Câu chuyện giòng sông

Cầu Gojo bắc ngang sông Kamo

Những ngày ở Kyoto thỉnh thoảng tôi đi ngang cầu Gojo. Qua khỏi cầu là đến trạm xe lửa. Nước rất trong và sông khá cạn. Trên sông lúc nào cũng có các loại chim và vịt hoang. Chữ Kamo khi phân tích theo kiểu chiết tự, có nghĩa con sông có chim và vịt hoang.

Buổi sáng đi ngang thấy người ta chạy thể dục, buổi chiều thấy nam thanh nữ tú ngồi dọc theo bờ sông. Có nhiều ban nhạc và những người biểu diễn ảo thuật hay múa.

Con sông tuy cạn nhưng bờ sông được xây rất cao và kiên cố để tránh nạn lụt lội cấp tốc mỗi khi mưa nhiều. Con sông này chứng kiến nhiều sự kiện trong lịch sử.

Ngày xưa dọc theo bờ sông là chỗ cư ngụ của những người thuộc giai cấp cùng đinh gọi là kawaramono. Họ làm những nghề như xử tử tội phạm, đồ tể, lột da và thuộc da. Họ bị xem là giai cấp bẩn thỉu. Mọi người thuộc các giai cấp cao quý như hoàng tộc, hiệp sĩ, doanh nhân phải lảng tránh những người này để không bị vấy bẩn. Chỗ cư ngụ dọc theo bờ sông rất nguy hiểm vì những cơn lụt cấp tốc xảy ra. Năm 1427 có cơn lụt cuốn trôi cả trăm căn chòi của kawaramono.

Năm 1461 hạn hán và mất mùa sinh ra nạn đói trầm trọng khiến hơn 80 ngàn người chết vì đói. Người ta đào những hố to ở đáy sông lúc bấy giờ đã cạn khô để chôn tập thể số người chết cứ 1 ngàn hay 2 ngàn người vào một hố. Khi hết đất để chôn, thi thể người chết chất chồng thành đống cao lên như một cái đập ngăn nước.

Khách sạn tôi ở đường Sanjo cứ đi thẳng con đường này chừng 9 hay 10 blocks là đến cầu Gojo. Dọc đường tôi nhìn thấy ở bên kia đường có 2 pho tượng trông có vẻ như võ sĩ sumo. Dù không biết ý nghĩa của 2 pho tượng tôi vẫn chụp ảnh từ xa, không muốn băng qua đường vì con đường khá rộng và sáng sớm nhiều xe cộ. Về sau mới biết đằng sau hai pho tượng này là một câu chuyện lịch sử khá hay.

Benkei là một nhà sư vóc dáng cao lớn võ nghệ tinh tường. Tương truyền ông đứng ở đầu cầu thách thức những người không xứng đáng là hiệp sĩ đi ngang cầu. Nếu ai đánh kiếm thua ông thì phải nộp thanh kiếm của họ. Thuở ấy có loạn, các nhà sư của giáo phái này đánh nhau với giáo phái khác để tranh giành quyền lực. Ông đã thu được 999 thanh kiếm. Đến lần thứ 1000 ông thách thức một cậu trai trẻ vóc dáng nhỏ bé đó là Minamoto no Yoshitsune. Yoshitsune là một kiếm sĩ thượng thặng tuy tuổi đời non trẻ. Bị thua chàng kiếm sĩ ông xin được đầu quân dưới trướng của vị chúa này. Về sau, khi Yoshitsune bị phản bội kẻ địch bao vây, Benkei một mình đứng ở đầu cầu chống địch, để chủ rút lui vào nội thành (the keep) tự tử để giữ danh dự. Benkei giết cả 300 quân bên địch nên kẻ địch đổi chiến thuật, không cận chiến mà dùng tên. Ông bị bắn trúng người hằng trăm mũi tên nhưng vẫn không gục ngã nên quân địch không dám tiến tới tràn vào thành. Mãi về sau có người tinh ý đến gần dùng mũi giáo đẩy ông thì mới hay ông đã chết đứng.

Buổi chiều ngang qua cầu thấy hai cô gái Việt mặc áo dài, màu áo xanh thật bắt mắt.
Chập sau lại thấy hai cô ngồi ăn kem ở dọc theo một con kênh rất đẹp.

Ngày xưa, khi đường phố còn nhỏ hẹp, người ta phần lớn dùng kiệu, cưỡi ngựa, hay đi bộ, con sông nhỏ này hẳn là một thắng cảnh đáng yêu với liễu rũ hai bên bờ. Cảnh xứng với tình trong những câu thơ. Ngòi đầu cầu nước trong như lọc. Hai bên đường cỏ mọc còn non. Hay là ai về hỏi liễu Chương Đài. Ngày xưa xanh tốt biết nay có còn. Hay là Nước trong chảy lòng phiền khôn rửa. Cỏ xanh thơm dạ nhớ chẳng khuây.

Một người đàn bà Nhật đang rải thức ăn cho cá bên cạnh cây hồng sai trái.

Hôm kia nếu nhớ tôi đã cho anh chàng này vào câu chuyện những người đàn ông Nhật Bản. Thú cưng của anh chàng là một con thỏ. Anh dẫn thỏ ra bờ sông như thể đó là một con chó con.

17 thoughts on “Câu chuyện giòng sông”

  1. con xem tấm hình liễu rũ bên cầu, tự nhiên trong đầu con nhớ hai câu kiều “dưới dòng nước chảy trong veo / bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

  2. Em cũng đã đến Kyoto một vài lần, nhưng giờ mới biết những câu chuyện bên sông như vậy – nhờ chị 🙂

  3. Chôn xác dưới lòng sông ghê quá Hà. Không biết bao xác người đã được ném xuống sông.
    Con sông Danube ở Budapest thì hàng ngàn người Do Thái bị bắn xuống cho xác trôi đi.
    Sông cũng được dùng để làm nơi cremate người chết…

    Sông có sức chịu đựng vô hạn thật của tất cả vạn vật trên đời.
    p.s. Lúc Mai thấy cái title “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hà, Mai tưởng là nói đến Siddhartha của Hermann Hesse : )

    1. Hà cũng cố tình dùng cái title để câu người đọc. 🙂 Tài liệu Hà đọc không thấy nói con số người được chôn dưới riverbed. Hà đọc tài liệu về stone garden nhưng lại gặp đoạn nói về sông Kamo vì nơi này có nhiều người kawaramono, và có thể những người này đã góp phần vào công việc thiết lập vườn đá. Đúng là có những dòng sông chứng kiến biết bao thế cuộc. Ở Nhật còn có con sông ngang thành phố Uji rất đẹp và cũng đã từng đẫm máu, chẳng thua gì sông Thạch Hãn hay sông Hương.

  4. Đầu cầu này có một Ryokan rất cổ xưa, em nhớ đã có hẳn một bộ phim diễn tả sự gìn giữ nó bằng cả nghĩa đen và nghĩa bóng rất sâu sắc. Mùa hoa anh đào ở đây rất trữ tình chị à. Ngày đầu năm mới chúc chị và gia đình an khang hạnh phúc nhé chị.

  5. Luôn thích đọc thật chậm và thật kỹ những gì cô Tám viết, cảm giác như chính mình đang đứng ở đó vậy ạ.

  6. dòng sông thật đẹp. chỉ mỗi trong và sạch thôi đã đủ quyến rũ rồi cô. thêm câu chuyện nữa. con nghe kyoto là một thành phố cổ. có phải câu chuyện đẹp và buồn của ông kawabata ở đây?

    1. Trong quyển “Beauty and Sadness” có một chương nói về hai nhân vật nữ đi chùa Saiho-ji ở Kyoto. Cô đọc lâu rồi nên không nhớ là hai nhân vật nữ ấy cũng ở Kyoto hay là ở nơi khác. Bây giờ đi Nhật rồi nên cô cảm thấy dễ hình dung nơi chốn trong truyện hơn. Nhớ lúc trước đọc Kim Các Tự của Mishima cô không hình dung được chỗ anh ta chạy trốn sau khi đốt chùa, cũng không hình dung được tầng lầu thứ hai trong chùa anh ta không thể mở cửa vào để tự tử.

  7. Mới xem tựa đề tôi tưởng là câu chuyện của Hermann Hesse. Cám ơn Bà Tám đã cho xem cảnh quang nước Nhật. Tôi ước gì những con sông và kênh lạch ở nước mình cũng được chăm sóc giữ gìn đẹp đẽ thế này thì hay biết mấy.

Leave a comment