẻ và cuộc sống khá an lành ổn định. Thơ Ở Đâu Xa là những bài thơ được ông viết ra lúc ông bị giam trong trại tập trung đa số là được ghi bằng trí nhớ. Ông có nhiều bài thơ nói về cuộc sống vất vả của người tù. Tuy nhiên toàn quyển thơ tôi không khỏi không chú ý đến một nhịp điệu ý thức khoan hòa và trầm tĩnh. Theo dõi nhịp điệu hình ảnh trong thơ ông, tôi ghi nhận:

Ngửng trông núi khuất mờ sương
Mưa bay tất tưởi, mưa rong tần ngần

Ngày đến Long Giao (1975-1976)

và:

Nếu những ngày trước tháng 4 năm 1975, hình ảnh của những vì sao là:

ngoài đời chỉ có trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối

(Lệ Đá Xanh)

thì những năm 1976-1977 ở Yên Bái ông viết,

trận bão thổi tắt đám sao sáng mùa hè

từ nhịp điệu hình ảnh ông đưa chúng ta đến nhịp điệu tư tưởng

Cuốn thốc tán loạn ký ức mỏi mê
Cuồng giông đêm đêm lay ngục mộng

(Bão, Tặng N. X. T.)

Ở những bài thơ này, người đọc vẫn còn nhận ra dấu ấn của Thanh Tâm Tuyền qua cách dùng chữ đặt vần rất đậm nét. Bên cạnh những bài thơ tả cảnh sống vất vả của người đi tù và loáng thoáng nỗi buồn của người bị lưu đầy bạn đọc sẽ ngạc nhiên vì có những nhịp điệu hình ảnh đưa đến nhịp điệu ý thức hầu như trái ngược với sự dự đoán của độc giả. Thí dụ như bài:

Xuân

tặng B. G.

Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc
Cỏ cây rủ quyến gió bông lông
Trời xanh trong vắt giếng nước ngọc
Đất hiền thở hương nắng thênh thang.

Hình ảnh “trời xanh trong vắt” được ví von với (hay đó là hình ảnh trời xanh phản chiếu trong) giếng nước ngọc và những tĩnh từ bông lông đi với gió, hiền đi với đất, thênh thang đi với hương nắng, đưa ra một nhịp điệu ý thức vui tươi của một người đang hưởng thụ cái đẹp của thiên nhiên.

Đi hái chè thì thấy mưa rối mắt đong đưa búp lá nõn. Buổi trưa trên đồi cọ thì:

Gió sang mùa reo lộng đồi cọ
Rào rạt mướt xanh ngỡ mưa lay
Nhìn nắng lóa trắng ngoài tàn lá
Cơn sốt tình rực rỡ đắm say.

Bạn đọc có nghe hơi hướm thơ Hàn Mặc Tử trong bài “Hái Chè Dưới Trời Mưa Tháng 7” này không?

Bài thơ “Trong Tù,” của ông lại đầy hình ảnh của thơ Đường như trăng lạnh, mái ngoài, và gió hú (chỉ thiếu tiếng kêu của vượn là đúng hình ảnh các nhà thơ Đường bị đi đày. Bài thơ Sinh Nhật Trong Tù lại phảng phất không khí Thiền Giáo Nhật Bản.

Trong Tù

Trăng lạnh soi mái ngoài
Lênh đênh đâu chẳng thấy
gió hú rợn núi đồi
Đêm sâu nín khắc khoải

Chủ Nhật Trời Mưa

Chờ cơm ôm bụng lép đo giường
Muốn sang chơi bạn sợ người trông
Đổ trận mưa giông trời tối sập
Buông sách ngồi lên ngó trống không

Sinh Nhật Trong Tù

Vợ con không ở gần
Bạn bè xa tất cả
Cùng đôi bạn tù thân
Uống trà ăn “bánh đá”
Trời có mấy độ xuân
Đất bao nhiêu miền lạ
Chưa ngấy tiệc trần gian
Hồn rung xanh búp lá

Có lẽ cái khung cảnh rừng rú và bánh đá làm tôi nghĩ đến tinh thần wabi-sabi của người Nhật. Và bài Chủ Nhật Trời Mưa làm tôi nghĩ ngay đến nhà thơ Basho, trên đường hành hương, đã có lần cùng với đệ tử nhịn đói ngủ ở chuồng ngựa, còn tệ hơn hoàn cảnh của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Basho bị ngựa đái lên đầu, và vẫn làm thơ với giọng điệu hóm hỉnh như Thanh Tâm Tuyền của chúng ta.

So sánh Thơ Ở Đâu Xa với một vài tác phẩm quen thuộc với tôi như thơ Đường và thơ của Basho, tôi không nói là thơ của ông ảnh hưởng ở thơ Đường hay thơ Nhật. Cảnh tù tội, cuộc sống rừng rú, vác cây ngã trên đồi, tất cả hình ảnh ông quan sát và thể hiện bằng cách dùng chữ, đặt câu, gieo vần rất độc đáo của riêng ông. Tuy nhiên cái tinh thần dung dị chịu đựng cuộc sống vất vả lại hiện ra một phong cách rất đặc biệt, như Thiền vậy.

Âm nhạc trong thơ Thanh Tâm Tuyền

Không, tôi không muốn bàn về nhạc điệu trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Ông đã nói về nhạc điệu thơ trong “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay” rằng thơ tự do vẫn cần phải có nhạc điệu, nhưng nhạc điệu của thơ tự do khó nhận ra hơn. Tôi muốn tìm hiểu ông nhắn gửi gì với người đọc qua một bài hát. Nhà thơ của chúng ta là người yêu âm nhạc ngoại quốc, ngoài Jazz ông còn thích nghe nhạc cổ điển Tây phương. Trong một bài thơ dài viết cho cô con gái tên Th. ông dặn là để đọc bài thơ này cô Th. cần nghe lại đoạn Presto trong bài concerto Hạ Khúc (Summer) một trong Bốn Mùa (Four Seasons) của Antonio Vivaldi. Bốn Mùa của Vivaldi là một bản nhạc nổi tiếng đến độ những người không sành nhạc cổ điển vẫn có thể nhận ra. Hạ khúc ít nổi tiếng hơn ba concerto kia. Vivaldi khi viết Bốn Mùa, ông có kèm bốn bài thơ sonnet để hướng dẫn nhạc sĩ thể hiện cho đúng tinh thần của bốn concerto này. Với Hạ Khúc, bài sonnet của ông có tựa đề “languor caused by the heat” có nghĩa là cái chậm chạp trì trệ vì trời nóng. Một concerto có ba movement (tạm dịch là đoản khúc), nhanh, chậm, và nhanh. Presto, đoản khúc thứ ba, có nghĩa là rất nhanh. Bài thơ đi kèm bài Hạ Khúc diễn tả cảnh mùa hè, đồng khô cháy, thú vật uể oải, có tiếng tự tình của chim bồ câu (turtledove) và chim hoàng yến (finch), gió phe phẩy, trời nặng trĩu báo hiệu với cơn bão lớn sắp đến. Rồi gió từ hướng Bắc càn quét cùng với cơn giông tố sầm sập đến làm người chăn cừu sợ hãi cho tính mệnh của mình trong cơn cuồng nộ của sấm sét.

Bài thơ (hay lá thư) ông viết cho con gái lúc ấy mới chín tuổi có những đoạn tả cơn bão như sau:

Mùa hạ. Mùa hạ cháy im ắng bất tuyệt.

Cuối tháng Năm, chiều thất tán quay cuồng. Mưa trắng trời ngập phố xá. Hư ảo cây cối vật vã. Gió trở giọng không ngớt gọi lồng lộng; từng chập thốc quật xàm xở khiếp đảm, từng chập quẫn bách lao đao như thần trí bị vô hồi truy nã. Rồi cũng nguôi ngoai mưa. Đêm đến sâu hoắm như thạch động trong điệu ru riêng lẻ cùng cực tiếng gió lẫn trốn.

Bấy giờ bố cố thức nghe sự nín biệt mọi ngân nga, đồng vọng.

[…]

Ông còn nhắn thêm là cô Th. nên đọc lại bài thơ “The Phoenix and the Turtle” của Shakespeare và bài thơ của Samuel Beckett.

Vì ông đã qua đời nên không ai giải thích, mà nếu ông còn sống có lẽ ông cũng không giải thích. Tôi làm một cuộc phỏng đoán và “đọc” những điều không có trong thơ.

Bài thơ được viết cho Tháng Năm trong liên tiếp ba năm (78, 79, và 80). Cuối tháng Năm là sinh nhật của cô Th. Tôi nghĩ Tháng Năm là tháng đi sau tháng Tư. Mỗi lần tôi không muốn nghĩ đến ngày 30 tháng Tư tôi nghĩ đến tháng Năm, của May Day, của hy vọng và cứu giúp. Dùng Hạ Khúc của Vivaldi phải chăng ông ví cuộc sống của ông đang bình an thì bị cơn bão thời cuộc kéo đến phá tan nát và ông lo sợ cơn Bão sẽ giết chết ông.

Tiếng chim ríu rít nơi ông đang lao động trong rừng núi khiến ông liên tưởng đến tiếng turtledove trong bài sonnet rồi làm ông nghĩ đến bài thơ The Phoenix and the Turtle(dove) của Shakespeare. Loài chim trong bài thơ này yêu thương nhau cho đến lúc chết và tái sinh từ tro tàn, phải chăng ông mong tình vợ chồng của ông cũng sẽ vẹn toàn như tình yêu của loài chim trong bài thơ. Tuy là bài thơ viết tặng con gái nhưng đây là tiếng lòng của ông thổ lộ với vợ ông. Theo tôi đây là nhịp điệu ý thức của bài thơ.

Ai đó đã hỏi rằng vì sao khi đi tù mà ông viết ra những câu thơ gần như lạc quan thay vì những vần thơ sầu khổ hờn oán. Tôi đoán là ông vẫn buồn nhớ gia đình, vẫn yêu thương nước nhà, nhưng ông không cho phép mình chìm sâu trong tuyệt vọng. Ông là người cẩn thận không muốn để những người giam cầm ông có cơ hội bắt bẻ tra khảo hay làm nhục ông. Ông không muốn thơ của ông làm liên lụy người khác, nhất là những người bạn tù với ông. Và trên tất cả, ông không muốn những kẻ giam cầm ông có cơ hội cười vui khi nhìn thấy ông ta thán vì khổ ải. Ông không để cho cái nhục nhằn của trại tù đè bẹp tâm hồn ông. Và trên tất cả ông là một nhà trí thức. Kẻ sĩ khi thất thế, bị giam cầm, giữ phong cách cho mình bằng những bài thơ như trên thật là đáng kính.

Một nghi vấn riêng về bài Xuân Tứ của Thanh Tâm Tuyền

Tôi đọc bài phê bình “Biệt Khúc Cho Thanh Tâm Tuyền” của thi sĩ kiêm phê bình gia Bùi Vĩnh Phúc.[8] Bài phê bình về quyển Thơ Ở Đâu Xa rất hay, và tôi hoàn toàn thán phục bài phê bình đầy chất thơ này. Trong bài phê bình này có nhắc đến bài Xuân Tứ và tôi xin được chép lại ở đây:

Xuân Tứ

Cỏ hoa thầm thì hát
Ngoài vườn trăng đêm nay
Xuân ngàn mùa vẫn một
Hương sắc không hề phai

Sự trôi chẩy mãi thật
Tình đơn sơ còn đây
Ôi nỗi niềm bát ngát
Thủy chung nào vơi đầy.

Thanh Tâm Tuyền

Bài thơ này không có trong bản điện tử của Talawas. Tôi biết những bài thơ trong Thơ Ở Đâu Xa đa số là do viết lại từ trong trí nhớ. Và vì viết lại từ trí nhớ liệu trí nhớ của người đọc có thay đổi không. Tôi không phải là người hay nghi ngờ nhưng cũng không luôn luôn và hoàn toàn chấp nhận tài liệu hay học thuyết có sẵn, bởi vì đã là con người ai cũng có thể nhầm lẫn huống chi là trí nhớ của người bị giam cầm.

Nghi vấn của tôi là liệu bài thơ Xuân Tứ có phải là bài thơ của Thanh Tâm Tuyền hay không, bởi vì nhịp điệu hình ảnh và nhịp điệu tư tưởng của bài thơ này không có dấu ấn của Thanh Tâm Tuyền. Chỉ quan sát cách gieo vần của bài thơ này là thấy cần đặt dấu hỏi rồi. Ngày xưa tôi cũng đã từng nhận ra (dù không nói ra) bài thơ Thư Về Đường Sơn Cúc là giọng của nhà văn Nguyễn thị Ngọc Minh chứ không phải giọng của nhà văn quá cố Hoàng Ngọc Tuấn.

Tóm lại tôi học được những gì từ nhà thơ Thanh Tâm Tuyền? Nhịp điệu hình ảnh dẫn đến nhịp điệu ý thức. Tôi hy vọng có dịp nghiên cứu thêm thơ Thanh Tâm Tuyền. Mija Yang học làm thơ với hy vọng làm chậm lại cơn bệnh Alzheimer. Tôi học làm thơ vì nhớ trong quyển Snow, Orhan Pamuk nói, “phải hết sức thông minh người ta mới có thể làm thơ.” Tôi muốn được xem là một người hết sức thông minh. Thật ra ông có nói thêm là phải rất là bất hạnh mới làm thơ, nhưng tôi xin phép làm lơ cái phần này đi.

Xin cám ơn các nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (Văn 113&114), Trần Hoài Thư (Văn và Sáng Tạo) và tủ sách Talawas.

1.Phim của Nam Hàn, năm 2010, đạo diễn Lee Chang-dong, giải thưởng Best Screenplay Cannes 2010.

2.Sáng Tạo, bộ mới số 2, tháng 8-1960, trang 1-17. Thư Quán Bản Thảo in lại. Bản tặng không bán.

3. Phẩm Văn, Số Đặc Biệt về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, xuất bản năm 10 năm 1973 do Thư Quán Bản Thảo in lại. Bản tặng không bán.

4.“Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay” Giai phẩm Văn.

5.Talawas http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13078&rb=0101

6.Talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13078&rb=0101

7.Trích trong bài thơ Gọi Em Dậy. Giai Phẩm Văn số 210 phát hành vào ngày 15-9-1972. Thư Quán Bản Thảo sưu tập và in lại.
8.Văn bộ mới, số 113 và 114, tháng Năm và tháng Sáu, năm 2006.

Nguyễn Thị Hải Hà

3/2016

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

© gio-o.com 2016

9 thoughts on “Học làm thơ với Thanh Tâm Tuyền”

  1. “Phải hết sức thông minh người ta mới có thể làm thơ….Thật ra ông có nói thêm là phải rất là bất hạnh mới làm thơ.”
    Hà ơi, Mai tâm đắc hơn với phần thứ hai của câu trên của Orhan Pamuk. Phải bất hạnh mới thoát được ra những câu thơ, bài thơ hay. Có ai được đời ưu đãi mà viết được những vần thơ bất hủ được đâu Hà nhỉ.

  2. Ôi, Mai cũng mê thơ Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Tất Nhiên, Pham Thien Thu, Chinh Phụ Ngâm như Hà.
    Mai còn mê nhiều hơn nữa thơ Thích Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Hoàng Cầm, Phạm Công Thiện (dù PCT chỉ viết mỗi một cuốn thơ “Ngày Sinh Của Rắn”) ….

    Còn ai viết đươc những bài thơ như những người xưa được nữa đâu. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.

    1. Hà đọc khá nhiều thơ Hoàng Cầm và Phạm Công Thiện. Chưa đọc bài thơ nào của ông Nhất Hạnh. Sáng nay mới đọc một bài gần giống như phê bình văn học của ông Tuệ Sỹ. Hoàng Cầm thì Hà biết qua Lá Diêu Bông và đọc thêm một ít về Kinh Bắc. Phạm Công Thiện thì một số bài trong đó có Ngày Sinh Của Rắn nhưng chỉ nhớ vài câu. Nhất Hạnh thì đọc văn nhiều hơn thơ như Bông Hồng Cài Áo, Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, Nẻo Về Của Ý và một truyện ngắn khác ông lấy tên phụ nữ hình như Uyên Chi hay gì đó, nói về một cô gái bị ám ảnh bởi khuôn mặt của cô soi qua tấm gương. Mấy tác phẩm sau này dù nổi tiếng trên nước Mỹ Hà vẫn không thấy rung động tâm tư mình hay khiến mình trầm ngâm suy nghĩ. Có lẽ càng già Hà càng bị mất đi cảm xúc, đọc hay xem gì cũng bằng critical thinking. Hà biết mình có thành kiến với các tác giả như Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện. Thơ PCT có một số ít bài Hà thấy hay nhưng Hà không nhìn thấy ở ông như là một triết gia. Hà có đọc một cuốn sách của ông “Nói Với Tuổi Hai Mươi” phải của ông không. Tóm lại, Hà không có ấn tượng mạnh lắm về tính chất triết của ông. Thầy Tuệ Sỹ thì chưa có duyên nên chưa có tác phẩm nào trong tay. Hễ thấy trên mạng thì đọc, nhưng đọc trên mạng thì không có thì giờ để thấm. Bao giờ Hà cũng phải đọc trong thanh tịnh thì mới gọi là đọc.

  3. Vì chị đọc trong thanh tịnh, nên hồn sách nhập vào lòng – đồng bóng trên ngón tay gõ thành ý cho người đọc thưởng thức – Bài nào chị viết cũng thật thích thú – nó đọng lại bao nhiêu điều để học để ngẫm nghĩ – Yêu thì thôi hà!

  4. Con cũng xem film Poetry từ năm ngoái, viết review được một nửa mà giờ lâu quá nên có nhiều chi tiết con quên mất tiu rồi. Chỉ nhớ là rất thích nhân vật nữ chính và bài thơ lúc cuối film bà làm tặng cho cô bé đã chết. Film rất cảm động!

    1. Phim có hai mạch, theo như cô còn nhớ. Một là chuyện học làm thơ của bà. Cái còn lại là cô học trò và lũ con trai trong lớp trong đó có thằng cháu ngoại của bà Mija Yang. Cô thấy phim thú vị ở chỗ người ta đã nghĩ ra cách kết hợp hai chủ đề mà thoạt nhìn có thể tưởng là không thể kết hợp được.

Leave a comment