Chuyện chiếc cầu đã gãy

Hôm trước tôi kể câu chuyện giòng sông, gợi sự tò mò, và trêu ghẹo sự hiểu biết văn học thế giới của bạn đọc bằng cái tựa đề trước đây dùng cho quyển truyện của Herman Hesse. Hôm nay, cũng dùng tựa đề một bản nhạc Việt để nói về cây cầu Uji của Nhật Bản.

Cầu Uji

Cầu Uji nguyên thủy được xây vào năm 646 do nhà sư Doho của chùa Phật Giáo Gangouji Temple ở Nara.  Cây cầu hiện nay được hoàn tất vào tháng Ba năm 1996.  Tương truyền rằng Toyotomi Hideyoshi đã lấy nước sông này để nấu trà.  Toyotomi Hideyoshi (1537-1598) là một lãnh chúa địa phương, có công hàng thứ nhì trong việc thống nhất Nhật Bản.  Ông rất yêu thích trà đạo cũng như kịch Noh.  Đã từng học thuộc những đoạn kịch và tự biểu diễn cho vua xem.  Cầu Uji bị gãy nhiều lần, không phải tự nhiên gãy mà do bị phá hoại trong chiến tranh.

Thành phố Uji nằm về phía Nam Kyoto, từ nhà ga Kyoto đến Uji chừng hai mươi phút xe lửa. Nổi tiếng có trà xanh rất ngon, Uji còn là bối cảnh trong mười chương cuối cùng của quyển “The Tale of Genji” (Câu chuyện về Hoàng tử Genji). Đây là quyển truyện rất quan trọng trong nền văn học Nhật Bản, như truyện Kiều trong văn học Việt Nam. Tương truyền, “The Tale of Genji” là quyển tiểu thuyết đầu tiên và tác giả của nó, Lady Murasaki Shikibu là nhà văn đầu tiên cũng là nhà văn nữ đầu tiên của thế giới. Genji là một hoàng tử rất tuấn tú, đẹp đến độ như phát ra ánh sáng, khiến người ta gọi ông là the Shining Prince. Tác giả Murasaki Shikibu là một phụ nữ thuộc dòng quí tộc, không phải chỉ là tì nữ mà là Lady-in-Waiting, cận kề với hoàng hậu và còn được tham gia lễ nghi ở triều đình. Quyển truyện được hoàn thành vào khoảng 1019 giữa thời kỳ Heian (794-1185).

Tượng của Lady Murasaki Shikibu. Phía sau là cầu Uji. Ảnh chụp từ hướng bên Byodoin Temple (Nara) nhìn về hướng UJi shrine (Kyoto)

Vào thời kỳ Heian, giao thông còn giới hạn, ít đường và cầu. Cầu Uji giữ một vị trí chiến lược quan trọng nối liền Nara và Kyoto. Cầu bị phá hủy lần đầu tiên vào đầu thập niên 1180, mở đầu cho cuộc chiến tranh Genpei, trong trận đánh cầu Uji lần thứ nhất.

Hoàng tử Mochihito, dòng dõi Minamoto, có hy vọng được truyền ngôi hoàng đế, bị kẻ địch thuộc dòng họ Taira rượt đuổi ráo riết, túng thế ông chạy đến chùa Mii-dera ở ngoại ô Kyoto. Rủi ro cho ông, có một số ít sư đánh trận của chùa (warrior monks) này lại ủng hộ phái Taira. Lực lượng phái Minamoto bị số nhà sư theo Taira ngăn chận, nên không đến kịp để cứu viện. Hoàng tử, cùng với Minamoto no Yorimasa (samurai quân sư thân tín) và khoảng 1500 quân lính chạy về hướng Nara, qua khỏi cầu Uji, gần chùa Byodo-in, thì ra lệnh tháo gở tất cả gỗ lót cầu, với hy vọng chận đứng quân Taira.

Quân Taira tìm chỗ cạn vượt sông. Đứng đầu lực lượng Taira có một vị tướng trẻ, Ashikaga Tadatsuna, tuy thuộc dòng Minamoto nhưng lại chiến đấu rất trung thành với dòng họ Taira. Tương truyền Tadatsuna có sức mạnh bằng 100 người nhưng vị dũng tướng này cùng với cha bị một người cận vệ phản bội giết chết. Dưới sự lãnh đạo của vị tướng trẻ này, quân Taira tấn công ráo riết.

Yorimasa cố gắng cứu hoàng tử nhưng ông bị một mũi tên bắn trúng cùi chỏ. Trong khi hai con trai của ông chiến đấu trong tuyệt vọng để bảo vệ cha và hoàng tử, Yorimasa tự tử bằng seppuku (tự mổ bụng là cái chết can đảm để giữ thanh danh). Hoàng tử Mochihito bị quân Taira bắt và giết chết.

Lần thứ hai, vào năm 1184, cầu lại bị phá hủy. Minamoto no Yoshinaka, vì ghen tị chức lãnh đạo với Yoritomo và Yoshitsune, đã mang quân vào Kyoto đốt hoàng cung và bắt cóc hoàng đế Go-Shirakawa. Lần này không phải quân Taira mà chính dòng họ Minamoto rượt đuổi theo. Yoshinaka cho tháo gỗ lót cầu, Yoshitsune cỡi ngựa vượt sông và sau đó đánh bại Yoshinaka.

Năm 1221, trận đánh cầu Uji xảy ra lần thứ ba. Đây là trận chiến quyết định giữa một vị shogun Hojo Yoshitoki muốn lật đổ hoàng đế Go-Toba. Lực lượng bafuku của Shogun không chỉ tấn công cầu Uji mà dàn quân dọc theo sông Uji. Quân hoàng đế cầm cự khá lâu nhưng cuối cùng cũng bị thua.

Sông Uji là con sông rất đẹp, chi nhánh này bắt nguồn từ hồ Biwa. Cũng như sông Kamo ở giữa Kyoto, sông Uji có nhiều chỗ khá cạn, nước rất trong và dọc theo bờ sông có rất nhiều chim cò. Đứng từ cầu Uji nhìn về hướng Tây thấy cầu dành riêng cho xe lửa tuyến đường Kyoto-Nara.

Nhìn về hướng Đông bạn sẽ thấy Tachibana, một hòn đảo nhỏ xinh xắn. Ở trên hòn đảo này có một công viên nhỏ. Ở một đầu của đảo, hướng gần cầu Uji, là cầu Tachibana nối liền địa phận chùa Byodo-in với đảo.

Qua khỏi cầu Tachibana, quẹo sang tay phải là cầu Asagiri màu đỏ nối liền đảo với địa phận dẫn đến Uji shrine, Ujikami Shrine và viện bảo tàng “The Tale of Genji.” Số tôi xui nên đến vào lúc viện bảo tàng này đóng cửa nguyên một tháng.

Cầu Asagiri. Ở gần chân cầu là tháp stupa bằng đá có 13 tầng.

Đi đến gần cuối đảo du khách sẽ gặp thêm một cái cầu nữa cũng màu đỏ tên là cầu Kisen. Cầu này nối liền đảo với con phố có quán trà và nhà hàng dọc theo bờ sông. Nơi đây cũng là bến thuyền câu cá ban đêm bằng loài chim săn cá cormorant. Cách săn cá này rất phổ biến ở Trung quốc và một vài quốc gia khác như Hy-lạp, North Macedonia, và cả Anh Pháp. Người ta đốt lửa trên thuyền để soi sáng. Chim cormorant bị bắt đeo khoen cổ, vẫn đủ rộng rãi để chim thở được nhưng không thể nuốt cá được do đó phải nhả cá ra cho ông chài. Cuối buổi săn thì cormorant sẽ được thưởng cá. Đốm lửa đốt trên thuyền chài đã làm tôi nghĩ đến câu thơ, “giang phong ngư hỏa đối sầu miên” dù vẫn biết có thể ngư hỏa đây mang nghĩa khác. Tức cái là không biết đọc chữ Hán để có thể hiểu nhiều hơn. Tưởng chuyện săn cá bằng chim chỉ là cổ tích hay bịa đặt trong phim ảnh để thu hút người xem, té ra có thật.

Cầu Kisen
Bến thuyền dưới chân cầu Kisen. Đây là những chiếc thuyền chở du khách thưởng ngoạn phong cảnh. Thuyền dung để đi săn cá bằng chim cormorant cũng giống như thuyền này nhưng không có mui. Trên bờ bên trái là quán trà và nhà hàng.

Từ chỗ này nhìn xuống bến thuyền, trên bờ có liễu rũ, tưởng tượng mùa xuân ắt đẹp lắm với hoa đào mọc rải rác khắp nơi. Tôi đến lúc mới chớm đổi màu lá thu nên không lộng lẫy lắm, nhưng cảnh thuyền trên sông vẫn đủ làm tôi nghĩ đến một bài thơ Đường trong đó có câu “dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.” Và trước đó đã thầm nghĩ sao thơ mộng giống “Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự” trong óc tưởng tượng của mình quá vậy. Thì đó cách chùa Phật giáo Byodo-in có vài quảng đường chứ mấy. Chùa có cái đại hồng chung nhưng không được dùng mà bị cất vào viện bảo tàng. Núi Mt. Buttoku cũng gần đó ở bên kia bờ sông. Đi bắt cá dùng chim cormorant tôi tưởng chỉ có trong tiểu thuyết hay phim ảnh giả bộ cho đẹp thôi ai dè có thiệt. Tôi thấy cái chuồng nhốt mấy chục con chim ở ngay gần cầu Kisen.

Tháp đá Eison

Đây là tháp bằng đá mười ba tầng cao nhất Nhật Bản do Eison, nhà sư chùa Saidaiji Temple, xây từ năm 1286.  Tuân hành pháp giới không sát sinh, Eison đem chôn tất cả dụng cụ đánh cá và từ chỗ chôn này ông xây tháp để cầu nguyện cho sinh linh bị sát hại trong đó có loài cá và cũng để cầu nguyện cho người qua lại cây cầu được an toàn.

Vậy đó, một chiếc cầu đã gãy cho thấy những điều bí ẩn trong lịch sử Nhật Bản. Một quốc gia chưa từng bị nước ngoài đô hộ, nhưng lịch sử họ triền miên những cuộc nội chiến. Một giòng sông nước trong tinh khiết cũng là con sông đẫm máu qua nhiều triều đại. Cuộc chiến giữa dòng họ Taira và Minamoto được ghi lại qua nhiều vở kịch kabuki và Noh. Bạn nào thích xem phim Nhật có lẽ đã biết Kwaidan, nói về sự tích nhà sư mù Hoichi bị mất một lỗ tai. Bởi vì hồn ma của hai dòng họ tử chiến trên sông Uji thích nghe tiếng đàn của Hoichi đến độ họ muốn bắt Hoichi về cõi âm. Hòa thượng thầy của Hoichi viết kinh Bát Nhã che lấp hết thân thể Hoichi nhưng còn sót lại cái lỗ tai chưa được che bằng kinh Bát Nhã. Các hồn ma nắm tai lôi kéo Hoichi đi đến độ bứt đứt lỗ tai. Trong trận chiến đó, một vị phu nhân đã bế hoàng tử chừng 2 hay 3 tuổi nhảy xuống sông tự tử. Không phải sông Uji này đâu, mà là Shimonoseki Strait ở gần mũi phía Nam của đảo Honshu.

Thời gian bôi xóa hết những dấu vết đẫm máu của một chiếc cầu đã gãy. Ba lần.

One thought on “Chuyện chiếc cầu đã gãy”

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s