Chuyến đi tình nguyện phần 3

14 ngày với 14 người Mỹ đi làm việc tình nguyện  cho Habitat for Humanity

phần 1, phần 2

Giao lưu với người địa phương

LuAnne làm việc lao động rất giỏi, suốt ngày đứng lắp gạch, trét hồ, xây tường trên giàn cao không lộ vẻ mệt, nhưng so với mục giao lưu với người địa phương thì bà giỏi hơn gấp mấy lần.  Những ngày đầu chưa tiếp xúc với người địa phương, bà thường than không được giao lưu văn hóa Việt Nam.  Bà đi chợ mua trái cây cho cả đoàn ăn tráng miệng rủ tôi theo để thông dịch.  Như một nữ diễn viên điện ảnh, hay vợ của một nhà ngoại giao đang tiếp xúc với dân chúng, LuAnne trả giá, trò chuyện, hỏi han, và chụp ảnh với những cô bán hàng.  Bà thường bảo tôi, nói với cô này, nói với cô kia, “cô rất là xinh đẹp,” hay “tôi thích cái áo của bà,” những câu ngắn nhưng làm người nghe có cảm tình ngay lập tức.  Thấy trẻ nhỏ là bà xin bế, khen bé đẹp dễ thương.  Nụ cười của bà luôn sáng rực trên môi.

Figure 17 – LuAnne bế em nhỏ gần chỗ xây nhà

Những ngày đầu tiên mới đến khách sạn tôi dẫn bà đi cắt tóc.  LuAnne có mái tóc ngắn màu bạch kim rất hợp thời trang, nụ cười rạng ngời khiến cho bà trông rất trẻ và đẹp như một nữ minh tinh điện ảnh.  Trong khi bà ngồi cho cô thợ trẻ cắt tóc với mũi kéo nhọn hoắc, trí óc của tôi đi lang thang.  Tôi nhớ câu chuyện của một nữ thi sĩ nổi tiếng rất được mọi người yêu mến ở hải ngoại.  Nhiều năm trước chị đưa người chồng Mỹ về thăm Việt Nam, ông đi hớt tóc, khi chị viết, chị nhìn lưỡi dao cạo mặt của người thợ hớt tóc kéo dài nơi gần cổ của chồng chị, tôi đọc được cảm giác rờn rợn của chị.  Bà LuAnne và rất nhiều người trong đoàn, bây giờ, không hề biết cảm giác bất an giữa mũi kéo của người thợ hớt tóc và mối oán thù do ảnh hưởng cuộc chiến tranh Việt Nam.  

Những lúc nghỉ ngơi chúng tôi thường đi loanh quanh trong xóm làm quen với người địa phương.  Một nhóm người ngoại quốc vui vẻ ồn ào xây một ngôi nhà cho người trong xóm trở thành điểm chú ý của người địa phương.  Các em nhỏ đạp xe ngang để xem.  Người trong xóm ngừng lại trước nhà trò chuyện hỏi han. Có một ông cụ người nhỏ nhắn ăn mặc bảnh bao đến xem và bảo rằng chúng tôi, đoàn tình nguyện làm việc chậm quá, làm thợ hồ như thế này sẽ không đủ ăn.  Không biết trả lời sao với ông cụ, tôi và Patty hay LuAnne cười làm thinh.  Tôi thầm nghĩ chúng tôi đủ ăn rồi mới đi tình nguyện cụ ơi.

Không riêng người địa phương đến tìm xem chúng tôi xây nhà.  Cả công an cũng đến.  Tôi gặp một cậu công an rất trẻ, mặc áo màu tím hoa sim, đi xe gắn máy rất đẹp.  Cậu nhận ngay cậu là công an cấp tỉnh được phái đến xem sự sinh hoạt của đoàn Habitat.  Cậu bảo vệ chúng tôi và cũng bảo vệ người địa phương.

Figure 18- Patty, ông cụ chê chúng tôi xây nhà chậm, và LuAnne

Ryan và Brandon khám phá ra có đến ba ngôi chùa gần ngôi nhà chúng tôi xây cất.  Trong một ngôi chùa, họ gặp một ông sư, và một cậu sinh viên nói tiếng Anh rất giỏi.  Hôm sau Ryan, Brandon rủ tôi và Cookie đi trở lại ngôi chùa ấy.  Lần này chúng tôi không gặp vị sư và cậu thanh niên, trái lại chúng tôi gặp một người nữ tu và cô đồ đệ của người nữ tu này. Cậu thanh niên giỏi tiếng Anh đã lên đường du học sang Úc.

Một lần khác, Cookie, Patty và tôi quẹo sang ngõ khác.  Chúng tôi gặp một đống tro vàng mã trong đó có một số đồ sứ bị đem bỏ trong đống rác ở ven đường gần chùa.  Cookie nhặt một một cái đĩa sứ hình rồng phụng, phía sau ở đáy đĩa có in chữ Bát Tràng.  Khi thấy chữ Bát Tràng tôi biết chắc chắn đây không phải là món đồ cổ.  Đây có thể là lễ cúng rồi dẹp bỏ tất cả đồ vật ở một ngôi mộ gần đó.  Patty nhặt được mấy cái bình và chung rượu có nắp đậy cũng thuộc loại gốm sứ xanh và trắng.  Tôi hơi sợ không muốn thu nhặt đồ ở mộ, rủi tốt vía lại rủ người dưới mộ theo mình về nhà.  Tuy vậy tôi cũng không muốn làm hai người bạn cùng đoàn bị lây nỗi sợ vớ vẩn của tôi.  

Figure 19 – Cookie đang cầm cái đĩa bà nhặt được

Những người hào phóng

Ở Tam Kỳ, tôi gặp một người bạn. Thúy Loan và tôi quen nhau từ hồi 2009 khi chúng tôi dùng yahoo blog 360.  Khi biết tôi cùng phái đoàn tình nguyện Habitat đi xây nhà cho một người dân ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, cô đến thăm.  Để bày tỏ lòng tri ân đoàn tình nguyện đã đến giúp một gia đình người dân Quảng Nam, quê nhà của Loan, nàng nhờ tôi gửi tặng người trong đoàn túi chứa quế để làm thơm quần áo.

Figure 20 – Túi bột quế thơm

Không chỉ riêng Thúy Loan, rất nhiều người chúng tôi gặp, khi biết chúng tôi đến Tam Thái, Phú Ninh làm việc tình nguyện, họ đều bày tỏ thái độ quí mến và đáp lễ với chúng tôi bằng tấm lòng hiếu khách của người địa phương.

Tấm lòng hào phóng của người địa phương không thể tính bằng tiền.  Vợ chồng người hàng xóm, Lợi (người vợ) và Tư (người chồng) đã niềm nở đón chúng tôi như bạn bè.  Đầu tiên vài người trong nhóm chúng tôi sang xem cô làm bánh tráng.  Cô mời chúng tôi ngồi chơi, trò chuyện hỏi han.  Cô rất yêu thích mái tóc thắt bính và màu da chocolate của Cookie, cô xin phép được sờ mái tóc, làn da và khen Cookie trẻ và đẹp mãi. Rồi cô mời chúng tôi nước trà vối.  Sau đó mời chúng tôi ăn cơm.  Và chúng tôi say chuyện cứ muốn ngồi mãi không về.  Bữa cơm của cô có rau cải, thịt lợn luộc, và cá chiên.  Cá do con trai của Lợi đi câu hay nơm ngoài đồng.  LuAnne rất thích ăn cá, cá đồng mới bắt rất ngọt thịt, bà tấm tắc khen ngon.  Lợi cũng đãi chúng tôi món mắm cá do chính tay cô làm.  Mắm ngon tuyệt vời khiến tôi nhớ mãi.

Figure 21 – Bữa ăn trưa ở nhà Tư và Lợi

Tư, chồng của Lợi là người vui tính, biết cách nói đùa.  Những câu nói bông đùa của anh luôn làm chúng tôi cười vang.  Eric nhiều lần ngỏ ý muốn cưới vợ Việt Nam bị hăm, đòi bắt rể.  Các cô cũng nghi ngờ lòng chung thủy của anh Tây thích lang bạt giang hồ.  Eric nói anh sẽ mang vợ theo trong những chuyến du hành.

Brandon có mái tóc vàng rậm và bồng bềnh rất lãng tử, bộ râu cả tuần không cạo càng khiến anh đầy nam tính, nhiều lần được khen đẹp trai. Anh khen nước vối ngon, (ngon thiệt, uống một ngụm muốn uống hoài) Tư nói uống bổ lắm, uống đi nó giúp râu tóc mọc nhanh hơn.    

Đi đâu tôi cũng gặp sự hào phóng của người địa phương.  Buổi tối tôi trùm mền dùng đèn pin soi để gõ phím computer viết blog mỗi khi không ngủ được, đến độ hết cả pin dự trữ.  Buổi trưa đi mua bánh mì, tôi hỏi cậu tài xế nơi nào tôi có thể mua pin.  Cậu băng qua đường đến cửa tiệm gần đó mua cho tôi hai cục pin.  Tôi gửi tiền lại mà cậu không chịu nhận, nói mãi không được tôi đành chịu thua.

Sự hào phóng đối với phái đoàn Habitat xuất hiện ở những nơi tôi không ngờ.  Tôi tìm ra được chỗ giặt quần áo bên ngoài khách sạn, giá rẻ hơn.  Tiệm giặt quần áo cũng là một tiệm tạp hóa, cô chủ họ Huỳnh tên Linh.  Bà Connie và Cookie mua quần áo, loại đồ bộ, vật liệu và kiểu giống như bộ đồ Tư và một bà hàng xóm khác hay mặc.  Tôi hỏi đường, thế là Huỳnh Linh dẫn ông Al, Connie, Cookie, và tôi đi một quảng đường khá xa đến một cái chợ khá lớn có bán đủ thứ cần dùng. Chợ ấy tên là chợ Thương Mại. 

Đi ngang một cái bùng binh, người Tam Kỳ gọi cái bùng binh là vòng xoay, có người gọi là vòng xuyến ngõ năm hay ngõ sáu tôi hơi khiếp đảm dù Tam Kỳ rất ít xe không như Hà Nội hay Sài Gòn.  Tôi theo đúng luật đi đường của Mỹ, đến góc đường, có kẻ vạch trắng, đứng chờ ngớt xe để băng qua con đường khá rộng.  Tôi biết có lẽ phải băng qua đường ít nhất là hai lần để đến cái con đường ở xéo góc vòng xoay.  Tôi ngạc nhiên vì tất cả bạn đồng hành của tôi biến đâu mất hết, không thấy trước mặt cũng không thấy đàng sau lưng.  Nhìn kỹ lại, tất cả bạn đồng hành của tôi theo chân nhà lãnh đạo Huỳnh Linh, men theo đường cung của vòng xoay, chen giữa dòng xe cộ để đi tắt đến góc đường cần đến.  Khi gặp nhau ở góc đường và mọi người đều an toàn, tôi thấy hình như bà Connie và ông Al đều biến sắc.  Và cái hình ảnh của cô Linh dẫn đoàn người đi phía sau cao hơn cô cả cái đầu khiến tôi nhớ một bài hát vui.

Một đàn vịt cồ rủ nhau đi chơi vịt nó kêu cạp cạp.  Một chú vịt con, bước theo vịt cồ vịt nó kêu cạp cạp.

Linh đã bỏ thì giờ buôn bán đưa chúng tôi đi chợ.  Đi đâu chúng tôi cũng may mắn gặp người có tấm lòng cởi mở sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khiến những ngày ở Quảng Nam là những ngày tốt đẹp.

Figure 22- Huỳnh Linh đưa chúng tôi đến chợ Thương Mại.

Figure 23 – Patty đang nhìn bà Connie trong cái mũ mới mua.  Trông Connie giống một bà nhà giàu xinh đẹp.  Linh với nụ cười rất đẹp đứng phía sau bà Connie.

 Những bữa ăn thú vị

Chuyện tổ chức bữa ăn cho 14 người ăn không đơn giản như chúng ta tưởng.  Đây là lý do một trong những lý do (bên cạnh thời tiết nóng bức và trở ngại ngôn ngữ) khiến bà trưởng đoàn, Connie, đủ bực mình để nói rằng bà sẽ không trở lại Việt Nam.  Tôi hy vọng vài năm sau bà sẽ hết bực mình và thay đổi ý.  Chín người mười ý.  Có người thích ăn cá, nhưng phải là cá không xương, hoặc ít xương nhỏ.  Có người không chịu được mùi tanh của cá.  Lúc ấy heo đang chết vì bệnh dịch gì đó, dù có lời giải thích là bệnh này không lây qua người, thịt heo nấu chín thì không sao, có người không muốn ăn.  Có người không ăn thịt cá, chỉ ăn rau.  Anh thông dịch viên thì e ngại không muốn người trong đoàn ăn xà lách hay những món rau không nấu chín, sợ người trong đoàn bị đau bụng.

Bữa ăn sáng và tối ở khách sạn Mường Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), rất sang và rất ngon.  Ăn sáng kiểu buffet với nhiều món ăn cả kiểu Việt, lẫn Tây.  Món cá được nấu theo khẩu vị của người nước ngoài, ít xương hoặc không xương, không tanh. 

Nhà anh Thoại chị Nở (chủ nhân căn nhà đoàn Habitat đang xây) không mấy xa hồ Phú Ninh, một nơi có thắng cảnh đang khuếch trương ngành du lịch.  Chúng tôi ăn trưa ở đó một đôi lần. Có một lần, hình như là bữa thứ hai, nhiều người trong đoàn phàn nàn.  Anh thông dịch viên còn trẻ, hình như chưa hề nấu ăn lần nào, nên không thấu đáo những khác biệt tinh tế trong sở thích ăn uống.  Tôi lắng nghe người trong đoàn và giúp bà Connie tổ chức những bữa ăn kế tiếp để mọi người ăn ngon miệng và hài lòng.  Tôi dặn cô chủ nhà hàng, trẻ tuổi, thân thiện luôn luôn cố gắng chìu lòng khách hàng. Đừng làm món đậu hủ sốt cà nữa (người Mỹ không biết ăn đậu hủ, làm cách gì họ cũng không thấy ngon, tội nghiệp người ăn chay trong đoàn).  Nếu đã ăn cơm, thì đừng làm mì xào hai ba thứ.  Đừng dọn nhiều cơm nhiều mì quá ăn không hết bỏ phí.  Tôi nhấn mạnh với cô chủ quán.  Bà trưởng đoàn đã dặn trước rồi mà hôm nay vẫn thấy thừa cơm và mì nhiều quá nên bà không vui vì thấy thức ăn lãng phí.  Cô chủ quán phân trần, mang ít sợ thiếu, cô áy náy.  Tôi giải thích và nhấn mạnh phái đoàn đều đã ăn sáng ở khách sạn, họ rất no do đó không mang lên nhiều cơm và mì.  Mấy cậu trẻ tuổi đã bắt đầu nhớ thức ăn ở quê nhà nên đĩa khoai tây rán được chiếu cố tận tình.  Bữa ăn nào cũng phải có nhiều rau.  Ai cũng thích rau muống xào và một loại rau địa phương (tôi không nhớ tên) ăn dòn dòn dai dai, ngon hơn cả đậu mầm.  Món canh được nhiều người thích, nhất là Eric, người rất thích các món đặc sản Việt Nam, khen chan canh vào cơm ăn rất ngon.  Ở nhà hàng hồ Phú Ninh tôi rất ưa món canh bí (rợ) rừng, vừa thơm vừa dẻo.  Tôi giải thích với cô chủ quán, người Mỹ thích cá chiên thịt nướng hơn là cá kho thịt kho.  Cá kho thì phải ít nước và đậm đà.  Thịt kho thì phải mềm và đừng có mỡ nhiều (nghĩ cũng lạ, họ rất thích bacon chiên, mà bacon lại là thịt ba chỉ muối).

Bà Connie, nhiều lần tỏ ý lo ngại chuyện chi tiêu vào mục ăn uống quá mức ấn định, mà ăn mãi thức ăn ở một nhà hàng thì cũng bớt ngon.  Cả đoàn vì đã ăn sáng rất ngon và thức ăn tú hụ ở khách sạn, cũng ngại đi ăn trưa xa chỗ làm việc mất thì giờ, nên khi bà nhờ tôi giúp bà tổ chức bữa ăn trưa cho cả đoàn tôi đề nghị tìm một quán cơm bình dân ở gần đó.  Lo ngại chỗ ăn uống không được sạch sẽ, và nóng bức tôi đề nghị với chị chủ quán mở quạt thật mạnh và dọn bàn dọn quán cho sạch.  Tôi thấy mình rất quan tâm, muốn người đi chung đoàn ăn uống ngon miệng và không bị bệnh cấp tính.  Người Mỹ, nhất là các cậu trai trẻ, khác với đàn ông Việt ở chỗ, khi ăn món nào ngon họ khen thật tình.  Eric bảo rằng bữa ăn ngày hôm ấy là một trong những bữa ăn ngon nhất ở Việt Nam.  Cũng phải nhấn mạnh rằng, mười bốn người Mỹ này là những người từng trải, du lịch nhiều nơi trên thế giới, đã từng ăn những món ăn lạ và ngon trên thế giới. Hôm ấy, nhà hàng mang ra thêm món tôm rim, món ăn không đặt trước nhưng nhà hàng đãi khách đến từ xứ lạ.  Món này ai cũng khen ngon. 

Figure 24 – Ăn trưa ở quán cơm bình dân.  LuAnne chụp ảnh với cô chủ quán và hai người nấu bếp.  Tuy đã đặt trước nhưng khách đến ăn trưa trước chật hết bàn ghế trong quán.  Thấy đoàn chúng tôi đông, khách hàng tử tế không ngồi nấn ná trò chuyện, ra về sớm chừa chỗ cho chúng tôi.

Một bữa ăn khác cũng thú vị không kém, không phải là sơn hào hải vị của món ăn trên thế giới, mà là hương đồng cỏ nội ở Quảng Nam.  Tôi đã nhắc đến bữa ăn này ở phần trên của bài viết này khi đề cập đến tấm lòng hào phóng của người dân địa phương.

Hai vợ chồng Tư và Lợi đã đãi chúng tôi thịt lợn luộc, cá chiên, con trai của hai người mới lưới được ở ngoài đồng.  Và món mắm do chính tay Lợi làm thật thơm ngon.  Tôi thầm tiếc tôi sẽ không bao giờ được ăn lại món mắm này.

Figure 25 – Bữa ăn trưa của hai vợ chồng láng giềng, Tư và Lợi, đãi chúng tôi.

Hai vợ chồng chủ nhà, anh Thoại và chị Nở cũng đãi chúng tôi một bữa ăn rất ngon.  Ngày xưa, tôi có người bạn đãi tôi ăn mì Quảng, nhưng lần ấy tôi thấy không ngon.  Lần này chị Nở đãi món mì Quảng, sợi mì mới tráng rất tươi, thái thành sợi tại chỗ.  Nước lèo thật ngon.  Và món gà xé (phay) trộn rau răm củ hành thật vừa miệng.  Thêm vào đó có món xôi chiên phồng và bánh nếp có nhân mặn gần giống như bánh chưng ăn rất ngon.  Dù bận bán rau cải ở chợ chị vẫn cố thu xếp thì giờ để đãi chúng tôi các món ăn tiêu biểu của Quảng Nam.  Chắc chắn từ bây giờ về sau tôi sẽ nhớ mãi món mì Quảng.

Figure 26 – Bữa ăn chị Nở đãi đoàn Habitat.

(còn tiếp)

Nguyễn thị Hải Hà

http://www.gio-o.com/NguyenThiHaiHa.html

16 thoughts on “Chuyến đi tình nguyện phần 3”

  1. Với lại em muốn đọc bài viết nhưng không vô được trang web đó chị. Toàn xổ ra những chữ này:
    “Hmm. We’re having trouble finding that site.”

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn Mai. Chạy qua nhà (blog) của Mai để thăm, nhưng không gõ cửa. Hà đang cơn lười, nhưng thèm đọc bài, buồn như một bài thơ buồn, nhẹ nhàng, lãng đãng.

      Liked by 1 person

      1. Đó là một trạng thái “hôm nay trời nhẹ lên cao” cô đơn có bàn tay mềm lụa rất quí phải không Hà?

        Mai nghĩ mỗi lần đi xa về đều dễ bị “lãng đãng” như thế.

        Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s