The Cannery Row

Hôm nay tôi xin mời bạn cùng tôi đến thăm The Cannery Row, một con phố rất nhỏ ở vùng ven biển Monterey thuộc tiểu bang California. Trước kia nó là con đường mang tên Ocean View, sau đổi thành tên Cannery Row để vinh danh John Steinbeck, người đã viết quyển sách The Cannery Row.


Đây là một công ty địa ốc nổi tiếng ở Monterey. Giá tiền đất ở vùng này khoảng chừng $400/square foot tương đương với $4000/mét vuông

John Steinbeck sinh ngày 27 tháng Hai năm 1902 mất ngày 20 tháng Chạp năm 1968. Ông là đại văn hào của Hoa Kỳ, được giải Nobel Văn chương năm 1962. Những tác phẩm của ông mà tôi đã đọc là The Red Pony, East of Eden, Of Mice and Men, The Grapes of Wrath. Những tác phẩm này được làm thành phim và tôi cũng đã xem. Một số truyện ngắn của ông tôi đã đọc nhưng bây giờ chỉ còn nhớ một vài truyện thí dụ như The Chrysanthemumthe Pearl. Tôi thấy tác phẩm quan trọng nhất của ông Steinbeck là quyển The Grapes of Wrath.

Một góc nhìn ven biển Monterey

Monterey là vùng biển đẹp. Hằng năm có khoảng bốn, năm triệu người đến chơi, xem. Càng nổi tiếng hơn vì đây là quê hương của Steinbeck. Nhà văn này sinh ra ở Salinas, cách Monterey chừng một giờ lái xe. Cách đây vài năm, hình như 2016, tôi có đến National Steinbeck Center, nằm trong Salinas, để xem triển lãm toàn bộ tác phẩm của ông Steinbeck. Năm nay ông Tám thuê nhà trọ cũng ở Salinas cách National Steinbeck Center chỉ độ ba miles, và lái xe đưa tôi đến Monterey. Cùng là Salinas, nhưng chỗ tôi ở trọ có lẽ ở giáp ranh giữa ngoại ô và thành phố nên chỉ cần lái xe một chút xíu là đã có vẻ nông thôn với những cánh đồng artichoke xanh mướt mắt.

Một góc phố Monterey nơi có phòng chưng tranh của Thomas Kinkade. Bạn nào yêu thích tranh chắc biết tên họa sĩ Thomas Kinkade. Tranh của ông đặc biệt với màu sắc và ánh sáng tỏa ra từ bên trong, nhất là tranh vẽ những ngôi nhà cottage trong mùa lễ Giáng sinh.

Tôi đến vào một ngày gần cuối hè, nắng giữa trưa rất chói chang. Thành phố Monterey có hơi hướm châu Âu, với những bức tường màu vàng nhạt và màu hoa đỏ thắm. Đây đó một góc vườn mà chỗ tôi đứng nhìn có vẻ như tôi đang đứng trong một bức tranh của Monet.

Góc vườn giống từa tựa bức tranh Sainte Adresse của Claude Monet

The Cannery Row xuất bản năm 1945 nói về cuộc sống của những người sống ở Monterey vào lúc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế. Trong Monterey có một phố toàn là những nhà máy đóng hộp cá mòi (sardine), vì vậy có tên là Cannery Row. Lúc đến nơi này tôi đọc chưa xong quyển The Cannery Row, ngồi trên máy bay tôi đọc một cách chắp vá nên không nhớ rành mạch, tên của những nhân vật được thể hiện qua bức tượng điêu khắc này. Ngồi trên cao nhất là tác giả John Steinbeck. Bốn người bên dưới là bốn nhân vật đã được đổi tên, nhưng dựa vào bốn người có thật đã góp phần xây dựng thành phố này vào những buổi đầu tiên nghèo khó.

Ngồi phía dưới gần sát bệ là nhà hải dương sinh vật học (marine biologist). Trong truyện the Cannery Row được gọi tắt là “Doc” dựa trên nhân vật có thật là Ed Ricketts.

Ed Ricketts là bạn thân lâu năm của văn hào Steinbeck. Hai ông thường đi chung với nhau vài ngày, những lúc Ed Ricketts đi săn lùng những con thú biển và cả ếch nhái để làm thí nghiệm (và bán cho những người hiếu kỳ muốn tìm hiểu hay nuôi những con vật sống trong biển cả), và John Steinbeck muốn tạm dừng bút để nghỉ ngơi. Ed Ricketts có ảnh hưởng sâu đậm đến sự nghiệp văn chương của John Steinbeck. Sau cái chết của Ricketts, Steinbeck mất đi sự sung mãn trong văn chương.

Bó hoa cắm trong tay bức tượng của Ed Ricketts
John Steinbeck
Biển Monterey với những con chim, hay vịt biển bơi và đậu trên hòn đá.
Một góc biển gần Cannery Row. Nơi đây vào thập niên đầu những năm 1900 cá mòi (sardines) theo sóng vào trắng bạc cả bờ biển. Theo chiến tranh thứ Hai, số hộp cá mòi được sản xuất tăng đến một triệu bốn trăm ngàn một năm. Sau năm 1945, nhu cầu tiêu thụ cá hộp giảm dần và số lượng cá mòi tấp vào bờ bỗng nhiên biến mất.

Đứng ở góc biển này, tôi ngửi thấy mùi cá mòi. Nói thật đấy nhé, tôi biết chắc chắn là tôi ngửi thấy mùi cá mòi chứ không phải tôi tưởng tượng đâu. Đang đứng phía trên chỗ gần mấy bức tượng, ông Tám cao hứng muốn xuống để được nhúng tay vào nước biển. Nói thế nhưng khi đến tận nơi ông nói rằng đó chỉ là một cách nói tượng trưng. Tảo đỏ trôi dạt lên bờ, khô biến thành màu nâu.

Một ngôi nhà cổ ở phố Cannery Row
Ở góc này, tôi có thể nhận ra hai nhân vật trong quyển Cannery Row. Ông già người Tàu làm chủ tiệm chạp phô Lee Chong, và cô gái ngồi bên trên (tôi đoán) là nhân vật Dora. Tôi không nhớ ra người phụ nữ có xách đôi giày là ai trong truyện Cannery Row

Lee Chong là chủ tiệm chạp phô. Tiệm của ông tuy nhỏ nhưng có đủ thứ cần dùng cho người dân trong vùng. Người dân ở đây thường là những người làm việc cho xưởng đóng cá hộp. Họ thường khi mua chịu, mua trước chờ lãnh lương trả sau, nghe sao giống người mình hồi trước năm 75 quá. Có người nợ nhiều không trả nổi, hoặc không muốn trả, ông Lee Chong chẳng nói gì chỉ ngừng không bán chịu. Ông biết trước sau gì những người trong vùng cũng phải trả nợ cho ông bằng cách này hay cách khác vì họ không thể mua hang ở nơi nào khác.

Dora là một người làm chủ tiệm bán rượu và bán niềm vui. Nàng có một số đông các cô gái làm việc dưới quyền. Khi được yêu cầu các cô này cũng góp sức làm việc xã hội.

Căn nhà tôi ở trọ ở Salinas
Mấy cái hoa trong vườn chủ nhà trọ ở Salinas
Ruộng rau cải ở Salinas, ở xa không biết người ta trồng gì, đa số là cải kale, artichoke (ạc-ti-sô) , hoặc là cải xà lách (lettuce). Thường là trên những cánh đồng xanh ngát này, ít khi nhìn thấy người, nhưng ở Salinas tôi thấy người thu hoạch rất nhiều. Họ làm việc có hệ thống, nhiều máy móc, xe cộ vào đến tận nơi để chở những thùng rau cải đi phân phối.

12 thoughts on “The Cannery Row”

    1. Ông xã có hai ba việc cần phải làm ở California, ông rủ Hà đi theo. Thường thì Hà không đi nhưng lần này Hà đi. Sẵn đã đi thì làm một chuyến đi chơi xem những chỗ nghe tiếng mà chưa thấy. Hà không đủ thì giờ nên chưa đi Carmel, Big Sur. Được đi Lake Tahoe, Auburn, Napa, Sonoma, xem một cái mission ở Sonoma, 17 mile Drive ở Pebble Beach, vào Oxbow market nhưng không ghé vườn nho nào, hơi tiếc. Không ghé vì sợ uống wine chỉ cần nhấm nháp vài ba ngụm cũng đã thấy uể oải tay chân, đầu óc kém nhạy bén. Hà đã đến Salinas hình như năm 2016 vì muốn tìm hiểu về the Grapes of Wrath cũng như một số tác phẩm khác của Steinbeck. Các tác giả Mỹ Hà đọc nhưng không thấy gắn bó cho lắm.

        1. Ồ không phải Hà có ý nói như thế đâu. Hà có đọc vài truyện ngắn của Faulkner, Burning Barn là thí dụ. As I Lay Dying đọc và xem phim. Chưa đụng đến Absalom! Absalom!. The Sound and Fury cầm lên cầm xuống rồi đọc không hết. Chừng nào có điều kiện sẽ tìm đến nơi có di sản của William Faulkner. Hà không mặn mòi gì với tác phẩm của Jack London nhưng đợt đến California vừa qua cũng tìm đến và đọc một hai truyện của Jack London. Bây giờ thì vẫn còn nhớ truyện nổi tiếng của Jack London, Burn a Fire. Hemingway thì đọc nhiều hơn. Nhiều tác giả danh tiếng quá Hà đọc không hết. Rồi Hà lại muốn tìm hiểu các tác giả đương thời, rồi đi chơi, rồi chụp ảnh. Hà còn muốn đến những nơi có di sản của Kate Chopin để xem, thích đủ thứ nhưng làm không xuể. Thú thật, Hà đọc các tác giả danh tiếng một cách uể oải khó khan có lẽ vì già tâm trạng luôn mệt mỏi nhốn nháo. Dạo sau này Hà chỉ đọc được non-fiction hoặc những thứ linh tinh. Chẳng biết mình đọc để làm gì, viết để làm gì.

          1. Mai cũng vậy. Đọc các tác giả danh tiếng classique hồi còn đi học nhưng bây giờ thì xong rồi. Bây giờ Mai cũng thích các tác giả Middle East nữa.

            ps. Hà ơi, sáng nay Mai vào blog của mình và thấy một Avatar mới “Gia Định”, click vào đó thì dẫn đến blog Chuyện Bâng Quơ của Bà Tám. Có phải Hà Bà Tám đó không? Mai thấy xa lạ ghê.

              1. Ôi, Mai một phen lo lo không biết có ai dùng identity của Hà không. Đến khi đọc được reply này của Hà thì Mai mới yên bụng thở phào. Cho Mai gởi lời cám ơn Ông Tám nhé.

  1. bài hay qua bà Tám. Em đi Monterey mấy lần luôn rồi á, mê nơi này quá chừng luôn, bà Tám đi thêm chút xíu thôi là qua Carmel đẹp càng mê nữa.
    Mà đi bao lần vẫn chưa đọc tác phẩm, bà Tám kể hay quá, phải tìm đọc mới được

    1. Lucie Nguyen hiện nay ở đâu? Mình có lúc tưởng 17 miles scenery drive thuộc về Carmel đó chứ? Quyển Cannery Row có lẽ chỉ thú vị với người địa phương thôi, chứ mình thấy nó không có gì đặc sắc lắm. Nó có chút khôi hài, cái quan sát sắc bén của tác giả nhưng không có một cốt truyện rõ rệt thiếu tình tiết éo le. Mình nghĩ đó là điều dĩ nhiên nếu độc giả đọc quyển Cannery Row sau khi đọc những cuốn khác như The Grapes of Wrath và Of Mice and Men.

      1. em về lại VN rồi 🙂 , thời gian sống bên Cali em đi 17 mile, monterey và carmel mấy lần do mê đường biển này quá. em mê đọc truyện Mỹ, nhưng mấy cuốn này thì chắc cũng khó đọc, nhưng tới monterey mà thấy đẹp thì chắc cũng nên tìm đọc cannery row xem sao chứ Bà Tám hen

Leave a comment