Ông thầy Nhật Bản và món đồ chơi bằng gỗ kendama

Tôi gặp nó lần đầu tiên ở trong một cửa hàng nơi các tuyến xe du lịch đến Đế Thiên Đế Thích ngừng lại cho du khách trước là giải lao, sau là giải tỏa bầu tâm sự. Nó là cái đồ chơi bằng gỗ, trông giống như một cái dùi (hay cái chày) nho nhỏ, cột lủng lẳng vào đó một quả banh. Người Nhật gọi cái dùi (hay chày) này là ken, có nghĩa là cây kiếm. Còn những cái cốc (hay cái chung nhỏ) trên cây kiếm này là ozara. Quả banh là tama. Món đồ chơi này gọi là kendama, nó khiến tôi liên tưởng đến cái yo-yo khoảng thập niên 70 cho đến về sau nhiều người hay chơi. Nó như thế này đây. Ai hiểu được những chữ Nhật trên món đồ chơi này xin giải thích giúp. Cám ơn nhiều. Một người bạn trẻ tuổi đã dịch giúp tôi những chữ trên cái kendama. Cám ơn Lập Đông.

Ngày đi chùa Hương, xe đón tôi và ông Tám rất sớm. Sau đó đón thêm 5 người nữa. Nghe cậu hướng dẫn viên gọi tên một người trong nhóm là chị Huế. Cô này trẻ và đẹp. Tôi nhắm chừng cô ở khoảng tuổi cuối bốn mươi hay đầu năm mươi. Cùng đi với cô là bốn người Á châu ngoại quốc. Vốn có máu kỳ thị nhỏ nhen, tôi kêu thầm, thôi rồi Tám ơi. Đi chung với người Tàu coi bộ không khá. Khi biết ra họ là người Nhật, tôi mừng. Lên xe tôi chào họ bằng tiếng Anh, đa số đáp lại bằng câu Good morning. Trong bốn người này có một cặp vợ chồng tuổi độ ngũ tuần, một người lớn tuổi hơn, sang Việt Nam hằng năm để dạy môn kendama, và một cô gái còn khá trẻ độ hơn ba mươi. Huế giới thiệu tên của họ nhưng trí óc tôi già cả chậm chạp, nghe đó rồi quên đó. Họ khá yên lặng và thân thiện.

Cặp vợ chồng Nhật, theo lời Huế, ở trọ nhà Huế. Họ có nhà ở Nhật cho thuê, sang VN thuê nhà sống và đi chơi. Cô vợ có thể nói tiếng Việt, giọng Bắc, hình như không biết tiếng Anh. Ông chồng có thể nói tiếng Anh chút ít. Nếu tôi nói chậm rãi từng tiếng ông có thể hiểu và trả lời. Cô gái trẻ nói tiếng Anh giỏi hơn ông kia, nhưng vẫn còn khá ngập ngừng. Ông thầy dạy kendama có thể nghe tiếng Anh, nhưng nói không bằng người đàn ông có vợ và cô gái trẻ. Huế có thể nói tiếng Nhật trong phạm vi giao tiếp và đọc tiếng Nhật. Huế giải thích những chữ trên cái đồ chơi gỗ kendama nhưng tôi không ghi lại.

Những gì tôi biết về người Nhật, ngôn ngữ, và văn hóa, chỉ trong phạm vi sách vở và đặc biệt là văn học. Không thể chối cãi rằng, tôi đã tạo sẵn trong đầu óc mình một ít thành kiến về người Nhật. Đàn ông Nhật, cũng như đàn ông Việt, nghiêm khắc và gia trưởng. Tôi hình dung đàn ông Nhật qua các nhân vật trong truyện của Yasunari Kawabata, hay trong phim của Yasujiro Ozu. Ông thầy dạy Kendama khá nghiêm nghị. Cô gái trẻ là học trò của ông. Cặp vợ chồng kia có lẽ cũng là học trò của ông. Qua cung cách đối xử, nhẹ nhàng lễ độ nhưng vẫn nghiêm cẩn, tôi đoán ông phải bảy mươi. Nhưng dáng dấp của ông vẫn gọn gàng, nhanh nhẹn, vững vàng như người ở tuổi năm mươi.

Bữa ăn trưa ở dưới chân núi vào chùa Hương

Bữa ăn trưa, ông thầy dạy kendama ngồi đối diện với tôi. Bàn dài và kê sát vách. Tôi và ông Tám ngồi dựa tường còn ông thầy ngồi hàng ghế bên ngoài. Đôi vợ chồng Nhật ngồi xa hơn. Người vợ rời chỗ ngồi đến chỗ của ông thầy để xới cơm và săn sóc ông trong khi cô gái trẻ ngồi bên cạnh không làm thế. Tôi hơi ngạc nhiên vì khi tôi lúng túng trong việc gắp cá hay rau dính lủng lẳng, ông thầy giúp tôi đẩy thức ăn đến gần hơn, hay dùng đũa giữ chỗ thức ăn còn lại cho khỏi vướng đũa tôi.

Trên chuyến đò vào chùa Hương, ông Tám hỏi chuyện chị chèo đò. Tuổi độ năm mươi, trông chị gầy gò khắc khổ. Chị kiếm được lợi tức nhiều hơn người đàn ông chèo thuyền ở Tam Cốc vì du khách đến chùa Hương đông hơn. Ở chùa Hương người ta chèo bằng tay chứ không chèo bằng chân như ở Tam Cốc. Nói chung, người chèo thuyền khá vất vả, 4 km chèo vào và 4 km chèo ra chỉ hưởng được một món tiền nhỏ nhoi. Ở Tam Cốc, phải là dân địa phương mới được tham gia chèo thuyền chở du khách. Còn ở chùa Hương người chèo thuyền có thể là dân nơi khác đến. Lợi tức cho người chèo thuyền địa phương vì thế bị chia bớt đi. Người chèo thuyền cũng trông vào số tiền hoa hồng (còn gọi là tiền “boa” hay tiền “típ” du khách tặng để cảm ơn công chèo. Du khách được hướng dẫn viên nhắc nhở tặng tiền “boa”, vì công người ta chèo cực nhọc. Du khách nghĩ thầm, công chèo thì đã được ban quản lý du lịch địa phương trả lương rồi, có ai chèo không ăn lương bao giờ. Tiền hoa hồng là do lòng hào phóng của du khách; không nên và không thể đòi được tặng quà. Chị chèo thuyền cho biết nếu ban Quản Lý biết người chèo thuyền được du khách tặng tiền, người chèo thuyền sẽ phải chia số tiền này. Du khách được khuyến khích số tiền tặng là hai đô la rưỡi (hay năm đô la tôi không nhớ chắc chắn số tiền này) mỗi đầu người. Để tránh cho chị chèo thuyền phải chia số tiền của chị, ông Tám lặng lẽ tặng tiền boa phần của hai chúng tôi.

Trong khi ông Tám trò chuyện với chị chèo thuyền thì tôi trò chuyện với mấy người Nhật đi chung đoàn. Tôi hâm mộ văn học và điện ảnh của người Nhật đã từ lâu. Có lẽ vì tôi tìm thấy nhiều điểm tương đồng với các nhân vật Nhật qua cách miêu tả của các nhà văn và nhà làm phim Nhật. Và cũng vì tôi kính trọng sự tự chủ và sức vươn lên ra khỏi thảm họa hay nghịch cảnh của dân Nhật. Có lẽ, đa số người Nhật thuộc giới trung niên, học tiếng Anh bằng cách đọc sách, và với các giáo viên người Nhật tuy biết tiếng Anh nhưng ít giao thiệp trực tiếp với Anh Mỹ nên cách phát âm tiếng Anh của họ rất khác với tiếng Anh tôi thường nghe ở người Mỹ và người Anh. Và dĩ nhiên họ cũng thấy tiếng Anh của tôi rất khó hiểu. Nói chuyện với họ tôi nói thật chậm và cố gắng phát âm cho thật rõ ràng. Tôi cũng lắng tai nghe cẩn thận. Và trong cách đối thoại này tôi kể với ông thầy, một ít điều tôi chú ý về văn học và điện ảnh Nhật. Tôi nhắc tên một vài nhà văn, nhà thơ, đạo diễn Nhật nổi tiếng mà tôi đã đọc. Basho, Murakami, Kawabata, Ozu, và Kurosawa. Ông thầy nghe, thỉnh thoảng gật đầu, như hiểu tôi đang muốn nói gì.

Nhóm người Nhật đễ dễ nhận ra nhau trong đám đông, mỗi người đội một cái mũ màu xanh lá cây. Ông thầy dạy môn kendama ở bên phải mặc áo xanh mang giày đỏ. Cả hai đang nhìn bản đồ dẫn vào Nam Thiên Đệ Nhất Động.

Cô gái trẻ người Nhật và người đàn bà (người vợ) tuổi ngũ tuần, đi chung đoàn

Cậu hướng dẫn viên, cô Huế, và bốn người Nhật đi cáp treo xuống còn tôi và ông Tám đi bộ. Tôi và ông Tám được dành cho bốn mươi lăm phút. Khi chúng tôi đi bộ xuống thì ông thầy đang biểu diễn kendama. Chẳng mấy chốc, ông đã quyến rũ được một đám đông vây quanh ông, xem ông tung quả banh gỗ cột lủng lẳng vào cái chày, và hứng quả banh cho lọt vào những cái cốc khắc sẵn vào cái chày của món đồ chơi bằng gỗ. Nhìn thấy cái nhún nhẩy nhịp nhàng của ông trong lúc tung hứng quả banh, tôi không khỏi buột miệng, à đây là một cuộc tập thể dục thú vị. Vừa tung hứng, ông vừa lẩm nhẩm hát một bài tiếng Nhật, có lẽ một bài ca dao hay đồng dao.

Tôi thích thú dùng máy chụp ảnh quay một đoạn phim ngắn ông thầy biểu diễn kendama. Sau khi tôi tắt máy và vỗ tay khen ngợi ông, ông đưa cái kendama cho tôi và nói “for you.” Tôi rất ngạc nhiên, thích thú nhận món quà, cảm ơn rối rít. Thích thú vì bất ngờ và sung sướng vì tôi là người duy nhất được quà. Cảm thấy mình thật hân hạnh. Có lẽ tôi nên bắt đầu tập chơi kendama như là một hình thức luyện cho mắt nhanh tay lẹ và tập thể dục nhẹ nhàng.

Khi về đến bến, chị chèo đò hớt hãi rượt theo đoàn người Nhật để đòi tiền hoa hồng. Đoàn người Nhật cương quyết không tặng tiền hoa hồng, vì người Nhật không có thói quen tặng tiền típ trong khi phục vụ hay mua bán. Họ bảo rằng họ đã cho tiền típ trong tổng số tiền họ trả cho dịch vụ du lịch. Chị chèo đò phải đòi từ những người tổ chức du lịch, và đại diện cho tổ chức dịch vụ du lịch là cậu hướng dẫn viên. Hành động của chị chèo thuyền có thể bị xem là kém tế nhị hay quá thô lỗ thậm chí tham lam. Nhưng, chuyện cho tiền hoa hồng có phải là trách nhiệm không, và trách nhiệm đó là của ai? Người Nhật rất tự trọng và hào phóng. Họ có cái lý của họ. Và người Việt (ban quản lý du lịch địa phương, tổ chức hướng dẫn du lịch, hay du khách?) nên đối xử cho công khai, rõ ràng, công bằng và lịch thiệp với những người chèo thuyền này.

Đoạn phim ông thầy đang biểu diễn Kendama

Trên đường về, tôi hỏi Huế cách cám ơn bằng tiếng Nhật và tên của ông thầy. Trước khi đoàn người Nhật xuống xe, tôi ngồi ở băng ghế phía trước đứng lên (thật may mắn cho người thấp đứng trong xe không đến nỗi khó khăn) chắp tay trước ngực nói “Mr. Hiromu Imada, Arigato!” Thưa ông Hiromu Imada, cám ơn ông. Cả nhóm người Nhật vỗ tay. Bạn thấy đó, biết được một ngôn ngữ khác, dù chỉ là một lời cám ơn cũng giúp cho tôi được hoan hỉ đón nhận. Món quà Kendama vẫn còn ngự trên kệ sách và tôi đã một vài lần tập chơi. Chưa giỏi nhưng tôi sẽ cố gắng.

11 thoughts on “Ông thầy Nhật Bản và món đồ chơi bằng gỗ kendama”

  1. Ảnh 1 là từ ねばり(nebari)nghĩa là sự kiên nhẫn, nhẫn nại.
    Ảnh 2 là từ 広島 (hiroshima) là tên một tỉnh ở Nhật ạ.
    Ảnh 3 là từ 心の(kokoro no) của trái tim.
    Cháu cũng từng có một cái kendama. Nhưng cháu chơi không giỏi. Thường để nó trong nhà như một món đồ trang trí nhiều hơn. Nó gợi nhớ đến những câu chuyện nhỏ trong Doraemon. Luôn khiến cháu cảm thấy thật thân thuộc với món đồ đó từ trước cả khi cháu thử chơi lần đầu tiên.

    Liked by 2 people

  2. Trái đất thật nhỏ bé. Cháu là con trai của “chị Huế” và cũng là người thường xuyên đón thầy Imada về nhà ở. Hôm đi chùa Hương mẹ có rủ cháu đi cùng nhưng vướng việc nên không đi theo được. Thầy Imada là một người rất tâm huyết với môn kendama, thường xuyên sang VN để dạy trẻ em môn này. Nhưng thầy cũng rất nghiêm khắc. Hễ thấy ai chưa thành thạo các bài tập cơ bản mà lại đòi làm một số động tác kiểu freestyle là thầy lại mắng. đọc được bài viết của bà Tám cháu lại nhớ đến mấy chiếc kendama đặt ở dưới tầng 1. Chắc là sẽ lấy 1 cái để tập lại.

    Liked by 3 people

    1. Đúng là trái đất nhỏ bé thật. Mẹ cháu có kể tí xíu về cậu con trai đi du học nước ngoài. Không ngờ Huế trẻ thế mà có con lớn. Chuyến đi thật là thú vị ngoài sức tưởng tượng của cô.

      Liked by 1 person

Leave a Reply to Yun Kut3 Cancel reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s