Cô út của tôi, hồi Giáng sinh về, cài vào TV một số chương trình (hay ứng dụng) như Netflix, Hulu, National Geographic, YouTube, PBS. Với tôi nó là món quà rất thú vị và đó là nguyên nhân khiến tôi không thể viết một bài dài có đầu có đuôi. Thì giờ tôi dùng để tận hưởng phim ảnh và các chương trình nối tiếp (series – phim bộ nhiều tập) .
Tôi thường nghĩ rằng, làm gì có cái gọi là tình yêu. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, mình già quá rồi nên không còn nhớ tình yêu nó ra làm sao, chứ người ta còn trẻ đang yêu hoặc đang đi tìm tình yêu, biểu không có tình yêu làm sao đồng ý cho được. Rồi lại tự hỏi, bây giờ người trẻ họ yêu làm sao? Và lúc nào thì các bạn trẻ biết là mình rơi vào cái hố hay cái bẫy tình yêu. A! Xin bạn tha lỗi cho cái giọng điệu tiêu cực này, chẳng qua là người Anh Mỹ cứ dùng chữ fall in love nên nó gợi cho tôi cái tưởng tượng, yêu là một sự vấp ngã, té vào, rơi vào. Mà vấp ngã thì chắc là đau.
Muốn biết người ta bắt đầu yêu như thế nào, tôi tìm trong phim. Phim cũ có nhiều nhưng có phần lạc điệu, còn phim mới thì đầy ra đó trên Netflix. Cứ mở ra là thấy “Crash Landing on You” (Lạc cánh tình đậu phải vai anh, hay lưng anh?) Dịch đại, tầm bậy tầm bạ bạn bỏ qua nha. Tôi xem thử nhưng không cảm thấy hấp dẫn nên thôi. Có nhiều bộ phim, ngó chừng chẳng có liên quan về tình yêu thì lại lôi cuốn tôi đủ để xem hết chương trình. “Midnight Diner” của Nhật. “Chocolate” và “My Love Holo” (Hàn). “Virgin River” của Mỹ.
“Midnight Diner” bao gồm những câu chuyện ngắn xảy ra trong khung cảnh một tiệm ăn của Nhật mở cửa từ nửa đêm đến bảy giờ sáng. Xem nhiều nhưng quên hết, chỉ nhớ có một câu chuyện về một cô gái nhan sắc trung bình, không được người săn đón yêu chìu vì vậy cô thường yêu một chiều. Cứ mỗi lần có người nào tử tế vui vẻ với cô một chút là cô yêu. Và cô đan áo len tặng người ta. Người ta này là anh sếp của cô. Tiếc một cái là anh sếp đã có người yêu, cô nàng ấy lại khá xinh xắn, anh chẳng thích màu áo nhưng cũng vị tình mặc cái áo một lần và nói (láo) là anh thích cái áo này. Người yêu của anh sếp vì ghen nên xé cái áo, đứt phần cánh tay. Anh sếp đưa cái áo cho một người đồng nghiệp, kể rõ câu chuyện, nhờ người đồng nghiệp (hay nhân viên dưới quyền) đem vứt cái áo đi. Anh đồng nghiệp lại đem lòng yêu cô gái nhan sắc trung bình từ lâu nhưng bản tính rụt rè nên không nói. Anh nhờ cô gái dạy anh đan cái khăn quàng cổ để anh tặng người yêu. Cuối cùng trải qua mấy đoạn phim, bao nhiêu ngộ nhận dở khóc dở cười, cả hai nhận ra tấm lòng của người kia. Không phải ai yêu cũng biết cách bày tỏ và người được yêu nhiều khi không nhận ra tình yêu chân thật dành cho mình bởi vì đầu óc và tâm hồn đã chứa nhiều data quá nên không còn chỗ trống.
“Chocolate” thoạt tiên tôi nghĩ là phim về thức ăn, kẹo bánh. Trong phim này thức ăn, chỉ là một phần nhỏ để chiêu dụ người xem. Nhân vật nam (chính) là bác sĩ giải phẫu óc, bị giáng chức, bị đày vào làm ở một hospice (nhà thương nơi chứa người bệnh nặng chờ chết). Nhân vật nữ là một cô gái nấu ăn cho nhà thương này. Họ gặp nhau từ lúc còn bé chừng mười hay mười hai tuổi, nhưng lâu ngày họ quên nhau. Cô bé được cậu bé tử tế đãi một bữa ăn ngon khiến cô nhớ mãi, và có lẽ yêu cậu bé từ lúc ấy. Anh bác sĩ nhận ra mình cứ quan tâm và lo lắng cho cô đầu bếp dù nghề nghiệp và đời sống của chàng đang hồi xui xẻo gặp nhiều tai họa rất gian nan. Từ lúc gặp nhau cho đến lúc cuối chương trình họ chính thức yêu nhau hình như kéo dài 16 tập phim, mỗi tập ngót nghét một giờ đồng hồ. Tình yêu kiểu soap opera của người Á châu xảy ra thật chậm chứ không đột nhoáng như các phim tình yêu của Mỹ. Ờ ờ, phim thì chỉ có 2 tiếng đồng hồ thôi nên phải làm cho lẹ.
“My love Holo” nói về một cô gái yêu một chàng đẹp trai lịch lãm, nhưng chàng trai ấy lại chỉ là một cái hologram. Cũng phải 10 tập phim thì họ mới chính thức làm một đôi tình nhân. Họ yêu nhau qua những chăm sóc, thăng trầm, giải cứu mạng sống của người yêu. Tôi quên hầu hết chi tiết, bạn phải xem thì mới thấy lúc nào người này ngã vào vòng yêu thương của người kia. Ở trong “Chocolate,” có một đoạn cô gái ngủ gật trên cái ghế ở bờ biển. Suốt đêm qua cô lái xe chở anh bác sĩ đi đám tang một người láng giềng cũ, một người mà anh yêu mến như cha. Anh bác sĩ đã ngồi xổm trên mặt cát, để cô gái dựa đầu vào ngực anh ngủ mấy tiếng đồng hồ. Khi đứng dậy chân anh tê phải đi khập khiễng. Tình yêu của người trẻ là như vậy đó.
Phim và các bộ phim của Hàn tràn ngập trên Netflix đủ thấy họ xâm nhập thị trường phim ảnh Anh Mỹ khá hùng mạnh. Họ được Oscar cho “Parasites” bây giờ nhưng họ đã thiết lập quan hệ và phát triển mối quan hệ này thật sâu đậm từ lâu.
Viết về tình trẻ nhiều rồi nên cũng phải nói qua một chút tình già, cho đúng với cái tựa đề đặt sẵn. Tối qua tôi xem Our Souls at Night, Jane Fonda và Robert Redford. Tôi thích Redford nhưng không ưa Fonda, giá mà thế Fonda bằng nữ diễn viên khác chắc tôi thích hơn. Fonda trong vai Addie, ông Redford đóng vai tên gì tôi không nhớ. Cả hai đều góa vợ góa chồng và có lẽ tuổi đã bảy mươi hay hơn. Một buổi tối, Addie đến nhà ông Redford, nói: “Chúng ta là láng giềng với nhau, tôi đề nghị mỗi đêm ông đến nhà tôi ngủ chung với tôi. Người già thường khó ngủ nhất là về đêm.” Trong khi ông Redford còn đang chưng hửng chưa biết trả lời làm sao thì bà nói tiếp: “Không phải chuyện sex siếc gì đâu. Chuyện đó tôi đã chịu thua lâu lắm rồi. Tôi chỉ muốn có người ngủ chung trò chuyện vậy thôi.” Và ông đồng ý. Ban ngày ông sống cuộc sống của ông. Ban đêm ông kể với bà chuyện ban ngày của ông. Và may mắn thay họ hợp chuyện với nhau, họ kể chuyện quá khứ, vui buồn, hạnh phúc lẫn bất hạnh, dần dần họ yêu nhau, và tình già cũng sex siếc này nọ chứ không hoàn toàn ăn chay.
Cả tình trẻ lẫn tình già, họ đều có điểm chung, là họ quan tâm săn sóc lẫn nhau, làm những việc mà người này biết là người kia thích, họ hợp chuyện với nhau, khen ngợi nhau. Họ có thể cùng nấu ăn với nhau mà không cãi nhau. Họ hợp nhau đến độ sự khác biệt hay khiếm khuyết của người này lại có thể là một sự hoàn tất của người kia,
Tình yêu, ai cũng bảo là khó giải thích, khó định nghĩa. Xem bao nhiêu phim thì cũng thấy đúng như vậy. Nói thì khó, nhưng nhìn vào thì biết họ yêu nhau.

Con xin lưu lại để xem dần cô nhé. Cái phim crash gì gì đó con cũng coi được mỗi 1 tập, lần gần đây nhất xem về tình yêu là Love, Rosie 🥰
LikeLiked by 1 person
Cám ơn cháu.
LikeLike
Cháu cũng xem Chocolate nữa nè, mấy cái phim kiểu buồn buồn thế này không phải gu của cháu, nhưng xem rồi cũng thấy ổn phết, mỗi tội nhịp phim chậm thiệt. Còn My love Holo thì nhiều đoạn cháu không thích nhân vật nữ chính lắm nên xem chỉ tua thôi.
LikeLiked by 1 person
Phim My Love Holo được cái là thời trang rất đẹp. Hình ảnh của phim, filmtography, cũng rất tuyệt, chẳng thua gì phim Mỹ. Phim tập giống như TV film mà họ cũng cầu kỳ lắm. Cả hai phim đều có chỗ không ổn, nhưng xem giải trí giết thì giờ thì cũng khá. Kỹ thuật kéo dài phim của họ khá giống với kỹ thuật của người Mỹ. Chẳng biết nước nào ảnh hưởng nước nào.
LikeLiked by 1 person
Dear Hà,
Dã-Thảo bây giờ không xem phim, chỉ thích lang thang trên mạng. Sáng nay đọc bài viết của Hà khiến DT cười rất nhiều, Hà có biết là Hà viết văn dí dỏm dễ thương không? Xem phim đi Hà rồi kể cho Thảo đọc với nghe.
Cảm ơn Hà rất nhiều,
Nhờ cười mà bước chân không thấy mệt🌹❤😁
DTQT.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn DTQT. Hà thích được khen là viết dí dỏm, chứ thật ra Hà rất nghiêm nên luôn có cảm giác là mình viết khô khan quá.
LikeLiked by 1 person
Con xem Midnight Diner cũng đoạn nhớ đoạn quên. Mà phim đó con ấn tượng hoài phần nhạc mở đầu, buồn ơi là buồn.
LikeLiked by 1 person
Cô ít khi nghe nhạc thấy buồn, bởi vậy không bị ảnh hưởng lắm. Cô chỉ nghĩ những mẩu chuyện ngắn như vậy thật hấp dẩn, nếu viết thành truyện ngắn chắc đọc cũng hay.
LikeLiked by 1 person
“Crash Landing on You” (Lạc cánh tình đậu phải vai anh, hay lưng anh?) Ở Bên VN nó có tên là “Hạ cánh nơi anh” đó chị. Thu hút người xem lắm.
“Tình yêu kiểu soap opera của người Á châu xảy ra thật chậm chứ không đột nhoáng như các phim tình yêu của Mỹ.” – đoạn này em đồng ý nè. Em cũng thhấy người Châu Á yêu ngoài đời cũng chầm chậm nữa, ko hấp tấp như Tây, Mỹ.
LikeLiked by 1 person
“Hạ cánh nơi anh” nghe rất chính xác, và ngắn gọn. Hay lắm. Tuy vậy chữ crash landing không chỉ là hạ cánh nhẹ nhàng. Hạ cánh chỉ là landing chứ không crash. Nói vậy chứ dịch như vậy là hay rồi. chứ cô dịch thì chỉ là dịch chơi (chắc thế nào cũng có người rủa là dịch vật).
LikeLike
nếu dịch “gãy cánh nơi anh” cô thấy sao cô hihi
LikeLike
Cũng hay.
LikeLiked by 1 person
bộ Midnight Tokyo con coi từ năm ngoái, tập mở đầu nói về diễn viên đóng loạt phim 5 anh em siêu nhân hồi đó con xem quá trời sau về vườn rồi thành ái nam ái nữ. tập đầu mùa thứ 2 cũng dễ thương khi kể về bà mẹ bỏ con sau nó thành người nổi tiếng đăng kiếm lại mẹ. mà món ăn ưa thích của ảnh là cơm gà chiên. bà mẹ chỉ lặng lẽ đến quán ăn ăn món đó rồi ngồi khóc, nói người bỏ con như mình không xứng nhìn mặt con. phim nào cũng cảm động hết trơn. cái quán cũng hợp với mấy chuyện tình người nho nhỏ vậy
LikeLiked by 2 people
Chắc cô biết phim này là từ cháu hay một bạn trẻ nào đó trên blog. Lúc ấy xem chưa hết một phim vì phải xem qua computer, ngồi lâu cô chán. Cô cũng thích tập phim bà mẹ với món cơm gà chiên. Midnight Diner có vẻ gần gũi với cách suy nghĩ của người VN, đó là một trong những điểm làm cô thích nó.
LikeLiked by 1 person
Cháu cũng thích xem Midnight Dinner, mỗi tập nó là câu chuyện riêng nên xem lúc nào cũng được, không cần phải theo suốt cả bộ.
Phim tình yêu thì cháu thích điện ảnh hơn là xem phim truyền hình. Trên netflix có 500days of Summer – tình trẻ và Dear Ex – Phim Đài Loan đề tài tình yêu đồng tính là hai bộ phim cháu thích.
LikeLiked by 1 person
Cô cũng thích phim 500 days of Summer, thấy kết cục cũng hợp lý.
LikeLiked by 1 person
Con cảm ơn cô đã review chi tiết ˆˆ Có một vài nội dung khá hợp với con.
P/S: Con cũng không bị phim Hàn hút cô ạ.
LikeLiked by 1 person
Cô Hải Hà ơi, cô viết mượt mà thật đấy, đầy lãng mạn. Các phim cô kể cũng rất là ngọt ngào.
Cô có muốn đọc một bài … khô khan về tình yêu ? Xin mời https://diendankhaiphong.org/tinh-yeu-duoi-vai-goc-nhin/
Không phải khoe, đó chỉ là một số điều tôi biết về tình yêu.
Chúc cô và ông Tám hạnh phúc với … tình già.
Bên phía chúng tôi, cũng là tình già từ hơn 47 năm nay ! (tự nhiên không bị đánh mà khai đó)
LikeLiked by 1 person
Cám ơn chị Mai, một bài biên khảo thật tinh tế và bao gồm nhiều mặt. Bốn mươi bảy năm, thật là tuyệt diệu.
LikeLiked by 1 person