Đồng bạc không lớn như bánh xe bò

Đồng bạc không lớn như bánh xe bò.

Thấy trên Facebook có một anh Tây đi du lịch ở Nhật than phiền về chuyến đi không may mắn của anh ta.  Vì bị trễ chuyến xe, mà lỗi là tại hãng xe nào đó treo cái bảng quảng cáo to quá che mất bảng tuyến đường skyline access anh cần dùng, nên anh đành lấy tắc xi.  Sau khi trả giá hai bên thỏa thuận, anh tài xế tắc xi sẽ đưa vợ chồng anh Tây này từ phi trường đến khách sạn của anh ta ở vùng giữa thành phố Tokyo với giá 50 USD.  Anh Tây đưa địa chỉ cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật và anh tài xế chắc chắn là biết chỗ và hứa sẽ đưa đúng đường.  Dọc đường anh tài xế than đường xa quá, mưa lại đổ xuống dầm dề, anh đòi thêm tiền.  Vợ chồng anh Tây túng thế đồng ý tăng từ 50 lên 70 USD.  Chỉ một chốc sau, anh tài xế đổi ý không đi nữa và đuổi vợ chồng anh Tây ra khỏi xe, bắt phải trả 40 USD.  Đến đây thì hai bên cãi vã dữ đội cuối cùng cảnh sát được gọi đến.  Tất cả mọi người đều phải về bót cảnh sát để giải quyết vấn đề.  Cô vợ Tây sợ hãi nên khóc nức nở.  Anh tài xế cáo buộc với cảnh sát anh Tây dùng con dao găm uy hiếp anh.  Khi cảnh sát khám xét thì thấy anh tài xế hiểu lầm, tưởng một cái dụng cụ nào đó là con dao.  Mọi chuyện có lẽ ổn thỏa vì anh Tây đón chuyến xe skyline access sau đó, về đến khách sạn anh viết một bài trên facebook.  Kinh nghiệm đắng cay làm anh trở nên cay đắng với người Nhật.  Anh kết luận là không phải người Nhật nào cũng tử tế. 

Người mình có nói.  Ở đâu cũng có anh hùng.  Ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên. 

Mấy quyển sách chỉ cách đi du lịch Nhật đều nhấn mạnh, từ phi trường về khách sạn mà đi tắc xi thì giá rất đắt.  Có một cô nàng nào đó trả cuốc tắc xi từ phi trường Nhật về khách sạn tốn hết hơn 200 USD nhưng với cô chỉ là một bài học đắt giá hơi méo túi tiền chứ không đến nỗi lôi kéo cả cảnh sát Nhật vào cuộc. 

Tháng Ba (2019) tôi ra Hà Nội.  Ông Tám nói trước sẽ đưa tôi đi từ phi trường về khách sạn bằng xe buýt.  Giữa lúc ông ngó chung quanh tìm hướng đi thì có một anh tài xế tắc xi chờ sẵn ở bên đường đến gần dắt tay ông Tám đến chiếc tắc xi của anh.  Anh tài xế thấp người, chân phải ngắn hơn và yếu hơn chân trái nên anh đi bước thấp bước cao.  Anh còn trẻ, có vẻ quê mùa, giọng nói của dân miền ngoài Hà Nội, luôn gọi ông Tám bằng ông và xưng con. 

Lên xe ngồi, càng lâu trong chuyến hành trình tôi càng sốt ruột.  Thấy đồng hồ giá tiền tắc xi cứ nhảy vọt.  Tôi làm một bài toán nhẩm, cho chẵn dễ tính cứ 20 ngàn đồng VN là 1 đồng US.  Giá tiền tăng dần từ 20, đến 30, đến 40 đô la.  Tôi tự hỏi trông anh quê mùa như thế không biết anh có bịp chúng tôi không.  Những cuốn sách du lịch Việt Nam đều chỉ cho cách nhận ra cái đồng hồ tính tiền theo đường dài đã bị chế biến để gian lận khách như thế nào.  Tôi nghĩ có nhận ra những dấu hiệu này thì cũng đã muộn.  Vả lại mới đi tắc xi Hà Nội lần đầu không có tour guide, mình đâu biết giá cả bao nhiêu, đường dài bao nhiêu. 

Bảng chỉ đường, những cái bảng hiệu màu xanh, trên đường cao tốc, bảo rằng vào Hà Nội đi hướng này, nhưng anh tài rẽ sang một nhánh vào đường khác, đi một lúc thấy cũng quay trở lại đường cao tốc.  Tôi tự hỏi không biết mình phải trả bao nhiêu tiền cho chuyến đi này.  Khi anh ngừng xe cho chúng tôi xuống thì giá tiền chuyến đi tương đương với 50 đồng US.  Tôi thầm nghi là chúng tôi bị lừa, nhưng cũng mừng đó không phải là 100 hay 200 đồng US. 

Hôm sau, trò chuyện với cô chủ khách sạn, tôi hỏi giá một cuốc tắc xi từ phố cổ Hà Nội ra phi trường chừng bao nhiêu.  Cô nói, chừng 20 hay 30 đồng US.  Ra ngoài phố, đi bộ một đoạn tôi thấy có một cửa hàng tổ chức du lịch có cái bảng quảng cáo đề giá tắc xi từ phố cổ ra phi trường là 10 đồng US.  Mặc dù ông Tám nhất định lần này sẽ đi xe buýt nhưng tôi bảo ông cứ hỏi thử xem sao.  Cuối cùng chúng tôi đồng ý với giá này.  Hẹn đến chiều sẽ trả tiền đặt trước chuyến xe.

Khi chúng tôi trở lại thì anh chủ tiệm đi vắng.  Tiệm sắp đóng cửa, chỉ có cô vợ trẻ ngồi đút cơm cho con.  Khi chúng tôi nói với cô chuyện đi tắc xi ra phi trường với giá tiền ấy, cô gọi điện thoại hỏi chồng.  Cô nhận tiền, bảo rằng anh ấy đã hứa, thì cô chú cứ đi về khách sạn, sáng mai sẽ có người đến tận khách sạn đón cô chú.  Cô không đưa giấy biên nhận, làm tôi cũng ngạc nhiên, nhưng không nói gì.  Cả ông Tám cũng không đòi giấy biên nhận.  Có lẽ ông cũng như tôi, tuy không giống với cách thức buôn bán, giao nhận mà chúng tôi quen thuộc, nhưng số tiền chỉ là 10 đồng US thôi.  Hai vợ chồng tuy còn rất trẻ nhưng đã có một cửa tiệm quan trọng như thế này ở phố cổ thì ai mà để mất tiếng lương thiện với chỉ 10 đồng US.  Ở đây tôi cũng xin nói thêm, một điểm hay ở Hà Nội tôi nhận thấy hiện nay những người làm chủ cơ sở thương mại đều là những người rất trẻ. Và đa số cơ sở này đều do người Việt làm chủ, chứ không phải những cơ sở chuỗi kinh doanh của nước ngoài.

Tôi có tính dễ tin.  Biết mình dễ tin tôi hay cẩn thận tránh bị lừa.  Ở bên Mỹ, cái gì cũng có biên nhận.  Đó là một thứ hợp đồng ký kết giữa đôi bên.  Mua bán thối tiền lại một xu cũng có biên nhận.  Đến chỗ lạ tôi càng tránh mắc hỡm, để không mang ấn tượng xấu về một nơi chốn đáng yêu chỉ vì một trường hợp không vừa ý, theo cái kiểu con sâu làm rầu nồi canh.

Hôm sau, sáng sớm, anh chồng lái Honda, dẫn anh tài xế tắc xi mặt còn ngái ngủ, đến tận khách sạn đón chúng tôi.  Tôi nghĩ anh sẽ là một người thành công lớn sau này, vì chỉ với một số tiền nhỏ bé mà anh dậy sớm dẫn đường và thực hiện cái hợp đồng với chúng tôi một cách tận tình.  Rất lương thiện. 

Trở lại với anh tài xế tắc xi ban đầu.  Tuy giá tiền hơi đắt, và tôi có chút nghi ngờ, nhưng tôi không thể chứng minh là anh không thành thật.  Rất có thể giá mà chúng tôi trả cho cuốc tắc xi anh chở là giá đúng, và đồng hồ của anh cũng không có chế biến gian lận.  Còn giá của chuyến tắc xi thứ hai giá rẻ hơn bình thường.  Tôi chỉ có thể cười chế nhạo cái tính tiết kiệm đến hà tiện của mình, mà người thân của tôi có lần mắng tôi là trọng đồng tiền quá thể chứ đồng bạc không lớn như bánh xe bò.  Bây giờ ở VN người làm ăn buôn bán giàu có, người ta có thể giao dịch buôn bán với nhau dựa vào sự tín nhiệm.  Nói cho đúng hơn, đồng bạc không còn lớn như bánh xe bò nữa.

Ảnh chụp biển từ bờ biển Mỹ Khê, chẳng liên quan gì đến bài viết.

18 thoughts on “Đồng bạc không lớn như bánh xe bò”

  1. lần sau đi bus đi cô 🙂 cũng là trải nghiệm, bus sân bay nội bài có khi là xe 12 chỗ đó cô.

  2. Hihi, welcome to the world of frustrated travelers Hà.
    Mai bị quá nhiều lần phải trả taxi trên trời từ Nội Bài về khách sạn, chưa kể là ngồi run trong lòng khi thấy họ lái mình qua những con đường lạ không biết họ có chở mình đi đâu không. Giá xe từ Hà Nội lên Nội Bài thì ok vì lúc nào khách sạn cũng gọi giùm và ra giá cho taxi.
    Lần sau đi từ Nội Bài, Hà đứng sắp hàng ở lối ra taxi mà đi chứ đừng theo người nào đến chào mời hết.

    Nhưng không phải chỉ ở Hà Nội mà khắp những nước khác nữa. Beijing notorious về taxi, họ không nói tiếng Anh, không đọc Roman alphabet được, nên đi đâu phải nhờ khách sạn viết bằng tiếng Tàu những nơi muốn đi để đưa cho taxi. Lần nào đi từ Beijing Airport về khách sạn Mai cũng ngồi nhắm mắt phó mặc may rủi cầu nguyện mình sẽ đến khách sạn ok, rằng sẽ không bị bắt cóc. Có một lần anh taxi nói không biết khách sạn của Mai nằm đâu, Mai đưa cái carte có địa chỉ nhưng bằng tiếng Anh nên anh ta nói không hiểu. Mai nói khách sạn đó nằm ngay trong World Trade Center tại sao lại không biết, vậy thì tôi nhờ anh phone số office của tôi ở đó để lấy direction mà chạy, anh ta nói vậy thì trả cho anh ta thêm $10 nữa thì anh ta sẽ gọi lấy direction. Mai sửng người thấy vô lý không tưởng nhưng cũng phải trả thêm tiền.
    Ý cũng vậy, có văn minh gì hơn đâu với taxi.

    Nhưng nhiều lần quá riết rồi cũng quen Mai không còn shock nữa, tự an ủi bởi vì họ nghèo nên mới phải ma lanh như vậy để mà sống : )

    1. Hi hi vậy thì Mai kể thêm chuyến đi của mình từ phi trường Trudeau về Ile des Sœurs mấy năm trước. Trên đường đi thì xe chạy đàng hoàng, đồng hồ nhảy normal lúc gần nhà thì đồng hồ chỉ chưa tới 40$ nhưng lúc taxi chậm lại để ngừng trước cửa nhà thì đồng hồ bất chợt nhảy cà tưng nhảy loạn xạ lên tới 50$. Mai thấy vậy có trợn tròn mắt lên nhưng chỉ thì thầm với em là ông taxi ăn gian rồi mình cũng trả 50$ hic hic ! Em thì nghĩ là ông ấy có thêm 10$ để mua bánh cho con ông ( một excuse cho cái coward của mình đã không fight back lại )

        1. Thiệt tình là cũng sợ, mình nói lạng quạng nó đẩy mình ra khỏi xe giữa chỗ xa xôi đồng không mông quạnh hoặc gặp lúc trời đổ cơn mưa thì càng cực hơn. Vả lại nó đã giữ hành lý ở đằng sau xe kia kìa, cũng khó fight back lắm.

      1. Haha. Dễ sợ chưa! Cám ơn TLT đã kể thêm một câu chuyện thú vị về tắc xi. Gom lại viết một loạt bài về tắc xi trên thế giới đọc cũng vui, phải không?

  3. 10 USD là đúng giá rồi đó cô 🙂 Grab (1 dạng Uber) cũng tầm giá đó. Còn 20-30 USD là giá taxi truyền thống. Bạn bè cháu ở nước ngoài về VN chơi, cháu toàn khuyên xài Grab vì giá tiền định sẵn rồi. Tài xế không lừa mình được. Lại còn trả được bằng thẻ, nên không sợ họ thối tiền sai cho mình.

  4. Hà Nội nổi tiếng với taxi dù, đá cái là đồng hồ nhảy cái vèo. Người Việt ở vùng khác cũng bị như thường. Tụi con đi hồi chưa có grab thì dùng Vinasun hoặc hãng gì đó chắc ăn, mấy tên lạ là né luôn.

    1. Nhiều khi, cô nghĩ đi taxi cũng là một trải nghiệm cần thiết, để giữ chân mình ở thực tại. Không có vùng đất nào hoàn toàn là thiên đường.

  5. Đi du lịch thì chỉ có một vài lần, mình có phúc phần thì gặp điều tốt đẹp. Còn như gặp ngày xui thì lắm chuyện phiền phức, đi xe buýt hay taxi tại VN đều có thể gặp rắc rối đủ thứ.
    Chứ Nguyenmk không nghĩ Hà nội hoặc Sài gòn mới có lối sống văn minh và ngược lại.
    Cái gian mánh thì ở đâu cũng có, chỉ là mình thấy cho qua đi được thì cho đi yên xong ngày lành.

  6. Chiều lên Nội Bài 10 đồng là hợp lý rồi, chiều từ Nội Bài về thường tầm 10-15 đồng. Có 1 lần cháu đi Thái về cũng dính phải taxi dởm, cơ mà cũng may cuối cùng giá tầm 10 đồng, dù nó loay hoay dừng đỗ linh tinh 😦

    Taxi bên TQ thì đúng ác mộng về ngôn ngữ như ai đó ở trên nói thật.

Leave a comment