Thăm ngôi chùa vàng

The Ryumon Taki – Carp Rock
Đây là một trong hai dòng suối của chùa, nước suối rất trong được dùng để nấu trà. Suối chảy thành thác rơi trên đầu hòn đá giống như con cá chép chuẩn bị vượt vũ môn để lên trời rồi biến thành rồng. Chỗ này vì thế còn có tên là Ryumon-baku (Dragon Gate Waterfall) được xem như là một bài học cho các thiền sư cố tu tập để đến mức giác ngộ

Nếu đi chơi xa, du lịch ở nước ngoài, bạn chọn xem những gì? Danh lam thắng cảnh được nhiều người biết đến, nói ra ai cũng biết, cũng bảo rằng ồ chỗ ấy tôi đã đến rồi, cách đây một năm hay hằng mấy chục năm. Hay bạn sẽ chọn một nơi ít người biết đến nhưng bạn biết nhờ vào một lý do nào đó? Bạn tìm đến một nơi chốn để nhớ lại kỷ niệm cũ hay để tạo ra một kỷ niệm mới cho mai sau? Đi chơi với tôi bao giờ cũng là cuộc tìm kiếm một câu chuyện để mang về, để kể.

Tôi suy nghĩ nhiều và đã muốn gạt Kim Các Tự ra khỏi danh sách những thứ tôi muốn xem ở Nhật. Tôi đến Kyoto lần đầu và không biết chừng có thể là lần cuối. Có ai biết được tương lai? Và vì thế tôi đắn đo mãi. Một trong những điều làm tôi đắn đo là tôi sợ mình thất vọng với những kỳ vọng của chính mình.

Tôi thích văn chương và cổ tích hơn lịch sử dù vẫn biết những lãnh vực này liên hệ với nhau và bổ sung cho nhau. Tôi nhiều lần nhìn ảnh ngôi chùa vàng rồi tự hỏi mình có được vào xem bên trong không? Hầu hết ảnh trên mạng không có ảnh bên trong. Du khách chỉ có thể đứng xa mà ngó, thậm chí không được đặt chân lên thềm hay tam cấp của ngôi chùa vàng. Cuối cùng tôi cũng đến ngôi chùa vàng nổi tiếng này. Một trong những lý do tôi đến xem là không muốn về sau này bị có người hỏi. “Ủa, ở Kyoto chín ngày mà không đến ngôi chùa vàng à. Vậy thì đi Kyoto làm cái gì.”

Dù đã đoán biết được những gì mình có thể được xem và không được xem, tôi không hẳn là thất vọng nhưng có đôi chút ngỡ ngàng. Thứ nhất, đông người quá. Tôi biết là đông người nhưng không biết đông đến mức như vậy. Xe buýt chở học sinh, mỗi chuyến mấy chục hay cả trăm học sinh, và hằng mấy chuyến. Xe buýt chở đầy nhóc du khách từ nơi xa đến. Người địa phương đến tham quan. Phải công nhận là người Nhật tổ chức du lịch thật giỏi. Đông người đến thế mà nhà vệ sinh vẫn sạch sẽ không đến độ quá tải. Không thấy rác xả bừa bãi. Tuy đông người nhưng vẫn giữ được vẻ trang nghiêm. Tôi thấy mình bất công quá đáng và có chút gì bất bình thường khi có đôi chút bất mãn là nhiều du khách chụp ảnh chùa, selfie, rồi đứng chiếm chỗ đó rất lâu, không còn ngắm chùa nữa mà chỉ ngắm nhan sắc mình trong cái máy ảnh hay phone. Họ không có ý thức là nên chừa chỗ cho người đứng sau chờ phiên mình được ngắm chùa và chụp ảnh. Du khách cũng được, hay bị, lùa đi xem cảnh theo một chiều, một hướng để tránh hỗn loạn và va chạm với nhau. Cằn nhằn chuyện này đúng là vô lý, chẳng lẽ mình đi xem mà người khác không được xem à?

Kim Các Tự bị đốt cháy năm 1950 chắc chắn phải là một chấn động to lớn. Nhật Bản vừa trải qua chiến tranh thế giới thứ nhì nên vẫn còn khó khăn. Ngôi chùa vàng là nguồn tự hào văn hóa và cũng là nguồn thu lợi khá lớn. Vào thế kỷ thứ 14, chùa vàng là một kiến trúc lừng lẫy. Trong khi đa số lâu đài và biệt thự chỉ có một tầng hay hai tầng, chùa vàng có ba tầng. Mỗi tầng được xây theo một lối kiến trúc riêng và mỗi tầng đều có tên gọi riêng dành cho nó. Trong quyển Kim Các Tự của Yukio Mishima, cách phiên âm tên riêng của mỗi tầng hơi khác cách phiên âm ở Wikipedia. Mishima có kể sơ qua có những gì quí giá trong chùa. Tầng một có pho tượng bằng gỗ của Yoshimitsu, người sáng lập ra ngôi chùa. Năm 1950 tượng bị cháy theo chùa nhưng về sau tượng cũng được tạc lại. Trong một tấm ảnh của Wikipedia nhìn từ rất xa cho thấy có tượng phật Di Đà bên cạnh tượng Yoshimitsu. Xá lợi của Phật chắc là không thể được tái tạo sau trận cháy.

https://en.wikipedia.org/wiki/Kinkaku-ji#/media/File:Kinkaku-ji_03.jpg

Bên trong tầng thứ ba của ngôi chùa vàng chụp từ brochure của chùa.

Tầng thứ hai Choondo được xây cất theo kiểu nhà của giới hiệp sĩ cao cấp, thuộc hàng quí tộc, bên trong có tượng Quan Âm. Vách tường của tầng hai và tầng ba bên trong được giát vàng, nhưng vào năm 1950 đa số lớp vàng này đã bị thất thoát, hư hại, hầu như không còn gì. Mãi về sau, 1987, lớp vàng bên ngoài được thay thế và làm cho dầy hơn gấp năm lần. Brochure của ngôi chùa vàng có tấm ảnh tường vàng phản chiếu trên nền nhà trong như tấm gương của tầng ba. Theo Mishima trên trần có nhiều tranh ảnh vẽ thiên thần đang sử dụng nhạc cụ như đàn sáo, chẳng hiểu những tranh ảnh này có được tái tạo hay không. Tầng thứ ba, Kukyocho, được xây cất theo kiến trúc Thiền chẳng hạn như cửa sổ có hình vòng cung. Thật ra vì mình không thuộc giới kiến trúc nên khó mà tưởng tượng kiến trúc Thiền ra làm sao. Mà lại không thể vào tận nơi để xem cho biết. Tầng này dành riêng để tiếp khách quí nhất của gia chủ.

Tuy có chút không hài lòng vì không được xem tận mắt bên trong của ngôi chùa vàng, tôi cũng thấy không cho du khách vào bên trong xem là phải. Với số lượng du khách hằng ngày đến tham quan, nếu để du khách vào bên trong chắc ngôi chùa sẽ bị hư hại nặng. Chỉ cần va chạm, cọ quẹt là lớp vàng mỏng 0.5 micrometer sẽ bị cào xước và mất đi cả số lượng lẫn chất lượng. Giá mà người ta chụp ảnh bên trong của ngôi chùa làm thành poster để bên ngoài cho du khách xem thì cũng phục vụ lòng hiếu kỳ của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng mà có lẽ người ta lại sợ làm thế thì bọn trộm cắp lừng danh trên thế giới sẽ âm mưu cướp tài sản của chùa. Thêm vào một chút không vừa ý là bị cấm chụp ảnh ở những nơi vô tội vạ nhất. Vì sao không được chụp ảnh tượng thần, tượng Phật? Vì như thế là bất kính? Làm phai màu? Sợ bị trộm? Hay để bán ảnh bưu thiếp và sách in ảnh tượng trong chùa? Nhiều khi tôi không cần phải chụp ảnh tượng Phật tượng Bồ Tát, tôi chỉ cần chụp một cái bảng giải thích bằng tiếng Anh để khi về nhà xem lại tôi biết là tôi đã xem những gì.

Không biết tấm bảng này nói gì. Brochure của chùa gọi chỗ này là Shin-un. Google translate dịch shin-un là heart – trái tim. Có lẽ ngày xưa bậc thang này dẫn đến chỗ đọc kinh hay ngồi thiền? Bây giờ bên trên những bậc thang này là một con đường nhỏ dẫn lên trên sườn núi ngó xuống vườn. “Kinkakujigaki”
Fudo-do bên trong là một tượng đá của thần Fudo-myo-o. Không hiểu tại sao tôi không chụp ảnh của thần này ở nơi này, có lẽ bị cấm chụp ảnh chăng?

Tiền lệ phí không cao, chừng bốn hay năm đô la thôi, không phải để xem chùa, mà là ngắm vườn chung quanh. Phải nói là khu vườn tuyệt đẹp.

Somon Gate of Rukuonji

14 thoughts on “Thăm ngôi chùa vàng”

  1. Dì ơi! Tấm ảnh thứ 3 viết là Kinkakuji-gaki từ gaki ở đây có nghĩa là hàng rào (cháu không biết từ nào khác hay hơn để dịch cả). Nếu hỏi là loại hàng rào này có đặc điểm là làm bằng tre, thấp và có thể nhìn xuyên qua được ạ.

    1. Thật là cám ơn cháu rất nhiều. Cô có đọc trên brochure nói về loại hàng rào tre rất đặc biệt của Kinkaku-ji mà cô không biết hàng rào ở đâu. Té ra, đây là kiểu mẩu hàng rào người ta nói đến. Một trong những điều làm cô thấy tức tức là vì cô không thể đọc được tiếng Nhật, nên giống như người mù chữ vậy. Nếu hiểu được tiếng Nhật thì chuyến đi sẽ thú vị hơn rất nhiều.

      1. Vì hôm quá cháu đọc bài nên mới tò mò thử tìm hiểu một chút. Thật ra cháu thấy việc biết tiếng Nhật chỉ giúp cháu dễ tìm hiểu mọi thứ hơn một chút xíu thôi, bởi vì cháu không biết về lối kiến trúc xoay quanh Kinkakuji. Cho nên không biết nó khác nhau ở điểm nào. Ban đầu cháu đọc chữ và xem ảnh thì cháu cũng chỉ biết nó là một cái hàng rào không hơn. Sau đó thì cháu có tìm hiểu một chút. Riêng về hàng rào thôi đã có đến 7 kiểu khác nhau từ chất liệu, kiểu dáng, độ cao thấp. Ngoại trừ kinkakujigaki còn có sukashigaki (透垣), roji (露地), yotsumegaki (四目垣), tateko (竪子), oshibuchi (押縁), tamabuchi (玉縁)… Những kiểu dáng hàng rào đó cũng là lối kiến trúc đặc trưng thường thấy ở các khu vườn và đền ở Nhật luôn ạ.

        1. Cám ơn cháu. Rất nhiều và rất nhiều. Cô chụp rất nhiều những bảng hướng dẫn trong lúc đi xem chùa, biết rằng về sau khi được giải thích sẽ hiểu biết thêm rất nhiều.

          1. Thật ra cháu ở Nhật 4 năm rồi nhưng chưa đi Kinkakuji. Đợt cháu đi intern ở Kyoto, có trọ lại tầm nửa tháng. Nhưng cháu cũng không thích cái ý nghĩ cứ đến Kyoto thì phải đi Kinkakuji nên lại thôi. Vậy mà trước khi kết thúc kỳ intern thì chẳng hiểu sao cháu đã quyết định đi Ginkakuji thử (chắc vì gần khu cháu ở). Nhưng cảm giác thì cũng như trong bài cô đã miêu tả vậy 🙂 Người thì quá nhiều và cháu cứ phải bước tiếp mà không có thời gian để tản bộ nhàn nhã mà ngắm nhìn bất kỳ cái gì cả 🙂 Nhưng nếu một ngày nào đó, cô có dịp quay lại Nhật và Kyoto thì chắc xin phép recommend cô một chỗ khác mà cháu nghĩ hẳn cô sẽ thích. Chỗ này tên là Shuugakuin rikyuu (修学院離宮)-https://sankan.kunaicho.go.jp/english/index.html. Đây là cung điện cũ của Thiên Hoàng. Cháu được một người bạn chỉ nên biết. Sau đó thì cháu đã thử đi xem. Điều đặc biệt là, người Nhật muốn đi chỗ này thì phải đăng ký khá phức tạp nhưng người nước ngoài thì lại dễ dàng hơn. Cô có thể đăng ký trên mạng. Hoặc đến đó check in luôn miễn là trước 1h (cháu không nhớ rõ lắm) chiều vì hình như chỉ có vài lượt. Đợt cháu đến đó mà không đăng ký trước nhưng may xuất trình thẻ cư trú (hoặc passport) thì vẫn vào được ngay. Chắc vì lúc đó không đông. Có cả tour guide đi cùng nữa. Đi bộ cả khu tầm khoảng 1 tiếng. Nhưng có những gian phòng mà khách tham quan có thể nhìn vào nội thất bên trong và rất nhiều kiến trúc đặc trưng ít tìm thấy ở những nơi khác. Cháu nghĩ cô sẽ thích đấy.

            1. Cám ơn cháu. Chắc chắn là cô sẽ trở lại, gần nhất là tháng 11 năm 2020. Cô càng xem ảnh lại càng tò mò muốn biết thêm. Thật ra những chỗ cô rất muốn xem thì chưa xem chẳng hạn như cái chùa rêu Saiho-ji. Cô sẽ tìm hiểu thêm về chỗ cháu giới thiệu. Trong lúc planning cô có gặp một cái villa cũ của Nhật Hoàng Imperial Villa, Katsura, với những điều lệ tương tự nhưng vì nghĩ sẽ đi thăm lâu đài ở cố đô Kyoto nên cô thôi không đến chỗ ấy. Cháu đang học gì ở Nhật hay đi làm. Cô có gặp một vài bạn trẻ người Việt ở Nhật, học kinh tế, kiến trúc. Cô nghĩ nếu học engineering của Nhật chắc là hay lắm.

              1. Cháu cũng mê cái chùa rêu ấy lắm. Trước có học một lớp về thế giới rêu (chả hiểu sao cháu lại đăng ký môn ấy :)). Cảm thấy rất thú vị định bụng sẽ làm một chuyến du lịch vòng quanh mấy đền chùa nổi tiếng về rêu như Saihoji hay Sanzenin, Giouji nhưng mãi vẫn chưa có dịp nào đi xa nhà quá lâu. Cháu đang học kinh tế ở Nhật. Có lẽ mấy trường lớn như Todai hoặc Kyodai thì học sẽ năng động và thú vị hơn. Vì có dịp cháu được đi sang Kyodai xem không khí học ở trường như nào rồi. Chứ chỗ cháu thì không khí lớp học giống hệt ở VN. Giáo sư nói mặc giáo sư, sinh viên im re ngồi ở dưới. Ngủ hoặc làm việc riêng, tài liệu đã được phát sẵn rồi nên cũng chả cần ghi chép. Đa số các thầy cô cũng toàn đọc từ sách họăc các bài nghiên cứu ra. Họ không nói suy nghĩ của bản thân trong hầu hết các trường hợp, không phát biểu thành quả nghiên cứu. Theo cháu thấy người ta được yêu cầu nói đáp án đúng (seikai-正解), nói các dẫn chứng hơn là thảo luận các vấn đề mang tính độc lập suy nghĩ, thuộc về cá nhân. Có rất nhiều người trẻ không thể nói được suy nghĩ của mình là vì vậy. Điều này quả thật khiến cháu rất shock. Học sinh cũng không có môn học nào để khuyến khích học nâng cao khả năng tư duy, lập luận cả. Chỗ cháu ở thì có 3 trường ĐH. Chỗ bên cháu là về Kinh Tế, Sinh Học và Hộ lý. Và một trường khác về Văn hóa, nghệ thuật, y. Còn một trường tư nữa thì dạy về Thiết Kế, Engineering, và Thể dục thể thao. Cháu có quen bạn bè ở các trường đó nên đại khái cũng biết về tình hình học tập ở hai trường còn lại. Chắc nghĩ đặc điểm ngành về phía nhân văn có lẽ như vậy nhưng hỏi bạn cháu thì cả bên Kỹ thuật cũng hao hao một cách học. Chỉ cần học thuộc bài và đến lớp đều đặn là lấy điểm cao thôi. Thật sự là cháu không có bất kỳ ý kiến chê bai hay phê phán gì cả. Bản thân cháu trước đây là người hướng nội, thật sự muốn dùng 4 năm đại học này thay đổi bản thân nhưng cuối cùng là tự cháu nghĩ nhiều vì cháu thấy mình thậm chí còn ít nói hơn trước 🙂

                1. Cô nghĩ cháu có thể thích hợp và phát huy khả năng tốt hơn nếu cháu học ở những trường của Mỹ. Phải là trường tốt nổi tiếng cơ, chứ những trường trung bình thì có lẽ cách dạy cũng không khác mấy.

                  1. Hồi năm nhất cháu còn hơi thất vọng nhưng sau này nghĩ kỹ lại thật ra cũng không có gì quá to tát. Dẫu môi trường không như cháu mong đợi thì nếu muốn cháu vẫn có thể tạo ra những gì mình từng mong đợi. Bằng cách đó cháu cũng đã thay đổi nhiều, có thể ở trước mặt nhiều người tự tin nói chuyện. Nhưng có lẽ bên trường cháu du học sinh còn ít. Ít hơn rất nhiều so với hai trường còn lại nên những bạn học cùng vẫn chưa quen lắm. Có đôi lúc cháu tích cực một tí thật ra là đang gián tiếp gây áp lực cho người khác. Sau này nhận ra điều đó, cháu lại càng thấy tiến thoái lưỡng nan.
                    Nếu có cơ hội cháu thật sự muốn tìm một kỳ working holiday để trải nghiệm cuộc sống ở mỹ hoặc một nước nói tiếng Anh nào đó ^^

                    1. Nếu cháu có cơ hội sang New York đi du lịch, cô mời cháu ở tạm nhà cô, ở New Jersey giáp ranh với NY. Cô không biết rành về việc du học sinh có được phép làm việc ở Mỹ hay không.

                    2. Cháu thật sự cảm ơn cô. Tuy cô không biết gì về cháu hết nhưng vẫn dành cho cháu một sự tử tế to lớn như vậy. Cháu sẽ để dành điều đó để làm động lực cho bản thân mình.

Leave a comment