Lòng chàng có để một tơ vương
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi, vạn dặm đường.
(Thơ Nguyễn Bính)
Chép lại đoạn thơ, ngay câu đầu tôi đã tự hỏi “lòng chàng đã để một tơ vương” hay “có để một tơ vương?” Xem lại ảnh cũ ngày cuối cùng ở Hà Nội tôi đi vòng quanh các phố, chợt nhớ lại đoạn thơ của Nguyễn Bính viết về 36 phố Hà Nội. Có lẽ, chỉ một phần cái 36 phố này còn sót lại ở khu vực Phố Cổ ngày nay. Ba mươi sáu phố, nghe thì nhiều, tưởng rất rộng, ừ thì cũng rộng thật đấy, nhưng nếu thật sự muốn đi bộ thì cáng đáng 36 phố không phải là chuyện không thể thực hiện được (chẳng nhằm nhò gì với 4 hay 5 tiếng đồng hồ hiking trong rừng 🙂 xin phép bạn cho tôi nói phách một tí). Phố ở trong Phố Cổ lại rất ngắn. Bạn chỉ cần đi đến cuối đường, bị cắt ngang bởi một con đường khác, là cái phố bạn đang đi sẽ đổi thành tên khác. Từ Bắc xuống Nam, Hàng Than cắt ngang ở Hàng Dầu biến thành Hàng Giấy, chạy ngang chợ Đồng Xuân biến thành Đồng Xuân, cắt ngang ở Hàng Mã và Hàng Chiếu biến thành Hàng Dương, cắt ngang Lãn Ông và Hàng Buồm biến thành Hàng Ngang, sau đó biến thành Hàng Đào và chấm dứt ở hồ Hoàn Kiếm. Nếu bạn nghe bài hát “Hà Nội Ngày Tháng Cũ” ắt nhớ câu này “nhớ Hàng Bạc, nhớ qua Hàng Đào, nhớ cơn mưa phùn chạy ngang thành phố.” Và cũng trong bài này có câu “ai ra đi mà không nhớ về Tràng Thi ngày ấy, ta bên nhau.” Nhân vật trong bài hát của Song Ngọc, cũng như nhân vật trong bài thơ của Nguyễn Bính, họ yêu những “Hàng” những “Phố” của Hà Nội chỉ vì ở trong 36 phố phường này không có “bao nhiêu chim lạ bao nhiêu bướm. Không có gì đâu,” nhưng mà, “có một người.” (Thơ Nguyễn Bính). Người họ yêu. Nhờ có người này mà anh chàng trong thơ Nguyễn Bính đã đi tới đi lui mãi cho đến khi “ghép (hay góp) lại đường đi vạn dặm đường.” Tràng Thi thì ở đâu? Bạn có thắc mắc? Ở phía nam của hồ Hoàn Kiếm. “Đường” hay “Phố” Nguyễn Thái Học, biến thành Tràng Thi, rồi Hàng Khay rồi thành Tràng Tiền. Ở đây có nhiều nhà hàng, quán kem, quán bia, và nếu bạn đi loanh quanh hồ Hoàn Kiếm, bạn sẽ gặp rất nhiều quán kem. Ngày xưa ai nhắc đến kem bờ hồ cũng bảo là ngon phải biết. Ai nhắc kem bờ hồ, phải ông Duyên Anh không? Cái đám Thằng Vũ, Con Thúy, Thằng Côn rủ nhau đi chơi ở cầu Bo Thái Bình có kéo nhau ra Hà Nội đi ăn kem bờ hồ không? Tôi hỏi cái hồ trí nhớ đã dần dần khô cạn của tôi.

Ở đây tôi bắt gặp một buổi chụp ảnh đám cưới, chụp nháp, ở trước mặt nhà thờ St. Joseph. Nhà thờ này chỉ vài cách Tràng Thi vài con phố.

Câu cá là một thú vui tao nhã, nhưng thường bị cấm. Tôi thấy ở hồ Tây cũng như ở kênh Nhiêu Lộc đều cấm câu cá. Trên đường đến chùa Trấn Quốc ở hồ Tây, tôi đi ngang hồ Trúc Bạch nơi có đền Quan Thánh thấy người ta câu cá. Sau đó thấy có một anh công an mặc đồng phục màu xanh lá cây đến, trong lúc anh loay hoay khóa xe máy, người ta cất hết dây câu, có người cất không kịp ném luôn xuống hồ. Các anh câu khôn ngoan không dùng cần câu, họ chỉ có dây câu quấn vào một cái ống hay cái vòng, và thủ tiêu chứng cớ nhanh như chớp. Tôi đoán anh Công An cũng chẳng muốn bắt ai, chỉ muốn đe dọa cầm chừng để người ta đừng làm quá, có lẽ sợ ô nhiễm hồ, vì nếu bắt người câu thì anh phải làm biên bản mất công. Vừa cực thân vừa bị nhân dân ghét 🙂


Đường phố nơi này thật là đáng yêu. Bạn sẽ thấy Hàng Cá, Hàng Chả Cá và Hàng Mắm gần bên nhau, nhưng tôi quên không tấp vào để xem Hàng Cá có bán cá và Hàng Mắm có bán mắm hay không.
Không đợi đến tuổi đọc thơ tình và học thơ Tiền Chiến tôi mới biết đến “Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Nguyễn Bính. Tôi biết Hà Nội băm sáu phố phường từ thưở mới tập tành với ca dao.
Hà Nội băm sáu phố phường.
Hàng Mứt, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh.
Từ ngày ta phải lòng mình
Bác Mẹ đi rình đã mấy mươi phen
Làm quen chẳng được nên quen
Làm bạn mất bạn ta liền quên nhau

Nếu bạn lớn lên cùng thời với tôi ắt biết bài thơ của Tạ Tỵ có câu “thương về năm cửa ô xưa. Cửa ô ơi cửa ô, nhớ thương biết mấy cho vừa.” Đi ngang cửa Bắc hoàng thành Thăng Long Hà Nội, nơi đây ngài Hoàng Diệu cố thủ khi Pháp tấn công hoàng thành lần thứ hai vào ngày 25 tháng 4 năm 1882. Cửa Bắc bị hai vết đạn đại bác giờ vẫn còn lưu dấu. Thấy cửa Bắc chợt nhớ cửa ô mà ông Tạ Tỵ đã nhắc. Cửa ô là gì? Giờ có còn không? Đâu rồi “năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù.” (Trích bản nhạc Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội) Đâu rồi?
Tôi đi trong lòng 36 phố phường Hà Nội ngày nay vẫn lưu ý tìm dấu vết của một Hà Nội trong thơ cũ, nhạc cũ. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều hình ảnh của Hà Nội ngày xưa, ngày nay vẫn còn. Thí dụ như “Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ, liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ.” Và dưới đây bạn sẽ nhìn thấy hồ Gươm (Hoàn Kiếm) về đêm. Có lúc bạn sẽ nhìn thấy “có bóng trăng thơ in trên mặt hồ,” hay là “Hồ Gươm mù bóng gương xưa.” Tôi thì đã nhìn thấy “Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi.” Ơ, nhưng mà trong trí nhớ của tôi, tôi đã từng ngâm nga, mắt hồ là ánh gương soi. Mắt chứ không phải là nước. Nhưng mà, như đã nói, trí nhớ của tôi không còn đáng tin cậy cho lắm.
Có những thứ tôi đi tìm mà không thấy, hay chưa thấy. Lần đầu năm 2005 tôi hỏi cậu hướng dẫn viên, có bao giờ nhìn thấy trái cơm nguội chưa. Cậu bảo chưa, nhưng mà ở Hà Nội thì không có đâu, phải về quê cơ.

Tôi biết có nhiều người, con, hay cháu, của (người) Hà Nội, nhưng chưa bao giờ có dịp nhìn thấy Hà Nội, có nhiều câu hỏi giống như tôi. Đâu rồi cây cơm nguội vàng. Đâu mùi Hoàng Lan, đâu rồi mùi hoa sữa. “Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.” thì thấy đây. Cây bàng lá đỏ thì không hiếm nhưng còn cây bàng mồ côi mùa đông thì ở đâu vậy hỡi người Hà Nội? Nếu bạn muốn tìm giậu bìm bìm cũ, hay hoa vông hoa gạo rơi tả tơi thì phải ra khỏi Hà Nội xa xa một chút, cỡ Tam Cốc Hoa Lư, hay gần nhất cũng phải Đường Lâm.





Ở Phố Cổ, tôi nghĩ đáng lo lắng nhất là hỏa hoạn, có ít nhất là hai lần trong hai buổi tối khác nhau, tôi tận mắt nhìn thấy lửa xẹt ra ở những trụ điện nơi dây điện chằng chịt quấn vào nhau, chằng chịt hơn những sợ dây leo mọc trên cây trong rừng. Có ít nhất là một lần lửa cháy sinh ra mất điện, hàng quán tối thui. Một lần khác lửa bốc cháy mấy sợi dây điện có lớp nhựa bọc bên ngoài. Người ta đứng gần nhìn lo lắng. Dưới cột điện là ngõ sâu hun hút. Tôi lo sợ nếu lửa bốc ở đầu cái ngõ này, người trong ngõ chạy đi đâu?







Tuy là chưa đủ ba mươi sáu phố nhưng tôi mỏi tay và chắc bạn cũng chán rồi. Thôi tạm dừng ở đây, mai mốt thèm thì viết tiếp.
Cháu rất thích thú với bài viết của cô Tám, một phố cổ Hà Nội trong con mắt du khách.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLike
Thương Hà ghê đi, cảm ơn Hà đã đưa Thảo đi thăm Hà Nội 36 phố Phường. Hà mệt rồi thôi nghỉ chút đi. Mấy hôm nay Thảo cũng đau nhiều lắm, chán cái mớ đời!
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Dã Thảo. Đau làm sao, ngã hay ốm? Wally sao rồi?
LikeLiked by 1 person
Bị chóng mặt nhiều lắm Hà ơi, phải nằm hoài trên giường không làm gì được. Hôm nay bớt chóng mặt nhưng vẫn còn mệt lắm. Wally vẫn vậy, Bác Sĩ nói không mổ được vì lớn tuổi quá.
LikeLiked by 1 person
Đi bác sĩ thử xem có bị vertigo không đi chị Quế. Nhiều khi bị cảm sổ mũi nước mũi rỉ vào bên trong của tai có thể sinh ra vertigo. Hà có lần bị nặng lắm, nằm xuống là thấy cái giường quay tít, không thể ngồi dây. Lâu lắm mới hết.
LikeLiked by 1 person
Quế có đi BS, có toa thuốc và uống được năm ngày rồi, bớt chóng mặt nhưng vẫn còn mệt lắm không ngồi lâu được nên Quế phải nằm hoài. khong biet khi nao moi het day Ha oi.
LikeLiked by 1 person
cửa ô, giờ vẫn còn Ô Quan Chưởng đó, ko biết cô có đi qua đó xem chưa?
LikeLiked by 1 person
Chưa cháu ạ. Dịp khác có thể cô sẽ.
LikeLike
Man mác thế!
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn Bà Tám chia sẻ hình ảnh Hà Nội ba mươi sáu phố phường ngày nay ạ. ❤ Được đi theo chân BT khắp nơi thật thích.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn Dã Quỳ.
LikeLiked by 1 person
“Tôi hỏi cái hồ trí nhớ đã dần dần khô cạn của tôi.”
Đọc mà vừa thích thú, vừa lo sợ cô Tám ơi :”(
LikeLiked by 2 people
Cám ơn cháu. Lo sợ thì cũng thế thôi cháu ơi.
LikeLiked by 2 people