Tránh những chỗ đông người, thậm chí đến đi chợ tôi cũng ngại ngùng, tuy vậy trong vòng tiểu bang New Jersey người ta vẫn đi lại bình thường. Mấy bữa trước tôi xuống biển. Vào rừng là chuyện bình thường. Mấy hôm nay tôi lên núi và vào đầm lầy.

Liên tiếp mấy hôm liền, buổi sáng chừng 6 giờ mấy hay 7 giờ bầu trời như thế này đây. Nắng chiếu trong rừng sau nhà màu đỏ, hay màu cam, chuyển sang vàng, sau đó nắng trở lại bình thường, rực rỡ. Chim hót khắp nơi. Bước ra sau nhà là cảm thấy mùa xuân về.

New Jersey có hình dáng tương tự như Việt Nam, bờ biển dài hình cong như chữ S. Miền Bắc hình rẽ quạt. Phía Nam có mũi Cape May giống như Cà Mau. Diện tích NJ bằng 1/15 diện tích VN. Dân số NJ bằng 1/11 dân số VN. Miền Bắc NJ có nhiều núi, tuy vậy núi không cao lắm. Mấy hôm trước tôi đến High Point nơi có độ cao nhất NJ.

Hôm ấy nhiệt độ trong ngày cao nhất là 47 độ F (khoảng 8 hay 9 độ C.). Thường thường nhiệt độ cỡ này là đã ấm áp cho những buổi đi rừng, tuy vậy, khi lái xe đến High Point Park, tôi thấy dọc đường vẫn còn tuyết đọng trắng hai bên lề, có vẻ như tuyết rơi nhẹ từ đêm trước. Dù nắng chan hòa nhưng tuyết không tan, như thế, trên núi, lúc giữa trưa có lẽ nhiệt độ vẫn còn chừng 30-34 độ F. Chúng tôi lên đến chân của cái tháp, gió mạnh và tôi có cảm giác lạnh hơn nhiều. Ông Tám hôm ấy mặc áo mong manh nên rút lui sớm. Chỉ bấm vài tấm ảnh mà tay tôi lạnh cóng. Lúc từ dưới chân núi đi lên, ngang qua cái hồ rộng rất đẹp, chỗ lý tưởng để chụp ảnh cái tháp, tôi định bụng khi trở về sẽ chụp, nhưng lúc trở về đi ngang hồ, thấy ông Tám lạnh quá không có vẻ muốn ngừng nên thôi. Kinh nghiệm dọc đường gió bụi của tôi, thấy gì muốn chụp ảnh là phải làm ngay, đừng để chút nữa vì có thể bạn sẽ không bao giờ có cơ hội nữa.

Phía Nam của NJ có nhiều đầm lầy. Đi dọc theo bờ biển phía Đông NJ có sáu hay bảy cái hải đăng, có cái còn hoạt động có cái chỉ để làm cảnh cho du khách chụp ảnh. Ngay ở mũi Cape May có một công viên cấp tiểu bang cũng có hải đăng Cape May. Ở hướng Tây Nam của NJ có một nghĩa địa cấp quốc gia, nghe nói khá đẹp, ở nơi này cũng có một hải đăng không còn hoạt động. Hải đăng này có hình dáng khá lạ tôi chưa đến nhưng thấy trên mạng. Phải cuối tháng Ba các hải đăng mới mở cửa cho du khách vào xem. Tôi với ông Tám đi đến công viên Allaire, một trong những vùng đầm lầy của NJ.


Trên đường đi chúng tôi đi ngang một chỗ mà từ đường cao tốc người ta bảo rằng đây là nơi dành riêng cho người ngắm cảnh. Scenic viewpoint. Đây là chỗ ngắm một con sông rất rộng, nếu là mùa thu thì cảnh đẹp lắm, nhưng ngay lúc ấy tôi không chụp được gì vì khắp nơi đều bị bao vây bằng hàng rào để bảo vệ người xem, không cho nhào xuống sông. Thấy có bảng chỉ dẫn vào các đường hiking và vào đầm nuôi chim. Ảnh phía trên chụp bên trong cầu bắc ngang đường cao tốc, hai bên hàng rào có các ổ khóa của những cặp tình nhân mơ ước khóa tim nhau đến trọn đời.


Beautiful scenery Hà ơi. Vòm cầu có ổ khóa và hoa ấn tượng nhất, có thể đặt tên nó là “Love Bridge” : )
Ý niệm hình cây bắt tay nhau rất dễ thương.
Hà có những cái “dễ thương” bất ngờ.
Covid 19 is devastating, nhưng trong một khía cạnh nào đó, Mai vẫn nghĩ biết đâu đó là một hồi chuông cảnh tỉnh con người.
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Mai đã khen tấm ảnh. Nhiều người ác miệng nói, nếu mà không giàu, không có tiền đi du lịch chỗ này chỗ kia, thì có thể không nhiễm bệnh đến chết. Hay là bệnh này do người giàu mang đến cho người nghèo. Người giàu thì có tiền trị bệnh. Người nghèo thì tùy số trời, trời kêu ai nấy dạ. Ngày xưa, thực dân mang những chứng bệnh hiểm nghèo đến các xứ thuộc địa, người dân không có gene chống bệnh có khi chết nguyên làng. Bây giờ là đại dịch, cứ nghĩ một ngày nào đó, nguồn nước bị nhiễm bệnh, hay bỗng dưng cả thế giới trở nên cạn nước. Kinh thánh có kể nạn đại hồng thủy có con tàu Noah. Nếu có nạn đại hạn hán thì điều gì sẽ cứu giúp nhân loại? Hà hay lẩm cẩm nghĩ những chuyện xa xôi, hoang tưởng, không biết tại sao và để làm gì?
LikeLiked by 2 people
Ước chi cả thế giới unite để cùng chiến đấu với đại dịch này nhỉ.
LikeLiked by 2 people
Hà cho phép Mai share một bài viết rất hay này ở đây nhé. It said everything I wanted to say:
Những kệ hàng trống hoác, những phi trường vắng tanh, những nhà hàng không bóng người, những giáo đường không giáo dân, những sân trường lặng ngắt, những khu phố vắng hoe… Thế giới chưa bao giờ như thế này. Tưởng chỉ có trong phim hoặc truyện giả tưởng. Thế mà trực nghiệm ngay trước mặt. Chiến tranh có lẽ cũng không tạo ra hình ảnh kỳ lạ và đáng sợ như vậy. Không tiếng súng nhưng chết như ngã rạ. Kinh hoàng thật sự. Chỉ một con virus, thế giới đã được san phẳng. Chỉ một con virus, nhiều thứ đã lộ ra.
Sự phơi bày kinh khủng nhất mà coronavirus mang đến không phải là những khiếm khuyết của sự vận hành chính quyền, từ chính quyền cộng sản đến chính quyền tư bản; cũng không phải những lỗ hổng của kỹ thuật y học; cũng không phải sự mơ hồ về ý chí chống dịch bệnh. Trên tất cả, nó làm lộ ra những khoảng trống giữa con người với con người mà sự giao tiếp bình thường vốn mang lại “cảm giác” rằng quan hệ con người thời văn minh đã đạt đến tầm ngưỡng xứng đáng là những giá trị văn minh căn bản. Hóa ra “cảm giác” đó chỉ là ảo tưởng, như những gì chứng kiến từ khi trận dịch bắt đầu.
Kỳ thị, mỉa mai, xúc xiểm, mạ lỵ, thù ghét, giận dữ, trách móc…, tất cả đều trỗi dậy và lan nhanh hơn cả dịch bệnh. Giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội để tránh lây lan là một trong những lời khuyên được nghe nhiều nhất trong trận đại dịch. Nhưng không ai khuyên ai, chẳng tổ chức y tế nào đề nghị, người ta cũng đã tạo ra những “khoảng cách” giữa con người với con người, với những che chắn định biên bằng những bức tường kỳ thị, bằng những rào chắn thù nghịch, bằng những đánh giá và nhận xét được mặc định đúng-sai theo những “cách hiểu” mà bản thân nó ít nhiều đã hàm chứa tỷ lệ sai nhiều hơn đúng.
Những khoảng cách này đáng sợ hơn nhiều so với những khoảng cách vật lý mà giới y tế khuyên nên thực hiện. Những khoảng trống trong tình người trong thời đại dịch đáng sợ hơn những khoảng trống trên các kệ hàng được vét sạch bởi tâm lý hoảng sợ giữa mùa đại dịch. Những kệ hàng rồi sẽ được lắp đầy. Khoảng trống trong tình người thì lấy gì lắp vào? Những phi trường vắng ngắt trông thật ghê rợn nhưng có lẽ chẳng ghê rợn hơn so với sự thiếu vắng tình đồng loại. Những tiếng ồn ào quát tháo chen nhau vét hàng cũng kinh khủng tương đương tiếng chửi rủa và xỉa xói trên mạng xã hội thời khủng hoảng đại dịch.
Coronavirus cho thấy thế giới dường như vẫn chưa văn minh như được tưởng. Con người vẫn chưa văn minh như tự nhận. Khoa học vẫn đang miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trị coronavirus nhưng bản thân con virus đã mang đến một cuộc xét nghiệm toàn cầu để giúp thấy được “sức khỏe” của văn minh toàn cầu lẫn “khả năng đề kháng” trước sự lây nhiễm và lan rộng ác tâm trong nền văn minh toàn cầu. “Thiện, ác, tà” chưa bao giờ biến mất và vẫn tồn tại với nhân loại cùng lịch sử của nó nhưng coronavirus đã một lần nữa cho thấy thế giới được mặc định văn minh vẫn không dứt khỏi được câu hỏi tại sao cuộc chiến lương tri con người sau hàng ngàn năm qua vẫn tiếp diễn mất cân bằng giữa một “thiện” và hai “ác, tà”.
Thế giới có thể không bao giờ trở lại như một thế giới thời “tiền coronavirus” nhưng liệu thế giới có nghiệm ra được rằng họ đã mất gì nhiều nhất, không chỉ các tổn thất kinh tế, nếu không phải là những giá trị tình người?
Mạnh Kim
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Mai. Bài viết thật hay.
LikeLike
Cháu cũng thích ảnh 2 cái cây bắt tay! Con người sợ COVID-19 chứ nature đâu có sợ 🙂
Thực ra mặt tích cực của virus này là giảm ô nhiễm. Mọi người cũng đang tập thích nghi với tình huống mới nhanh hơn (chủ động phòng dịch, học online, mua đồ online, v.v.). Chứ cứ ignorant như Europe thì tan hoang hết. Nói thì nói vậy chứ vẫn mong dịch qua mau.
LikeLiked by 2 people
Cám ơn Len. Nhiều khi trở lại thời kỹ thuật chưa tân tiến, người ta có thể hưởng thụ những thứ hạnh phúc đơn giản hơn, chậm rãi hơn.
LikeLiked by 1 person
Chào bác. Không biết bác có thể bỏ ít thì giờ và nói chuyện với cháu được không?
LikeLiked by 1 person
Theo Hải Hà đi dạo khắp nơi,
Vậy cũng đủ cho Dã-Thảo rồi,
Hình nào cũng đẹp Hải Hà ơi,
Corona đứng xa mà ngó.
Phải không Hà, bạn ấm ở nơi xa?
DTQT.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn DTQT đã tặng cho bài thơ.
LikeLiked by 1 person
Thích thiên nhiên như vầy quá. Cảm ơn những bài viết chia sẻ của cô.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn An.
LikeLike