Đi chùa Hương

Hôm trước bắt đầu kể về chuyến đi chùa Hương, ngang cây cầu bắc ngang sông Đáy, tôi cà kê chuyện “sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc” mà tôi nói sai thành Phú Quốc. Nhờ các bạn hiểu biết chỉ giúp tôi “ngộ” ra trường hợp của tôi cũng giống như chuyện ngày xưa “Hoàng Khuyển ngọa tri tâm” bị sửa cho sai thành ra ngọa tri âm (hay tọa tri âm? Xin bỏ qua cho cái trí nhớ mù mờ của tôi). Thật ra tôi đã từng gặp câu hát “Sông Đáy chậm nguồn ra Phủ Quốc” nhưng tôi cho rằng chữ Phủ Quốc là do lỗi gõ máy sai chứ tôi không biết đó là tên cắt ngắn của Phủ Quốc Oai. Nếu học Địa Lý thời tiểu học đàng hoàng thì không sai như thế. Nhưng chuyện qua rồi thôi hôm nay bạn cho tôi kể nốt chuyến đi chùa Hương của tôi.

Tôi làm một chuyến du lịch mấy tuần lễ ở miền Bắc mà không đọc cho hiểu biết thêm những nơi mình sẽ đến. Biết là thiếu sót nhưng tự an ủi là chẳng hề gì, những gì mình gặp trên đường đi sẽ mới mẻ không có hình ảnh nào trong trí nhớ để so sánh và vì thế càng thú vị hơn. Tôi không ngờ, tuy đi chùa Hương lần đầu nhưng hình ảnh về Chùa Hương đã in sâu trong óc tôi qua bài thơ Đi Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

Xem chừng, cảnh chùa Hương vẫn còn giống như lời cô bé mười lăm tuổi đã tả trong bài thơ viết từ năm 1934. Chỉ khác một đôi điều mà thôi.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Bây giờ thì không thấy ai dùng thuyền buồm. Từ ngoài bến, theo dòng suối Yến để vào chùa Hương Tích khoảng 4 km, người ta chỉ chèo tay thôi.

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!”

Lúc vào cũng như lúc ra bao giờ cũng đông đúc gần như chen nhau

Chàng thưa: “Vâng, thuyền đông!”
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Xa xa mờ núi biếc, dãy núi mang hình dáng 99 con voi quay đầu về chùa Hương Tích, chỉ trừ một con bất tuân

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.

Nước suối Yến từ xưa đến giờ vẫn đục màu phù sa

Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh

Nhịp cầu xa nho nhỏ. Tôi nghĩ cầu ngày xưa, năm 1934 có lẽ là cầu gỗ giờ được thay thế bằng cầu sắt.
Cảnh đẹp gần như tranh

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Con voi phục. Truyện xưa kể rằng 99 con voi hướng đầu về chùa Hương Tích để chầu bà Chúa Ba, nhưng có một con voi bướng bỉnh quay đầu về hướng khác. Con voi vì thế bị phạt bằng cách bị chặt đứt khúc sau từ phần đuôi .
Núi Mâm Xôi
Núi Oản
Dãy núi Ngũ Nhạc (năm cái chuông) còn gọi là núi Rồng

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.


Bây giờ chùa không còn ở trong rừng cây và tôi cũng không gặp người ăn mày nào cả.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.

Thấy hoa gạo nở ở nhiều nơi và hoa ly chưng bày chung quanh chùa, không thấy các hoa leo nở tím vàng

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi

Chùa Thiên Trù (bếp nhà giời)
Trên vách đá có khắc hàng chữ tên chùa Hương Tích do chúa Trịnh Sâm ban cho “Nam Thiên Đệ Nhất Động”
Thạch nhũ có hình dáng của Đường Tăng và đệ tử đi thỉnh kinh
Đường đây kia lên giời

Vẫn giòng suối Yến nước đục, vẫn thuyền và người chen chúc nhau, nhưng điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa chùa Hương ngày xưa và bây giờ là người ta không còn đi từng bậc thang làm bằng đá vừa đi vừa niệm “Nam vô A-Di-Đà” mà đi bằng cáp treo. Khách thập phương chỉ đi một đoạn đường dốc, độ trăm bước rồi thoải mái ngồi cáp treo mà “lên giời.”

Đến Cáp Treo Chùa Hương
Từ cáp treo nhìn xuống. Chỗ ngày xưa là đường mòn quanh đèo lên núi để đến chùa giờ người ta mở hàng quán buôn bán, che mái bít kín hết. Thỉnh thoảng có những nơi hở mái ra người đứng phía dưới nhìn lên thấy một khoảng trời và những sợi dây cáp.

Sau bữa ăn trưa tôi biết mình không đủ sức đi bộ lên chùa nên cùng với mọi người dùng cáp treo. Cái bao tử nặng trĩu đè lên đôi chân và chèn máu lên trái tim khiến tôi nhấc chân lên không nổi. Mà những bậc thang đá leo lên, bước xuống lại rất cao cho những bà già thấp bé như tôi. Mọi người dùng cáp treo để xuống nhưng tôi và ông Tám đi bộ xuống. Dọc đường ông mua hai cây gậy trúc để trợ giúp chúng tôi đi cho khỏi ngã. Khi xuống đến chân núi, chúng tôi dựng hai cây gậy trúc ven đường để có ai cần thì dùng. Dọc đường ông Tám bắt chuyện với vài bà cụ tuổi chừng tám mươi, đi bộ xuống (và có người đi lên). Các cụ ở Phú Thọ và các vùng lân cận. Đi chung đoàn, các cụ rủ nhau mặc đồ màu tím. Dọc đường tôi gặp nhiều người mặc đồ nâu sồng nhưng không thấy ai niệm “Nam vô A Di Đà” như trong bài thơ.

Bánh củ mài , ăn khá ngon. Khoai mài, giống như củ khoai từ được bào đánh nhuyễn thành bột cho thêm sữa. Khi cho vào máy xay nhuyễn người ta tăng độ nóng làm chín bột nên khi ra khỏi máy, bột biến thành bánh ăn liền lại chỗ còn nóng và giòn.
Cả đoàn, vắng bóng tôi vì tôi đang núp phía sau máy ảnh. Cậu hướng dẫn viên đội cái mũ rơm tua rua, nói tiếng Anh không có accent, như thể cậu là dân Mỹ, hay sinh ra ở Mỹ. Hỏi cậu học ở đâu, cậu bảo cậu tự học bằng cách đọc manga và xem phim nhiều.
Cái điếu khổng lồ, hút một viên bi thuốc lào trả ba ngàn đồng

Cứ nhìn ảnh nơi đặt cái điếu cày khổng lồ, bạn có thể hình dung đây là hình ảnh chung suốt con đường lên xuống chùa Hương. Người ta chiếm chỗ để làm gian hàng buôn bán quà cáp cho người đi lễ. Che chắn khắp nơi, vì lợi nhuận cá nhân mà vô tình che lấp cảnh quan tầm mắt của người đến xem chùa Hương vì yêu thích cảnh thiên nhiên của chùa. Đằng sau những tấm bạt là rừng cây xanh ngút mắt, non xanh núi biếc chập chùng, hoa gạo tháng Ba nở đỏ thắm khắp nơi. Thế mà người xem chẳng thấy gì ngoài những tấm bạt và các đồ hàng quà sản xuất hằng loạt có lẽ nhập từ Trung quốc.

Cua rạm, ốc, và rùa. Có một loại côn trùng được gọi là ngọc đá, người ta bảo có thể nuôi chơi , cho ăn bã chè (xác trà). Nhìn kỹ đó là những con cuốn chiếu khổng lồ, không biết chúng sống bao nhiêu năm để có thể trở nên to lớn như thế.
Động Hương Tích, có vài người trong đoàn mặc quần áo tím
Đường vào chùa
Đường xuống động Hương Tích
Chị lái đò đang giơ điện thoại chụp ảnh

Bài thơ Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp kể chuyện một cô bé mười lăm tuổi, xinh đẹp, cùng bố mẹ đi lễ chùa. Xem chừng, những điều người ta nguyện cầu khi đi lễ chùa 85 năm trước so với bây giờ cũng chẳng khác bao nhiêu. Cô bé mười lăm, đẹp như trăng rằm, nhìn thấy văn nhân, đã biết “em tìm hơi thở chàng.” Ngày nay, mười lăm tuổi mơ ước lấy chồng thì quá sớm. Tôi tự nhủ mình không nên khắt khe vì thời ấy người ta đã tính chuyện cưới xin từ lúc “nữ thập tam, nam thập lục.” Thế nhưng dù mười lăm hay hai mươi lăm, thì cái mơ ước của các thiếu nữ lên chùa Hương vẫn không thay đổi. “Em cầu mong trời phật. Sao cho em lấy chàng.”

Đi suốt dòng suối Yến, bạn sẽ gặp vô số những chiếc thuyền bán hàng như thế này. Thuyền lớn có mui che, thuyền nhỏ thì chỉ bán mía ghim lạc rang. Những nơi nhiều du khách tham quan thì buôn bán đắt hàng, giúp đỡ người địa phương nâng cao mức thu nhập. Cái tốt luôn luôn đi kèm những tật xấu mà nếu không có biện pháp xử lý tốt sẽ tổn hại đến cảnh quan chùa Hương rất nhiều. Một trong những tật xấu đó là tật xả rác của du khách. Tôi tận mắt nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc ăn mặc diêm dúa, nhìn tôi không đoán được là người Việt, Hàn, hay Trung quốc. Cô mua mía ghim ăn và nhả xác mía vào ngay trong nước. Tôi tự hỏi dưới lòng suối Yến này có bao nhiêu vỏ chai và lon nhôm. Xử lý rác thải vào trong suối là nhiệm vụ của ai? Nhắc nhở du khách giữ sạch sẽ cho môi trường là nhiệm vụ của ai? Trong dịp đến Đế Thiên Đế Thích, một người du khách ngoại quốc sờ lên tường đá trong đền. Anh chàng hướng dẫn viên của tôi ngay lập tức nhắc nhở người du khách. Có lẽ người Cambodia được giáo dục, bảo vệ kho tàng văn hóa là nhiệm vu chung của tất cả mọi người Cambodia. Có lẽ người VN nên học hỏi điều này để bảo vệ thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.

16 thoughts on “Đi chùa Hương”

  1. Em cũng chỉ mường tượng chùa Hương qua thơ thôi. Em thích bức ảnh chị chụp trong Động Hương Tích , có bà cụ mặc áo tím đần vấn khăn đen làm em liên tưởng nhớ đến Bà Nội của em ngày xưa.

    Liked by 1 person

  2. Bài ký sự hay quá Hà.
    Mai có đến đó 2 năm trước chỉ vì bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp.
    Con đường đến động cảnh nên thơ nhưng khi vào chùa thì thất vọng, có lẽ người đi hành hương đông quá, hàng lưu niệm dày đặc hai lối vào. Có lẽ Mai đi với bài thơ về cô bé của NNP trong đầu nên bị thất vọng khi chạm reality : )
    Nhưng hôm đó Mai thấy khoai từ lần đầu tiên sau hơn 35 năm xa nhà. Ở đó có bán từng rỗ khoai từ ngon quá mua mấy củ ăn ngay, món ăn rất thích thời bé , nên nhắc đến chùa Hương là nhớ đến khoai từ : )

    Liked by 1 person

    1. Chuyến đi tuyệt vời hơn mức tưởng tượng của Hà. Người ta đi săn ảnh, còn Hà dùng ảnh để ghi lại chuyến đi. Có nhiều chuyện để kể nhưng câu chuyện dường như bị mất dấu, khi kể Hà không tìm lại được cảm xúc như lúc mình trải nghiệm.

      Liked by 2 people

  3. Em cũng có một bài trải nghiệm chuyến đi CHÙA HƯƠNG, cứ hẹn mang về blog cất mà quên mất. Ngắm ảnh chị chụp ngỡ như em vừa đi về.

    Liked by 1 person

Leave a Reply to Bà Tám Cancel reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s