Ấn tượng đầu tiên

Người ta nói ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Đi tìm việc làm, ai cũng muốn chủ nhân tương lai có ấn tượng tốt về mình. Cái ấn tượng đầu tiên có thể khiến người ta yêu nhau rồi kết hôn với nhau. Rất khó mà thay đổi ấn tượng đầu tiên thành hình trong chúng ta, tốt hay xấu.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với nước Nhật là họ giàu quá. Ngấm ngầm, như dòng nước chảy sâu dưới đáy, có thể họ giàu hơn nước Mỹ. Thú thật là tôi không phải là người có kinh nghiệm du lịch toàn thế giới. Tôi sống ở Mỹ khá lâu, dài hơn thời gian tôi sinh ra và lớn lên ở VN. Tôi ở giáp ranh với NY, đi dạo chơi ở những nơi phồn hoa đô hội khá thường xuyên, tức là cũng không phải Tư Ếch hay Hai Lúa đi Sài Gòn. Tuy nhiên, tuần đầu tiên ở Nhật tôi có cảm giác mình là một chị nhà quê lên phố.

Từ Tokyo đi Kyoto, tôi chọn cách đi bằng xe buýt. Đa số người ta chọn xe điện tốc hành, bullet train, chạy nhanh như đạn bắn. Nhanh như tên bắn, xưa rồi lỗi thời rồi. Loại xe buýt tôi đi, Willer Express, to lớn, ngồi khá thoải mái. Trên xe có thông báo bằng tiếng Anh, nói qua loa phát thanh trên xe và nhìn qua màn ảnh computer. Đi lâu hơn, xe điện tốc hành đi hơn hai tiếng đồng hồ còn xe buýt đi tám tiếng. Giá xe điện vài trăm đô la (130/chuyến). Đi xe buýt vừa đi vừa về mỗi người chỉ độ chín mươi đồng US. Mình về hưu rồi, thì giờ có thừa mà. Ngồi máy bay từ Mỹ qua Đài Bắc mỗi lần đi VN, mười mấy tiếng đồng hồ được, thì ngồi thêm mấy tiếng nữa đâu có khó khăn gì.

Tám tiếng đồng hồ, được chia thành hai “ca.” Cứ khoảng hai tiếng người ta ngừng ở một trạm nghỉ ngơi cho hành khách “xả nước cứu thân.” Và nghỉ hai lần thì đổi tài xế. Tài xế của cả hai chuyến đi và về tôi gặp, lái xe rất đằm, họ nói tiếng Anh khá ít, nhưng đưa người đến nơi đến chốn an toàn. Hành lý không thất lạc. Giá mà mình biết tiếng Nhật có lẽ chuyến đi sẽ thêm phần thú vị.

Và trên những chuyến xe buýt này tôi có ấn tượng người Nhật nói chung chung rất giàu. Không phô trương, sôi nổi, đình đám, trên thế giới như Mỹ (và Trung quốc) nhưng người dân bình thường của họ được hưởng nhiều phúc lợi của xã hội.

Trạm dừng chân nghỉ ngơi của xe buýt của chuyến đi từ Tokyo đến Kyoto và chuyến về ngược lại, là bốn cái shopping malls khá sang trọng. Ở nơi đây bạn có thể mua hầu như đủ thứ loại quà, khá đắt tiền. Những người bán hàng có thể nói tiếng Anh đủ lưu loát để giao tiếp và tính toán tiền nong. Họ luôn luôn bặt thiệp và lễ độ.

Ấn tượng tốt đầu tiên của tôi bắt nguồn từ hệ thống vệ sinh công cộng ở những trạm dừng chân này. Tôi đã từng đi qua nhiều trạm dừng chân nghỉ ngơi ở Mỹ (rest area, rest stop), khá sạch sẽ, và kiến trúc khá đẹp, nhưng những trạm dừng chân trên đường từ Tokyo đến Kyoto mà tôi nhìn thấy thì thật là quá đẹp, rất sạch, phải nói là rất sang trọng. Khu vực vệ sinh dành cho phụ nữ có cả mấy dãy phòng san sát nhau. Nhiều phòng có ghế dành cho trẻ em ngồi được ràng lại bằng rào ngăn an toàn, khi người đàn bà cần phải bế con vào chung với họ. Mỗi toilet đều có trang bị nước ấm, bidet, rất hiện đại. Bên ngoài phòng vệ sinh, có chỗ cho người ta trang điểm, đèn sáng ấm cúng, mỹ thuật, có tranh ảnh, và chưng hoa tươi.

Ở phòng vệ sinh nữ của Bryant Park New York tôi thấy có chưng hoa tươi, nhưng rất ít phòng vệ sinh nếu chừng chục người phụ nữ cần dùng phòng vệ sinh chắc là phải sắp hàng dài ra đến đường phố. Còn số phòng ở các trạm dừng chân trên đường Tokyo-Kyoto rất nhiều, đến độ tôi trong lúc vội vàng và đang ngơ ngẩn với mức độ sáng loáng sang trọng của những dãy phòng vệ sinh tăm tắp, đã đi lạc, quành qua quanh lại mới tìm được lối ra. Vậy mà không có sẵn máy ảnh để chụp vài tấm, thật ra tôi cũng sợ mình để lộ gốc phèn hai lúa của mình nếu cái gì cũng rút máy ảnh ra chụp. Mà tôi là người đã từng đến San Francisco, Los Angeles, sống bên cạnh New York hằng bao nhiêu năm nay. So với mức độ sạch sẽ, tất cả phòng vệ sinh những nơi tôi đi qua ở Mỹ đều không thể sánh bằng.

Chỉ mới nói đến phòng vệ sinh dọc đường gió bụi mà đã dài thế này, còn hệ thống xa lộ Nhật và những thứ tôi nhìn thấy thì chắc để khi khác.

Chỉ làm thường dân của Nhật, đi chơi xa bằng xe buýt cũng đã được hưởng phúc lợi như thế này. Còn bao nhiêu thứ giàu ngầm của Nhật mình nghe nói nhưng chưa đến. Đại khái như những trạm xe lửa ở thôn quê dành cho một vài trẻ em cần phải đến trường.

Không biết người Nhật phải đóng thuế lợi tức bao nhiêu phần trăm lương bổng của họ để dân Nhật có thể sống sung túc như thế?

Núi Phú Sĩ nhìn qua cửa sổ xe buýt trong nắng chiều chập choạng
Dãy phòng vệ sinh ở một trạm dừng để nghỉ ngơi của xe buýt tuyến đường Tokyo-Kyoto

33 thoughts on “Ấn tượng đầu tiên”

        1. Dự tính là năm 2020 sau Olympics, cháu vẫn còn ở Nhật chứ? Không dám hẹn trước nhưng nếu cháu ở một trong những nơi cô sẽ đến thì hy vọng có dịp trò chuyện với nhau.

          Liked by 1 person

  1. Em thích nhất là hoa họ dùng để chưng rất đơn sơ, những loại hoa ngay từ ngoài vườn ngoài hàng
    rào mang vào không cầu kỳ nhưng là lời chào đón ân cần, ngay cả trong các chợ em được ghé ngang cũng thế – trong phòng vệ sinh đều có một bình hoa có khi chỉ là vài cành hoa bươm bướm và nhánh cỏ – dễ yêu sao ấy – em cũng đi xe buýt – xe lửa – Sạch – đẹp – hiền hòa là điều em giữ trong lòng khi nói đến Nhật Bản

    Liked by 1 person

  2. Đọc bài viết của chị tôi càng mến và ngưỡng mộ người dân và nước Nhật Bản. Tôi cũng chạnh lòng nhớ đến nước Việt khi nào mới bằng họ? Tôi không tham khi thấy người ta giàu mà ước mơ.! Tôi chỉ mong người Việt thấy và học những cái tốt của họ..thế thôi!

    Liked by 1 person

  3. con cũng hay đi chơi bằng willer express đêm. Ngủ một giấc là tới hehe. Mà ghế ngồi thoải mái cực kỳ cô nhỉ, con có đi bullet train một lần, thấy chỉ hơn nhau nhanh thôi chứ thoải mái thì y chang luôn. Mà sinh viên dư nhất là thời gian cô hen.
    Con chưa đi mấy nước phương Tây nên không biết toilet công cộng thế nào chứ toilet công cộng là con cực kỳ hâm mô. Không có mùi mà cứ sạch sẽ tinh tươm ý. Nên con ở Nhật riết không biết con đi ở nơi khác dược không @@.

    Liked by 2 people

    1. nếu bạn đã quen với toilet của Nhật rồi thì thật sự rất là khó để đi nơi khác. Có lẽ chỉ đi Hàn hay Đài Loan được thôi 🙂 Ở châu Âu đi public toilet là hên xui, mà còn phải trả tiền cơ. Mấy cái toilet ở ga thì miễn bàn luôn.

      Liked by 2 people

      1. Mấy bạn Nhật mình cũng bảo đi new york hay Pháp ở tàu điện ngầm cũng rất có mùi chứ đừng nói gì là toilet. Public toilet cũng trả tiền á, bên này thì chỉ toilet trên núi mới phải trả tiền do đường di khó khăn á. Vậy tính ra ở Nhật là sạch nhất nhỉ. Nhưng vẫn muốn tới châu Âu một lần bạn ạ 🙂

        Liked by 2 people

        1. Công nhận ở NY mùi cống rãnh rất nồng nặc. Hệ thống cống rãnh của NY đã cũ kỹ lắm rồi, nhưng ở NY thật khó mà thay đổi những hệ thống cống rãnh, hệ thống gas, và nước chôn ngầm dưới đất. Dưới mặt đất thì mọi thứ đều cũ kỹ chẳng biết nổ sụp lúc nào. Trên mặt đất thì quá chật chội đông đúc lúc nào cũng tắt nghẽn. Nghe Hàn và Đài Loan tân tiến văn minh cô nghĩ có lúc sẽ đi chơi hai nước này. Đài Loan có lẽ sử dung Anh quốc nhiều hơn Nhật cháu nhỉ?

          Like

          1. Cháu đến Đài Loan thì tiếng Anh của ngta cũng hạn chế như Nhật cô ạ. Họ sẽ sử dụng tiênga Nhật hoặc tiếng Trung với cháu (chắc họ tưởng mình ng Nhật hay Tq á). Các bảng thông báo tiếng Trung không à cô hixhix

            Liked by 1 person

    2. Cám ơn Bánh ú nhỏ. Đúng là kinh nghiệm của người đi du lịch Nhật. Cô cũng nể cách giữ gìn phòng vệ sinh công cộng sạch sẽ của người Nhật lắm.

      Like

  4. Hôm trước em có trải nghiệm đi tàu điện tốc hành từ Osaka đi Kyoto cũng khá thú vị, trải nghiệm được thế nào là 300km/h ạ. :))) Ở Osaka và Kyoto em cảm nhận có gì đó buồn man mác, mọi người cứ thong thả, nhẹ nhàng kiểu gì í. Đọc bài viết của chị em lại chợt nghĩ vài hôm có thời gian cũng nên viết gì đó về nước Nhật. ^^

    Liked by 1 person

    1. Trước khi đi Nhật hai tuần cô đi VN (miền Tây) hai tuần và luôn nghĩ đến An cùng với những bài viết của An. Nghĩ nếu được đi kiểu của An chắc cũng ghi chép được nhiều điều thú vị.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s