Vườn thiền Long An Tự

Đặt cái tựa đề rồi vội vàng giải thích, thật ra tên chùa là Ryoan-ji, Nhật Bản, tôi dùng Google dịch ra tiếng Việt cho dễ đọc. Hồi cuối tháng 10 (hay đầu tháng 11) sau khi ra khỏi Kim Các Tự chúng tôi đi bộ đến Long An Tự. Đường đi không xa, khoảng 2 cây số, nhưng google dẫn chúng tôi đi vòng qua quanh lại, đi lạc, cuối cùng phải hỏi đường ông cảnh sát. Ông quơ tay quơ chân ra dấu cùng với cái bản đồ của riêng ông toàn bằng tiếng Nhật vậy mà chúng tôi cũng hiểu, đi ngược lại Kim Các Tự rồi dùng con đường trước mặt Kim Các Tự mà đi thẳng đến Long An Tự. Không định trước, nhưng sau đó tôi khám phá là cùng con đường này còn có thêm một ngôi chùa danh tiếng nữa, Ninna-ji (Nhân Hòa Tự). Cả ba ngôi chùa này đều là Di Sản Quốc Tế.

Sanmon Gate cổng vào Ryoan-ji, Long An Tự. Xin lỗi ảnh quá xấu. Thấy Wikipedia có ảnh rất rõ, rất đẹp, bạn nào muốn nhìn cho rõ cái cổng vào thì đến Wikipedia. Còn ở đây thì cây nhà lá vườn. Chỉ nói về mấy cái cổng chùa thì cũng có thể viết một bài dài, nhưng xin hẹn lúc khác.

Ryoan-ji, Long An Tự nổi tiếng trên thế giới ai cũng biết rồi. Tôi cũng có lần nhắc đến cái vườn thiền, Zen garden, của ngôi chùa này trong bài Lữ Thứ Đá đăng ở Gió O. Chị Huệ có mấy tấm ảnh của ngôi vườn thiền làm toàn bằng đá này rất chiến. Nhưng vì tôi cũng lẹt đẹt đến nơi nên cũng xin đưa ảnh của tôi lên.

Vườn thiền, toàn bằng đá và sỏi nhuyễn. Diện tích 25m x 10m, có tất cả 15 hòn đá lớn nhỏ, được chia thành năm nhóm (5,2,3,2, và 3). Vì có một vài hòn đá nằm khá sát mặt đất, nên tùy theo ở vị trí nào, người quan sát có thể không đếm đủ số 15. Các em học sinh ngồi quan sát vườn đá.

Lịch sử của vườn thiền, vì sao nó được gọi là vườn thiền, được nhiều học giả nghiên cứu, xin để lúc khác tôi sẽ tóm tắt các bạn đọc chơi.

Nhìn gần hai nhóm đá, nhóm phía trước có ba hòn đá, nhưng nhìn thoáng qua chỉ thấy có một. Nhóm ở xa hơn có hai. Tường làm bằng đất sét nấu trong dầu (oil). Lâu ngày nó tươm dầu ra. Chẳng biết tôi quờ quạng với máy ảnh làm sao mà tấm nào cũng mờ lem luốc cả.

Một số học giả Nhật tự hỏi vì sao vườn thiền Long An Tự nổi tiếng ở các quốc gia phương Tây. Tôi nghĩ người Mỹ biết đến vườn thiền Long An Tự là do cuốn phim Late Spring của đạo diễn Jasujiro Ozu cho dù vườn xuất hiện trong phim chỉ một đoạn rất ngắn. Ông bố Shukichi ngồi với người bạn, nói chuyện hôn nhân của con cái. Shukichi có cô con gái không chịu lấy chồng vì sợ bỏ bố ở một mình, còn ông bạn thì có cô con gái mới lập gia đình. Hai người ngồi ở hàng hiên của nhà dùng để uống trà (tea room) nơi mà các bạn thấy lố nhố mấy cái đầu của các học sinh đến xem vườn thiền. Hình như học sinh đều được hay bị bắt buộc xem các ngôi chùa nổi tiếng như Kim Các Tự, Thanh Thủy Tự (Kiyomizu-dera), và ngay cả ngôi chùa này. Nơi nào tôi đến xem, kể cả Heian-Jingu, đều có học sinh Trung học và Tiểu học tham dự.

Sơ lược về Long An Tự. Được phong tặng là nơi có Di Sản Thế Giới từ năm 1994.

Tương truyền Shogun Toyotomi Hideyoshi, lãnh chúa nắm giữ quyền hành cai trị vì thống lãnh quân sự, đã đến chùa này để ngắm cây hoa đào lâu năm bên cạnh vườn đá. Mãi về sau khi cây đào chết rồi thì người ta mới bắt đầu chú ý đến ngôi vườn toàn đá này.

Bậc thang lên Kuri, chính điện của chùa

Vườn đá chỉ là một phần rất nhỏ của Long An Tự. Chùa này còn có nhiều điểm đáng xem, đáng được gọi là di sản quốc tế, thí dụ như Kuri, chính điện của chùa, có nhiều tranh trên tường. Trong chùa có nhiều tài liệu về cuộc phân chia Nam Bắc chừng 50 năm của nước Nhật. Vườn chính của chùa là một khu vườn cây cảnh rất đẹp, cắt tỉa công phu. Nghệ thuật tỉa cây cảnh của người Nhật rất cao siêu hầu như vườn nào cũng có một toán người chuyên môn làm việc này.

Một số cây thông được tỉa.
Hồ Kyoyochi khá rộng. Hồ được hoàn thành cuối thế kỷ thứ 12. Ở một góc vườn có cây hồng trái xum xuê, có chỗ để thuyền đậu, ba đảo nhỏ trong hồ, và cầu nhỏ gần Kuri.

Ở phía sau nhà uống trà có một cái giếng bằng đá. Tsukubai. Giếng này có nước rất trong, được dùng để rửa tay trước khi tham dự trà đạo. Trên mặt giếng có 4 chữ. Ảnh tôi chụp không thấy được chữ rõ ràng nên bạn nào biết chữ kanji muốn biết thêm thì xem ảnh Wikipedia (Ryoan-ji) bài này chưa được dịch ra tiếng Việt, rất tiếc nếu bạn không dùng tiếng Anh. Bốn chữ Kanji này khi đứng riêng thì không có ý nghĩa quan trọng. Nhưng nếu bạn nhìn cái giếng hình tròn, giữa mặt giếng có hình chữ nhật tượng trưng cho chữ khẩu (cái miệng). Ghép chữ khẩu này với bốn chữ kanji trên mặt giếng sẽ làm thành một câu mang ý nghĩa “Không tham lam thì sẽ có cuộc sống an lành.” Ware tada taruo shiru. Freedom from greed ensures a peaceful life. Bốn chữ kanji này được xem như một công án thiền để nhắc nhở các nhà sư vốn phát nguyện sống cuộc đời thanh tịnh và khổ hạnh.

Tsukubai. Giếng nước này là quà tặng của daimyo Mito Mitsukuni. (Daimyo là cấp lãnh chúa cai trị địa phương)
Một tượng phật ở ngoài vườn.

8 thoughts on “Vườn thiền Long An Tự”

  1. Cảm ơn Hà nhiều lắm.
    Hà đi cẩn thận nhé,
    Kẻo té thì mệt lắm,
    Ăn uống cũng vậy nữa,
    Đừng để bụng bị đau.

    ❤🌹😁

    1. Cám ơn Dã Thảo nhắc nhở. Hà khá cẩn thận chuyện ăn uống. Lúc sau này hình như quen với thủy thổ VN nên ăn uống khá thoải mái mà không bị gì cả.

    1. Mình có đến Thanh Thủy Tự, có rất nhiều ảnh chụp cảnh chùa nhưng chùa đang bị sửa chữa nên bị che phủ hết. Tại vì nhiều information quá mình đang từ từ sắp xếp ý nghĩ để chọn lựa tìm chủ đề để viết thành một bài cho dễ đọc nhưng không dài quá bạn đọc chán. Cám ơn Thủy đọc. Có người đọc mình rất vui.

Leave a comment