Lâu đài Nijo

Cổng Kara-mon. Phía bên trong là Ninomaru-goten Palace

Đây là một trong hai lâu đài nổi tiếng nhất của Kyoto, Nhật Bản. Lâu đài kia là Hoàng Cung Kyoto (Kyoto Imperial Palace) cố đô của Nhật. Lâu đài Nijo tọa lạc rất gần với Hoàng Cung đi bộ chỉ chừng ba mươi phút là đến. Có lẽ, ngày xưa, hai tòa nhà lộng lẫy to lớn như thế lại ở gần nhau như thế, là một sự so đo, một sự thi thố quyền năng và tài sản. Hoàng Cung là nơi ăn chốn ở của hoàng gia. Còn lâu đài Nijo là dinh cơ của Shogun (tương đương với Commander-in-Chief của Tây phương), lãnh tụ quân sự, người thật sự có quyền hành cai trị ở Nhật lúc bấy giờ.

Shogun Tokugawa Ieyasu ra lệnh xây cất lâu đài Nijo năm 1601, và nó được hoàn tất năm 1603. Vị Shogun này đã thiết lập chế độ và thống lĩnh Nhật Bản, khiến quốc gia này có cuộc sống yên bình, thịnh vượng hơn 260 năm. Ieyasu được Nhật hoàng bổ nhiệm chức Shogun và đến lâu đài Nijo để bắt đầu cuộc cai trị. Cũng chính ở lâu đài này, vị Shogun cuối cùng của dòng họ, Tokugawa Yoshinobu đã triệu tập tướng lĩnh và tuyên bố giao trả lại quyền hành cai trị cho Nhật Hoàng. Lâu đài Nijo vì thế đã chứng kiến sự mở đầu và kết thúc quyền hành cai trị của triều đại Shogun.

Bạn có lẽ đã biết đến lâu đài này nếu từng xem phim “Inception.” Ở đầu phim, lúc DiCaprio trong vai Dom Cobb ngất xỉu ở bờ biển, được đưa vào lâu đài gặp một ông già người Nhật, Mr. Saito do Ken Watanabe thủ vai, bạn nhìn thấy một lâu đài ánh sáng mù mờ dù đã treo hàng trăm cái lồng đèn trên trần. Ánh sáng trong lâu đài tỏa ra màu vàng kim nhờ vào sự phản chiếu của những bức tranh treo trên tường hình cây thông và chim hạc trên nền tranh màu hoàng kim như thể sơn chính là vàng hay vẽ trên nền tranh bằng vàng. Lâu đài có những bức họa hoàng kim ấy là lâu đài Nijo, được xây cất để chứng tỏ sự giàu có của Shogun, có thể so sánh được với sự giàu có của hoàng gia Nhật.

Còn tôi thì nghe tiếng lâu đài Nijo qua quyển sách, “Across the Nightingale Floor” (Băng qua nền nhà phát ra tiếng hót Sơn Ca) của Lian Hearn. Đây là một trong bộ ba quyển “Tales of the Otori.” Quyển sách rất hấp dẫn, bạn nào chưa đọc nếu có chút thì giờ trống trải, quyển sách này sẽ giúp thì giờ qua mau. Tôi đọc liên tiếp hơn một ngày, không muốn bỏ quyển sách xuống. Tác giả là Gillian Rubenstein người Anh, sống ở Úc, nhiều lần sang Nhật và dùng Nhật làm bối cảnh của quyển sách này. Truyện nói về một cậu bé lớn lên trong làng ninja, trong lúc cả gia đình của cậu bị một nhóm lãnh chúa giết cậu bé được một vị lãnh chúa khác cứu mạng và đem về làm con nuôi. Cậu bé được dạy dỗ và phát triển năng khiếu bẩm sinh của ninja. Cậu bé muốn trả thù riêng, ám sát kẻ đã giết cả gia đình mình, đồng thời trả ơn vị lãnh chúa đã cứu mạng. Vị lãnh chúa này cũng có kẻ thù chung với cậu bé. Truyện hấp dẫn cũng như The Game of Thrones nhưng những âm mưu (plots) có vẻ đơn giản hơn.

Vốn đã nghe tiếng “Across the Nightingale Floor,” lúc đi vòng quanh Ninomaru-goten tôi cố lắng nghe tiếng kẽo kẹt rên rỉ của nền nhà gỗ nhưng hầu hết nó bị lấn át bởi tiếng ồn ào nói cười và tiếng bước chân của du khách. Người ta bảo rằng vị shogun vì lo ngại kẻ địch sẽ cho ninja vào lâu đài để ám sát ông nên cho xây nền gỗ có thể phát ra tiếng động như tiếng chim sơn ca hót để đánh thức đội quân bảo vệ ông. Nhưng rất có thể vì nền nhà bằng gỗ chịu sự co dãn của mưa nắng, sự sọ xát của kim loại như đinh ốc ở các khớp, mọng, hay kèo gỗ vì xây cất hay lắp ráp không khéo mà tạo ra âm thanh này. Nijo-jo không phải là lâu đài duy nhất có nền nhà phát ra tiếng hót sơn ca.

7 thoughts on “Lâu đài Nijo”

  1. Cám ơn Hà giới thiệu lâu đài Nijo. Bức hình Hà chụp đẹp lắm

    Mai mừng Hà đã đọc xong “Across the Nightingale Floor.”
    Cuốn sách chưa được chính thức dịch ra tiếng Việt, nhưng có lẽ có ở Sài Gòn mà Mai không hay. Khi nào về nhà sách Fahasa sẽ hỏi xem.
    Một anh bạn của Mai đang dịch nhưng chỉ mới xong 2/3 của truyện. Mai đợi khi nào anh dịch xong thì giúp in. Cám ơn Hà nhắc lại, cuốn sách đáng đọc vô cùng.

    1. Cám ơn Mai. Quyển này là nhờ Mai giới thiệu mấy năm về trước, trước khi Hà có ý định đi chơi Nhật Bản. Mai có đọc hai quyển tiếp theo không?

      1. Mai đọc nửa chừng của cuốn 2 “Grass for His Pillow” thì bị gián đoạn bởi những cuốn sách khác, nên phải hẹn ngày trở lại với nó. Tuy nhiên cũng bị tempting là nhảy cóc đến cuốn cuối cùng vì tò mò đoạn cuối.

        Trong trang mở đầu của “Across the Nightingale Floor” có bài thơ mà câu cuối là tựa đề cho cuốn thứ hai này, một cậu bé Takeo suốt đời màn trời chiếu đất:

        The deer that weds
        The autumn bush clover
        They say
        Sires a single fawn
        And this fawn of mine
        This lone boy
        Sets off on a journey
        Grass for his pillow

        1. Hà không khỏi mỉm cười khi mạo muội nghĩ “quả là những tâm hồn đồng điệu.” Hà cũng để ý chép lại bài thơ này vì sự đơn giản của nó làm cho nó có vẻ như thơ Nhật. Con nai kết hợp với bụi hoa lại sinh ra con nai con. Gối đầu bằng cỏ, đúng là màn trời chiếu đất.

  2. Lần cháu ghé Nijo là vào buổi tối nên nghe tiếng kẽo kẹt từ Nightingale Floor khá là rõ. Mỗi bước chân đều phát ra tiếng. Cứ tưởng là do nhà cũ, về nhà đọc mới biết công dụng thật sự của nó 🙂 Cháu để ý thấy chỉ có mấy cô tiếp tân mặc kimono, đi nhẹ nhàng như lướt trên sàn mới không tạo ra tiếng.

    1. Cháu giỏi thiệt. Đi nhiều và đi cả buổi tối. Cứ chiều là cô hết sức lực, nên hai tuần ở Nhật cô chỉ đi ra ngoài vào lúc tối để đi ăn xong là về ngủ. Lần khác cô sẽ ráng đi sáng sớm và chiều tối cho vắng người.

      1. Coincidence thôi ạ 🙂 Hôm đó tại cháu đi ăn tiệm mì ramen ở gần Nijo. Lúc về đi ngang lâu đài thấy cửa vẫn còn mở nên mua vé vào xem thử.

Leave a comment