Chuyện xếp hàng ở Việt Nam

Tôi ít đi du lịch.  Lần về Việt Nam tháng Ba năm 2019 có nhiều chuyện hay, nhưng thú vị nhất vẫn là những người tôi đã gặp.  Có vài chuyện tốt và một chuyện không tốt mấy, tôi kể chuyện không tốt trước để dẹp nó sang một bên. Chuyện tốt có nhiều hơn xin hứa sẽ kể sau, kẻo bạn trách tôi không công bằng.

Chuyện người Việt Nam không thích xếp hàng ở Việt Nam thì xưa rồi, thay đổi nhiều rồi.  Ở phi trường Tân Sơn Nhất, Nội Bài, và phi trường Đà Nẵng, hầu như chín mươi chín phần trăm người ta xếp hàng đàng hoàng. Những người xếp hàng này có cả Việt Nam lẫn ngoại quốc, tôi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung quốc, tiếng Pháp, hay tiếng Anh.  

Lúc xếp hàng ở phi trường Đà Nẵng để vào Sài Gòn tôi gặp một cô gái trẻ độ hơn hai mươi.  Tóc đen cắt ngắn uốn dợn sóng.  Cô khá cao độ 1 mét 65 hay hơn, lớn xương, màu da trắng ngà, khiến tôi tự hỏi không biết cô là người Nhật hay Hàn.  Cô đeo ba lô, mặc áo da màu đen, quần jean màu đen rách lỗ chỗ (rách một cách cố ý), mang giày ủng (boots) gót cao nhọn (stiletto) cũng màu đen.  Trông cách ăn mặc và trang điểm, cô giống như một ca sĩ nhạc rock hay một người ở nước ngoài về.  Mà trời ạ, tháng Ba ở Đà Nẵng chẳng khác gì Sài Gòn, trời nóng 35 hay 37 độ C. thế mà cô mặc tuyền đen lại có cả áo da kiểu blouson và cổ có quấn lơi cái khăn quàng như thể cô chuẩn bị đi New Zealand.  Cô đi từ phía sau tôi, vượt qua tôi, ngừng lại trò chuyện với người đứng trước tôi, bằng tiếng Việt.  Cô nói những chuyện giấy tờ, hỏi han cái gì đó về những chuyện nguyên tắc luật lệ hàng không.  Xong cô ngước mắt về phía các nhân viên điều hành có vẻ như cần phải hỏi cái gì đó quan trọng lắm.  Và cô cứ từ từ tiến tới về phía trước tôi, dừng lại hỏi một người nào đó dăm ba câu.  Chừng vài ba lần như thế chẳng bao lâu cô đã tiến đến chỗ người ta xét giấy tờ cho vào bên trong phi trường.

Tất cả mọi người chung quanh, cũng như tôi, đều nghi ngờ nhưng không cả quyết, rằng cô gái mánh mung để không phải xếp hàng.  Tự nhiên tôi cảm thấy tức giận.  Tức vì mình bị lừa bởi một cô gái khôn lỏi.  Tức vì cô làm thế là làm xấu hổ người Việt Nam, người ngoại quốc sẽ bảo rằng người Việt Nam thiếu văn hóa.  Nói cặn kẽ hơn là thiếu văn hóa xếp hàng.

Tôi nói vọng lên phía trước.  Này cô kia, cô mặc quần áo đen kia, cô làm như thế là không tốt.  Cô chẳng buồn nhìn đến tôi, nhưng khi nghe tiếng tôi quát tháo cô nhìn về hướng tôi và nhận ra là tôi đang nói đến cô.  Tôi không thường nói lớn tiếng vì hễ tôi nói lớn, cổ tôi bị đau.  Nhưng hôm ấy tôi lên giọng um sùm, chung quanh mọi người nhìn tôi với đôi mắt hiếu kỳ.  Không hiểu tại sao bà già này lên cơn.  Cô gái trả lời tôi.  “Nói tiếng ấy người ta chẳng hiểu gì đâu.”  Cô nói bằng tiếng Việt, giọng miền ngoài.  Còn tôi, trong lúc tức giận, đã dùng tiếng Anh theo phản xạ của một người sống ở Hoa Kỳ lâu năm, và làm việc chỉ toàn với người Mỹ.  Tôi cũng không nhận ra là tôi đang nói tiếng Anh.  Tôi nói bằng tiếng Việt, xuống giọng nhưng vẫn còn hậm hực.  “Cô vượt hàng đi lên trước như thế là không tốt.  Cô dùng cái khôn lỏi của cô để đánh lừa mọi người.  Không tốt. Không tốt chút nào cả!”  Cô nhún vai không trả lời.  Anh công an kiểm tra giấy tờ điềm nhiên đóng dấu vào giấy tờ của cô. Tôi nghĩ thầm lẽ ra anh ta phải bảo cô gái xuống phía dưới xếp hàng cho đàng hoàng chứ.   Về phần cô gái tôi muốn nói thêm, ăn mặc như Tây mà hành động chẳng Tây chút nào, nhưng kềm lại không nói.

Chung quanh tôi quang cảnh trở lại với những tiếng động bình thường.  Tiếng đẩy hành lý về phía trước.  Tiếng lê bước của giày dép.  Tiếng trò chuyện.  Cô gái đi nhanh hơn mọi người có lẽ 20 hay 30 phút.  Chẳng là bao so với những người có dư thì giờ, như tôi, vì về hưu rồi và đang đi chơi, có gì đâu mà gấp.  Chuyện cỏn con không có gì phải ầm ĩ.

Người Việt tránh xếp hàng, tìm cách vượt hàng để được lên phía trước đi cho nhanh chóng.  Người Tây phương họ rất thông minh nên họ học hỏi tật xấu rất nhanh.  Trong lúc đứng xếp hàng ở Đà Nẵng để lên máy bay vào Sài Gòn, có một nhóm người ngoại quốc cả đàn ông lẫn đàn bà ở phía sau tôi khá xa, nhưng vì những làn cho người đứng xếp hàng được căng dây theo hình “đường ruột” hay “chữ z” nên họ đứng hầu như song song nhưng quay mặt về phía sau tôi.  Họ nói chuyện với nhau bằng một ngôn ngữ tôi không nhận ra, có khi chêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.  Như vậy có thể họ là người Đức, hay Hà Lan.  Một người phụ nữ to béo, tóc ngắn, người thấp, nói với bạn bằng tiếng Anh.  Nâng sợi dây ngăn lên, cả đám mình qua hàng bên này, cho nhanh.  Bà bạn ngần ngừ.  Bà phụ nữ to béo nói tiếp.  “Ai cũng làm như thế cả.  Không sao đâu.” 

Lần này thì tôi chẳng buồn lên tiếng.  Họ là người ngoại quốc đến chơi.  Mình sửa sai họ thì cũng có vẻ… không hiếu khách.  Mà họ nói cũng có phần đúng.  Ai cũng làm như thế cả.  Không phải tất cả mọi người đều làm thế.  Chín mươi chín phần trăm người Việt và người ngoại quốc đứng xếp hàng theo đúng thủ tục ngoài kia.  Chỉ có một phần trăm người Việt giở thói khôn lỏi và người Tây bắt chước.

À!  Tôi cũng nhận thấy có một số người đặc biệt, quan chức hay những nhà đại gia quan trọng, được miễn xếp hàng, cứ đi vào một lối riêng.  Không ai phiền trách gì cả.

Phải công nhận một điều, so với năm 1991 và 2005, người Việt mình xếp hàng một cách có ý thức hơn nhiều.

Một góc phi trường Đài Loan vào lúc năm giờ sáng
Bên trong bưu điện thành phố Sài Gòn

22 thoughts on “Chuyện xếp hàng ở Việt Nam”

  1. Em cảm ơn chị đã viết câu chuyện này. Em cũng gặp những trường hợp thế này nhiều lần, và cũng nhiều lần nói như chị. Điều đáng tiếc là họ ăn mặc rất sang trọng, trang điểm rất kỹ càng nhưng hành xử thiếu văn hóa đến điều nhỏ nhất là xếp hàng.

  2. Hihi. Đợt gần đây em đang xếp hàng ở hải quan thì hàng kế bên có 1 anh người Czech đội nón lá từ đâu đó tiến lên đầu hàng, quay lại hất hàm bảo 1 anh bạn khác tiến lên luôn đi rồi từ từ lách vào hàng (nói to bằng tiếng czech, vì em đi chung với bạn người czech anh ấy dịch lại cho em hiểu). Chắc về vn họ cố gắng “hoà nhập” văn hoá. Em góp tí chuyện cho vui 🙂

    1. Người có đạo xếp hàng vào Toà vẫn ăn gian .
      Một lần tôi đi Nhà Thờ DCCT Saigon và xếp hàng vào Toà Cáo giải . Tôi gần 80 chẳng ai nhường tôi không nói làm gì . Nhưng gần tới nơi rồi, còn 2-3 người nữa thôi thì một bà U 70 đến gần và nói giọng miền ngoài, xin ông cho 2 cháu nhà tôi phải đi học vào trước kẻo trễ giờ . Tôi thấy chẳng quan trọng gì nên đồng ý . Hai cậu đeo ba lô lên đứng trước tôi . Đến lượt tôi vô Toà. Xong, tôi ghé qua Nhà Sách của Nhà Dòng gần đó thấy hai cậu đang dạo qua mấy quầy bán hàng . Tôi giận điên lên , muốn quát cho chúng một trận . Nhưng nén giận vì mình mới xin Chúa tha tôi . Trong bụng nghĩ mấy mụ BK này vào Toà Cáo Giải mà còn nói dối làm sao Chúa tha tôi cho được !

  3. Reblogged this on Yun Kut3's Blog and commented:
    Nghe mà buồn, đúng con sâu bỏ rầu nồi canh.
    Nhưng mà đúng là ý thức dân mình đi lên cô ạ, tự dưng ai chen hàng cảm giác như sinh vật ngoại lai.

    Đoạn đầu cháu cũng ngờ ngờ, chắc cô nói tiếng Anh theo phản xạ chứ sao lại tiếng Việt thế kia, đọc xuống dưới quả nhiên 😀

    1. Đầu óc cô lộn xộn lắm. Cứ tiếng Việt tiếng Anh loạn xạ. Cô nghĩ nếu người không xếp hàng là những người lem luốc, hay thô lỗ, hoặc đang có gì vội vã khẩn cấp cô chẳng tức giận nhiều. Chỉ thấy cô gái ăn mặc như người giàu có sang trọng, ở nước ngoài về, giở trò để qua mắt mọi người, coi như mình khôn hơn thiên hạ, cô bỗng đâm tức.

  4. Cháu mới thấy trick này lần đầu đó 🙂 Mà không hiểu làm thế để làm gì. Nhanh hơn được vài phút, vào bên trong cũng phải chờ máy bay mà. Chưa kể máy bay của cô đó bị delay, nên cuối cùng không biết ai nhanh hơn ai đâu.

    1. Thì vậy. Có lẽ cô ấy chỉ muốn chứng tỏ là mình khôn hơn cái đám đông đang tuân theo nguyên tắc luật lệ mà xếp hang.

  5. Vợ chồng con đi du lịch nhiều và hầu như ở nước nào cũng thỉnh thoảng gặp những người như vậy ạ, len lén cắt hàng. Chồng con ổng rất ghét kiểu này nên lần nào thấy là ổng la thật to lên phản đối. Thông thường người ra xấu hổ bỏ đi luôn, người trẻ thì giả bộ ô sorry sorry, còn nói không phải, các phụ nữ hơi lớn tuổi có vẻ cậy mình phụ nữ và già, thường hay giả lơ thậm chí còn cự lại rồi cứ đứng đấy. Ở các nước kém phát triển, nhân viên người ta không từ chối những người này, thật dở.

  6. Từ sau 30/04/75 cộng sản luyện dân mình giống cộng sản, điêu ngoa dã dối xảo quyệt. Chuyện xấu ở bên nhà nói hoài cũng không hết.

  7. Con cũng bị một lần như cô, chỉ khác là tức quá mà không dám lớn tiếng vì lúc đó đang mặc đồng phục, và người chen hàng là một hành khách hạng thương gia…

    1. Hì hì. Thường dân như mình thì có nhiều người, nhiều giai cấp mình phải né. Tưởng làm phi công thì không phải xếp hàng chứ.

Leave a comment